In bài này
Đông Nam Á 2018-2024: Những vết thương cũ, những bất định mới
Thứ Hai, 10/06/2019 - 8:19 PM
Các xu hướng những năm gần đây cho phép dự đoán rằng, tương lai gần của khu vực Đông Nam Á có thể không được lạc quan như trước
Bài phân tích của học giả trẻ nổi tiếng về các vấn đề Việt Nam và Đông Nam Á Anton Tsvetov, chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (TsSR) và Hội đồng Nga về vấn đề quốc tế (RSMD) là một phần trong báo cáo lớn Dự báo toàn cầu 2019-2024 của RSMD. 

Năm 2019 là tròn 40 năm kể từ cuộc chiến lớn giữa các quốc gia cuối cùng ở Đông Nam Á. Tuy gần như thường xuyên tồn tại những mối đe dọa bất ổn ở đa số các quốc gia trong khu vực, Đông Nam Á đã được coi là nơi hòa bình và trật tự xã hội đã cho phép đa số các nước có được nhịp đổ tăng trưởng kinh tế cao ổn định. Nghèo đói giảm đi, tầng lớp trung lưu tăng lên, các cơ chế hội nhập được kiến lập. Tuy vậy, các xu hướng những năm gần đây cho phép dự đoán rằng, tương lai gần của khu vực có thể không được lạc quan như trước.

Kết quả năm 2018 

Các mối quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á đã bắt đầu quen được xem xét dưới lăng kính cạnh tranh Mỹ-Trung. Và mặc dù cách tiếp cận này tước bỏ một cách không xác đáng của các nước trong khu vực một phần lớn tính chủ thể và bỏ qua cả một tầng những tương tác quốc tế, từ góc độ địa-chính trị “lớn”, Đông Nam Ávẫn là nơi hành động của các đại cường hơn là đất nước quê hương đối với các đấu thủ khu vực có tính tự chủ cao. Năm 2018, cả Mỹ và Trung Quốc đã tiếp tục hành động theo logic cũ đối với Đông Nam Á, mặc dù cũng đã xuất hiện những sắc thái mới. 

Trung Quốc chủ trương lôi kéo, ràng buộc với mình các nước vùng Nam Dương (như họ đã từng gọi các nước này trước kia) bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), tuy vậy năm 2018 đã đánh dấu sự dịch chuyển quan trọng chiều hướng cảm nhận sáng kiến này. Một phần đó là do những nỗ lực của báo chí và các giới chuyên gia quốc tế mà các dự án của Trung Quốc ngày càng gây nhiều hoài nghi về các vấn đến sự vững chắc và an toàn của chúng đối với các hệ thống nợ của các quốc gia thụ hưởng.

Ở Đông Nam Á, sự lo sợ đó bắt nguồn từ quan ngại về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và sự mất lòng tin chính trị. Lập tức có hai sự kiện làm nổi bật những vấn đề của BRI trong khu vực. Chính trị gia “nặng ký” Mahathir Mohamad lên nắm quyền ở Malaysia đã tuyên bố rằng, ông dự định xem xét lại các dự án hạ tầng của Trung Quốc mà thỏa thuận về chúng đã đạt được dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak. Những phát biểu của Mahathir đã là một trong những nguyên cớ thông tin đầu tiên và đúng là lớn nhất ở Đông Nam Á khi mà những rủi ro đầu tư của Trung Quốc đã bị chính quyền đương nhiệm của bên thụ hưởng đánh giá là nbhwngx rủi ro đòi hỏi các giải pháp thực tế. 

Sự kiện thứ hai là làn sóng biểu tình ở Việt Nanm gây ra bởi dự luật về các đặc khu kinh tế [1]. Dự luật này trù tính thiết lập các khu kinh tế với những điều kiện đặc biệt dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó họ sẽ có quyền thuê đất với thời hạn đến 99 năm. Cộng vào với sự mất lòng tin có tính lịch sử của các tầng lớp dân chúng rộng rãi của Việt Nam đối với Trung Quốc là những vấn đề nội tại với quyền sở hữu đất đai, nhưng các cuộc biểu tình đã mang tính chất bài Trung rõ rệt. Những cuộc biểu tình quy mô lớn ở vài thành phố lớn đã cho thấy, các đầu tư của Trung Quốc sẽ vấp phải những khó khăn như thế nào ở Đông Nam Á, nhất là khi các đầu tư đó được nhân với đấu tranh chính trị.

Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong năm 2018 không chỉ là tìm cách gia tăng sự liên hệ kinh tế mà còn cả chèn ép đẩy Mỹ ra khỏi khu vực về chính trị-quân sự. Đến nay, Trung Quốc đã đứng chân vững chắc và thực tế đang kiểm soát khu vực giữa Biển Đông. Hạ tầng quân sự trên các hòn đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép cho phép Trung Quốc tung sức mạnh quân sự đến ngay giữa trái tim của Đông Nam Á. Một nỗ lực nổi bật nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực trên mặt trận ngoại giao là xây dựng “một dự thảo duy nhất” [2] của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Văn kiện tập hợp trong mĩnh tất cả những đòi hỏi tối đa của các bên. Một trong những đề nghị của Trung Quốc là hạn chế khả năng của các nước ASEAN tiến hành tập trận chung ở Biển Đông với các cường quốc ngoài khu vực (Mỹ) và huy động các nước đó vào thăm dò khoảng sản ở Biển Đông. 

Đồng thời, sự đáp trả của Mỹ cho dù cũng đang tăng lên, trong năm 2018 cũng đã không vượt qua được hình thức “máy lái tự động” của mình, tức là lặp lại những gì chính quyền B. Obama đã làm, nhưng dưới những biển hiệu khác. Hơn nữa, những biển hiệu trong năm qua đã nhiều hơn. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng cuối cùng đã được bổ sung bằng những công cụ kinh tế - đó là “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và đối tác hạ tầng ba bên Mỹ-Nhật Bản-Australia. Đồng thời, đối thoại bốn bên với sự tham gia của ba nước này và Ấn Độ vốn có nguy cơ trở thành hạ tầng mới để kiềm chế quân sự đối với Trung Quốc trong khu vực hiện vẫn chỉ là một định dạng đối thoại. Tuy nhiên, trong năm 2018, các nhà ngoại giao Mỹ đã tích cực làm việc để các nước ASEAN cảm nhận ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của bộ tứ ở góc độ ít nhiều tích cực. 

Trong bối cảnh cạnh tranh địa-chính trị gia tăng, các xu hướng hội nhập đã không cho thấy sự năng động vững chắc. Nhiệm kỳ ASEAN của Singapore đã không có tính đột phá và không đáp ứng được những thách thức đã trở thành truyền thống đối với nhóm nước này: mất đoàn kết, chậm chạp và thích thỏa hiệp mà hy sinh với chi phí hiệu quả. Đồng thời, đây là nhiệm kỳ chủ tịch tập trung vào các cuộc đối thoại trong ngành mà trong những năm tới có thể trở thành quỹ tích chính, nơi tiến bộ thực sự sẽ diễn ra theo kênh ASEAN.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2018. Các loại thuế bắt đầu giảm theo thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP-11). Mặc dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, các quốc gia Đối tác đã thống nhất ký kết được thỏa thuận và trong năm 2018, nhiều nước trong số đó đã phê chuẩn thỏa thuận. Tất nhiên, không có sự tham gia của người Mỹ, định dạng này đã mất đi tầm cỡ của nó, tuy nhiên, nó vẫn giữ được một phần đáng kể chiều sâu và sự tiến bộ về các lĩnh vực mà thỏa thuận chi phối. Ngoài ra, trong những năm tới, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và thậm chí Indonesia có thể tham gia cùng với các nước đã là thành viên Đối tác là Malaysia, Việt Nam, Singapore và Brunei.

Trong năm 2018, những quá trình không kém phần thú vị đã xuất hiện ngay cả trong chính sách đối nội của các nước trong khu vực. Đáng quan tâm nhất dĩ nhiên là cuộc tổng tuyển cử ở Malaysia, nơi mà đảng UMNO cầm quyền từ khi Malaysia giành được độc lập đã được dự báo giành chiến thắng ngay trước cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, sau sự đảo ngược chóng mặt, ông Mahathir Mohamad, người cha 93 tuổi của sự thần kỳ kinh tế Malaysia đã trở lại nắm quyền [3]. Ông đã nắm được làn sóng dân túy và đòi hỏi rộng rãi về sự thay đổi để tập hợp những người ủng hộ cũ và mới, nhưng “sự quen thuộc” của ông cũng nói lên sự thiếu vắng những gương mặt mới có thể dẫn dắt sau mình cả xã hội Malaysia mất đoàn kết. 

Các cuộc bầu cử cũng đã được trông đợi ở hai nước khác trong khu vực là Campuchia và Thái Lan. Ở Thái Lan, cuộc tổng tuyển cử đã bị chuyển sang năm 2019 như đã tiên lượng, còn ở Campuchia, đảng CPP cầm quyền của một trong những vị Thủ tướng cầm quyền lâu nhất thế giới Hun Sen đã giành được thắng lợi còn hơn cả dự báo [4]. Cách tiếp cận của Hun Sen đối với chính sách đối ngoại và đối nội của Campuchia trong năm 2018 đã củng cố các xu hướng khuyến khích lẫn nhau gia tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc và xa rời các nước phương Tây, thậm chí tới mức áp dụng các biện pháp trừng phạt từ phía EU đối với Campuchia [5]. 

Tình hình ngày càng phức tạp

Gần như không có cơ sở để cho rằng, trong những năm tới đây, sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington ở Đông Nam Á sẽ yếu đi. Ở Mỹ đang gia tăng cảm nhận về Trung Quốc như một địch thủ địa-chiến lược, và áp lực của giới tinh hoa lên bất kỳ Tổng thống Mỹ nào sẽ hướng chính quyền này và chính quyền tiếp theo của Mỹ đi tìm những kênh mới kiềm chế Trung Quốc. Có thể dự đoán rằng, cùng với việc Trung Quốc đang tiến tới việc kiểm soát thực tế khu vực Biển Đông, sẽ có thêm những quốc gia mới tham gia tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải. Điều đó sẽ có nghĩa là những sự cố mới, cũng như áp lực mới từ phía Trung Quốc lên các nước đang tiến hành thăm dò chung khoáng sản bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc yêu sách. 

Phản ứng của Mỹ, xét theo chiều hướng hai năm gần đây, ít nhất sẽ là một phần nhằm động viên các đấu thủ khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Nhóm đầu tiên của các đối tác này là Nhật Bản và Australia (Mỹ sẽ lôi kéo Ấn Độ vào việc này, nhưng Ấn Độ sẽ chống cự). Nhóm thứ hai là Việt Nam và Singapore. Philippines và Thái Lan lẽ ra phải ở hàng đầu, nhưng những yếu tố chính trị trong nước khó cho phép hai nước này tham gia vào hệ thống khu vực kiềm chế Trung Quốc trong những năm tới. 

Vũ đài đối đầu quan trọng nhatas sẽ là các khoản đầu tư, trước hết là các khoản đầu tư hạ tầng. Các nước Đông Nam Á cực kỳ cần đổi mới và phát triển các công trình hạ tầng để duy trì các nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình và tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng nên họ sẽ lợi dụng sự cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc. Trung Quốc nay đã bắt tay vào ít nhất là đổi mới hình ảnh của Sáng kiến Vành đai và con đường và trong những năm tới sẽ tìm cách làm giàu nó bằng nội dung và chất lượng mới. Mỹ thì cùng với Nhật Bản sẽ xúc tiến các khái niệm thay thế khác, chẳng hạn như các dự án đầu tư “bền vững” và “chất lượng cao”. Vấn đề chỉ là liệu các điều kiện đầu tư và cho vay tín dụng này có thực sự tốt hơn và có lợi hơn cho các nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á hay không.

Thật khó dự đoán rằng, trong bối cảnh của tất cả những vấn đề  mà các mô hình toàn cầu hóa trước đây vấp phải, các dự án hội nhập kinh tế khu vực sẽ rất thành công trong những năm tới. Ít ra thì cũng có thể nghi ngờ rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cuối cùng lại có hình thức vật chất mà người ta đã tưởng tượng. Đàm phán bế tắc mà lối thoát ra hiện còn chưa thấy. Trong bối cảnh đó, TPP-11 có thể được bổ sung bằng những thành viên mới, còn Nhật Bản sẽ tiếp tục lãnh đạo. Ở hình thức hiện nay, dự án không còn khiến Bắc Kinh lo ngại như trước, điều này tạo thêm cơ hội thành công.

Một yếu tố bất định đáng kể trong những năm tới sẽ là sự phát triển chính trị trong nước của các nước ASEAN. Tình hình kinh tế quốc tế có thể không quá thuận lợi cho các nước đang phát triển trong khu vực, còn việc nhiều nước trong số đó không có khả năng đổi mới mô hình phát triển kết hợp với bối cảnh bên ngoài và vai trò mới của các mạng xã hội có thể kéo theo sự bùng phát của chính sách bản sắc. Vấn đề then chốt sẽ là cuộc đấu tranh giữa các giới tinh hoa mới và các giới tinh hoa cũ và khả năng hoạt động của các mô hình hiện đại hóa và hội nhập xã hội địa phương. 

Cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia vào năm 2019, có lẽ sẽ cho thấy rằng, không kích phát Hồi giáo chính trị, các ứng viên sẽ khó giành được đa số cần thiết để duy trì tính hợp pháp. Ở Malaysia, yếu tố then chốt sẽ là việc chuyển giao quyền lực đã được hứa hẹn từ Mahathir Mohamad cho địch thủ cũ và nay là đồng sự Anwar Ibrahim. Nếu như sự chuyển giao này không xảy ra thì liên minh cầm quyền sẽ có nguy cơ sụp đổ và những thách thức mới sẽ nổi lên trước toàn bộ hệ thống chính trị Malaysia. 

Sẽ cần theo dõi sát sao việc chuyển giao quyền lực (hoặc không có chuyển giao quyền lực) ở Thái Lan, nơi việc quá độ từ chế độ quân sự sang cai trị dân sự ta thấy rõ từ trước là đang bị trì hoãn. Các giới tinh hoa Thái Lan sedx phải lựa chọn giữa sự phân tán và phân cực chính trị mà thể chế nghị viện hàm chứa và sự trì trệ đi theo cùng sự cầm quyền của chế độ quân sự. 

Trong 6 năm tới, những nguy cơ chính trị sẽ đi cùng việc chuyển giao quyền lực ở cả những nước khác (ở nhiều nước, điều đó là không tránh khỏi): các nhà lãnh đạo Việt Nam, Philippines, Lào, Malaysia và Myanmar nay đều đã hơn 70 tuổi. Năm 2018, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ chức Chủ tịch nước, điều chưa từng có ở Việt Nam kể từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu hỏi chính là liệu việc gộp hai chức vụ có phải là sự thay đổi của hệ thống lãnh đạo tập thể hay chỉ là biện pháp tạm thời gắn với một chính trị gia cụ thể. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ được đưa ra tại Đại hội tới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021, mà cũng có thể là sớm hơn. Sự thay đổi thế hệ cũng sẽ không đơn giản cả ở Singapore - thế hệ 4 đã vẫn không sản sinh ra những nhân vật được đồng thuận cao như Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. 

Ở Philippines, hệ thống chính trị tiếp tục được thử nghiệm độ vững chắc. Cải cách hiến pháp và việc quá độ sang mô hình liên bang có thể thổi sức sống mới vào nền chính trị sở tại, nhưng đồng thời cũng đe dọa không chỉ sự gia tăng của chủ nghĩa địa phương, sự củng cố quyền lực của các gia tộc và các nhóm tinh hoa ở các khu vực. 

Myanmar sẽ vẫn ở tình trạng chính trị nội địa cực kỳ phức tạp. Cuộc khủng hoảng Rohingya sẽ khó được giải quyết trong hai năm tới bởi vì trước cuộc bầu cử năm 2020, cả giới quân sự lẫn Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) sẽ đấu tranh giành lá phiếu của đa số cử tri theo Phật giáo. Các vùng dân tộc ở biên giới đã bỏ phiếu cho NLD trong các cuộc bầu cử trước với hy vọng thỏa thuận được với Aung San Suu Kyi và không muốn bỏ phiếu cho đảng của quân đội. Tuy vậy, nhà lãnh đạo mới của Myanmar không đáp ứng được những hy vọng của họ và điều đó đang tạo ra những nguy cơ là các nhóm sắc tộc sẽ quay lưng hoàn toàn với quá trình hòa bình. 

Dẫu sao thì nghĩa cực đoan cấp tiến, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa khủng bố sẽ vẫn còn trong nghị trình của các nước ASEAN. Các chiến bay trở về từ Cận Đông sẽ kích hoạt các nhóm địa phương vốn vẫn còn khả năng làm nhiều thứ như cuộc vây hãm thành phố Marawi vào năm 2017 đã cho thấy. Yếu tố chủ yếu kích động tư tưởng cấp tiến chẳng hề biến đi đâu - các mạng xã hội thẩm thấu khắp nơi sẽ là kênh tuyên truyền chính đối với giới trẻ vốn không được các mô hình phát triển kinh tế hiện nay hứa hẹn một tương lai hạnh phúc và sự hòa nhập với xã hội còn lại. Nguy cơ quan trọng nhất sẽ là lợi dụng các tâm trạng độc đoán và bài ngoại trong quá trình các chiến dịch chính trị.

Bổ sung vào các nguy cơ này còn có những nguy cơ mới, mặc dù đã được dự đoán trước. Tội phạm mạng và vũ khí mạng đặc biệt đe dọa khu vực ASEAN, nơi các quốc gia không được bảo vệ, còn dân chúng thì không có kinh nghiệm nên dễ bị tấn công từ phía những kẻ xấu. Không chỉ không gian thông tin mà cả các mục tiêu hạ tầng trọng yếu cũng bị đe dọa. 

Trong những năm tới, chúng ta sẽ thấy việc bảo vệ môi trường, thiên tai và sự thay đổi khí hậu sẽ trở thành yếu tố nghiêm trọng đến đâu. Nghị trình sinh thái học sẽ thường xuyên nổi lên hàng đầu, những thảm họa thiên tai sẽ gây lo lắng nhiều hơn, người dân sẽ đòi hỏi ngày một mạnh mẽ bầu không khí và nước sạch. Hàng trăm ngàn người đang sinh sống ở các vùng và thành phố ven biển trong những năm tới có thể mất đinh sinh kế, nhà cửa và xí nghiệp dưới tác động của đất nhiễm mặn, mực nước biển dâng và sụt đất (điều đó sẽ đặc biệt rõ ở những khu ổ chuột của Jakarta, các thành phố và làng mạc đồng bằng sông Mekong). 
Nước Nga: Nguy cơ bị gạt ra rìa

Đối với nước Nga, những xu thế kể trên sẽ tạo ra những thách thức nghiêm trọng. Sự phân cực hóa khu vực giữa ảnh hưởng của Trung Quốc và ảnh hưởng của Mỹ tất yếu sẽ tạo ra nhu cầu cần có những thế lực thứ ba nào đó và các nguồn tạo ổn định nội tại - không phải với hy vọng hoàn toàn dựa vào đó mà để mở rộng không gian cơ hội. Vấn đề đối với nước Nga sẽ là ở chỗ việc định vị bản thân như một đấu thủ có ảnh hưởng sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư vào hợp tác kinh tế, mà khả năng trở thành nhà cung cấp đầu tư lớn trong khu vực thì trong 6 năm tới Nga khó có nhiều khi xét đến những nhiệm vụ quy mô đặt ra đối với kinh tế nước Nga. Vẫn như trước đây, Nga vẫn còn những phân khúc công nghệ mà Nga có khả năng cạnh tranh: đó là vũ khí trang bị, năng lượng, vũ trụ, một số lĩnh vực chế tạo máy, dịch vụ an ninh mạng. 

Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt lên giữa Trung Quốc và Mỹ cùng với chiều hướng đi xuống đồng thời trong quan hệ Nga-Mỹ, Moskva sẽ gặp ngày càng nhiều khó khăn mới. Một phần những khó khăn đó là hậu quả của các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực thanh toán tài chính. Trong đa số các ngành kể trên ở Nga, giữ vị trí thống trị là các công ty nhà nước lớn, nhiều trong số đó đang bị trừng phạt.

Đồng thời, các cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - Nga sẽ gây khó khăn cho việc tiến hành chính sách tự chủ của Nga đối với ASEAN - một khu vực then chốt đối với ảnh hưởng của Trung Quốc. Cần giải thích cho các nước trong khu vực là tại sao có thể coi Nga là một đấu thủ độc lập và các ví dụ như hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam cần có nhiều hơn. Vấn đề then chốt là Mỹ có đưa cuộc xung đột của mình với nước Nga đến ASEAN hay là sẽ có thái độ khoan dung với các quan hệ đối tác của Nga trong khu vực vì ưa ảnh hưởng của Nga hơn là ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Tình hình đó sẽ tạo cho Nga cả những cơ hội để ủng hộ những người đang mất hy vọng vào sự thành công của các thiết chế an ninh đa phương xung quanh ASEAN. Vào thời điểm mà Mỹ và Trung Quốc sẽ lôi kéo khu việc và mua ảnh hưởng, trong ASEAN đang hình thành nhu cầu đối với chủ nghĩa đa phương (dù là kiểu cũ). Một phần nhu cầu này sẽ được Ấn Độ thỏa mãn vì sự tích cực của Ấn Độ ở ASEAN và các nước thành viên của nó sẽ chỉ có tăng. Điều đó tạo ra thêm những cơ hội để nước Nga có sự ảnh hưởng không quá nặng gánh đối với các giới tinh hoa các nước ASEAN. 
Nhân Vũ