Vietnamdefence.com

 

Kaspersky hứng đòn thù của tình báo Mỹ

VietnamDefence - Mỹ cáo buộc hãng bảo mật Kaspersky Lab cộng tác với tình báo Nga. Đây là đòn bẩn của tình báo và doanh nghiệp đối thủ Mỹ báo thù vì những tố giác của Kaspersky và ghen ăn tức ở.

Eugene Kaspersky
Trang Businessweek đã buộc tội hãng sản xuất phần mềm chống virus hàng đầu thế giới Kaspersky Lab và nhà sáng lập Eugene Kaspersky làm việc cho tình báo Nga và phục vụ lợi ích của họ.

“Công ty vốn đang bảo vệ các bạn trên Internet có quan hệ gần gũi với các gián điệp Nga” (The Company Securing Your Internet Has Close Ties to Russian Spies) là tiêu đề bài báo của Businessweek viết về Kaspersky Lab.

Theo các tác giả Carol Matlack, Michael A Riley, Jordan Robertson, vào năm 2012, công ty bảo mật này đã có sự đảo ngược chiến lược: trước đây công ty tích cực thuê các nhà quản lý hàng đầu nước ngoài và chuẩn bị cho việc bán đấu giá cổ phần lần đầu cho công chúng IPO ở phương Tây, nhưng sau đó, toàn bộ ban lãnh đạo đã bị thay thế bằng những người Nga có liên hệ trong các cơ quan tình báo.

Hiện nay, một số lãnh đạo của Kaspersky Lab đang giúp thực hiện các cuộc điều tra của FSB nhờ những dữ liệu mà công ty này nhận được từ 400 triệu người dùng phần mềm chống virus Kaspersky trên toàn thế giới, Bloomberg dẫn nguồn 6 người từng là và đang là nhân viên giấu tên của công ty Nga. Theo số người này, cứ mỗi tuần một lần, lãnh đạo công ty Eugene Kaspersky lại đến nhà tắm hơi cùng 5-10 người, trong đó có các nhân viên tình báo Nga.

Eugene Kaspersky (rian)
Ông Kaspersky bác bỏ việc những lần đến phòng sauna có tính chất công việc: “Khi tôi đến nhà tắm hơi là tôi đến gặp bạn bè”. Ông nói rằng, các phần mềm chống virus của hãng ông không thu thập dữ liệu của các chủ nhân máy tính, còn bản thân ông không hề có nhu cầu nào để bày tỏ lòng trung thành với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Tôi là nhân vật không thích hợp cho các câu chuyện về những thực tế Nga vì tôi đang sống trong không gian mạng”, vị doanh nhân Internet cam đoan.

Tuy nhiên, Kaspersky Lab công bố tích cực hơn nhiều các bá cáo về các tin tặc gián điệp của Mỹ, Israel và Anh, nhưng nhắm mắt làm ngơ các gián điệp Nga trên Internet, Businessweek viết. Tháng 2/2015, Kaspersky Lab đã công bố báo cáo chi tiết về các tin tặc của nhóm Equation Group vốn đã săn lùng các người dùng ở Nga, Iran và Pakistan - các nhà phân tích liên hệ nhóm này với Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA. Còn báo cáo về chương trình gián điệp Nga Sofacy không phải do Kaspersky Lab mà là công ty Mỹ FireEye công bố. Chương trình này đã tấn công các máy tính của NATO và bộ ngoại giao các nước Đông Âu.

Theo các tác giả bài báo, hiện nay tất cả các công ty tầm cỡ trong lĩnh vực an ninh máy tính của Mỹ đều hợp tác với chính quyền Mỹ, cũng như Kaspersky Lab đang hợp tác với chính quyền Nga. Tuy nhiên, các mối liên hệ mật thiết với các chính phủ có thể gây khó khăn cho các công ty trong việc bán các phần mềm trên thị trường an ninh mạng hoang tưởng, ông Rick Holland, nhà phân tích hàng đầu về an ninh và quản trị rủi ro của công ty phân tích Forrester Research, nhận định.

Bài báo của Businessweek dựa trên những dữ kiện bịa đặt và đánh lừa, những khẳng định của nó là vô căn cứ, bộ phận báo chí của Kaspersky Lab khẳng định. Công ty này khẳng định, các báo cáo về ác mối đe dọa mạng được công bố ngay sau khi các chuyên gia chắc chắn rằng, tất cả những kết luận đưa ra đều được khẳng định bằng những dữ kiện chính xác và không chưa các phần mềm độc hại thành “loại tốt” hay “loại xấu”.

Kaspersky Lab đã công bố 11 báo cáo về hoạt động của các nhóm tin tặc-thiết kế phần mềm gián điệp sử dụng tiếng Nga, vì thế không thể khẳng định, công ty chỉ quan tâm đến người Mỹ và Israel. Ví dụ, vào năm 2013, công ty Nga là tổ chức đầu tiên mô tả virus Red October, một phần mềm gián điệp mà những người thiết kế ra nó có thể đã hoạt động phục vụ lợi ích của Nga  - họ dùng tiếng Nga, còn trong các mục tiêu theo dõi có các tài liệu của NATO.

Tất cả những cáo giác này hiện không gây hại cho hoạt động kinh doanh của Kaspersky Lab ở các nước trên thế giới, ông Kaspersky chia xẻ vào tháng 12/2014. “Chúng tôi đang có những khách hàng và đối tác ở tất cả các nước, và chúng tôi chưa hề cảm thấy có sự thù địch nặng nề, ngay cả ở Ukraine”, ông Kaspersky nói khi đó.

Eugene Kaspersky (rian)
Kaspersky thành lập Kaspersky Lab cùng với những người xuất thân từ công ty máy tính KAMI vào năm 1997. Theo thông tin đến ngày 29/10/2014, các cổ đông chính là Kaspersky (80,08%), Alexey De-Monderik (11,59%) và Vadim Bogdanov (7,287%). Doanh thu của Kaspersky Lab trong năm 2013 là 653,3 triệu USD, lợi nhuận ròng là 16,6 triệu USD.

Trên blog của mình, Eugene Kaspersky đã bác bỏ những cáo buộc của tạp chí Businessweek về việc có liên hệ với tình báo Nga và buộc tội các phóng viên của tạp chí trên là lừa dối và bóp méo sự thật.

“Sự lừa dối trắng trợn. Những suy đoán, giả định, kết luận dựa trên thông tin sai và bị hiểu sai. Chẳng lẽ kiện họ ư?”, Kaspersky nêu câu hỏi. Ông viết rằng, sự giả dối chiếm khoảng 1/3 bài báo, còn 1/3 là thông tin mà ai cũng biết.

Còn những gì còn lại là những dữ kiện xa lạ và chẳng có ý nghĩa gì, ví dụ nói ông mỗi tuần đều đến nhà tắm hơi cùng với bạn bè, trong đó có những người của các cơ quan tình báo. “Hãng tin tầm cỡ Bloomberg đã lùng tìm mối liên hệ với “các gián điệp Nga” và đã chỉ tìm thấy... nhà tắm hơi. Hoan hô!”, Kaspersky kết luận.

Kaspersky kể ông đã đọc bài báo trên Businessweek hôm thứ 5 lúc đang nghỉ ngơi. Ông cũng đã đăng bình luận của mình về bài báo trên Businessweek, trong đó xác nhận ông thường xuyên đi tắm hơi.

Nguồn: Businessweek , Lenta, 19.3.2015.

Print Print E-mail Print