Vietnamdefence.com

 

Frigate tàng hình Gepard-3.9 sắp đến biển Đông

VietnamDefence - Ngày 24/6/2009, tại triển lãm hải quân MVMS-2009 ở St. Petersburg, Nga, ông Oleg Azizov, đại diện Rosoboronoexport cho biết, năm 2010, Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam 2 tàu frigate Gepard 3.9 theo hợp đồng ký năm 2006.

Frigate Gepard-3.9 lớp 1166.1 (zdship.ru)

Nga sắp chuyển giao tàu chiến tàng hình cho Việt Nam

Ngày 24/6/2009, tại triển lãm hải quân MVMS-2009 ở St. Petersburg, Nga, ông Oleg Azizov, đại diện Rosoboronoexport cho biết, năm 201 0, Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam 2 tàu frigate Gepard 3.9
theo hợp đồng ký năm 2006.

Sự ra đời

Trong thập niên 1980, Viện Thiết kế Zelenodolsk (ZPKB, tức Viện TsKB-340) tại thành phố Zelenodolsk, CH Tatarstan, Liên bang Nga đã cho ra đời thiết kế tàu Projekt 1166.1.

Năm 2003, Hải quân Nga nhận vào trang bị chiếc tàu đầu tiên của lớp 1166.1 là Tatarstan và dùng làm kỳ hạm của Hạm đội Caspi; chiếc thứ hai Dagestan dự kiến nhận vào trang bị năm 2009.

Cuối thập niên 1980, ZPKB đã thiết kế serie tàu Gepard (Gepard 1, Gepard 2, Gepard 3, Gepard 4 và Gepard 5) dựa trên thiết kế lớp 1166.1 để xuất khẩu.

Tàu hộ tống Tatarstan lớp 1166.1 (zdship.ru)

Thiết kế tiên tiến ứng dụng công nghệ Stealth

Tàu frigate đa năng hạng nhẹ Gepard-3.9 (một số nguồn gọi Gepard-3.9 là tàu hộ tống), dùng để thực hiện các nhiệm vụ hộ tống, tuần tiễu, bảo vệ hải phận và vùng đặc quyền kinh tế, yểm trợ các hoạt động trên biển; khi cần thiết có thể làm các nhiệm vụ săn tìm, theo dõi và tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm và máy bay; tuần tiễu, hộ tống, rải lôi, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ. Tàu có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc trong đội hình biên đội tàu chiến thuật.

 
 

Frigate tàng hình Gepard-3.9 (zdship.ru)

Theo các nguồn tin Nga, các tàu Gepard-3.9 của Việt Nam được đóng tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên Gorky có thiết kế tiên tiến, áp dụng công nghệ tàng hình (Stealth technology), nhiều trang thiết bị trên boong được đưa vào trong tàu và được trang bị các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga hiện nay, trong đó có hệ thống phòng không Palma-SU, hệ thống tên lửa Uran và trực thăng Ka-28. Tàu được trang bị hệ thống bảo đảm sinh hoạt cho thủy thủ đoàn 103 người được cải tiến đáng kể và hệ thống điều hòa không khí mới.

Gepard-3.9 có lượng giãn nước 2.100 tấn; chiều dài 102,2 m; chiều rộng 13,1 m và mớn nước 3,8 m. Hệ thống động lực kết hợp diesel-turbine khí có tổng công suất 20.000 mã lực, cho phép tàu đạt tốc độ 28 hải lý/h (52 km/h), khả năng hoạt động độc lập 20 ngày đêm, cự ly hành trình gần 5.000 hải lý với tốc độ 10 hải lý/h. Ở đuôi tàu có sân đỗ cho 1 trực thăng Ка-27 (hoặc Ka-28, Ка-31).

Trực thăng chống ngầm Ka-27 (flot.sevastopol.info)

Tổ hợp vũ khí chống hạm, phòng không và chống ngầm hiện đại, uy lực mạnh

Gepard-3.9 được trang bị tổ hợp vũ khí hiện đại gồm: hệ thống tên lửa chống hạm Uran gồm 4 bệ phóng x 4 ống phóng với 16 tên lửa chống hạm Kh-35E, 1 khẩu pháo 76,2 mm АК-176М ở mũi tàu dùng để tác chiến chống mục tiêu mặt nước, mặt đất và máy bay bay thấp, có tốc độ bắn 60-120 phát/phút, tiêu diệt mục tiêu ở cự ly trên 15 km và bay cao 11,5 km; 3 hệ thống tên lửa-pháo phòng không cao tốc Palma và 2 súng máy 14,5 mm; 2 hệ thống phóng lôi x 2 ống phóng 533 mm và 1 bệ phóng có 12 ống phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000.

Vũ khí đáng sợ nhất của Gepard-3.9 là 3M24 (Kh-35) Uran, NATO gọi là SS-N-25 Switchblade (biến thể xuất khẩu là 3M24E (Kh-35E) Uran-E), loại tên lửa chống hạm dưới âm, bay sát mặt biển, sử dụng hệ dẫn quán tính giai đoạn bay giữa và radar chủ động giai đoạn cuối. Uran có hình dáng và tính năng tương tự loại tên lửa chống hạm chủ lực của Hải quân Mỹ là AGM-84 Harpoon.

Tên lửa Uran có chiều dài 4,2 m; đường kính 0,42 m, trọng lượng 630 kg, đầu đạn 145 kg, tầm bắn 5-130 km, tốc độ tối đa 0,9M. Ngoài biến thể 3M24 Uran SS-N-25 Switchblade trang bị cho tàu chiến, Nga còn chế tạo các biến thể phòng thủ bờ biển 3K60 (3M24M) Bal/Bal-E (SSC-6 Stooge) và biến thể lắp trên máy bay Kh-35U (AS-20 Kayak).

Một số hình ảnh tên lửa chống hạm 3M24 Uran/Kh-35

 

Tên lửa Kh-35 rời bệ phóng (militaryimages.net)

Tên lửa Kh-35 (naval-technology.com)

Tên lửa Kh-35 (vectorsite.net)

Tên lửa Kh-35 (warfare.ru)
 
 
Tên lửa Kh-35 (wikimedia.org)

Hệ thống tên lửa-pháo phòng không Palma
có thể tác chiến chống máy bay và trực thăng, bom, tên lửa hành trình chống hạm, tàu nhỏ và mục tiêu nhỏ trên bờ. Palma gồm 2 pháo tự động 6 nòng 30mm AO-18KD/6K30GSh và 8 tên lửa siêu vượt âm dẫn bằng laser Sosna-R (lắp trên 2 cụm ống phóng 3R-99E).
 
Palma có thể đánh chặn đồng thời 6 mục tiêu ở cự ly 200-8.000 m và bay ở độ cao tối đa 3.500 m; thời gian phản ứng của hệ thống là 3-5 s. Các pháo AO-18KD 30mm có tầm bắn xa 200-4.000 m và bắn cao đến 3.000 m. Cơ số đạn 1.500 viên đạn xuyên giáp, phá-mảnh hoặc cháy. Các khẩu pháo có tốc độ bắn tối đa 10.000 phát/phút.
 
Hệ thống tên lửa Sosna có tầm bắn mục tiêu bay hiệu quả ở độ cao 2-3.500 m và cự ly 1.300-8.000 m. Hệ thống điều khiển hỏa lực của Palma gồm camera truyền hình 3V-89 và camera hồng ngoại, máy đo xa laser, hệ thống dẫn tên lửa bằng tia laser và radar bắt mục tiêu 3Ts-99.
 
Các nguồn tin Nga cho hay, ngoài 2 chiếc Gepard-3.9 đóng tại Nga, VN có thể mua thêm 2 chiếc và đóng tại VN theo giấy phép.
 
Mới đây, ngày 19/6/2009, tại triển lãm hàng không Le Bourget, Pháp, Phó Giám đốc Cục Hợp tác KTQS Liên bang Nga (FSVTS)  Aleksandr Fomin tiết lộ Nga và Việt Nam mùa thu này sẽ bắt đầu đàm phán về việc bán cho Việt Nam lô tiếp theo máy bay tiêm kích Su-30MK2.
 
Tháng 1/2009, Rosoboronoexport đã ký hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 12 máy bay tiêm kích Su-30MK2 từ năm 2010 trị giá hơn 500 triệu USD (chưa kể vũ khí). Ông Aleksandr Fomin cho biết: “Chúng tôi sẽ bắt đầu các hoạt động tư vấn thực tế vào mùa thu này về khả năng cung cấp cho Việt Nam lô tiếp theo các máy bay này”, nhưng không nói rõ số lượng. Tuy nhiên, một nguồn tin tại Rosoboronoexport nói đến con số 8-12 chiếc Su-30MK2.
 
Trước đó, có tin Nga cũng đang đàm phán về việc đóng cho Hải quân Nhân dân Việt Nam 6 tàu ngầm Projekt 636 Kilo trị giá 1,8 tỷ USD.

  • vietnamdefence.com

Print Print E-mail Print

Các tin khác