Vietnamdefence.com

 

Những kiến trúc biểu tượng tình yêu vĩnh cửu

VietnamDefence - Những kiệt tác kiến trúc từ lâu đã được coi là một trong những cách tốt nhất để thổ lộ tình cảm cao cả, để chinh phục tình cảm hoặc để tưởng nhớ người yêu thương.

Bất kỳ công trình xây dựng cũng là một việc khó khăn và thường tốn kém. Cũng phần nào vì thế mà việc tạo ra những kiệt tác kiến trúc từ lâu đã được coi là một trong những cách tốt nhất để thổ lộ tình cảm cao cả, để chinh phục tình cảm hoặc để tưởng nhớ người yêu thương.

Lịch sử cũng đã biết đến những ví dụ khi mà nhiều thập kỷ làm việc cần cù và nhiều triệu đồng đầu tư xây dựng đã không mang lại kết quả mong muốn. Dù sao, những món quà đó vẫn tồn tại, trở nên nổi tiếng và được đưa vào các tuyến du lịch. Nhân ngày Thánh Valentine, xin giới thiệu một số công trình có liên quan đến những tình sử lãng mạn.

Lăng mộ Taj Mahal (Ấn Độ)


Lăng mộ Taj Mahal (Ảnh: Christian Haugen / Flickr)

Lăng mộ được Quốc vương Shah Jahan xây dựng cho vợ mình, người đã qua đời trong khi sinh người con thứ 14, được coi là một biểu tượng toàn cầu của tình yêu vĩnh cửu. Kể cả bất chấp thực tế là trong thời gian xây dựng lăng mộ kéo dài 20 năm, Quốc vương đã kịp cưới thêm mấy bà vợ và có thêm vài đứa con. Taj Mahal được xây dựng vào năm 1653, và 5 năm sau, Quốc vương bị một trong những con trai của ông lật đổ. Những năm cuối đời, Shah Jahan phải ở trong tù, nhưng đã được chôn cất bên cạnh người vợ yêu quý của mình sau khi mất.

Lăng mộ Humayun (Ấn Độ)

Lăng mộ Humayun ở Delhi (Ảnh: Jorge Láscar / Flickr)

Nguyên mẫu của lăng mộ Taj Mahal là lăng mộ vua Humayun của triều đại Mughal, được xây dựng ở Delhi gần một thế kỷ trước đó. Lăng mộ có kích thước như cung điện được xây dựng bởi hoàng hậu góa bụa của vua là Bega Begum. Bao quanh là khu vườn rộng Char Bagh (“bốn khu vườn”), có tường bao quanh. Giống như Taj Mahal, lăng mộ Humayun cũng được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Lâu đài Boldt (Mỹ)

Năm 1900, nhà quản lý chuỗi khách sạn George Boldt bắt đầu xây dựng một lâu đài trên đảo Heart, thuộc quần đảo Thousand Islands trên biên giới giữa Canada và Mỹ. Tòa nhà 120 phòng là món quà của Boldt cho vợ nhân Ngày Thánh Valentine năm 1905. Nhưng Louise không có phận nhận được món quà lãng mạn khi bà qua đời một năm trước khi công trình hoàn thành. Người chồng đau khổ vứt bỏ dự án và không bao giờ đến hòn đảo này nữa.

Trạm điện của lâu đài Boldt trên đảo Heart (PressFoto)

Năm 1977, khu đất cùng với lâu đài đổ nát, trạm điện và tháp Alster (“tiểu lâu đài”) đã được chính phủ Mỹ mua lại với giá 1 đô la. Chính quyền đã đầu tư 15 triệu đô la cho công tác phục hồi và nay lâu đài Boldt (Boldt Castle) là một điểm thu hút khách du lịch và một địa điểm quen thuộc để tổ chức các đám cưới.

Lâu đài Kellie (Malaysia)

Năm 1890, chàng trai Scotland 20 tuổi, William Kellie Smith đã lên đường đi Malaysia và và tích tụ được một gia sản dựa trên các hợp đồng đốn cây rừng với nhà nước. Năm 1903, ông trở về quê hương với Agnes yêu quý của mình, và sau khi cưới, cặp vợ chồng trở lại Malaysia, nơi họ đã có hai con. Để làm quà cho gia đình mình (nhất là Agnes đang nhớ nhà), vào năm 1915, Kelly bắt đầu cải tạo lại ngôi nhà của mình thành một lâu đài khổng lồ. Dự án này rất đồ sộ và thậm chí được đưa tin trên báo chí Anh, nhưng vào năm 1926, Kelly qua đời vì bệnh viêm phổi mà không kịp hoàn thành việc xây dựng. Gia đình trở về Scotland sau khi bán lại tòa biệt thự đang xây dở. “Lâu đài Kelly” là địa điểm hấp dẫn du khách, những người mê chuyện huyền bí và các nhà làm phim (ví dụ, tòa nhà đã xuất hiện trong bộ phim “Anna và nhà vua”).

Lâu đài Kellie ở Malaysia (Ảnh: Cheehong / Flickr)

Lâu đài Thornewood (Mỹ)

Câu chuyện của lâu đài Thornewood ở bang Washington có thể gọi là có hậu nhất. Vào năm 1909, khi bắt đầu việc xây dựng tòa nhà, nhà công nghiệp lớn Chester Thorne đã kết hôn hơn 20 năm. Nhưng có lẽ đó là khi ông đã có điều kiện và mong muốn cải thiện đáng kể điều kiện sống và xây dựng một lâu đài cho chính mình, người vợ Anna và con gái Anita. Đại gia này đã ra lệnh tháo dỡ một biệt thự thế kỷ XV tại Anh, chở nó trên ba tàu hàng đến Tacoma và lắp ráp nó lại. Dinh thự đã sẵn sàng vào năm 1911, bao quanh nó là khu vườn cổ điển kiểu Anh được thiết kế riêng cho Anna. Nhiều thế hệ nhà Thorne đã sống tại ngôi nhà này. Vào đầu những năm 2000, tại đây đã quay bộ phim quay phim Biệt thự Hoa hồng Đỏ (Rose Red) do Stephen King viết kịch bản. Tất nhiên, người ta cho rằng, trong lâu đài đang trú ngụ nhiều bóng ma.

Lâu đài Thornewood ở Mỹ (thornewoodcastle.com)

Lâu đài Torrechiara (Italia)

Gần thành phố Parma của Italia có lâu đài Torrechiara, được tướng Pierre Maria II de’ Rossi xây dựng cho Bianca Pellegrini trong những năm 1448-1460. Họ ràng buộc với nhau bởi mối lương duyên vợ chống và lâu đài đã trở thành một nơi hò hẹn lãng mạn. Phần lớn thời gian đôi tình nhân ở trong “Căn phòng Vàng” trang trí bằng kim loại quý và các bức bích họa khiêu dâm, hình ảnh hai trái tim bao quanh bằng cái dải băng ghi những chữ cái đầu và dòng chữ “Bây giờ và mãi mãi”. Hai tòa tháp Torrechiara được đặt tên theo gia huy của cặp vợ chồng (“Tháp Hoa Lily” (Giglio) và “Tháp Sư tử” (Leo)). Sau khi chết, Pierre và Bianca được chôn trong nhà nguyện tại lâu đài, nhưng sau đó hài cốt của họ đã được chuyển đi nơi khác.

Lâu đài Torrechiara ở italia (Ảnh: Alessandro / Flickr)

Lâu đài Dobroyd (Anh)

Lâu đài Dobroyd tại thị trấn Todmorden của Anh được xây dựng xong vào năm 1866-1869 theo lệnh của John Fielden, con trai của một ông trùm buôn bán bông ở địa phương. Chàng thanh niên giàu có này đem lòng yêu cô thợ dệt bình dị Ruth Stansfield và cô đồng ý kết hôn với anh chỉ với điều kiện anh sẽ xây riêng cho cô một lâu đài. Fielden đã hoàn thành thỉnh cầu này, mặc dù phải 9 năm sau khi họ kết hôn, việc xây dựng mới bắt đầu. Trong thời gian này, quan hệ của cặp vợ chồng đã trở nên tồi tệ, Ruth bắt đầu lạm dụng rượu và qua đời vào năm 1877. Fielden kết hôn lần thứ hai, nhưng số phận của ông cũng thật đáng buồn, khi ông đã phải ngồi xe lăn sau khi bị ngã từ lưng ngựa.

Lâu đài Dobroyd ở Anh (William Warby / Flickr)

"Lâu đài huyền bí" (Mỹ)

Năm 1927, Boyce Gulley, cư dân của Seattle, bị chẩn đoán là bị bệnh lao và các bác sĩ đã phán anh chỉ sống chưa tới 6 tháng nữa. Người đàn ông bỏ lại người vợ và cô con gái của mình là Mary Lou vì không muốn bệnh tật của mình là gánh nặng và lây bệnh cho họ nên đã bí mật chuyển tới Phoenix, nơi ông đã mua một mảnh đất gần mỏ. Ở đó, ông tự tay dùng những vật liệu sẵn có xây dựng nên tòa lâu đài ba tầng, 18 phòng mà ông đã hứa hẹn làm cho con gái mình khi còn bé. Gulleysống chờ đợi cái chết trong 18 năm. Ông di chúc để lại tòa lâu đài cho gia đình, nhưng với điều kiện là một cái cửa nắp trong căn phòng có tên là “Luyện ngục” có thể được mở chỉ hai năm sau khi ông chết. Ngày 1/1/1948, căn phòng được mở với sự chứng kiến của các nhà báo và người ta tìm thấy ở đó vàng, tiền, những lá thư và các bức ảnh của Gulleyvà một bưu thiếp Valentine mà Mary Lou đã tặng cho cha mình khi còn thơ bé. Sau đó, lâu đài trở nên nổi tiếng và được đặt biệt danh là “huyền bí”. Vợ con ông đã sống ở đó một thời gian dài và thậm chí đã tổ chức một tour du lịch. Con gái của Gulley qua đời vào năm 2010; hiện nay chăm lo cho tòa nhà là chính quyền bang Arizona.

"Lâu đài huyền bí" ở Mỹ (Ảnh: immaculatecontraptiontour.blogspot.ru)

Lâu đài San hô (Mỹ)

Năm 1920, Edward Leedskalnin, một người Latvia nhập cư, đã bắt đầu xây dựng ở Florida một tượng đài cho mối tình không thể chia lìa gọi là “Lâu đài San hô” (Coral Castle, hay còn được gọi là công viên “Cổng đá” (Stone Gate). Tổ hợp các công trình và tác phẩm điêu khắc bằng đá san hô này ông dành cho người yêu mà 7 năm trước đã hủy hôn ước với ông ngay vào đêm trước đám cưới. Trong 21 năm trời, người đàn ông vóc dáng khiêm tốn, Leedskalnin một mình cặm cụi đưa đến công viên gần 1.000 tấn đá. Bản thân ông nói rằng, ông đã khám phá bí mật của các nhà xây dựng kim tự tháp Ai Cập. Nhưng việc xây dựng tượng đài tình yêu không giúp đưa cô gái trở về. Cô từ chối đến thăm quan “Lâu đài San hô” ngay cả sau khi Edward đã qua đời. Hiện nay, công viên ở thành phố Homestead hoạt động như một “bảo tàng tình yêu”.

Lâu đài San hô (Ảnh: Stephanie Kelley / blackflygazette.com)

Biệt thự Heartside (Mỹ)

Biệt thự Heartside ở Lincoln, tiểu bang Rhode Island, nổi tiếng là “ngôi nhà đau lòng”. Đầu những năm 1800, một thanh niên bình thường Stephen Hopkins Smith si mê điên dại một cô gái danh gia vọng tộc. Không từ chối sự theo đuổi của anh chàng, nhưng cô công khai tuyên bố cô đang tìm kiếm một người chồng giàu có, có khả năng trang trải cho lối sống bình thường của cô. Smith đột nhiên rất may mắn - anh trúng vé số khoản tiền 40 ngàn đô la, tương đương với 8,6 triệu đô la hiện nay. Với số tiền này, trong năm 1810-1814, anh đã bí mật xây dựng một lâu đài với hy vọng làm đẹp lòng ý trung nhân của mình. Khi ngôi nhà đã hoàn thành, anh mời cô đi dạo. Khi nhìn thấy tòa nhà, nhưng vẫn chưa biết mục đích của anh, cô gái nói rằng, ngôi nhà rất đẹp, nhưng không ai muốn sống ở một nơi hoang dã. Không để lộ bí mật, Smith đã tiễn cô về và không bao giờ gặp lại. Sau đó, anh định cư tại khu nhà với em trai mình. Anh đã không thể tìm thấy tình yêu mới và không bao giờ cưới vợ.

Khu biệt thự Heartside ở Mỹ (Facebook)

Lâu đài Berkeley ở Mỹ

Năm 1885, ở West Virginia, chính trị gia và địa chủ Samuel Taylor Suit bắt đầu xây dựng một lâu đài cho người vợ trẻ Rose Pelham mà ông kết hôn hai năm trước. Năm 1887, cặp vợ chồng với ba đứa con chuyển đến căn biệt thự còn chưa hoàn thành, nhưng một năm sau đó, người chủ gia đình qua đời. Để tưởng nhớ chồng, Rosa đã hoàn thành công trình, nhưng vào đầu thế kỷ XX, bà đã buộc phải bán bất động sản này để trả nợ. Hiện nay, lâu đài Berkeley thuộc sở hữu tư nhân và được cho thuê để tổ chức các sự kiện khác nhau.

Lâu đài Berkeley ở Mỹ (Ảnh: Samuel Fowler / Flickr)

Công viên Sofievka (Ukraine)

Tại thành phố Uman ở Ukraina có công viên Sofievka được chủ nhân vùng này khi đó là bá tước Stanisław Potocki khởi công vào năm 1796 để dành tặng vợ mình. Công viên được khai trương vào năm 1802 nhân ngày thánh của Zofia Glavani-Witt-Potocka. Công viên vẫn còn, hiện giờ trên khu đất của di tích nghệ thuật hoa viên thế giới này nghệ thuật có hơn 3.000 loài thực vật, một hệ thống bể bơi, ao, giả sơn và các hang động với thác nước, cũng như một số công trình kiến trúc có giá trị.

Công viên Sofievka ở Uman (Ảnh: Cambronn / Wikimedia Commons)

Tòa nhà theo phong cách hiện đại nằm ở góc các con phố Krasnoarmeiskaya và Frunze ở Samara, được thương gia Aleksandr Kurlin xây dựng xong vào năm 1903 cho người vợ Aleksandra. Biệt thự với 22 phòng đã được trang bị những kỹ thuật mới nhất: có hệ thống thoát nước, cấp nước, điện, sưởi ấm và điện thoại. Hiện nay, trong ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử và văn hóa cấp liên bang có một viện bảo tàng.

Biệt thự Aleksandra Kurrlina (Nga)

Tòa nhà theo phong cách hiện đại nằm ở góc các con phố Krasnoarmeiskaya và Frunze ở Samara, được thương gia Aleksandr Kurlin xây dựng xong vào năm 1903 cho người vợ Aleksandra. Biệt thự với 22 phòng đã được trang bị những kỹ thuật mới nhất: có hệ thống thoát nước, cấp nước, điện, sưởi ấm và điện thoại. Hiện nay, trong ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử và văn hóa cấp liên bang có một viện bảo tàng.

Biệt thự Aleksandra Kurrlina ở Samara, Nga (Ảnh: Solaris76 / skyscrapercity.com)

Lâu đài Bory (Hungaria)

Một trong những danh lam thắng cảnh chính ở thành phố Székesfehérvár, Hungaria là một lâu đài được xây dựng bởi kiến trúc sư Jenő Bory. Để xây dựng, người ta đã mất hơn 40 năm (việc xây dựng bị gián đoạn đến năm 1912-1959), Bory chi cho công trình phần lớn gia sản của mình. Hầu như mỗi chi tiết trong lâu đài đều thể hiện tình yêu của vị kiến trúc sư đối với người vợ Ilona. Hình ảnh của cô được tìm thấy trên các tác phẩm điêu khắc, những bức bích họa và tranh vẽ. Sau khi hoàn thành sự nghiệp của đời mình, Bory qua đời ngay trong năm đó. Ilona còn sống ở “lâu đài của tình yêu bất diệt” thêm 15 năm, và trong những năm 1980 các cháu của Jenő Bory đã tiến hành sửa chữ, khôi phục tòa nhà.

Lâu đài Bory ở Székesfehérvár, Hungaria (Ảnh: countries.turistua.com)

Lăng mộ Aisha-bibi (Kazakhstan)

Có một số truyền thuyết khác nhau về sự ra đời của công trình, một trong đó thật lãng mạn. Theo truyền thuyết, lăng mộ Aisha-bibi được nhà cai trị của thành phố Taraz là Karahan Mukhammed xây dựng vào thế kỷ XII tại nơi người vợ chưa cưới của ông chết. Ông si mê một cô gái tên là Aisha, nhưng cha mẹ cô phản đối họ lấy nhau. Sau đó, Aisha trốn khỏi nhà để đến với Karahan, nhưng dọc đường đã bị rắn cắn chết. Gần lăng mộ là ngôi mộ của bà vú của Aisha-bibi đã từng nhiều năm chăm sóc lăng mộ của cô.

Lăng mộ Aisha-bibi ở Kazakhstan (Ảnh: Hans Dewaele)

Cung điện Ostankino và Nhà hát Sheremetev (Nga)

Cung điện với nhà hát được bá tước Nikolai Sheremetev xây dựng xong trong những năm 1791-1799  cho Praskovia Kovalyova-Zhemchugova - diễn viên hàng đầu của nhà hát nông nô của mình mà sau này trở thành vợ ông. Cung điện gây kinh ngạc bởi nội thất xa hoa và ý tưởng khác thường - nhà hát trong cung điện đã được dành cho vị trí trung tâm. Sau cái chết của Praskovia, Sheremetiev chán nản mãi mãi rời bỏ Ostankino, ông lạnh lòng với nhà hát và giải tán đoàn kịch.

Cung điện Ostankino ở Moskva (Ảnh: petersburg-bridges.ru)

Nhà tế bần Sheremetev

Nhà tế bần có bệnh viện và nơi trú thân trên Quảng trường Sukharev được xây dựng bởi bá tước Sheremetev theo thỉnh cầu của người vợ Praskovia Kovalea-Zhemchugova. Năm 1803, bà Praskovia qua đời và bá tước đã giao cho kiến trúc sư Giacomo Quarenghi cải tạo lại tòa nhà làm cho nó có một diện mạo hoành tráng hơn để nó trở thành một tương đài dành cho Kovalea-Zhemchugova. Hồi đó, người ta đã xây thêm hàng cột bán nguyệt, các mặt tiền của cả hai mái cổng được trang trí bằng các tiền sảnh có lan can. Phòng ăn của nhà từ thiện được trang trí bằng vữa và mạ vàng. Nhà tế bần đã được mở cửa vào năm 1810 sau cái chết của bá tước. Ngày nay tại đây là Viện Sklifosofsky.

Nhà tế bần do bá tước Sheremetev xây dựng ở Moskva (PressFoto)

Nguồn: Lenta, 14.2.2014.

Print Print E-mail Print