In bài này
Chương trình tên lửa Triều Tiên: Chập chững đi lên (1)
Chủ Nhật, 18/09/2016 - 3:39 PM
Ai đứng sau chương trình tên lửa Triều Tiên.
>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Cú đột phá (2)
>>
Chương trình tên lửa Triều Tiên: Tham vọng xuyên lục địa (3)

Các tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã kịp trở thành con ngáo ộp ưa thích của truyền thông thế giới. Xung quanh đề tài này, ra đời cả đống những điều tưởng tượng, phóng đại, tuyên truyền và đôi khi cả sự lừa dối trắng trợn. Vậy những thành tựu thực tế của Triều Tiên trong lĩnh vực chế tạo tên lửa là gì? Họ đạt được bằng cách nào và ai đã giúp họ làm chủ những công nghệ phức tạp như thế?

Trong những năm gần đây, chương trình tên lửa của Triều Tiên thu hút nhiều sự chú ý. Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất là sự phát triển của những năng lực hiện nay. Một quan điểm chung về trình độ phát triển của Triều Tiên không phù hợp lắm với những tin tức về các thành tựu mới về tên lửa của Bình Nhưỡng.

Mâu thuẫn này thường được lý giải là trên thực tế người Bắc Triều Tiên là “khách hàng” của ai đó và không có sự giúp đỡ từ bên ngoài thì họ không thể bước nổi một. Trên thực tế, mọi sự phức tạp hơn nhiều, nhưng trước hết cần nhắc đến một số yếu tố nào đó.

Một là, Triều Tiên là một trong những quốc gia đóng kín nhất và cường quốc tên lửa-hạt nhân đóng kín nhất bởi vậy mà có cực kỳ ít thông tin tin cậy.

Hai là Bắc Triều Tiên bị bao quanh bởi vòng hào quang của cả tuyên truyền thù địch lẫn đơn giản là sự giật gân bịa đặt. Phần nhiều, tình hình lặp lại như với những tin bài trên báo chí về các dự án quân sự mới của Saddam trong thập niên 1990. Những đồn đoán và tin giả trắng trợn làm cho bức tranh mờ mịt hơn nữa. Ba là mức độ phụ thuộc của Triều Tiên vào sự trợ giúp bên ngoài thay đổi mạnh qua từng dự án, cũng như nói chung là với thời gian danh mục các đối tác chính về hợp tác tên lửa cũng thay đổi.  Bốn là không có một hệ thống thống nhất phân loại các tên lửa đường đạn của Triều Tiên. Các nguồn tin khác nhau cũng sử dụng các ký hiệu riêng của mình vì thế một cái ký hiệu Scud D có thể chỉ những loại tên lửa hoàn toàn khác nhau trong kho vũ khí của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Người thầy đầu tiên

Trái ngược với ý nghĩ của nhiều người, đó không phải là Liên Xô. Từ cuối thập niên Kremlin đã có thái độ dè chừng với Bình Nhưỡng, vì thế mặc dù ủng hộ Triều Tiên vì lý do ý thức hệ, Liên Xô không nhiệt tình cung cấp vũ khí cho nước này. Điều đó đặc biệt rõ khi so sánh với viện trợ quân sự của Liên Xô dành cho các nước Arab. Ai Câp và Syria đã nhận được với số lượng lớn và chủng loại rất đa dạng viện trợ mà Bình Nhưỡng mơ cũng không thấy.

Mặt khác, không ai muốn vứt bỏ Triều Tiên, nên trong những thời kỳ quan hệ ấm áp, Liên Xô đã cung cấp số lượng khá lớn vũ khí trang bị. Tuy nhiên, không thể nói Liên Xô đã hỗ trợ chương trình tên lửa quân sự của Triều Tiên.

Năm 1965-1968, Liên Xô đã chuyển giao một số lượng nhỏ các hệ thống tên lửa đường đạn chiến thuật 2K6 Luna (9 bệ phóng, mấy chục tên lửa và các xe liên quan). Nhưng hệ thống này với các tên lửa đường kính  415 mm và tầm bắn không quá 45 km trông thật mờ nhạt khi so với các kho vũ khí mà Mỹ hồi đó triển khai ở phía nam bán đảo Triều Tiên. Liên Xô thường viện lý do cam kết bảo vệ Triều Tiên nếu bị tấn công để ngầm nói rằng “các đồng chí Triều Tiên chẳng cần các kho dự trữ vũ khí tiến công để làm gì cả”.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không định trông cậy hết vào quan hệ với một đồng minh nên đã tự tiến hành thu thập thông tin về tên lửa đường đạn. Đâu đó vào giữa thập kỷ 1960, trong các trường quân sự và viện nghiên cứu (hồi đó mới chỉ vừa xuất hiện vì Triều Tiên cũng vừa mới kết thúc giai đoạn 1 công nghiệp hóa và nhìn chung vẫn là nước lạc hậu), người ta đã bắt đầu nghiên cứu tên lửa đường đạn nhiên liệu lỏng.
 
Phóng thử tên lửa Nodong vào tháng 7/ (KCNA / Reuters)

Họ đã nghiên cứu cặn kẽ tên lửa FAW-2 của Đức. Một “mẫu tên lửa học tập” nữa là tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không Liên Xô SA-75. Họ quan tâm trước hết đến động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng. Bản thân động cơ này thiết kế thành công đến mức một số nước đã sử dụng nó để chế tạo tên lửa đường đạn: chẳng hạn như tên lửa Prithvi của Ấn Độ và Al Samoud II của Iraq.

Vào giữa thập niên 1970, tình hình đã thay đổi khi Trung Quốc ra tay giúp đỡ. Trong những năm đó, Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng thì muốn lợi dụng tối đa sự cạnh tranh Xô-Trung. Các chuyên gia Triều Tiên vào năm 1975 đã trở thành thành viên của dự án phát triển tên lửa đường đạn mới DF-61 của Trung Quốc. Lịch trình chính xác về sự tham gia của Triều Tiên trong dự án hiện chưa rõ vì các nguồn tin đưa ra thông tin khác nhau. Công việc bắt đầu trong giai đoạn 1975-1977 và kết thúc vào những năm 1977-1980.

Nếu khái quát những thông tin công khai thì ta có được bức tranh như sau. Đó là tên lửa đường đạn nhiên liệu lỏng, được thiết kế thành 2 biến thể. Biến thể dành cho Trung Quốc có tầm bắn 1.000 km và tải trọng hữu ích là đầu đạn hạt nhân nặng 500 kg. Biến thể dành cho Triều Tiên có tầm bắn 600 km và đầu đạn thông thường 1.000 kg. Tên lửa có chiều dài 9 m và đường kính 1 m.

Những thay đổi chính trị ở Trung Quốc đã dẫn đến ban đầu là việc đóng băng dự án, sau đó là hủy bỏ hoàn toàn (vào năm 1980). Từ đó, Trung Quốc tập trung vào các tên lửa nhiên liệu rắn thuộc lớp này. Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, đây là một trường học tốt: họ đã có được kinh nghiệm thực tiễn làm việc chung với các chuyên gia trình độ cao, cũng như đã tìm hiểu được công nghệ tên lửa của Trung Quốc. Điều đó rất hữu ích cho họ trong một dự án khác.

Elbrus từ Ai Cập

Từ những năm 1960, Bình Nhưỡng trong vai trò “người anh em trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống các thế lực đế quốc” đã tích cực can thiệp vào các cuộc xung đột ở châu Á và châu Phi. Bắc Triều Tiên đã tham gia không chỉ chiến tranh ở Việt Nam mà cả các cuộc chiến tranh Arab-Israel. Trong chiến tranh năm 1967, ở Syria có mặt 25 phi công Triều Tiên, còn trong chiến tranh năm 1973 có 30 phi công quân sự Bắc Triều Tiên ở Syria và Ai Cập. Riêng ở Ai Cập, các phi công Triều Tiên lái MiG-21 thậm chí còn tham chiến với không quân Israel. Sự giúp đỡ đó đã nhanh chóng được bù đắp.

Như đã nói ở trên là Ai Cập đã nhận được từ Liên Xô những thứ mà Triều Tiên có mơ cũng không được, trong đó có các hệ thống tên lửa đường đạn chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật. Cairo đã dùng chính những tên lửa đó để thanh toán nợ nần với Bình Nhưỡng.

Năm 1975-1976, Ai Cập đã bàn giao cho Triều Tiên một số hệ thống tên lửa Luna-M của Liên Xô. Triều Tiên đã hân hoan tiến hành nghiên cứu “thiết kế ngược” các tên lửa này. Nhưng không lâu sau, họ đã hủy bỏ chương trình này và tập trung toàn lực cho một nhiệm vụ thú vị hơn.

Năm 1979-1980, Triều Tiên đã nhận được từ Ai Cập 2 hoặc 3 hệ thống tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật 9K72 Elbrus trang bị tên lửa R-17 mà phương Tây gọi là Scud B. Đây đã là loại tên lửa khá tinh vi và sao chép được hệ thống này đã là thành công đầu tiên của Triều Tiên. Hơn nữa, người Triều Tiên đã có kinh nghiệm từ dự án khác với tên lửa đường đạn tầm ngắn, một tầng nhiên liệu lỏng là DF-61.

Đầu thập kỷ 1980, chương trình tên lửa đường đạn của Triều Tiên chuyển sang phương diện thực tế. Họ đã thành lập một nhóm công tác, sau đó là các cơ quan tại các bộ ngành quốc phòng. Họ đã bắt tay vào xây dựng hạ tầng, kể cả hạ tầng thử nghiệm. Để thực hiện các lần phóng đầu tiên, họ đã chọn mũi Musudan trên bờ biển Nhật Bản. Đó là sân bay vũ trụ Tonghae nơi sau đó đã thử nghiệm nhiều loại tên lửa chiến đấu và tên lửa vũ trụ của Triều Tiên.

Năm 1982, họ đã tìm hiểu rõ ràng được loại tên lửa Liên Xô và vào năm 1984, đã hoàn tất chế tạo các mẫu thử nghiệm của mình. Tuy nhiên, các mẫu này không thể gọi là sản phẩm sản xuất ngược đúng nghĩa. Triều Tiên chỉ tự chế tạo được thân, thùng nhiên liệu và một số chi tiết phụ. Còn động cơ, con quay... vẫn lấy từ các nước khác có sở hữu tên lửa Liên Xô nguyên bản. Cũng có tin họ sử dụng con quay do phương Tây sản xuất nhận được qua các bên thứ ba. Tháng 4-9/1984, họ đã thực hiện hàng loạt thử nghiệm, 3 lần phóng đã thành công. Đồng thời, trong quân đội Triều Tiên đã thành lập các đơn vị đầu tiên phụ trách thử nghiệm và nghiên cứu xây dựng các quy định khai thác vũ khí mới.
 
Hệ thống tên lửa 9K72 Elbrus (Bandanschik / Wikipedia)

Tên lửa Hwasong-5 chế tạo được khác với nguyên bản Liên Xô chủ yếu là ở tầm bắn xa hơn. Nếu như R-17 có tầm không quá 300 km (tùy thuộc vào biến thể và hướng bay so với chiều quay của trái đất), thì biến thể Triều Tiên bay được 340 km. Năm 1985-1986, họ bắt đầu sản xuất loạt và lúc đó công nghiệp Triều Tiên đã có khả năng sản xuất các linh kiện chính của tên lửa.

Điều có lợi nữa là họ lập tức tìm được khách hàng mua tên lửa. Hồi đó, Iran là một khách hàng mua vũ khí lớn và đang tiến hành cuộc chiến đẫm máu với Iraq, quốc gia sở hữu tên lửa R-17 của Liên Xô. Iran đang bị cô lập và rất thiếu thốn vũ khí trang bị. Vì thế mà Iran và Triều Tiên đã nhanh chóng đạt thỏa thuận: Tehran nhận súng cối, pháo phản lực, xe tăng, còn Bình Nhưỡng thì nhận được ngoại tệ và dầu mỏ. Nay thì cả tên lửa đường đạn cũng đến tay Iran.

Tháng 6/1987, Triều Tiên đã ký hiệp định cung cấp cho Iran tên lửa Hwasong-5, lô hàng đầu tiên được chuyển đi trong tháng 7/1987. Trong “cuộc chiến giữa các thành phố” vào năm 1988 khi mà Iraq và Iran đã sử dụng rộng rãi tên lửa đường đạn chống lại các thành phố của nhau, Hwasong-5 đã đóng một vai trò lớn và trải qua các thử thách quy mô lớn trong điều kiện thực chiến. Iran đã phóng vào các thành phố Iraq 77 quả tên lửa. Và mặc dù người ta biết rằng, số lần phóng tên lửa là nhiều hơn thế và thậm chí đã xảy ra các sự cố nghiêm trọng nổ tên lửa khi phóng, Hwasong-5 đã chứng tỏ là một tên lửa đường đạn chiến đấu thực thụ. Tuy nhiên, trong quá trình tác chiến, các chuyên gia đã phát hiện ra những sai sót trong thiết kế và đã hoàn thiện tên lửa.

Tuy nhiên, tại Iraq đã xuất hiện vũ khí mới là tên lửa Al Hussein. Thực chất, đây là tên lửa R-17 của Liên Xô được cải tạo kéo dài (thêm gần 1,5 m) với dự trữ nhiên liệu lớn hơn và tải trọng hữu ích (đầu đạn) nhỏ hơn. Các tên lửa này được chế tạo từ các tên lửa Liên Xô tháo rời. Ban đầu, để lắp ráp 1 tên lửa Al Hussein thường mất 3 tên lửa R-17 của Liên Xô, sau đó, hiệu quả công việc đã tăng lên khi lắp ráp 2 quả Al Hussein chỉ mất 3 quả R-17. Iraq cũng đã sử dụng trong tên lửa này các linh kiện phương Tây như máy bơm turbine của CHLB Đức. Kết quả là họ đã chế tạo được một tên lửa có tầm bắn 600-650 km, mặc dù là với độ chính xác cực thấp.

Bởi vậy, Iran đã đặt mua từ Triều Tiên tên lửa đường đạn mới có tầm bắn xa hơn. Bản thân Triều Tiên cũng cần có loại tên lửa có thể với tới toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, trong khi tên lửa Hwasong-5 không thể làm việc này. Họ đã chọn cách thức bảo thủ từng bước hoàn thiện tên lửa cũ: các vật liệu kết cấu nhẹ hơn, giảm trọng lượng phần chiến đấu, thí nghiệm giảm độ dày vách khoang nhiên liệu. Chẳng có tiến bộ cách mạng nào, Triều Tiên đã chế tạo được Hwasong-6 mà các nguồn tin phương Tây thường gọi là Scud C với tầm bắn gần 500 km.

Các cuộc thử nghiệm diễn ra trong những năm 1990-1993, một phần tại lãnh thổ các nước đối tác Iran và Syria. Ở Iran, Hwasong-5 và Hwasong-6 đã được đưa vào trang bị với tên gọi là Shahab-1 và Shahab-2, việc sản xuất các tên lửa này dần được nội địa hóa trong những năm 1990 với sự hỗ trợ của Triều Tiên.

Nhìn chung thì không có gì quá phi thường: Triều Tiên lấy hệ thống tên lửa không phải tinh vi nhất và từng bước sao chép nó, còn sau đó thì bằng cách đưa vào những thay đổi, trên cơ sở tên lửa này đã chế tạo ra cả một họ tên lửa đường đạn mới. Quá trình này tiếp diễn cả trong những năm 2000.

Sáng tạo giản đơn

Dù có những thành công trong việc cải tiến những thiết kế cũ của Liên Xô, giới hạn về khả năng của Triều Tiên là rõ ràng. Đặc điểm địa lý quân sự của khu vực đòi hỏi các hệ thống mang phóng được các đầu đạn khá nặng (1.000-1.500 kg) với tầm bắn 1.000 km trở lên để vươn tới các căn cứ đối phương ở Nhật Bản.

Cuối thập niên 1980, Triều Tiên bắt đầu phát triển một thiết kế hoàn toàn tự lực mặc dù vẫn dựa trên các công nghệ của họ tên lửa Hwason về phần vật liệu thiết kế, nhiên liệu và các hệ thống điều khiển. Kết quả là tên lửa được nước ngoài gọi là Nodong. Iran đã tài trợ một phần tự án này và cũng tham gia tìm kiếm nguyên vật liệu cho Triều Tiên trên thị trường thế giới.

Tên lửa Shahab-3 của Iran tại cuộc duyệt binh ở Tehran, tháng 9/2010 (Vahid Salemi / AP)

Trên thực tế, người ta đã chế tạo ra một mẫu Hwasong-6 tăng cỡ tỷ lệ (1,5 lần) với động cơ được sửa đổi lớn trên cơ sở thiết kế động cơ của tên lửa R-17. Việc thử nghiệm diễn ra năm 1993 và tên lửa này trong những năm 1990 được đưa vào trang bị không chỉ cho Triều Tiên, mà cả Iran (Shahab-3) và Pakistan (Ghauri-1).

Chẳng có gì là siêu nhiên mà chỉ là sự mở rộng khả năng mạnh mẽ trên cơ sở công nghệ đã làm chủ thuần thục. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Triều Tiên đã đóng vai trò là người xuất khẩu, chứ không phải người nhập khẩu công nghệ.
Damascus cung cấp Tochka

Damascus và Bình Nhưỡng từng có quan hệ rất tốt đẹp. Triều Tiên đã cử các phi công sang Syria vào năm 1973-1975, còn trong những thập niên sau đó, đã cung cấp một số lượng lớn vũ khí trang bị, giúp đỡ hiện đại hóa, kể cả tên lửa đường đạn. Tuy vậy, ngay cả Assad cũng có cái để chào mời Kim Chính Nhật.

Năm 1983, Syria đã nhận được những hệ thống tên lửa chiến thuật 9K79 Tochka đầu tiên từ Liên Xô, trang bị tên lửa nhiên liệu rắn 9M79, có tầm bắn đến 70 km và độ chính xác khá cao. Vào giữa thập niên 1990, các chuyên gia Triều Tiên đã tiếp cận làm quen các tên lửa này ở Syria, còn năm 1996, Bình Nhưỡng đã nhận được một số tên lửa để nghiên cứu.

Vào năm 2005, đã diễn ra vụ thử đầu tiên biến thể tên lửa 9M79 do Triều Tiên làm nhái là tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn KN-02. Đây chính là một biến thể, chứ không phải là sao chép thuần túy. Vấn đề là ở chỗ KN-02 có tầm bắn lớn hơn: ngay trong những lần thử đầu tiên, tầm bắn đạt được là 100-120 km, còn trong quá trình hiện đại hóa (theo đánh giá của tình báo nước ngoài), KN-02 đã đạt tầm bắn hơn 200 km.

Học trò cũ

Ban đầu, Iran chỉ là bên nhập khẩu thuần vũ khí trang bị và công nghệ tên lửa từ Triều Tiên. Đến những năm 2000, chính phía Triều Tiên đóng vai trò chính trong cặp đôi này. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế và công nghệ chung, Iran đã phát động nhiều chương trình tên lửa.

Do sự khác biệt lớn về tài nguyên tiếp cận được, Iran đã đạt được hàng loạt thành tựu sớm hơn những người thầy cũ. Ví dụ, Iran đã phóng vệ tinh trên tên lửa đẩy của mình vào năm 2009, trong khi Triều Tiên chỉ làm được việc đó vào năm 2012. Đồng thời, trong suốt nửa cuối những năm 2000, Iran đã trở thành trường thử chủ yếu trong cặp đôi này. Rất nhiều trong những thứ mà Iran trình diễn trong những năm 2000 thì sau đó được Triều Tiên trình diễn trong những năm 2010. Rõ ràng là Iran đã từ học trò đã chuyển thành ít nhất là đối tác bình đẳng.

Từ những năm 2000, các chuyên gia tên lửa của hai nước đã nghiên cứu và tái lập hàng loạt công nghệ của Liên Xô mà họ không tiếp cận được cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Trong những năm 1990, họ được tiếp cận nhiều đột biến và vô tội vạ nhiều mẫu vũ khí trang bị Liên Xô, tài liệu kỹ thuật, cũng như các chuyên gia công nghiệp quốc phòng đang chật vật sống nghèo khổ và sẵn sàng làm việc đổi lấy những đồng xu lẻ.

Hồi đó, đi ngang dọc khắp Liên Xô trước đây, không chỉ có các tình báo viên Triều Tiên, mà cả của Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khác. Trong những năm 2000, trật tự đã được thiết lập, nhưng nhiều thứ đã kịp rò rỉ, thất thoát. Trong những năm đó, Mỹ giải mật các thông tin (“lịch sử”) về các chương trình tên lửa quân sự và tên lửa vũ trụ của những thập niên 1950-1970. Các thông tin này cũng được thu thập và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Những câu chuyện về việc cung cấp các tên lửa đường đạn Liên Xô bị loại khỏi trang bị cho Triều Tiên rõ ràng là thông tin giả vì khả năng mà Triều Tiên đã đạt được không cần việc đó. Họ đã có thể du nhập một phần các giải pháp của người khác và tiến hành không phải là sao chép mù quáng mà tự lập “sáng tạo theo ý muốn”. Để du nhập như thế, Triều Tiên có quá nhiều cơ hội trên lãnh thổ rộng lớn của đế chế Xô-viết, dù chỉ là những mảnh nhỏ của một câu đố lớn, nhưng họ cũng đâu có cần toàn bộ và tất cả, nhiều thứ họ có thể tự nghĩ ra.

Phóng thử tên lửa Hwasong-10, tháng 6/2016 (KCNA / Reuters)

Xét ra thì tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm R-27 của Liên Xô cũng đã thực sự trở thành nguồn khích lệ đối với Triều Tiên. Hàng loạt giải pháp ở tầng 2 tên lửa đẩy vũ trụ đã phóng thành công Safir của Iran (2009), cũng như ở tên lửa Hwasong-10 thử thành công vào năm 2016 của Bắc Triều tiên đã cho thấy rõ điều đó. Đó không chỉ là các giải pháp cấu trúc hệ thống động cơ, mà cả sự lựa chọn cặp “nhiên liệu - chất oxy hóa”. Các vụ thử gần đây cho thấy rằng, trình độ công nghệ đạt được là tương đương với R-27 của Liên Xô. Tuy nhiên, Hwasong-10 không phải là tên lửa sao chép R-27.

Điều còn thú vị hơn nữa là ở tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn phóng từ tàu ngầm mà Triều Tiên đang thử nghiệm hoàn toàn không hề thấy bóng dáng của một mẫu nước ngoài trực tiếp nào. Và tất cả những điều đó có nghĩa là gì?

Chỉ là việc rượu gin đã được rót khỏi chai: Triều Tiên đã trở thành một cường quốc tên lửa thực sự, hơn nữa lại có tính tự chủ cao hơn người ta thường nghĩ.

Họ đã trải qua con đường đi từ nghiên cứu các tên lửa thời Thế chiến II qua những cuốn sách nhỏ cho đến sao chép tên lửa Liên Xô thật sự mà họ nhận được. Sau khi làm chủ khả năng sản xuất loạt linh kiện các tên lửa này và lắp ráp, họ bắt tay vào chế tạo các biến thể hoàn thiện hơn. Họ phát triển song song những tên lửa hoàn toàn mới trên cơ sở các công nghệ tương tự. Và họ đã thiết kế khá thành công các tên lửa mới trên cơ sở các công nghệ khác, hiện đại hơn.

Đồng thời, nhu cầu nhận được các mẫu vũ khí trang bị thành phẩm cũng dần mất đi. Nay thì tất cả đã nằm trong tay các chuyên gia công nghệ Triều Tiên.

Các thành quả lao động hiện nay của các kỹ sư tên lửa Triều Tiên sẽ được giới thiệu trong bài viết tới.

>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Cú đột phá (2)

>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Tham vọng xuyên lục địa (3)
Nhân Vũ