In bài này
CNQP Trung Quốc và thế hệ lãnh đạo thứ 5 (1)
Thứ Bẩy, 08/12/2012 - 10:00 PM
Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc chờ đợi gì ở ban lãnh đạo mới.
Tiêm kích trên hạm J-15 thực hiện thành công các chuyến bay từ tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc (Reuters)
>> Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và thế hệ lãnh đạo thứ 5 (2)

Các nghị quyết của đại hội 18 đảng cộng sản Trung Quốc vừa diễn ra ở Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến tình hình thế giới không kém cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Điều có ý nghĩa rất tượng trưng là các sự kiện này đã diễn ra hầu như đồng thời. Quyền lực ở Trung Quốc đã chuyển sang thế hệ lãnh đạo thứ 5.

Trở thành tổng bí thư mới của đảng cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình, người cũng lập tức giành được cả cương vị được coi là chủ yếu trong hệ thống quyền lực Trung Quốc là chủ tịch quân ủy trung ương. Nếu chưa đứng đầu quân ủy trung ương thì không thể được coi là nhà lãnh đạo đầy đủ quyền hạn của Trung Quốc.

Mấu chốt của việc bàn giao quyền lực chính là nằm ở chỗ liệu có quyền lực song hành hay không, nghĩa là tổng bí thư rời nhiệm Hồ Cẩm Đào có giữ lại cho mình vị trí chủ tịch quân ủy trung ương hay không. Tuy nhiên, trước đại hội, ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc thông qua báo chí Mỹ đã tuyên bố rằng, các ông tướng Trung Quốc sẽ không chấp nhận quyền lực song hành.

Ở Trung Quốc, người ta thường chú ý lắng nghe các ông tướng, họ có ảnh hưởng quá lớn đối với tình hình trong nước. Bởi vậy, Hồ Cẩm Đào đã bàn giao chức vụ chủ tịch quân ủy nhanh chóng chưa từng có.

Tại đại hội (trong các văn kiện công khai) đã nhấn mạnh rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục giành sự chú ý ưu tiên cho việc phát triển quân đội Trung Quốc và ngành công nghiệp quốc phòng. Mục tiêu phát triển là kết hợp “cơ giới hóa và tin học hóa”, nghĩa là tiếp tục phát triển binh khí kỹ thuật truyền thống kết hợp với việc bổ sung cho chúng các khả năng hoạt động trong điều kiện chiến tranh thông tin lấy mạng làm trung tâm. Không còn nghi ngờ, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ bảo đảm cho quân đội Trung Quốc những khả năng tương ứng.

Các tổng công ty công nghiệp quốc phòng

Trung Quốc nằm trong số ba quốc gia trên thế giới có ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng sản xuất hầu như tất cả các chủng loại vũ khí và trang bị cho quân đội của mình, cũng như để xuất khẩu. Nó được xây dựng với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trong những năm 1940-1950 và trong một thời gian dài đã hoạt động ở tình trạng kỹ thuật đó và với cơ cấu tổ chức trước đây.

Thời cải cách kinh tế, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã trải qua sự tiến bộ rất lớn. Ban đầu, giống như công nghiệp quốc phòng Liên Xô cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã phải chịu quá trình chuyển hóa hỗn loạn và không có tính hệ thống, chỉ làm trầm trọng thêm sự lạc hậu công nghệ của nó. Do sự thay đổi các ưu tiên của ban lãnh đạo Trung Quốc, công nghiệp quốc phòng đã đánh mất vị thế đặc quyền trước đây bởi vì phát triển kinh tế dân sự đã trở thành vấn đề chủ yếu. Tình hình bắt đầu thay đổi vào cuối thập kỷ 1990.

Năm 1998, ủy ban khoa học, kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng nhà nước được thành lập đặt dưới sự quản lý của chính phủ Trung Quốc (trước đó, cơ quan cùng tên được đặt dưới quyền đồng thời của quân ủy trung ương và chính phủ), có quy chế cấp bộ (năm 2008 được chuyển thành Cục khoa học, kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng trực thuộc Bộ công nghiệp và tin học hóa).

Trong cơ cấu quân đội Trung Quốc xuất hiện Tổng cục vũ khí trang bị. Công nghiệp quốc phòng bị được cải cách mạnh mẽ. Thay cho hệ thống quản lý ngành trước đây, theo đó nhà sản xuất mỗi hệ thống vũ khí được chỉ định một cách hành chính, còn các viện nghiên cứu bị tách rời khỏi sản xuất, Trung Quốc đã thành lập 11 tổng công ty công nghiệp quốc phòng. Trong đó gồm có các tổng công ty: hạt nhân, xây dựng hạt nhân, điện tử; 2 tổng công ty tên lửa-vũ trụ (một sản xuất và một công nghệ), 2 tổng công ty chế tạo máy bay, 2 tổng công ty đóng tàu và 2 tổng công ty vũ khí trang bị lục quân) tham gia sản xuất cả sản phầm quân sự lẫn dân sự. Ngoài ra, họ đã thành lập công ty Xin Shidai chuyên xuất và nhập khẩu công nghệ.

Bản thân mỗi tổng công ty bao gồm một số tổng công ty chuyên ngành hẹp (ví dụ như trong tổng công ty chế tạo máy bay số 1 có tổng công ty chế tạo động cơ Power System được thành lập riêng vào năm 2003, cũng như 5 tổng công ty chế tạo máy bay) và quy tụ mấy chục (đôi khi thậm chí hàng trăm) xí nghiệp, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và các cơ quan khác. Bên trong các tổng công ty, khoa học và sản xuất được hợp nhất, xuất hiện các yếu tố cạnh tranh, làm tăng chất lượng sản phẩm. Từ 65-90% sản phẩm của mỗi tổng công ty là sản phẩm dân dụng. Mặt khác, nhiều xí nghiệp công nghiệp quốc phòng không nằm trong một tổng công ty nào. Vì thế, hầu như không thể nói chính xác quy mô đích thực và quân số của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Số lượng các xí nghiệp láp ráp cuối cùng là khoảng 300, tổng số xí nghiệp là mấy ngàn, nhân số có thể đến vài triệu người.

Việc sản xuất một số lượng lớn sản phẩm dân sự (thường là công nghệ khá cao), kể cả cho xuất khẩu, làm cho tất cả các tổng công ty đều làm ăn có lãi trong thời bình. Trong thời kỳ có nguy cơ và thời chiến, do chuyển sang chỉ sản xuất sản phẩm quân sự, chúng có thể tăng sản lượng sản phẩm quân sự lên 3-10 lần trong vài tháng. Việc hợp nhất sản xuất quân sự và dân sự bên trong một tổng công ty giúp nâng cao chất lượng sản phẩm quân sự và dân sự nhờ sự trao đổi công nghệ.

Một số lượng lớn các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng và phân bố địa lý rộng lớn của chúng trên lãnh thổ Trung Quốc nâng cao độ vững chắc của công nghiệp quốc phòng trong tình huống chiến tranh. Có thể nói rằng, số lượng xí nghiệp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có thể sánh với số lượng tên lửa đường đạn và hành trình hiện có trong kho vũ khí của quân đội Mỹ hay Liên bang Nga. Trong những năm cải cách, các xí nghiệp “phòng tuyến thứ ba” được thành lập trong những năm 1960-1970 sâu trong lãnh thổ Trung Quốc cơ bản đã được chuyển đổi lĩnh vực hay giải thể. Hiện nay, quá trình thành lập các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng ở xa bờ biển đã được tái tục. Điều đó được giải thích bằng chính sách chung của nhà nước phát triển các khu vực phía tây, cũng như mong muốn đẩy lùi một phần các cơ sở “kinh tế mới” xa bờ biển, nơi chúng có nguy cơ bị tên lửa hành trình phóng từ biển và máy bay của Mỹ tấn công.

Tiến đến những đỉnh cao công nghệ tiên tiến


Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã tiến lên một trình độ công nghệ khá cao. Ngoài ra, nó vẫn tiếp tục chính sách sao chép và kết hợp các công nghệ nước ngoài, kể cả các công nghệ lấy được một cách bất hợp pháp. Hầu như tất cả các mẫu vũ khí trang bị nước ngoài ở Trung Quốc đều bị nghiên cứu và sao chép, tuyệt đại bộ phận trường hợp là bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc sao chép thường đi cùng với sự phát triển sáng tạo và cải tiến mẫu vũ khí trang bị nước ngoài ít ra là về một số tham số. Hơn nữa, Trung Quốc đang áp dụng nhiều hơn việc kết hợp các công nghệ của Nga, phương Tây và của bản thân họ trong nghiên cứu chế tạo các mẫu vũ khí trang bị mới. Sự hòa trộn các sản phẩm của những trường phái khoa học-công nghệ hoàn toàn khác nhau như thế đòi hỏi phải có trường phái rất mạnh của bản thân mình. Nhất là khi kết hợp những mẫu vũ khí trang bị công nghệ cao, rất tinh vi.

Có thể thấy rằng, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc du nhập hầu như tất cả các khái niệm vũ khí trang bị xuất hiện ở nước ngoài, hơn nữa phạm vi các khái niệm này rất rộng lớn. Ví dụ, một mặt, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới, trừ Mỹ, đang phát triển đồng thời 2 loại tiêm kích thế hệ 5. Mặt khác, họ cũng đang phát triển các mẫu xe ô tô bọc thép kiểu MRAP (có khả năng chống mìn tăng cường) dùng để sử dụng trong tác chiến chống du kích.

Điều dễ thấy là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp quốc phòng Trung Quốc phần nhiều sẽ lặp lại con đường của Liên Xô. Có thể nhắc lại là vào đầu những năm 1920, trình độ công nghệ của công nghiệp quốc phòng và khoa học quân sự Liên Xô gần như bằng không. Trong một thời gian dài, Liên Xô hoàn toàn phụ thuộc vào các mẫu vũ khí trang bị và công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, đến thập kỷ 1960-1970, công nghiệp quốc phòng và khoa học quân sự Liên Xô đã tiến lên trình độ rất cao có thể sánh với trình độ của Mỹ và vượt xa tất cả các nước còn lại. Trong chừng mực nào đó, bất chấp nhiều khó khăn về tài chính, tổ chức, khoa học-công nghệ và cán bộ trong 20 năm gần đây, trình độ này vẫn được duy trì đến nay.

Không còn nghi ngờ, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ có thể lặp lại con đường này, thậm chí còn thành công hơn, bởi vì khác với Liên Xô, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc kết hợp được các phương pháp hành chính-chỉ huy và thị trường và có khả năng nhập khẩu công nghệ nước ngoài rộng lớn hơn nhiều.

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cũng gặp hàng loạt khó khăn. Trước hết, đó là việc sản xuất động cơ, vũ khí công nghệ cao, các hệ thống dùng để tiến hành chiến tranh lấy mạng làm trung tâm. Tuy nhiên, bất luận thế nào cũng không thể coi đó là những nhược điểm căn bản có ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Ví dụ, các động cơ Trung Quốc chỉ khác động cơ nước ngoài ở tuổi thọ ngắn hơn, nhưng điều đó có thể được bù đắp bởi số lượng động cơ sản xuất ra. Tương tự, sự thiếu thốn vũ khí đạn dược công nghệ cao hoàn toàn được bù đắp bằng số lượng đạn dược thông thường.

(Xem tiếp phần 2)
Nam Xương