In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Gia đình gián điệp (2)
Thứ Tư, 22/01/2014 - 10:08 AM
Sau 17 năm làm gián điệp cho KGB, John Walker cùng người thân kéo nhau ngồi tù.
Whitworth - RUS

Thất bại tình báo đau đớn nhất của Hải quân Mỹ
>> Điệp viên thế kỷ XX: Gia đình gián điệp (1)

Trong lúc đó, vụ việc đã có một bước ngoặt mới. Các chuyên gia phân tích của FBI đã đi đến kết luận: Rus chính là Jerry Wentworth bí ẩn đó. Một lần nữa người ta đăng tin lên báo nhưng không được trả lời.

Thì ra mấy năm trước, Laura đã ở nhà Wentworth, nhưng đã quên mất địa chỉ, cô ta đã hai lần gọi điện cho ông ta... Người ta buộc Laura phải nhớ lại dù là gần chính xác tuyến đường mà cô ta đi đến nhà Wentworth và ngôi nhà của ông ta. Thậm chí, FBI còn phát hiện được cái gì đó giống với lời mô tả của cô ta, nhưng ở đó tuyệt nhiên chả có Wentworth nào cả. Người ta lục các danh mục điện thoại năm 1982 và tìm ra số máy mà Laura đã gọi, nhưng nó lại thuộc về một ông Jerry Whitworth nào đó. Liệu cô con gái của tên gián điệp có bị nhầm không đây? Laura đúng là đã nhầm.

FBI xác định được ngay nhân thân của Whitworth: sinh năm 1939, từ năm 1962 đến 1983: phục vụ trong hải quân, 10 năm cuối có liên quan đến mật mã và các loại thông tin liên lạc trên các tàu hải quân và trong lực lượng bảo vệ bờ biển. Hơn nữa, trong các nhiệm vụ của anh ta còn có nhiệm vụ cất giữ các mật mã, sổ mã và các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy mã. Thì ra từ năm 1970 đến năm 1971, Walker từng là chỉ huy của Whitworth. Lúc này thì các chuyên gia phân tích tin chắc Whitworth chính là Rus.

Đổ bể

Đã sáu tuần FBI tiến hành nghe lén điện thoại của Walker và kinh ngạc trước kho từ ngữ tục tĩu dồi dào của hắn, nhưng không thu được một cái cớ nào.

Ngày 17 tháng 5, bà dì ông ta ở Pensylvania qua đời, nhưng ông ta lại gọi điện cho họ hàng báo là vào ngày chủ nhật - ngày an táng bà dì, ông ta mắc công chuyện nên không thể về vĩnh biệt người quá cố được. Điều này đã làm FBI cảnh giác vì thường thì chủ nhật Walker không làm việc, mà trên điện thoại thì ông ta cũng có hẹn hò gì với ai đâu. Công chuyện ở đây là gì? Các thám tử của FBI được tung vào cuộc.

Buổi sáng chủ nhật, Walker ra khỏi ngôi nhà hai tầng của mình ở Norfolk và ngồi vào chiếc xe Chevrolet với quần áo mặc kiểu đi xa. Khi đi vòng quanh thành phố, ông ta đã chăm chú quan sát trong gương các xe đi phía sau, hai lần dừng lại, bước xuống đường nhữa, quay đầu, đi đến xa lộ và nhằm hướng Washington.

Tổ theo dõi ngoài lập tức nhận ra thủ đoạn kiểm tra nghề nghiệp trong các hành động của Walker và cố giữ khoảng cách với ông ta và duy trì liên lạc bằng vô tuyến điện. Việc xe Walker đi về phía Washington còn làm người ta lo ngại hơn vì theo lời khai của Barbara thì từ năm 1976 trong mọi trường hợp, trung tâm tình báo nước ngoài ở Washington liên lạc với Walker thông qua các hộp thư mật. Các máy bay đặc chủng của FBI đã được huy động tham gia theo dõi, nhưng chúng thường để mất dấu Walker vì dọc đường đi có quá nhiều cây cối. Các nhân viên theo dõi ngoài sợ đi phía sau vì đường thì ngoằn ngoèo nên không thể bám sát theo Walker mà không có sợ bị lộ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tổ theo dõi ngoài của FBI đã mất dấu ông ta vào lúc 5 giờ chiều.

Màn đêm sập xuống, các nhân viên FBI tuyệt vọng. Nhưng họ lại thành công: gần 8 giờ, tổ theo dõi ngoài bất ngờ chộp được xe của Walker. Lúc 8 giờ 15, ông ta đưa xe vào bãi đỗ, chui khỏi xe và bắt đầu kiểm tra cái gì đó. Lúc 8 giờ 20, một chiếc ôtô màu xanh mang biển số ngoại giao của sứ quán Liên Xô xuất hiện trên đường. Chiếc xe này được FBI xác định ngay là của bí thư thứ ba sứ quán Aleksei Tkachenko, một nhân viên KGB. Tổ theo dõi ngoài sợ Tkachenko lo ngại nên đã tắt đèn pha tiếp tục theo dõi Walker. Lúc 8 giờ 30, ông ta ra khỏi xe, lại gần thùng rác ở bến đỗ, sau đó thì đi mất. Các nhân viên FBI chạy đến và nhận ra trong thùng rác một hộp nước bằng sắt tây rỗng, nhưng đối với người có nghề thì gần như chắc chắn nó là tín hiệu “tôi đã đến khu vực hành động, đã bỏ tài liệu vào hộp thư mật và sẽ lấy tài liệu từ hộp thư của anh...”.

Ngay lúc đó đã xảy ra một sự nhầm lẫn: nhân viên FBI đã đặt chiếc hộp về chỗ cũ để Tkachenko trông thấy nó và báo trước để tổ theo dõi đi ở tuyến hai sau đó phải thu lấy chiếc hộp làm vật chứng (trên đó chắc chắn sẽ lưu lại dấu tay), nhưng các nhân viên theo dõi ngoài này đã vội vã nhặt lấy hộp nước đem đi. Vào lúc 9 giờ 08, Tkachenko, sau khi không trông thấy hộp nước liền đoán ngay là phiên liên lạc đã hỏng nên đã rời khỏi khu vực một cách cực kỳ bình tĩnh. Trong khi đó, Walker đỗ lại, ra khỏi xe, đi lang thanh một lát trong rừng và đi vào thành phố, ở đó ông ta đi lang thang vơ vẩn trong trung tâm thương mại rõ ràng là để giết thời gian. Khi lục soát kỹ lưỡng địa điểm bên rừng, các nhân viên theo dõi ngoài đã tìm thấy một chiếc ba lô chứa một số đồ và bên dưới có cuộn phim.

Vào lúc 10 giờ 15, Walker lại xuất hiện ở khu vực có các hộp thư mật. Khi đi đến chỗ đã để ba lô, ông ta không phát hiện thấy gì, liền đi đến hộp thư mật khác. Chuyện gì thế này? Tkachenko đã lấy tài liệu nhưng tại sao lại không để lại gì? Trong quá trình làm với KGB chưa bao giờ xảy ra chuyện thế này. Chán chường, Walker đánh xe vào thành phố và ở lại trong một motel.

Bắt giữ

FBI đã nhận được chỉ thị bắt ông ta mà không cần bất kỳ lệnh nào(!) vì con chim này có thể bay thoát khỏi bẫy.
Lúc 3 giờ 30 sáng, một nhân viên FBI gọi vào số máy của Walker và giả vờ là người gác khách sạn, yêu cầu ông ta xuống dưới vì một chiếc xe thùng đã đâm vào ôtô của ông ta.

Walker uể oải ra khỏi phòng, quan sát cầu thang và quay trở lại. Mấy phút sau, khi ông ta lại đi ra thì hai nhân viên FBI với súng ngắn ổ quay lăm lăm trong tay đã xông lại ông ta trong hành lang. Walker rút khỏi túi khẩu súng ngắn ổ quay và nhằm bắn.

- FBI đây! Bỏ vũ khí xuống!

Walker hiểu ngay rằng, chống cực là vô ích, khẩu súng ổ quay rơi xuống sàn nghe khô khốc. Ông ta bị buộc quay mặt vào tường, còng tay, lột bộ tóc giả (ông ta dùng nó để che cái đầu hói), kính, thắt lưng, giày và tất.

Tại đại bản doanh FBI ở Washington, người ta vui vẻ ăn mừng thắng lợi và xoa tay chuẩn bị tóm nốt những thành viên của lưới gián điệp. Ngoài các tài liệu, trong ba lô, người ta còn tìm thấy một lá thư Walker viết cho các xếp của mình ở KGB. Ông ta báo tin là đã mang đến tài liệu của nguồn “C”, nhưng không được nhiều vì con tàu mà nguồn tin làm việc về trễ. Theo Walker, điều còn chưa rõ là hành vi của “D”, tay này không muốn tiếp tục cộng tác nữa, nhưng Walker đoan chắc là một khi hết tiền, “D” lại tự xin làm việc trở lại. Ông ta cũng báo tin “K” hiện chưa có khả năng, nhưng điều đó có thể sẽ xuất hiện.

FBI cũng đã biết rõ ai là ai: “C” là Michael, con trai John Walker; “D” - Whitworth; “K” - có thể là Arthur Walker.
Khi các nhân viên FBI nói với Whitworth là ông bạn Walker của ông ta đã bị bắt thì ông này chút nữa thì ngã lăn ra bất tỉnh, nhưng sau đó không thú nhận điều gì.

Arthur Walker phản ứng khá bình tĩnh trước tin FBI bắt giữ anh mình, nhưng hoàn toàn phủ nhận là mình biết về hoạt động gián điệp của John. Ông ta đồng ý kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối và máy này đã cho thấy Arthur đã nói dối gần như với tất cả các câu hỏi.

Michael Walker bị tóm ngay trên tầu sân bay Nimitz đang thả neo ở Haifa. Anh ta không chối cãi và thú nhận đã chuyển cho cha các tài liệu mật từ năm 1983...

Một quyết định sáng suốt

Vậy thiên sử thi hiếm có trong lịch sử tình báo kéo dài trong 17 năm trường đã khởi đầu như thế nào?

Theo thú nhận của Walker, phục vụ trong hải quân rất buồn và nhiều lần đẩy anh ta vào cảnh chán nản. Vào đầu năm 1968, một thuỷ thủ nào đó nói đùa là bán bí mật cho Nga cũng kiếm được không phải là ít. Đặc biệt được giá là các mật mã, một thuỷ thủ khác cười nói.

John đã ghi nhớ câu chuyện đùa đó. Một lần, vào tháng 1, anh ta đi Washington, để xe lại bãi đỗ và đi taxi đến sứ quán Liên Xô - một quyết định sáng suốt của một gián điệp mới vào nghề, nếu không anh ta đã lọt vào mắt của FBI. Tại sứ quán, John yêu cầu gặp một người nào đó có liên quan đến “an ninh” - và người ta đã nhiệt tình đáp ứng ngay.

Tướng Boris Solomatin khác với nhiều tình báo viên khác, đã lên đến chức phó chỉ huy cơ quan tình báo không phải bằng cách liếm ghế của các nhà lãnh đạo Uỷ ban Trung ương và KGB. Là một cựu chiến binh, nhà thông thái về whisky và Cognac, con người có khí độ lãnh đạo mạnh mẽ..., Bob như các đồng nghiệp gọi ông ở chỗ thân tình luôn được coi là con sói với miếng cắn chết người trong tình báo, người đã đích thân tuyển mộ không ít điệp viên quý giá. Mà những sĩ quan chỉ đạo thực tế, có xét đoán độc lập với khả năng chỉ liếc mắt là hiểu ngay vấn đề như thế thì chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov lại không muốn giữ bên mình, do đó Solomatin thường bị lùa khỏi Trung ương lên tuyến đầu.

Chính Boris Solomatin, trưởng trung tâm KGB ở Washington là người đứng ra nói chuyện với Walker. Con sói già hành động rất cương quyết - ứng trước ngay 3 ngàn đô la và thoả thuận quy ước liên lạc. Để làm việc đó, người ta cần phải có đủ dũng cảm vì FBI đã không chỉ một lần cử bọn khiêu khích đến sứ quán.

- Ban đầu, tôi nghĩ đây là chuyện vớ vẩn, - chìm ngập trong đám khói thuốc, tướng Solomatin lúc này đã về hưu, nói, - nhưng khi anh ta đưa ra các bảng khoá của máy mã và giấy chứng minh thì tôi hiểu là mình đang có chuyện với một con cá sộp. Trước hết cần phải bảo đảm an toàn cho anh ta khỏi đám FBI đang theo dõi sứ quán.

Cuộc nói chuyện kéo dài gần 1 giờ, sau đó, Walker được mặc bành tô, đội mũ và dẫn ra sân nhỏ bên trong, đưa vào ghế sau xe ôtô, hai nhân viên tình báo Liên Xô cũng ngồi vào xe này rồi cho xe chạy khắp thành phố rồi thả Walker xuống xe ở địa điểm kín đáo.

Tuyển mộ nhân viên mật mã là nghệ thuật tột đỉnh trong tình báo. Chặn thu và đọc được các bức điện của đối phương có nghĩa là biết hết các bí mật chính trị và quân sự, biết toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của đối phương. Tuyển mộ đã là quan trọng nhưng còn quan trọng hơn đó là trò quan tước: trong quá trình làm việc nhiều năm của Walker mà 5 người đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, chưa kể cả núi huân chương chiến công. Nhân vật chủ chốt, người đã tuyển mộ anh ta thì như người ta thường nói chỉ nhận được “bát nước sáo”.

Người ta chi không tiếc tiền cho Walker, đã tiêu tốn hàng trăm ngàn đô la; anh ta cũng mang đến cho tình báo Liên Xô cả núi tài liệu và nếu như kể đến việc những tin tức về các loại mật mã và các máy mã của Mỹ luôn luôn có thể dùng để “khám phá” các loại mật mã khác của Mỹ thì nói một cách đơn giản là không thể đánh giá hết giá trị của thông tin mà Walker cung cấp.

Sau khi rời hải quân vào năm 1976, Walker chủ động tự tuyển mộ Whitworth và vì thế lập tức bị KGB cự nự. Thằng cha Whitworth là thằng nào vậy? Một điệp viên quý giá với khả năng tự lấy được thông tin hạng nhất luôn bị cấm đi tuyển người khác vì anh ta có thể bị “gậy ông, đập lưng ông”. Nhưng Whitworth đã tỏ ra xứng đáng và đã chuyển nhiều tài liệu “sạch” hơn chính người tuyển mộ mình, và cung cấp không chỉ các mật mã mà cả các tài liệu mật khác, mà cả những bản vẽ các kiểu máy mã mới nhất. Việc Whitworth về hưu năm 1983 đã là một đòn mạnh giáng vào Walker. Lúc này nguồn thu nhập thực tế còn lại chỉ là một mình con trai ông ta là Michael, nhưng điệp viên Walker vẫn truy tìm những đối tượng mới để tuyển mộ.

KGB đã liên lạc với Walker không chỉ bằng các hộp thư mật, mà còn tiến hành các cuộc gặp riêng để huấn luyện các kỹ năng kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn, nhưng người ta làm điều đó không phải ở Mỹ mà ở Casablanca, sau đó là ở Viên nơi anh ta bay đến giành riêng cho mục đích này.

Chỉ có Chúa mới biết tại sao Walker không bị bại lộ từ trước đó vì trong từng ấy năm hoạt động, anh ta đã tạo ra rất nhiều kẽ hở và điều chủ yếu là tất cả các thành viên gia đình đều biết bí mật này - chính cái lưỡi hái này cuối cùng cũng đã bập xuống.

Nguời Mỹ vẫn chưa thèm nghĩ tới chuyện ân xá

Công lý Mỹ chỉ là thứ công lý công bằng và tự do nhất trên lời nói, trong thực tế thì chúng vô lý và bất công không thể tưởng tượng nổi.

Whitworth phủ nhận tội lỗi của mình, nhưng FBI bằng cách hứa chỉ xử John Walker tù chung thân và con trai Michael 25 năm tù, đã thuyết phục được John Walker đứng ra làm chứng chống lại ông ta. Walker đã làm điều này một cách cực kỳ sung sướng, nhất là khi ông ta biết được lá thư của Rus. Kết quả là, bị can Whitworth ngoan cố đã lãnh 365(!) năm tù giam (dài nhất trong lịch sử các vụ án gián điệp) và 410.000 đô la tiền phạt. Thực ra thì toà án cũng cho ông ta quyền được thả trước thời hạn, nhưng chỉ sau 60 năm, nghĩa là khi Whitwoth đã 107 tuổi.

Michael bị kết án 25 năm tù. không có quyền phóng thích trước thời hạn (sau khi điều tra, đã xác định được anh ta đã chuyển cho cha mình 1.500 tài liệu mật). Arthur Walker tại toà không thú nhận điều gì, việc buộc tội chỉ dựa trên những phỏng đoán của Barbara và Laura, tuy vậy vì ngoan cố, Arthur đã lãnh ba “án chung thân” cộng với 40 năm - để cảnh cáo tất cả những kẻ thích buôn bán bí mật. Mà đó là án với những bằng chứng vớ vẩn như thế!

Nhân vật chính, John Walker, không chối cãi tội lỗi của mình và bị xử tù chung thân.

Cuộc sống của các gián điệp của nước ngoài trong tù là rất nguy hiểm, vì bọn tội phạm ở Mỹ còn yêu nước hơn người Mỹ bình thường, chúng căm thù những kẻ phản bội là những gián điệp và cố tìm cách ngấm ngầm kết liễu họ.

Nhưng còn việc ân xá cho các gián điệp để đánh dấu sự kết thúc chiến tranh lạnh thì người Mỹ vẫn còn chưa thèm nghĩ tới...

>> Điệp viên thế kỷ XX: Gia đình gián điệp (1)