Lịch sử phát triển
RS-18 do Viện Thiết kế của Liên hiệp MPO Mashinostroyenia ở Reutov, ngoại ô Moskva, bắt đầu nghiên cứu chế tạo vào năm1967 và được nhận vào trang bị ngày 17/12/1980.
Liên Xô đã xây dựng loại bệ phóng đặt trong giếng phóng kiên cố và nghiên cứu chế tạo hệ thống các phương tiện vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa cho RS-18.
Tháng 1/1981, các trung đoàn đầu tiên trang bị tên lửa UR-100N UTTKh đã bước vào trực chiến. Tổng cộng đã đưa vào trực chiến 360 giếng phóng tên lửa RS-18.
Chức năng
Hệ thống tên lửa chiến lược RS-18 được phát triển theo yêu cầu chiến kỹ-thuật của Bộ Quốc phòng Liên Xô với sự tham gia của nhiều cơ sở nghiên cứu và sản xuất, trong đó đóng vai trò chính là FGUP NPO Mashinostroyenia - cơ sở chính nghiên cứu phát triển tên lửa và hệ thống.
Đặc điểm
RS-18 là tên lửa đường đạn xuyên lục địa thế hệ 3, sử dụng nhiên liệu lỏng, 2 tầng ( các tầng bố trí nối tiếp nhau), trang bị phần chiến đấu kiểu tách với 6 đầu đạn dẫn độc lập. Tầm bắn tối đa 10.000 km. Trọng lượng phóng 106 t, trọng lượng phần chiến đấu 4,3 t.
Tên lửa được phát triển dựa trên kinh nghiệm chế tạo các tên lửa nhiên liệu lỏng kiểu ampul thế hệ trước sử dụng các thành phần của nhiên liệu NDMG+AT, được bố trí trong các giếng phóng (trước hết là kinh nghiệm chế tạo tên lửa RS-10 và R-36).
Ngoài yếu tố hoàn toàn mới là phần chiến đấu kiểu tách MIRV, thế hệ tên lửa này còn sử dụng các giải pháp kỹ thuật mới như hệ thống dẫn tự hoạt với máy tính điện tử trên khoang, bố trí tên lửa và sở chỉ huy chiến đấu trong các công trình kiên cố, khả năng chuyển mục tiêu từ xa trước khi phóng, tên lửa được trang bị các phương tiện đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa hoàn thiện hơn, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn, sử dụng hệ thống chỉ huy chiến đấu hiện đại, khả năng sống còn của hệ thống cao hơn. Các tham số hiệu quả chiến đấu được tăng lên rất nhiều nhờ tăng độ chính xác của tên lửa và tổng đương lượng nổ của các đầu đạn.
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa hạng nhẹ UR-100N hay RS-18А theo định nghĩa của Hiệp ước START-1 là loại tên lửa thế hệ 3 thứ ba được đưa vào trang bị của Bộ đội Tên lửa chiến lược LIên Xô/Nga (RVSN).
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa UR-100NU (RS-18B) là biến thể của tên lửa này với tính năng kỹ-chiến thuật tốt hơn (UTTKh). Ở tên lửa mới, các bộ phận động cơ có độ tin cậy làm việc cao hơn, các tính năng của hệ thống chỉ huy và trang bị đầu đạn tốt hơn. Tầm bắn của tên lửa bố trí trên mặt đất tăng lên. Việc khai thác các hệ thống tên lửa được đơn giản hoá đi nhiều, đồng thời nâng cao được sự vững chắc đối với các yếu tố sát thương của vụ nổ hạt nhân. Tên lửa có thiết kế đơn giản và nhiều hệ thống có độ tin cậy cao.
Tên lửa đường đạn xuyên lục địa UR-100NU là tên lửa 2 tầng lắp nối tiếp nhau, tách lần lượt trong khi bay. Tất cả các thùng nhiên liệu đều là cấu trúc chịu lực. Thân tầng 1 gồm các khoang đuôi, khoang nhiên liệu và bộ phận chuyển tiếp. Thân tầng 2 gồm khoang đuôi ngắn và khoang nhiên liệu.
Hệ thống động cơ tầng 1 gồm 4 động cơ hành trình nhiên liệu lỏng với các loa phụt quay hoạt động theo chu trình kín. Mỗi động cơ được liên kết bằng bản lề với khung của khoang đuôi và có thể xoay lệch so với vị trí ban đầu ở mặt phẳng tương ứng. Trên tầng 2 có lắp 1 động cơ hành trình tên lửa nhiên liệu lỏng 1 buồng và 1 động cơ lái nhiên liệu lỏng 4 buồng.
Khối máy móc-thiết bị của phần chiến đấu kiểu tách được gắn vào phần trên của tầng 2 tên lửa, trong đó có chứa các thiết bị của hệ thống điều khiển và hệ thống động cơ nhiên liệu lỏng dùng để tách 6 đầu đạn có đương lượng nổ 550 kT/đầu đạn. Các đầu đạn được che kín bởi chụp rẽ dòng.
Trên tên lửa có lắp hệ thống điều khiển quán tính tự hoạt với máy tính điện tử số. Khi trực chiến, tất cả các tham số quan trọng nhất của tên lửa được kiểm tra liên tục. Các vụ phóng đã cho thấy hệ thống điều khiển tên lửa có tính năng cao. Tên lửa đã đạt độ chính xác bắn (sai số vòng tròn xác suất) 380 m. Các đầu đạn của UR-100NU có thể tiêu diệt các mục tiêu điểm kiên cố , được hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ.
Khi phóng, tên lửa UR-100NU rời khỏi contenơ chứa kiêm ống phóng ở trong giếng phòng nhờ lực đẩy của hệ thống động cơ tầng 1. Cấu tạo của contenơ chứa kiêm ống phóng cho phép tiến hành bảo dưỡng kỹ thuật cho các hệ thống của tên lửa, nạp và tháo các thành phần nhiên liệu sau khi tên lửa đã được đưa vào giếng phóng.
Tính năng kỹ-chiến thuật
- Chiều dài tên lửa, m: 24,3
- Đường kính thân lớn nhất, m: 2,5
- Tầm bắn tối đa, km: 10.000
- Số tầng: 2
- Đương lượng nổ của các đầu đạn, MT: 6 х (0,55-0,75)
- Trọng lượng phóng tối đa, t: 105,6
- Trọng lượng đầu đạn, t: 4,35
- Độ chính xác (sai số giới hạn), km: 0,92