In bài này
Vũ khí Nga tiêu biểu (8)
Thứ Năm, 21/06/2012 - 10:31 AM
Sơ lược về những loại vũ khí trang bị hàng đầu của quân đội Nga hiện nay: Hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa Topol-M, trực thăng Mi-8MT, súng máy Pecheneg, tiêm ích thế hệ 5 PAK FA T-50.

>> Vũ khí Nga tiêu biểu (1)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (2)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (3)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (4)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (5)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (6)
>> Vũ khí Nga tiêu biểu (7)


28. Hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa Topol-M

Topol-M (mil.ru)

Hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa Topol-M (NATO gọi là Sickle) được chế tạo theo 2 biến thể: triển khai trong giếng phóng và xe bệ phóng tự hành.

Hệ thống sử dụng các tên lửa đường đạn xuyên lục địa thế hệ 5 RT-2PM2 và RT-2PM1 do Viện Kỹ thuật nhiệt Moskva phát triển và mang được một đầu đạn hạt nhân.

Các tên lửa có khả năng chống chịu cao trước các yếu tố sát thương của vụ nổ hạt nhân, có hệ thống đột phá phòng thủ tên lửa mạnh và có thể sử dụng hiệu quả để tiêu diệt các mục tiêu nằm trong kế hoạch và phát sinh.

Ở biến thế triển khai trong giếng phóng (RT-2PM2), tên lửa được nhận vào trang bị vào tháng 4/2000, ở biến thể cơ động (RT-2PM1), tên lửa được nhận vào trang bị vào tháng 12/2006.

RT-2PM1 và RT-2PM2 là các tên lửa 3 tầng, nhiên liệu rắn, có chiều dài 21 m, đường kính 1,8 m, trọng lượng 47,2 tấn. Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa là 1,2 tấn, trong đó trọng lượng đầu đạn hạt nhân là 550 kg (550 kT). Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu trong bán kính đến 11.500 km.

Hiện nay, Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) đang chuyển sang các hệ thống tên lửa tối tân Yars trang bị tên lửa RS-24. Trong tương lai, các hệ thống Yars cơ động sẽ thay thế Topol-M. Nga dự định chỉ giữ lại trong trang bị các tên lửa Topol triển khai trong giếng phóng.

29. Trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-8MT
 

Mi-8 (mil.ru)

Trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-8МТ là biến thể hiện đại hóa của trực thăng đa năng Mi-8 dành cho quân đội Nga.

Nhiệm vụ chính của trực thăng là nâng cao sức mạnh hỏa lực và sức cơ động của các đơn vị lục quân.

Nhờ tính đơn giản trong khai thác, Mi-8 được đặt biệt danh là “con ong thợ”.

Ngoài Nga, trực thăng Mi-8 ở các biến thể khác nhau đang có trong trang bị mấy chục quốc gia. Mi-8 đang được xuất khẩu với tên gọi Mi-17/Mi-171.

Theo thông tin của Flightglobal MiliCAS, quân đội Afghanistan hiện có 55 trực thăng Mi-8 và Mi-17. Tháng 6/2012, Nga đồng ý bán cho Mỹ để sau đó chuyển cho Afghanistan thêm 12 trực thăng Mi-17V5.

Mi-8МТ có tổ lái 2-3 người và chở được 24 binh sĩ hay 12 cáng thương. Trực thăng có thể bay với tốc độ đến 250 km/h và tầm bay 520 km ở độ cao đến 5 km. Mi-8MT có thể được trang bị 6 điểm treo vũ khí. Mi-8МТ có thể được lắp các súng máy PKT ở mũi hoặc ở đuôi, súng trọng liên NSV Utes, cũng như các súng phóng lựu AGS-17 Plamya.

30. Súng máy bộ binh PKP Pecheneg

PKP Pecheneg (russianguns.ru)

Súng máy Pecheneg do Viện Nghiên cứu trung ương Chế tạo máy chính xác (TsNIITOCHMASH) phát triển dựa trên súng máy PK cỡ 7,62 mm.

Súng máy này dùng để tiêu diệt sinh lực và hỏa điểm đối phương. PKP được trang bị cho nhiều đơn vị quân đội và Bộ Nội vụ Nga, và đã được sử dụng trong các chiến dịch trấn áp phiến quân ở Chechnya.

So với các mẫu súng tương tự hiện có, Pecheneg có độ chụm lớn hơn cả khi bắn khi từ giá súng 2 chân (đến 2,5 lần), cũng như khi bắn từ giá súng 3 chân (đến 1,5 lần).

Pecheneg không có nòng thay thế và có khả năng bắn liên thanh đến 400 viên mà hiệu quả bắn không bị suy giảm. Dung lượng hộp đạn từ 100-200 viên.

Với sơ tốc đạn 825 m/s, Pecheneg có khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu ở tầm đến 1,5 km.

Tháng 2/2012, có tin các đơn vị trinh sát của Bộ đội Đổ bộ đường không Nga đã sử dụng thử thành công súng máy Pecheneg với máy ngắm ảnh nhiệt mới Shakhin.

Hiện nay, Nga cũng đang phát triển biến thể cải tiến Pecheneg-2. Dự kiến, súng máy mới sẽ tương thích tốt hơn với xe thiết giáp của Nga và khi bắn sẽ không làm lộ vị trí bắn bởi chớp lửa đầu nòng.

Ngoài súng máy Pecheneg, TsNIITOCHMASH cũng đã phát triển hàng loạt mẫu súng tương lai cho quân đội và các cơ quan công lực Nga, trong đó có súng trường tiến công không kêu Val, súng bắn tỉa Vintorez và súng trường tiến công bắn dưới nước APS.  

31. Tàu đổ bộ cỡ lớn Tsezar Kunikov 

Tàu đổ bộ cỡ lớn Tsezar Kunikov (mil.ru)

Tàu đổ bộ cỡ lớn BDK-64 được đóng theo thiết kế Projekt 775 tại xưởng đóng tàu ở Gdansk, Ba Lan và năm 1986 được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen của Liên Xô.

Năm 1989, BDK-64 được mang tên Thiếu tá Hồng quân, Anh hùng Liên Xô Tsezar Kunikov.

Hiện nay, tàu này thuộc biên chế Lữ đoàn tàu đổ bộ 197 của Hạm đội Biển Đen và thường xuyên tham gia các cuộc tập trận và huấn luyện chiến đấu của hạm đội. 

Các tàu lớp Projekt 775 có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình cụm tàu đổ bộ, cũng như độc lập, không có các tàu yểm trợ.

Tàu đổ bộ này được thiết kế để chở 1 tiểu đoàn và có khả năng chở được đến 225 lính đổ bộ và 500 tấn hàng.

Các tàu lớp này dùng để tiếp nhận, vận chuyển và sau đó đổ bộ các loại binh khí kỹ thuật bánh xích và bánh lốp. Ngoài ra, tàu đổ bộ cỡ lớn này có thể sử dụng để rải thủy lôi (tàu có thể mang đến 90 quả thủy lôi), bảo đảm cho các tàu và các đơn vị của hạm đội, cũng như vận chuyển quân và sơ tán dân chúng. 

Tàu đổ bộ cỡ lớn Tsezar Kunikov có lượng giãn nước 4.080 tấn và có khả năng chạy với tốc độ đến 17,8 hải lý/h, cự ly hành trình 6.000 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 30 ngày đêm, thủy thủ đoàn 87 người.

Vũ khí của tàu gồm 2 ụ pháo 2 nòng АК-725 cỡ 57 mm, 2 hệ thống rocket phóng loạt 20 nòng Grad và các hệ thống tên lửa phòng không mang vác Strela-2.

32. Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Т-50 (PAK FA)
 

Т-50 (PAK FA)
Công ty Sukhoi bắt đầu phát triển tiêm kích tương lai từ năm 2002. Т-50 (PAK FA) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2010, xuất hiện công khai làn đầu tiên vào ngày 17/8/2011 tại Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế (MAKS) ở Zhukovsky.

Т-50 được phát triển theo các yêu cầu đặt ra đối với tiêm kích thế hệ 5, dùng để thay thế các tiêm kích Su-27 trong Không quân Nga.

Nhiều tính năng kỹ thuật của Т-50 vẫn được bảo mật. Người ta chỉ biết rằng, máy bay sẽ được phủ lớp phủ kim loại đặc biệt cho vòm kính buồng lái để bảo vệ phi công chống bức xạ mặt trời, cũng như để giảm độ bộc lộ radar của máy bay. Máy bay cũng sẽ được trang bị radar anten mạng pha chủ động và các thiết bị điện tử hàng không tối tân khác. 

PAK FA có thể chuyển sang bay siêu âm mà không cần dùng đến chế độ tăng lực và thực hiện cơ động với mức quá tải lớn. Thân vỏ Т-50 được làm theo công nghệ tàng hình.

Hiện nay, ba mẫu chế thử PAK FA đã thực hiện hơn 120 chuyến bay thử nghiệm. Trong năm nay, mẫu thứ tư với số hiệu 54 cũng sẽ tham gia thử nghiệm. 

Т-50 do một phi công điều khiển, có khả năng đạt tốc độ bay đến 2.600 km/h và tầm bay đến 4.300 km ở độ cao đến 20 km. Với trọng lượng cất cánh tối đa 37 tấn, máy bay có thể mang tới 10 tấn vũ khí khác loại, bao gồm 1 pháo 30 mm GSh-30-1, các loại tên lửa có điều khiển với các tầm bắn khác nhau, bom có điều khiển. Т-50 có thể lắp 8 giá treo ngoài và 10 giá treo trong để treo vũ khí. Nga đang phát triển cho PAK FA tổng cộng hơn 10 loại vũ khí tối tân.

Vân Hà