In bài này
Vũ khí bí mật của Trung Quốc ở Biển Đông
Thứ Sáu, 20/02/2015 - 7:19 PM
Trung Quốc đang mưu toan tạo ra mạng lưới cứ điểm không quân và hải quân trên Biển Đông.

>> Vũ khí bành trướng bí mật của Bắc Kinh


Trung Quốc đang xây dựng những hòn đảo mới và mở rộng những đảo, đá hiện có tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Với sự hỗ trợ của 5 hòn đảo nhỏ mới do tàu hút tạo nên, tạp chí quân sự Anh uy tín IHS Jane’s Defence Weekly (JDW) cho rằng, Bắc Kinh đang tìm cách tạo ra một mạng lưới cứ điểm không quân và hải quân tại khu vực tranh chấp.

JDW đi đến kết luận đó trên cơ sở phân tích các bức ảnh chụp các khu vực tranh chấp ở Biển Đông do các vệ tinh của tập đoàn quốc phòng-vũ trụ châu Âu Airbus Defence and Space mà đến đầu năm 2014 còn gọi là EADS thực hiện. “Những thầy phù thủy” Trung Quốc đang tạo ra những hòn đảo từ không khí, mà đúng hơn là từ cát lấy từ đáy biển, đang tỏ ra tích cực nhất ở quần đảo Trường Sa.

“Ở nơi mà trước đây chỉ có những dàn bê tông nhỏ thì nay đã xuất hiện những hòn đảo thực sự với các bãi đỗ trực thăng, đường băng cất-hạ cánh, bến cảng và hạ tầng cần thiết để bố trí các đội quân lớn. Chúng tôi tin rằng, Trung Quốc đã xây dựng và tiến hành ráo riết chương trình thiết lập một chuỗi cứ điểm ở ngay giữa quần đảo Trường Sa”, James Hardy, Tổng biên tập tuần san JDW nói với hãng CNN.

Mặc dù ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông gồm hàng trăm đảo, rạn san hô và đảo san hô không người ở có tổng diện tích 5 km² hiện không xảy ra giao tranh, nhưng nó tiềm tàng là một trong những điểm nóng dữ dội nhất trên trái đất. Trên một nửa các hòn đảo của Trường Sa có binh sĩ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Trung Quốc trú đóng.

JDW trước đó cũng đã sử dụng các bức ảnh vệ tinh. Chính nhờ các bức ảnh đó, các chuyên gia của tuần san này đã công bố một tin cực kỳ giật gân khi tố cáo hoạt động của tàu hút khổng lồ Tian Jing Hao bị vệ tinh phát hiện vào cuối năm 2013-tháng 4/2014 ở khu vực các rạn san hô Hughes Reef, Johnson, Gaven, Đá Chữ Thập, nơi mà giống như theo cây gây thần biến ảo đã xuất hiện một đường băng cất-hạ cánh dài ít nhất 3 km; và các khu vực khác trong năm 2013-2014.


Tàu hút Tian Jing Hao hoạt động liên tục 24 giờ không nghỉ và hút lên từ đáy biển gần 4.500 m³ cát/h. Năng suất đó cho phép người Trung Quốc thay đổi 5 rạn san hô đến mức không thể nhận ra. Những sự thay đổi hoàn toàn đó có thể dễ dàng thấy qua các bức ảnh chụp rạn Hughes, mà qua các bức ảnh chụp ngày 1/2/2014 trên đó chỉ có một giàn bê tông diện tích 380 m². Trên các bức ảnh chụp ngày 14/8/2014, tại khu vực Hughes đang diễn ra việc hút cát mạnh mẽ từ đáy biển, còn trên các bức ảnh ngày 24/1/2015, tại vị trí giàn bê tông nhỏ đó đã mọc lên một hòn đảo thực sự có diện tích 75.000 m², trên đó đang diễn ra hết tốc lực việc thi công xây dựng các nhà cửa, công trình. Có thể không quá ngại sai lầm khi phỏng đoán rằng, trên các bức ảnh chụp vào mùa xuân hoặc mùa hè, hòn đảo nảy sẽ là một cứ điểm quân sự hoàn chỉnh.

Hạ tầng trên tất cả các hòn đảo được xây dựng theo một thiết kế chuẩn: một tòa nhà chính hình vuông và ở góc là một trạm radar hình tròn hay một tháp phòng không.

Điều thú vị là đang củng cố vị trí tại quần đảo Trường Sa không chỉ có Trung Quốc mà còn cả Đài Loan, Philippines, nhưng khác với Trung Quốc các nước này, xây dựng công trình trên các đảo sẵn có và không xây dựng các đảo mới.

Về mặt luật pháp, việc xây dựng những hòn đảo mới sẽ không giúp Bắc Kinh củng cố yêu sách đối với các hòn đảo tranh chấp vì trong Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc chỉ nói về các yêu sách đối với các lãnh thổ tự nhiên, chứ không phải các lãnh thổ nhân tạo. Tuy nhiên, sự hiện diện của các cứ điểm quân sự tại các khu vực tranh chấp sẽ con bài mạnh một khi nổ ra xung đột quân sự ở quần đảo Trường Sa.

Khả năng xảy ra kịch bản đó ở đây là khá cao. Chỉ cần lưu ý rằng, sự xuất hiện của giàn khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014 đã kích động những cuộc biểu tình dữ dội chống Trung Quốc ở Việt Nam mà sức mạnh và quy mô làm sửng sốt ngay cả Bắc Kinh.

Tranh chấp xung quanh các bãi đá Gạc Ma (Johnson), Châu Viên (Cuarteroon) và Gaven cũng liên tục làm căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.

Mặt khác, đá Gạc Ma từng là nơi nổ ra xung đột vũ trang giữa các tàu chiến của Trung Quốc và các tàu vận tải của Việt Nam vào năm 1988, 64 bộ đội Việt Nam hy sinh.

Manila cũng lớn tiếng phản đối các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh lại hát bài tụng ca muôn thuở là không hề có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vì lý do đơn giản nó thuộc chủ quyền Trung Quốc.


>> Vũ khí bành trướng bí mật của Bắc Kinh
Nhân Vũ