In bài này
Tia chớp F-35 - thành bại khó lường
Thứ Tư, 09/11/2011 - 9:53 AM
Là tiêm kích thế hệ 5 thứ hai trên thế giới, F-35 Lightning II vừa đem lại những hy vọng, vừa tiềm ẩn nguy cơ đe dọa chương trình vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử này của Mỹ.

F-35A Lightning II (flickr.com)


Tham vọng 3 trong 1

>> Người hùng vô dụng F-22A Raptor
>> Tia chớp F-35 - thành bại khó lường
>> PAK FA T-50 phá thế độc quyền
>> J-20 ‘Đại bàng đen’ lai lịch bất minh
>> Cuộc đua tăng tốc
>> Mở đường tiến vào kỷ nguyên thế hệ 6
F-22 Raptor tăng giá quá cao và không còn đối thủ sau khi Liên Xô sụp đổ, nhu cầu của Mỹ về tiêm kích giành ưu thế trên không tiên tiến không còn bức thiết. Họ muốn có một loại máy bay công nghệ cao, rẻ tiền hơn F-22, trang bị cho cả Không quân (USAF), Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) và xuất khẩu.

Năm 1996, Mỹ chính thức khởi động chương trình Máy bay tiêm kích liên quân JSF (Joint Strike Fighter) và năm 2001, mẫu X-35 của Lockheed Martin được chọn. Ngoài Mỹ, tham gia chương trình còn có 8 nước đối tác là Anh, Italia, Hà Lan, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Nauy và Đan Mạch với mức đóng góp 4.375 tỷ USD. Chi phí phát triển dự kiến là 53,8 tỷ tỷ USD, trong đó đã chi 37 tỷ USD.

Mục đích đặt ra là chế tạo một máy bay duy nhất cho cả USAF, USMC và Hải quân Mỹ  với 3 biến thể có mức độ chuẩn hóa 70-90%, có hình dáng, kích thước giống nhau, sử dụng một loại động cơ cơ bản, nhưng bên trong là 3 loại máy bay rất khác nhau và đơn giá ban đầu được xác định là 45-50 triệu USD.

Ba biến thể đó là F-35A cất/hạ cánh thông thường (CTOL) dành cho không quân, thay thế A-10 và F-16. F-35B cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng (STOVL) dành cho USMC, thay thế AV-8B và F/A-18C/D và F-35C (CV) dành cho hải quân, triển khai trên tàu sân bay.

F-35 Lightning II được kỳ vọng sẽ là nền tảng sức mạnh không quân của Mỹ và đồng minh trong thế kỷ XXI.


Khen ít


F-35 được thiết kế để đảm nhiệm vai trò vừa là tiêm kích tàng hình vừa là máy bay tiến công, lại vừa rẻ và thích hợp với các điều kiện khai thác khác nhau. F-35 ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất, chưa từng được ứng dụng. Nó có kết cấu máy bay hiện đại, có khả năng mở rộng và hiện đại hóa, buồng lái tiện nghi tuyệt vời, radar nhỏ mà xịn và hệ thống điều khiển vũ khí siêu việt. Động cơ F135-PW-100/400/600 có buồng tăng lực của Pratt&Whitney là động cơ tiêm kích có lực đẩy mạnh nhất hiện nay. 

Mũ bay siêu hiện đại của phi công F-35 (wikipedia.org)

Một trong những điểm mới nổi bật nhất là máy bay có hệ thống phát hiện quang-điện tử khẩu độ phân tán “Mắt Thần” DAS cho phép quan sát tổng thể trong phạm vi 360 độ, sử dụng các sensor quang học phát hiện, bám mục tiêu hoàn toàn thụ động và hiển thị bức tranh tình huống trên màn hình số trên mũ bay phi công.

Trong thử nghiệm, nó có thể phát hiện tên lửa bay ở cự ly 1.200 km! DAS còn cho phép phi công với sự trợ giúp của màn hình trên mũ bay nhìn “xuyên” vỏ máy bay, theo dõi đầy đủ toàn bộ tình huống chiến thuật, kể cả những gì diễn ra phía sau hay bên dưới máy bay tiêm kích. Mũ bay cũng được tích hợp hệ thống dẫn vũ khí theo góc nhìn.

F-35 còn được trang bị hệ thống ngắm bắn quang-điện tử (EOTS) gắn ở dưới mũi máy bay với các camera hồng ngoại CCD-TV mọi hướng, độ phân giải cao để quan sát và chỉ thị mục tiêu. EOTS cho phép phát hiện, bắt bám mục tiêu mặt đất, mặt nước và trên không. Các camera hoạt động hoàn toàn thụ động, có thể phát hiện, bám mục tiêu tự động, ở tầm xa và báo động khi máy bay bị chiếu xạ laser. EOTS bảo đảm bí mật thực hiện nhiều nhiệm vụ: phòng thủ tên lửa, trinh sát, yểm trợ trong xung đột phi quy ước...

F-35 được trang bị 1 pháo 4 nòng 25 mm GAU-22/A, khoang vũ khí trong máy bay chứa được 2 bom cỡ 910 kg, hoặc 2 bom cỡ 450 kg và 2 tên lửa không đối không trong. Tùy nhiệm vụ, F-35 có thể được trang bị các tên lửa không đối không AMRAAM, ASRAAM, Meteor, các loại bom JDAM, JSOW, SDB, WCMD, tên lửa chống tăng Brimstone, tên lửa hành trình chống hạm JSM ở bên trong máy bay; các tên lửa hành trình Storm Shadow, JASSM, các tên lửa không đối không ASRAAM, Sidewinder ở các mấu treo bên ngoài.

Trong tương lai, F-35 còn có thể mang vũ khí laser chống tên lửa HELLADS hoặc dùng làm máy bay gây nhiễu điện tử thay cho EA-6B.

F-35 Lightning II (ctv.ca)


Chê nhiều

Ở các biến thể F-35 liên tục phát hiện ra những khiếm khuyết lớn nhỏ khác nhau. Tháng 1.2011, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố các khiếm khuyết phát hiện được ở F-35 như: khả năng điều khiển kém, thiết bị avionics làm việc không ổn định, trục trặc với buồng tăng lực, màn hình hiển thị thông tin trên mũ bay, phần mềm, hệ thống cấp khí trơ OBIGGS, hệ thống ghế thoát hiểm,…

Tháng 3.2011, F-35 bị đình chỉ bay vào do mẫu chế thử AF-4 bị hỏng 2 máy phát điện khi bay thử.

Ngày 2.8.2011, USAF lại đình chỉ bay đối với toàn bộ 20 F-35 do hỏng hóc của hệ thống cấp điện IPP cũng trên mẫu AF-4. F-35 cũng đang được kiểm tra hệ thống cấp oxy trên khoang (OBOGS) trên khoang sau vụ rơi 1 chiếc F-22 vào tháng 11.2010. F-35 hiện đã được phép tiếp tục thử nghiệm… trên mặt đất, nhưng không biết khi nào được bay trở lại.

Vì những khó khăn đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã buộc phải kéo dài thời gian phát triển F-35A, F-35C từ giữa năm 2015 sang tháng 4.2016. Biến thể F-35B hiện gặp khó khăn lớn nhất. Ngày 11.1.2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ra tối hậu thư, ấn định thời hạn 2 năm thử nghiệm cho F-35B, nếu không xử lý được các khiếm khuyết, dự án F-35B sẽ bị dẹp bỏ vào năm 2013. Việc phát triển F-35B dự kiến không thể hoàn thành trước năm 2018.

Về khả năng chiến đấu, F-35 không mạnh cả khi làm nhiệm vụ tiêm kích và nhiệm vụ tấn công. Khi làm nhiệm vụ tiêm kích, F-35 mang trong 2 khoang bên trong 4 tên lửa tầm trung, còn nếu trong mỗi khoang treo 1 quả bom, thì máy bay chỉ đủ chỗ để mang 2 tên lửa nữa. Ở các giá treo ngoài, nó có thể mang thêm đến 8 tên lửa. Nhưng lúc đó, F-35 sẽ mất ưu thế chủ yếu là tàng hình. Khi làm nhiệm vụ tiến công ở chế độ tàng hình, F-35 mang được quá ít vũ khí (1-2 tấn).

Được gọi là tiêm kích hạng nhẹ (dưới 11 tấn), nhưng trọng lượng rỗng của F-35 đã là 13,3-15,8 tấn, còn trọng lượng đầy đủ là 27,3-31,8 tấn, tức là còn nặng hơn cả các tiêm kích hạng nặng F-15C hay Su-27. Do đó, tuy động cơ F135 rất khỏe, F-35 không có khả năng bay hành trình siêu âm và cơ động kém. Về mức trang bị sức kéo, F-35 thua kém tuyệt đối tất cả các tiêm kích thế hệ 4, thậm chí cả J-10A của Trung Quốc.

Với tốc độ tối đa chỉ gần 1.750 km/h khi bay ở độ cao lớn, F-35 thua kém tất cả các tiêm kích, kể cả những loại lạc hậu. Nó cũng thua kém tất cả các tiêm kích hiện đại cả về tốc độ leo cao, chẳng hạn thua MiG-29 1,5 lần về thông số này. F-35 không có động cơ vector lực kéo thay đổi. Kết quả là tính năng cơ động của F-35 tệ đến nỗi trong không chiến tầm gần nó thua kém cả MiG-23MLD, loại máy bay tiêm kích thế hệ 3 đã bị loại khỏi trang bị của Không quân Nga.

F-35 được trang bị 1 radar anten mạng pha chủ động tốt, hệ thống ngắm-đạo hàng quang-điện tử tiên tiến. Nhưng ngay cả Su-35S với radar Irbis còn mạnh hơn nhiều cũng sẽ nhìn thấy F-35 từ cự ly đến 240 km, trong khi F-35 sẽ chỉ nhìn thấy Su-35S ở cự ly khoảng 150 km. Trong khi Su-35S được trang bị các tên lửa tầm xa thì Lightning II không có thì trận đánh có thể kết thúc trước khi Lightning II nhìn thấy đối thủ.

Trong cuộc diễn tập mô phỏng Pacific Vision-2008 tổ chức vào tháng 8.2008, tại căn cứ không quân Mỹ Hickam ở Hawaii, các địch thủ tiềm tàng Su-30MKI thế hệ 4 và Su-35 thế hệ 4++ đã dễ dàng tàn sát F-35 thế hệ 5. Khả năng của F-35 đối phó với các hệ thống tên lửa phòng không Nga cũng bị nghi ngờ. Trung tâm phân tích độc lập Air Power Australia đã đăng một báo cáo khá chi tiết về kết quả diễn tập nói rõ rằng, F-35 chỉ giống F-22 về giá, nhưng về khả năng thì khác nhau như xe tay ga 50 phân khối với một siêu mô tô.

Đi vào vết xe đổ của F-22

Nhiệm vụ phát triển một máy bay theo kiểu “3 trong 1” là cực kỳ phức tạp về kỹ thuật và tốn kém về tài chính. Vì thế, chương trình F-35 liên tục trễ tiến độ, chi phí liên tục bị đội lên, khiến chiếc tiêm kích “giá rẻ” này đang trở thành một “máy bay bằng vàng” gần như F-22.

F-35 “giá rẻ” đã đắt lên hơn 3 lần so với dự tính ban đầu, lên tới 160 triệu USD/chiếc, thậm chí có thể tăng lên hơn 200 triệu USD. Chi phí khai thác F-35 cũng khiến Mỹ đau đầu. Theo báo cáo gần đây của Lầu Năm góc, chi phí khai thác 2.443 chiếc F-35 trong 30 năm sẽ là gần 1.000 tỷ USD, không tính 382 tỷ USD chi phí mua sắm. Chi phí 1 giờ bay của F-35 sẽ là 30.700 USD. Như vậy, riêng chi phí các chuyến bay của 2.443 F-35 với tuổi thọ 8.000 giờ bay mỗi chiếc là sẽ là 600 tỷ USD.

Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, F-35A và F-35C sẽ được nhận vào trang bị vào giữa năm 2016, còn F-35B vào giữa năm 2018.

Đầu năm 2010, Lockheed Martin tuyên bố thổi phổng là nhu cầu F-35 của Mỹ và các nước có thể lên tới gần 7.500 chiếc. Tuy nhiên, theo con số dự báo chung, Mỹ và 8 nước đối tác sẽ mua 3.173 chiếc đến năm 2035. Theo đó, Mỹ dự kiến sẽ mua 2.443 chiếc, trị giá ước 382 tỷ USD (đơn giá trung bình 156 triệu USD) để thay thế toàn bộ F-16, A-10, F/A-18C/D và AV-8B của USAF, USMC và Hải quân Mỹ. Anh mua 138 chiếc, Italia - 131, Australia - 100, Thổ Nhĩ Kỳ - 100, Hà Lan - 85, Canada - 80, Nauy - 48 và Đan Mạch - 48 chiếc. 

Do chậm tiến độ, giá cả tăng mạnh, cắt giảm chi tiêu vì khủng hoảng tài chính khiến, các đối tác châu Âu đều phải xem xét lại kế hoạch mua sắm theo hướng cắt giảm số lượng, trì hoãn mua sắm, thay đổi biến thể sẽ mua, chuyển sang mua loại khác hoặc thậm chí hủy bỏ kế hoạch.

Tuy nhiên, ở thế không còn sự lựa chọn nào khác, các nước này và Israel sẽ vẫn phải mua F-35. Các khách hàng tiềm năng khác của F-35 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Đài Loan. Đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng máy bay tiêm kích, quân đội Mỹ cũng chẳng còn cách nào khác là theo đuổi đến cùng chương trình F-35. Tuy chậm trễ và giá tăng vòn vọt, F-35 vẫn tiến được đến giai đoạn sản xuất loạt.

Nhân Vũ