Vietnamdefence.com

 

Máy bay tiêm kích trên hạm đa năng MiG-29K/KUB

VietnamDefence - MiG-29К 1 chỗ ngồi (NATO gọi là Fulcrum-D) và MiG-29KUB 2 chỗ ngồi (biến thể huấn luyện-chiến đấu) là máy bay tiêm kích đa năng 1 chỗ ngồi, thế hệ 4++, dùng để thực hiện các nhiệm vụ phòng không cho các binh đoàn tàu chiến, giành ưu thế trên không, tiêu diệt các mục tiêu mặt nước, mặt đất bằng vũ khí có điều khiển chính xác cao suốt ngày đêm, trong mọi thời tiết.

MIG-29K (RIAN. Anton Denisov)

MiG-29К/KUB được triển khai trên các tàu sân bay có lượng giãn nước từ 28000 tấn trở lên, được lắp cầu bật và cáp hãm đà hạ cánh, cũng như trên các sân bay trên bộ.

Tham gia chương trình MiG-29К/KUB là các hãng công nghiệp hàng không hàng đầu của Nga: ОАО Klimov (phát triển và sản xuất lô động cơ thử nghiệm RD 33МК), ОАО MMP V.V Chernyshev (sản xuất lô động cơ sản xuất loạt RD 33МК), ОАО Korporatsia Fazotron-NIIR (phát triển và sản xuất radar Zhuk-ME), Trung tâm khoa học sản xuất liên bang RPKB  (tích hợp hệ thống avionics, phát triển các bộ phận của hệ thống avionics).
 
Lịch sử phát triển

Trên thực tế, Liên Xô/Nga đã chế tạo 2 loại máy bay tiêm kích hải quân cùng có ký hiệu MiG-29K.

Loại MiG-29K đầu tiên (ký hiệu nhà máy là izdelie 9-31) được OKB A.I. Mikoyan (nay là Trung tâm kỹ thuật OKB A.I. Mikoyan) bắt đầu phát triển máy bay tiêm kích-bom hạng nhẹ trên cơ sở  MiG-29 năm 1984 để trang bị cho tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Projekt 1143.5 Tbilisi (nay là tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Đô đốc Kuztnetsov) và sử dụng song song với loại tiêm kích hạng nặng, đắt tiền hơn là Su-27К (Su-33). Đây sẽ là máy bay tiêm kích đầu tiên của Nga có khả năng cất/hạ cánh trên tàu sân bay theo cách thông thường, tức là có chạy đà cất/hạ cánh. Trước đó, Hải quân Liên Xô/Nga không có loại máy bay tương tự lẫn các tàu sân bay có thể chở chúng.

Sau khi Liên Xô sụp đổ và kinh phí cho các chương trình bị cắt giảm mạnh, Nga không tiếp tục hoàn thiện MiG-29К và Su-33 được chế tạo trong những năm 1990-1995 với số lượng 24 chiếc trở thành loại tiêm kích trên hạm thế hệ 4 duy nhất của Nga. Hiện Nga đang sử dụng 12 chiếc loại này.

Mẫu chế thử MiG-29K thực hiện chuyến bay đầu ngày 23.7.1988, bắt đầu được thử nghiệm quốc gia năm 1991, song không hoàn thành và được nhận vào trang bị vào năm 1993. 2 mẫu chế thử MiG-29К (izdelie 9-31) đã thực hiện tổng cộng hơn 420 chuyến bay, trong đó có gần 100 chuyến bay trên tàu.

Giữa thập niên 1990, Nga quay lại dự án này khi Ấn Độ muốn mua của Nga tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng Projekt 1143.4 Đô đốc Gorshkov. Sau khi ký hợp đồng hiện đại hoá sân bay Đô đốc Gorshkov và cung cấp máy bay tiêm kích cho tàu này, Nga quyết định phát triển loại MiG-29К mới (ký hiệu izdelie 9-41) trên cơ sở MiG-29 tại Trung tâm kỹ thuật OKB A.I. Mikoyan vì Su-33 không phù hợp với tàu sân bay này. Máy bay tiêm kích mới có ký hiệu nhà máy là izdelie 9-41, song vẫn có tên gọi cũ là MiG-29К. MiG-29К mới là biến thể cải tiến sâu của MiG-29К mẫu 1988 (9-31).

MiG-29K mới chỉ giống với MiG-29К ban đầu ở nguồn gốc, hình dáng bên ngoài và một vài bộ phận cấu trúc và lần đầu tiên cất cánh năm 2007. Đồng thời Nga cũng bắt đầu thử nghiệm mẫu 2 chỗ ngồi MiG-29KUB. Nga tích cực phát triển MiG-29K vào năm 1999 mặc dù diện mạo của máy bay được hoàn thành từ năm 1996. Cuối thập niên 1990, Nga bắt đầu chế tạo các tổng thành đầu tiên của các MiG-29К thử nghiệm. Sau khi ký thoả thuận về việc xác định diện mạo máy bay mới, phía Ấn Độ cũng tham gia tích cực. Năm 2002 bắt đầu thử nghiệm các hệ thống và bộ phận riêng lẻ của MiG-29K. MiG-29KUB lần đầu tiên cất cánh vào tháng 1.2007. Mẫu sản xuất loạt cất cánh lần đầu tháng 3.2008.

Đặc điểm

Khác với mẫu cơ sở, MiG-29К có cánh gấp để thuận tiện triển khai trên tàu sân bay, móc hãm đà dùng để móc vào cáp khi hạ cánh, cấu trúc bộ càng và phần sau của thân được gia cường. Khung sườn chủ yếu làm bằng hợp kim nhôm-liti 01420. Máy bay có lưới để ngăn vật lạ rơi vào kênh dẫn khí của bộ hút khí để bảo vệ động cơ. Để lấy thêm khí khi cất/hạ cánh, vách dưới bộ càng chính có khoan lỗ.

Máy bay có 2 biến thể: máy bay tiêm kích trên hạm đa năng 1 chỗ ngồi MiG-29К (9-41) và máy bay tiêm kích huấn luyện-chiến đấu trên hạm đa năng 2 chỗ ngồi MiG-29KUB (9-47). 2 biến thể được tiêu chuẩn hoá hơn 90%, về trang thiết bị và vũ khí giống nhau gần như 100%. Những khác biệt cơ bản của MiG-29К so với MiG-29KUB là ở chỗ không có vị trí công tác cho phi công phía sau mà thay vào đó là thùng nhiên liệu bổ sung. Hai biến thể sử dụng cùng loại vòm kính buồng lái.

So với MiG-29, máy bay mới có các chi tiết, tổ máy tin cậy hơn, động cơ tiết kiệm hơn, tầm bay xa hơn và tải trọng chiến đấu lớn hơn. MiG-29К có khung sườn hoàn thiện hơn với tỷ lệ vật liệu composite gần 15%, có cánh gập với cơ cấu cơ khí cải tiến, độ bộc lộ thấp và hệ thống nhiên liệu có dung tích lớn hơn. Máy bay sử dụng hệ thống điều khiển điện từ xa kỹ thuật số tứ trùng, hệ thống tiếp dầu trên không. MiG-29К có thể tiếp dầu cho các máy bay khác khi được trang bị hệ thống tiếp dầu PAZ-1МК. Máy bay được trang bị 2 động cơ RD-33МК với buồng đốt không khói và hệ thống điều khiển điện tử kiểu FADEC có cấu trúc module. Động cơ có độ tin cậy cao và tuổi thọ dài hơn.

MiG-29K (RIAN. Aleksei Danichev)

Thiết bị avionics của MiG-29К/KUB được thiết kế theo nguyên tắc cấu trúc mở theo tiêu chuẩn MIL-STD-1553B. Máy bay được lắp radar đa năng đa chế độ xung-doppler Zhuk-ME với an ten mạng khe. So với radar thế hệ trước, Zhuk-ME có góc quan sát rộng hơn theo phương vị, tầm phát hiện cao hơn gấp đôi, trọng lượng nhỏ hơn và độ tin cậy cao hơn. Zhuk-ME  cho phép bám đến 10 mục tiêu bay và đồng thời dẫn tên lửa tấn công 4 mục tiêu trong số đó.

MiG-29К/KUB được trang bị trạm định vị quang học đa kênh hiện đại và hệ thống chỉ thị mục tiêu cho các đầu tự dẫn thụ động của các tên lửa chống radar. Dự kiến sẽ lắp cho máy bay các thùng chứa khí tài ngắm bắn hồng ngoại và laser để chiếu xạ mục tiêu mặt đất. Cấu trúc mở của thiết bị avionics cho phép lắp đặt cho máy bay các trang thiết bị và vũ khí mới của Nga và nước ngoài.

MiG-29К/KUB được trang bị hệ thống tự động kiểm soát và đăng ký Karat, hệ thống ghi video, hệ thống nạp nhiệm vụ bay tự động hoá vào hệ thống avionics, cũng như hệ thống tự hoạt phát điện để kiểm tra thiết bị trên mặt đất mà không phải bật các động cơ chính.

Về vũ khí, máy bay được trang bị 1 pháo lắp trong 30 mm GSh-301 và có 8 điểm treo vũ khí để lắp tên lửa có điều khiển không-đối-không, không-đối-diện, bom có điều khiển, rocket, bom không điều khiển hiện có và tương lai. MiG-29К được trang bị 8 loại tên lửa không-đối-không, trong đó có các tên lửa tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn, 25 vũ khí không-đối-diện. 
 
Tính năng kỹ-chiến thuật

Kích thước: chiều dài x sải cánh x chiều cao, m: 17,3 x 11,99 x 4,4.

Trọng lượng cất cánh: bình thường / tối đa, kg: 18550 / 24500.

Tốc độ: độ cao nhỏ / độ cao lớn, km/h: 1400 / 2200.

Tầm bay thực tế: độ cao nhỏ / độ cao lớn, km: 750 / 1650.

Tầm bay có các thùng dầu phụ, km: 2000

Tầm bay có 3 thùng dầu phụ và 1 lần tiếp dầu trên không, km: 5500

Trần bay thực tế, km: 17,5

Vũ khí

Số điểm treo vũ khí: 8.

Tên lửa không-đối-không có điều khiển:
- tầm trung: 6 RVV-AE,
- tầm ngắn: 8 R-73E.

Tên lửa không-đối-diện có điều khiển:
- chống hạm: 4 Kh-31A, Kh-35E
- chống radar: 4 Kh-31P.

Bom có điều khiển: 4 KAB-500Kr.

Pháo lắp trong: 1 GSh-301 30 m.

RIAN-Inforgrafika. Timur Ageyev

Tình hình sản xuất, trang bị

MiG-29K và MiG-29KUB  đang được sản xuất loạt theo đơn đặt hàng của Hải quân Ấn Độ. Vào năm 2004, cùng với hợp đồng sửa chữa, nâng cấp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (sẽ được đặt tên là INS Vikramaditya trong biên chế Hải quân Ấn Độ), Nga cũng ký hợp đồng bán lô đầu gồm 16 MiG-29K/KUB (12 MiG-29K và 4 MiG-29KUB) để trang bị cho tàu này.

Quyết định cuối cùng về hợp đồng bị trì hoãn liên tục cho đến khi hoàn thành các thử nghiệm cất/hạ cánh trong điều kiện thực tế trên biển. Sau khi hoàn tất hiện đại hoá, tàu sân bay Đô đốc Gorshkov có thể mang theo không dưới 34 MiG-29К.

MiG-29K (armstass.su)

Ngày 19.2.2010, lô 16 chiếc MiG-29К đầu tiên sẽ bước vào hoạt động, trong đó 6 chiếc đã đến căn cứ hải quân ở Goa và được biên chế vào phi đội "Những con báo đen" số 303, 3 chiếc nữa sắp được chuyển giao.

Ngoài ra, Ấn Độ có thể mua thêm MiG-29K/KUB để trang bị cho tàu sân bay do Ấn Độ tự đóng. Tháng 3.2010, trong thời gian Thủ tướng Nga V. Putin thăm Ấn Độ, Nga và Ấn Độ sẽ ký kết hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD cung cấp thêm 29 chiếc MiG-29K/KUB (25 MiG-29K và 4 MiG-29KUB) cho Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ quyết định mua lô thứ hai MiG-29K sau khi máy bay này được thử nghiệm thành công vào cuối năm 2009 tại biển Barents trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Với Hải quân Nga, MiG-29K hiện là phương án duy nhất thay thế Su-33 hiện đã lạc hậu trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và các tàu sân bay tương lai của Nga khi Su-33 bị loại khỏi trang bị cho đến khi đưa vào trang bị biến thể trên hạm của máy bay tiêm kích thế hệ 5 T-50 (dự kiến chế tạo trước năm 2020).

Bộ Quốc phòng Nga đang dự định mua 26 MiG-29К/KUB để trang bị cho tàu sân bay duy nhất Đô đốc Kuznetsov của Nga thay thế cho Su-33. Tuy thua kém Su-33 về tầm bay và tải trọng vũ khí, MiG-29K vượt trội về trang thiết bị avionics và vũ khí nhờ có thể mang nhiều loại tên lửa không-đối-diện và bom có điều khiển.

  • Nguồn: RIAN, Lenta, Izvestia.

Print Print E-mail Print