In bài này
Ấn Độ mua Spike và Heron TP của Israel
Chủ Nhật, 02/04/2017 - 10:38 AM
Ấn Độ chuẩn bị ký các thương vụ mua vũ khí trị giá nhiều tỷ trong chuyến thăm Israel dự kiến vào tháng 7/2014 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

>>  Hệ thống tên lửa chống tăng siêu hiện đại Spike

Trước hết đó là các hợp đồng mua tên lửa chống tăng Spike và máy bay không người lái tiến công (UCAV) Heron TP.

Quá trình phê duyệt kéo dài đối với hợp đồng mua các hệ thống tên lửa chống tăng của công ty Rafael Advanced Defense Systems của Israel trị giá 1 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần này. Hợp đồng đã được trình cho Ủy ban An ninh trực thuộc nội các Ấn Độ để phê chuẩn. Cơ quan do Thủ tướng đứng đầu này là cấp cao nhất đưa ra quyết định về mua sắm vũ khí.

Thỏa thuận đầu tiên đã đạt được từ năm 2014 với nội dung Ấn Độ mua 321 bệ phóng cơ động, 8.356 tên lửa chống tăng có điều khiển và 15 thiết bị huấn luyện. Nhưng sau đó, thương vụ bị khó khăn do luật cấm mua vũ khí mà không qua đấu thầu do chào hàng của Rafael là duy nhất.

“Tình huống chỉ có một nhà cung cấp dự thầu xuất hiện khi một bên tham gia khác là Javelin của Mỹ có giá quá đắt. Hợp đồng không qua đấu thầu được chấp thuận do quân đội Ấn Độ quá cần tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ 3”, nhà phân tích quân sự, cựu chuẩn tướng Rahul Bhonsle giải thích với trang Indian Defence News.

Đối với Ấn Độ, điều cũng quan trọng là việc Israel sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất bệ phóng và tên lửa chống tăng. Hợp đồng trù định cấp giấy phép sản xuất tại Ấn Độ ở nhà máy của hãng Bharat Dynamics Limited 1.500 bệ phóng và 30.000 quả tên lửa chống tăng có điều khiển Spike.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố, trong 20 năm tới, quân đội nước này sẽ cần khoảng 40.000 quả tên lửa chống tăng hiện đại. Hiện nay, trong biên chế quân đội Ấn Độ có các hệ thống tên lửa chống tăng cơ động thế hệ 2 Milan (tầm bắn 2 km) được sản xuất ở Ấn Độ theo giấy phép của Pháp và Konkurs (tầm bắn 4 km) sản xuất ở Ấn Độ theo giấy phép của Nga.

“Trong một thời gian dài, quân đội Ấn Độ đã là con tin của các hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ cũ chủ yếu mua từ Nga và châu Âu. Các hệ thống tên lửa chống tăng này có kênh điều khiển tên lửa bằng dây. Ngay cả Spike cũng không phải là hệ thống phóng-quên bởi vì việc điều khiển tên lửa được thực hiện qua cáp quang”, ông Rahul Bhonsle nhận xét.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự định tái trang bị bằng các hệ thống tên lửa chống tăng mới cho 382 tiểu đoàn bộ binh và 44 tiểu đoàn bộ binh cơ giới. Các hệ thống Spike đầu tiên sẽ bắt đầu cung cấp cho Ấn Độ sau 58-60 tháng sau khi ký hợp đồng.

Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ xem xét đề xuất của Israel bán cho New Delhi các UCAV Eitan (Heron TP). Báo chí Ấn Độ đã đưa tin về đề xuất này vào ngày 27/3/2017.

Eitan có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và cả tiến công, thời gian bay liên tục 52 giờ, độ cao bay đến 12.000 m và có thể mang các vũ khí tối tân để tấn công mục tiêu mặt đất. Các biến thể trước đó của UAV này đã có trong trang bị của quân đội Ấn Độ, nhưng chỉ có thể làm nhiệm vụ thu thập tình báo, không thể làm nhiệm vụ tiến công do không thể mang vũ khí mạnh.

Ngày 9/2/2017, tập đoàn Israel Aerospace Industries đã thông báo chế tạo được biến thể xuất khẩu mới Heron TP. Biến thể này có thể mang tải trọng hữu ích 450 kg. Israel dự định bán Heron TP cho các quốc gia tham gia Chế độ kiểm soát phổ biến công nghệ tên lửa (MTCR). Ấn Độ đã tham gia MTCR vào tháng 6/2016, trở thành thành viên thứ 35.

Hợp đồng này có thể được ký với điều kiện Israel chuyển giao công nghệ sản xuất UCAV Eitan cho Ấn Độ. Hiện chưa rõ Israel có chấp nhận điều kiện này không.

“Yêu cầu chuyển giao công nghệ của Ấn Độ là cực kỳ quan trọng và phù hợp với chương trình Make in India. Chúng ta có kinh nghiệm buồn về chuyển giao công nghệ với các nhà sản xuất khác nhau. Đa số họ không muốn Ấn Độ trở nên độc lập. Nhưng chúng tôi cần có sự hỗ trợ của nước ngoài trong lĩnh vực các công nghệ quan trọng như UAV. Chúng tôi cũng cần có các liên doanh với các công ty nước ngoài để sản xuất những sản phẩm cụ thể”, cựu tướng không quân Ấn Độ Anil Chopra nói với Indian Defence News.

Hiện nay, quân đội Ấn Độ đang sử dụng hơn 200 UAV trinh sát. Cơ bản đó là các UAV Heron của Israel và Nishant do Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) sản xuất. Trước đây, quân đội Ấn Độ đã hy vọng có được UCAV nội địa. Nhưng do khó khăn với việc tích hợp tên lửa lên UAV mới Rustom, DRDO đã thông báo rằng, sản phẩm mới nhất Rustom 2 cũng sẽ không phải là UCAV.

Theo Indian Defence News, Bộ Quốc phòng Ấn Độ muốn mua cho quân đội các UCAV có khả năng mang bom điều khiển bằng laser và tên lửa không đối đất.

>>  Hệ thống tên lửa chống tăng siêu hiện đại Spike
PM