Vietnamdefence.com

 

Mỹ do thám cả thế giới

VietnamDefence - Những ngày gần đây đã gần như lập kỷ lục về số lượn tin tức về các nỗ lực của Mỹ và các đồng minh thân cận kiểm soát người dùng mạng máy tính toàn cầu.

Ngày 16/2/2015, công ty bảo mật nổi tiếng của Nga Kaspersky Lab thông báo phát hiện một loại virus toàn cầu, xâm nhập theo dõi gần như mọi lĩnh vực quân sự và dân sự ở hơn 40 quốc gia.

Virus gián điệp này được cài vào ổ cứng máy tính gần như là ngay từ khi sản xuất và tình báo Mỹ có liên quan trực tiếp đến việc cài cắm này.

Ngày 18/2/2015, tờ báo The Guardian (Anh) tiết lộ tình báo Mỹ và Trung tâm Thông tin liên lạc chính phủ GCHQ (cơ quan tình báo điện tử chủ yếu của Anh) đã trao  đổi thông tin về thư tín điện tử chặn thu được không chỉ của người Mỹ, Anh mà cả của hàng triệu người nước ngoài trong 7 năm nay. Các hành động này đã bị ngay cả một tòa án đặc biệt của Anh xác định là sự vi phạm trực tiếp các công ước quốc tế về quyền con người.

Còn ngày 19/2/2015, được biết Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA và đối tác Anh GCHQ đã đánh cắp các khóa mã của nhà sản xuất thẻ SIM điện thoại di động lớn nhất thế giới là công ty Hà Lan Gemalto. Điều đó cho phép tình báo Mỹ, Anh từ năm 2010 nghe lén điện thoại và chặn thu dữ liệu từ mọi phương tiện liên lạc di động có sử dụng SIM do Gemalto sản xuất.

Trang The Intercept đăng tải thông tin cáo giác này và cho biết, công ty Gemalto được thành lập 9 năm trước sau khi sáp nhập công ty Axalto của Pháp và Gemplus International của Luxemburg, có văn phòng đại diện ở 85 nước và hơn 40 nhà máy, có quan hệ làm việc với các nhà mạng di động quốc tế hàng đầu như AT&T, Verizon và T-Mobile và nhiều hãng khác. Bộ phận báo chí của các nhà mạng Mỹ Sprint, AT&T và T-Mobile đã từ chối bình luận thông tin trên.

Trong số các khách hàng của Gemalto có cả một nhóm công ty trong lĩnh vực liên lạc di động của tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom T-Mobile của Đức. Từ yếu tố này, sự dính líu của tình báo Mỹ vào việc nghe lén các cuộc gọi điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel, điều mà bà Merkel và cả thế giới biết được vào giữa năm 2014, là điều chẳng ai còn nghi ngờ. Chỉ có điều lạ trong hoàn cảnh đó là quyết định của Tổng công tố Đức vào tháng 11/2014 mà Focus Online công bố về việc đóng hồ sơ vụ tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức “do không có kết quả điều tra”.

Điều xem ra cũng rất hài hước là thông tin “đáng mừng” cũng của tạp chí Focus Online nói rằng, “nay bà Merkel đã có một điện thoại di động mới không thể nghe lén”. Còn về việc “điện thoại” bảo mật mới này của bà Merkel vẫn sử dụng thẻ SIM của Gemalto hoàn toàn bị NSA của Mỹ và GCHQ của Anh kiểm soát thì xem ra không được cả báo chí chính thức, lẫn Tổng công tố, hay người dân Đức quan tâm. Có lẽ cũng giống như người dân và giới tinh hoa chính trị, kinh doanh các nước khác im lặng chấp nhận là con chuột thí nghiệm cho hoạt động theo dõi của tình báo Mỹ.

Cần lưu ý là công ty Gemalto đang sản xuất gần 2 tỷ thẻ SIM/năm, cũng như các loại chip dành cho thẻ tín dụng, phần mềm và hệ điều hành dành cho hộ chiếu và chứng minh thư điện tử. Nhiều chuyên gia an toàn thông tin cho rằng, các khóa mã mà tình báo Mỹ, Anh lấy được của Gemalto cho phép họ dễ dàng lấy mọi thông tin từ các thiết bị di động, thẻ tín dụng, hộ chiếu điện tử.

Từ cuối năm 2014, tờ The Wall Street Journal từng viết về “những thành công” trong việc lấy thông tin từ hàng triệu điện thoại di động trên toàn lãnh thổ Mỹ bằng cách sử dụng các chương trình gián điệp của Mỹ. Ở đó cũng nêu ra rằng, tất cả các công dân Mỹ đang nằm dưới sự kiểm soát liên tục của tình báo Mỹ, kể cả bằng các máy bay cỡ nhỏ và máy bay không người lái mà từ năm 2007 được lắp khí tài đặc biệt do hãng Boeing phát triển, cho phép trong một chuyến bay thu được dữ liệu từ hàng chục ngàn điện thoại di động và định vị chủ nhân của chúng. Ngoài việc xác định vị trí của người với độ chính xác đến 3 m, tình báo Mỹ có thể từ xa phong tỏa tín hiệu từ điện thoại di động hay thiết bị liên lạc di động khác mà họ quan tâm có sử dụng các thẻ SIM, cũng như sao chép các tin nhắn, ảnh và thông tin khác từ thẻ SIM.

Ấy vậy mà ngày 20/2/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki một lần nữa giả dối tìm kiếm sự thương hại của giới phóng viên khi nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ “hàng ngày đối phó với hàng ngàn cuộc tấn công thông tin và gián điệp thù địch”. Tuy nhiên, bà không nói một lời về các sự kiện mà công luận đều biết và khẳng định sự dính líu của chính Washington và các cơ quan tình báo của họ vào sự hoành hành phi pháp trong không gian máy tính.

Nguồn: NEO, 22.2.2015.

Print Print E-mail Print