In bài này
Đông Nam Á trước nguy cơ trở thành lãnh địa của Trung Quốc
Thứ Hai, 17/12/2018 - 5:15 PM
Đông Nam Á không có khả năng chống lại sự lấn át mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã triển khai lực lượng quân sự của mình trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông (www.navy.mil)

Trong bối cảnh tình hình ở Cận Đông, Ukraine, châu Phi, bán đảo Triều Tiên thì khu vực Đông Nam Á và khu vực Tây Nam châu Đại Dương tiếp giáp có vẻ là nơi rất yên bình.

Tranh chấp ở quần đảo Trường Sa

Xung đột nổi cộm nhất trong khu vực này hiện tại chỉ thuần túy mang tính địa-chính trị là tranh chấp về các quần đảo và vùng biển ở Biển Đông. Không hề có căn cứ nào, Trung Quốc đang yêu sách đòi chủ quyền đối toàn bộ Biển Đông (ngoại trừ lãnh hải của các nước khác ven Biển Đông) và đối với tất cả các quần đảo ở đây (Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Trong khi đó, Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, còn đối với quần đảo Trường Sa, các nước có yêu sách chủ quyền là Việt Nam, còn có Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan (trong vai trò một “Trung Quốc khác”).

Tuyệt đại đa số các đảo tranh chấp hầu như không thích hợp để sinh sống vì kích thước quá nhỏ, nhưng Bắc Kinh đang thiết lập các khu dân cư ở đây (thường là giả mạo) và triển khai các cơ sở quân sự (trước hết là không quân và phòng không) để “củng cố” sự chiếm đóng của họ. Trên quần đảo Hoàng Sa, đó là đảo Phú Lâm (Woody), nơi triển khai trạm đồn trú Tây Sa với các công trình cảng, một đường băng cất-hạ cánh lớn và các trận địa tên lửa phòng không HQ-9. Trên quần đảo Trường Sa, họ triển khai trạm đồn trú ở đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Trạm đồn trú này gồm 7 thực thể: đá Chữ Thập (đảo nhân tạo), đá Gạc Ma (Johnson Reef), đá Châu Viên (Cuarteron Reef), đá Ga Ven, đá Huy Gơ (Hughes Reef), đá Xu Bi (Subi Reef), đá Vành Khăn (Mischief Reef). Các đá này phân tán cách nhau 300 km. 

Các đá này có kích thước cực nhỏ, song trên đó, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình khác nhau như đường băng, bãi đáp trực thăng, trạm khí tượng, kho xăng dầu và kho đạn dược, trận địa tên lửa phòng không, radar…

Rõ ràng là Trung Quốc không cần bản thân các hòn đảo mà thềm lục địa và các vùng biển bao quanh chúng. Trên thềm lụa địa, họ định tiến hành khai thác dầu và khí đốt, cũng như các tài nguyên sinh học của các vùng biển. Ngoài ra, chạy qua vùng Biển Đông là những tuyến đường biển thiết yếu đối với Trung Quốc, dùng để vận chuyển về Trung Quốc các loại nguyên liệu từ Cận Đông và châu Phi  (60% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc đi qua Biển Đông).

Các địch thủ chủ yếu tranh chấp chủ quyền các quần đảo và các vùng biển Biển Đông với Trung Quốc là Việt Nam và Philippines. Quân đội Việt Nam rất mạnh, binh sĩ thường trình độ huấn luyện chiến đấu và tinh thần-tâm lý cao. Nhưng từ góc độ trang bị kỹ thuật, họ thua kém quân đội Trung Quốc cả về số lượng và chất lượng. Trong những năm gần đây, Hà Nội có những nỗ lực lớn nhằm trang bị lại cho Không quân và Hải quân của mình (trước hết bằng vũ khí nhập khẩu từ Nga), nhưng không thể làm thay đổi căn bản cán cân sức mạnh. Quân đội Philippines nhìn chung không có khả năng tiến hành chiến tranh truyền thống “quân đội chống quân đội” và không thể đối chọi với quân đội Trung Quốc kể cả khi tận dụng vị thế địa lý của mình (cả nước Philippines nằm trên các hòn đảo). Tháng 6/2016, Manila đã thắng kiện Bắc Kinh vụ kiện tại Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở La Hay về chủ quyền đối với hàng loạt đảo, đá ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết của tòa.

Ngoài ra, không chỉ có Trung Quốc phụ thuộc cực kỳ lớn vào các tuyến đường đi qua Biển Đông. Nếu như đối với Trung Quốc đó là 60% kim ngạch ngoại thương, thì đối với Nhật Bản là 80%. Nhìn chung, 25% thương mại thế giới đi qua Biển Đông (khí hóa lỏng là hơn 30%). Điều đó bản thân nó làm cho xung đột tiềm tàng ở Biển Đông trở thành vấn đề toàn cầu, chứ không phải là vấn đề khu vực.

“Sức mạnh mềm” của Bắc Kinh ra tay

Hiện nay, quân đội Trung Quốc xét về tiềm lưc (kể cả khi không tính đến vũ khí hạt nhân) vượt trội nhiều lần tiềm lực quân sự của tất cả các nước còn lại ở khu vực Đông Nam Á cộng lại. Cụ thể, Hải quân Trung Quốc mạnh hơn hải quân của tất cả các nước này. Về kinh tế, tình thế cũng giống như vậy.

Hiển nhiên là các nước ASEAN rất lo ngại trước một nước Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Về phần mình, Bắc Kinh đang nỗ lực “trấn an” các nước láng giềng phía Nam bằng cách củng cố tối đa các quan hệ kinh tế với họ. Ngoài ra, hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước trong khu vực, một chỉ dấu rất mạnh mẽ về sự xích lại gần nhau về chính trị, đang dần dần được mở rộng. Hợp tác kỹ thuật quân sự của Trung Quốc với Thái Lan và Myanmar là vững chắc nhất.

Tình bạn của Bắc Kinh với Bangkok bắt đầu trong những năm 1980, khi nước Thái Lan chống cộng cực đoan trở thành bàn đạp và căn cứ hậu cần cho lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot bị quân đội Việt Nam đánh bật khỏi Campuchia. Do Việt Nam là đồng minh của Moskva, nên bọn Pol Pot đã được sự ủng hộ hoàn toàn cả từ phương Tây bất kể những tội ác khủng khiếp của chế độ diệt chủng, lẫn từ Trung Quốc khi đó được coi là “thành viên không chính thức thứ 16 của NATO”. Vào nửa cuối những năm 1980, Bangkok đã nhận được từ Bắc Kinh hơn 50 xe tăng Type 69, 450 xe bọc thép chở quân Type 85, hơn 50 khẩu pháo 130 mm Type 59-1 (sao chép pháo М-46 của Liên Xô), các hệ thống tên lửa phòng không mang vác НN-5.

Trong thập kỷ 1990, Bắc Kinh đã vứt bỏ bè lũ Pol Pot vì đã đạt mục tiêu chủ yếu là rút quân đội Việt Namс khỏi Campuchia. Bởi vậy, cường độ quan hệ quân sự với Thái Lan giảm đi một chút. Tuy nhiên, Bangkok vẫn nhận được từ Bắc Kinh hơn 100 pháo phòng không, cũng như 4 frigate lớp Giang Hỗ (Type 053НТ, Thái Lan đặt tên là HTMS Chao Phraya) trang bị tên lửa chống hạm С-801 và 2 frigate lớp Type 025T Naresuan được đóng tại Trung Quốc, nhưng được trang bị vũ khí Mỹ, trong đó có tên lửa chống hạm Harpoon tại Thái Lan.

Trong thế kỷ ХХI, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước đã được đẩy mạnh. Thái Lan đã mua từ Trung Quốc 4 tàu corvette và tên lửa chống hạm С-802 cho các tàu này, các hệ thống rocket phóng loạt (pháo phản lực) SR-4, hệ thống tên lửa phòng không KS-1, xe tăng VT-4 (biến thể xuất khẩu của xe tăng Trung Quốc Type 96). Tại Thái Lan, theo giấy phép của Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất pháo phản lực mạnh nhất thế giới WS-1 (Thái Lan đặt tên là DTi-1). Thái Lan dự kiến mua của Trung Quốc thêm một lô xe tăng VT-4, không dưới 30 xe bọc thép chở quân Type 07, cũng như các tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử Hải quân Thái Lan lớp S26Т (có thể là 3 tàu ngầm). Ngoài ra, quân đội Trung Quốc và Thái Lan hàng năm tiến hành các cuộc tập trận.

Các cuộc tập trận chung của quân đội Trung Quốc với các nước khu vực Thái Bình Dương (www.dvidshub.net)
 
Quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Myanmar có điểm hơi khác. Myanmar trong những năm 1960-1980 dường như cũng xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng đặc sắc đến nỗi đã cãi cọ gần như với cả thế giới (giống như Albania). Vì thế, đến cuối 1980, Lục quân Myanmar ở trạng thái tồi tệ từ góc độ trang bị kỹ thuật. Những xe tăng duy nhất của họ là các xe tăng Anh Comet từ thời Thế chiến II với số lượng dưới 30 chiếc, những khẩu pháo “bình thường” duy nhất là các pháo Mỹ М101 cũng từ thời Thế chiến II (dưới 100 khẩu). Không quân Myanmar hoàn toàn không có các máy bay chiến đấu và trực thăng, Hải quân có 10 xuồng tuần tra của Nam Tư và 3 xuồng tuần tra của Đan Mạch. Ngoài ra, quân số cũng rất ít, quân đội tiến hành cuộc chiến vô vọng, bất tận với vô số phiến quân ly khai và mafia ma túy, không thua ai mà cũng chẳng thắng ai.

Năm 1988, tại Myamanmar, chính quyền độc tài quân sự nắm quyền (sau đó, nước này chính thức đổi tên từ Miến Điện (Burma) sang Myanmar, thủ đô khi đó được đổi tên từ Rangoon thành Yangon), đi ngược với xu thế “dân chủ hóa toàn thế giới” tại thời điểm đó. Vì vậy, đối với phương Tây, Myanmar đã biến thành một “quốc gia bất hảo”. Sau đó, bắt đầu sự xích lại gần nhanh chóng của Yangon với Bắc Kinh vốn cũng coi là “bất hảo” trong thời gian ngắn sau các sự kiện ở quảng trường Thiên An Môn.

Trong nửa đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã đổi mới hoàn toàn lực lượng tăng-thiết giáp của Myanmar khi cung cấp cho nước này 80 xe tăng Type 69, hơn 100 xe tăng hạng nhẹ Type 63, 250 xe bọc thép chở quân Type 85. Trung Quốc cũng chuyển giao không dưới 30 pháo phản lực xe kéo 107 mm Type 63, 24 pháo phòng không 37 mm Type 74, đến 200 hệ thống tên lửa phòng không mang vác НN-5А. Trung Quốc đã thành lập cho Myanmar một lực lượng không quân “bình thường” khi bán cho họ 24 cường kích Q-5, 36 tiêm kích J-7, 12 máy bay vận tải, các loại vũ khí hàng không, cũng như chuyển giao cho Hải quân Myanmar 6 xuồng tên lửa và 10 xuồng tuần tra.

Trong thế kỷ ХХI, việc cung cấp vũ khí trang bị cho Myanmar từ Trung Quốc còn ồ ạt hơn nữa. Trung Quốc đã chuyển giao 50 xe tăng khá hiện đại Type 90-2 (một biến thể xuất khẩu khác của tăng Trung Quốc Type 96), đến 200 xe chiến đấu bọc thép, đến 50 pháo tự hành và pháo phản lực, 4 đại đội tên lửa phòng không KS-1А, đến 60 máy bay huấn luyện K-8, 12 máy bay không người lái chiến đấu СН-3, 2 frigate lớp Type 053Н1. Myanmar đã bắt đầu nhận được các tiêm kích Trung Quốc hiện đại JF-17 (sản xuất tại Pakistan theo giấy phép của Trung Quốc).

Ngoài ra, tại Myanmar bố trí 3 trạm bảo đảm vật tư-kỹ thuật của hải quân Trung Quốc. Cảng Kyaukphyu là trung tâm đầu mối dầu lửa, người ta đã xây dựng một tuyến đường ống dẫn dầu từ đây đến các tỉnh miền Nam Trung Quốc, dự định xây dựng một tuyến đường sắt đến tỉnh Vân Nam. Các tàu hải quân Trung Quốc được bảo đảm thực phẩm, nước và xăng dầu tại đây. Để tiếp dầu cho các tàu Trung Quốc còn sử dụng các cảng Yangon và Sittwe. Ngoài ra, trên quần đảo Coco có đặt một trung tâm điện tử lớn của hải quân Trung Quốc. Đây là trạm dẫn đường cho tàu ngầm, được sử dụng để quan sát radar tình hình mặt biển, bảo đảm thông tin liên lạc, trinh sát và tác chiến điện tử. Các tuyến đường ống vận chuyển dầu lửa và khí đốt chở đến từ Cận Đông và châu Phi về các tỉnh phía Nam Trung Quốc được đặt chạy xuyên qua Myanmar (từ các cảng trên bờ biển đến biên giới Trung Quốc), cho phép các tàu chở dầu Trung Quốc không phải đi vòng qua eo biển Malacca.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn trực tiếp hỗ trợ các nhóm ly khai ở tỉnh biên giới Kokang ở Đông Bắc Myanmar. Trong nửa đầu năm 2015, các nhóm này đã đánh bại quân đội Myanmar, sau đó thỏa thuận hòa bình đã được ký kết với sự trung gian của Bắc Kinh. Dư luận cho rằng, rõ ràng là binh sĩ lục quân Trung Quốc đã chiến đấu bên phía các lực lượng ly khai, còn không quân và phòng không Trung Quốc thực tế đã phong tỏa các hành động của Không quân Myanmar. Điều đó cũng không cản trở hai bên tiếp tục coi nhau là đồng minh chiến lược.

Mua chuộc đồng minh

Hợp tác kỹ thuật quân sự của Trung Quốc với các nước khác thuộc ASEAN cũng đang được mở rộng và cũng có một câu chuyện riêng của mình.

Vương quốc Campuchia vào đầu thập niên 1970 đã nhận được từ Trung Quốc đến 40 máy bay (tiêm kích J-2 và J-5, máy bay vận tải Y-5, máy bay huấn luyện CJ-6), Campuchia dân chủ của Pol Pot thì nhận được 20 xe tăng hạng nhẹ Type 62, đến 200 hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển НJ-73 và đến 10 tiêm kích J-5 và J-6. Sau đó, như đã nói ở trên, Bắc Kinh đã ủng hộ lực lượng Pol Pot ẩn náu ở Thái Lan. Chúng đã nhận được từ Trung Quốc ít nhất 24 xe tăng Type 59, 6 pháo 122 mm Type 60, 200 pháo phản lực xe kéo 107 mm Type 63, 10 pháo phản lực 122 mm Type 81, 70 hệ thống tên lửa phòng không mang vác HN-5А (Trung Quốc sao chép Strela-2 của Liên Xô). Đầu thập niên 1990, Trung Quốc không còn quan tâm đến Capuchia, nhưng hiện nay sự quan tâm lại trỗi dậy. Trong những năm gần đây, Campuchia đã nhận được từ Trung Quốc 4 xuồng tuần tra Type 062-1, 2 máy bay vận tải МА60, đến 12 trực thăng Z-9 (trong đó có 4 chiếc biến thể tiến công) và đến 50 hệ thống tên lửa phòng không mang vác FN-6. Lào trong thập niên 2010 đã mua của Trung Quốc 4 máy bay chở khách МА60, đến 9 máy bay hạng nhẹ LE-500, 5 trực thăng Z-9.

Cả Campuchia và Lào trong thời gian dài nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô và Việt Nam. Ngay cả hiện nay, ảnh hưởng của Hà Nội đối với Vientiane và Phnom Penh vẫn còn rất lớn, nhưng Bắc Kinh đang lặng lẽ và nhất quán tìm cách “mua chuộc” họ. Lào và Campuchia là những nước yếu nhất ASEAN về kinh tế, chính vì vậy, Trung Quốc rất dễ dàng “mua chuộc” họ. Việt Nam dĩ nhiên là không có những khả năng đó.

Việc “mua chuộc” các cựu thù thể hiện rất rõ ở ví dụ Philippines, quốc gia luôn là thân Mỹ nhất trong ASEAN. Sự thay đổi định hướng đột ngột của Tổng thống Duterter chỉ là một cách hăm dọa của Washington - để Mỹ bảo đảm bảo vệ Philippines bằng quân sự. Nhưng không loại trừ sự đổi hướng của Manila là thật sự vì như kinh nghiệm nhiều nước và nhiều chủ thể phi nhà nước cho thấy, liên minh với Mỹ hiện nay rất giống một cách tự sát tinh vi. Mà một khi không thể hy vọng vào Washington thì phải luồn cúi Bắc Kinh, kiềm chế các yêu sách biển đảo của mình. Tháng 10/2017, Trung Quốc đã lần đầu tiên chuyển giao cho quân đội Philippines vũ khí bộ binh, đạn dược và thiết bị quân sự để hỗ trợ nước này chống khủng bố. Trong khi đó, một ấn tượng mạnh được tạo ra là mục đích duy nhất của hành động này là nhằm củng cố quan hệ chính trị với Manila, điều đã trở thành có thể dưới thời Duterte, chứ không phải là để chống khủng bố Hồi giáo trên đảo Mindanao, điều chẳng có ý nghĩa gì với Bắc Kinh.

Indonesia, Malaysia, Brunei và Singapore cũng tìm cách kiểm chế sự bất mãn của mình đối với chính sách của Bắc Kinh. Và cả với nhóm nước này, Bắc Kinh cũng xúc tiến hợp tác kỹ thuật quân sự. Ít nhất thì Malaysia và Indonesia đã mua các hệ thống tên lửa phòng không mang vác của Trung Quốc, còn Indonesia còn mua thêm cả tên lửa chống hạm.

Thậm chí ngay cả nước Australia lân cận với khu vực Đông Nam Á và là nước thân Mỹ còn hơn cả Anh cũng bắt đầu nhượng bộ dần trước áp lực của Trung Quốc. Australia phụ thuộc ngày càng nhiều vào thương mại với Trung Quốc và các khoản đầu tư từ Trung Quốc, cộng đồng người Trung Quốc ở Australia cũng đang tăng nhanh. Bởi vây, Canberra ngày càng không muốn cãi cọ với Bắc Kinh bất kể Washington nghĩ thế nào về điều này.

Hợp tác kỹ quật quân sự Australia-Trung Quốc còn chưa có, nhưng hợp tác quân sự thì đã có. Tháng 9/2017, tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã diễn ra cuộc tập trận chung Panda-Kangaroo của các đơn vị Chiến khu Nam quân đội Trung Quốc và quân đội Australia. Năm 2015 và 2016, các cuộc tập trận tương tự đã được tiến hành trên lãnh thổ Australia. Cuộc tập trận năm 2017 kéo dài 10 ngày, thao luyện các hành động chung trong điều kiện thiên nhiên-khí hậu phức tạp (núi non và rừng rậm), trong đó có vượt chướng ngại nước và các bài tập sống sót. Tham gia tập trận chỉ có 10 binh sĩ mỗi bên, nhưng trong trường hợp này, quan trọng chính là bản thân việc tập trận chung của các đơn vị quân đội Trung Quốc và quân đội của một đồng minh cực kỳ thân cận với Mỹ. Hơn nữa, tập trận không hoàn toàn có tính hình thức và vô bổ mà là mối quan tâm thực tế đối với hai quân đội từ khía cạnh quân sự thuần túy. Một mục đích khác của cuộc tập trận là tạo bầu không khí tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.

Kết quả có thể thấy rằng, trong tương lai rất gần, đối kháng Bắc Kinh sẽ chỉ còn “nước Phổ của Đông Nam Á”, tức là Việt Nam. Sau khi đánh thắng Pháp, Mỹ và cả Trung Quốc trong nửa cuối thế ký XX, đất nước này không quen khuất phục bất cứ kẻ nào. Tuy nhiên, đơn độc đối kháng người khổng lồ Trung Quốc gần như là không thể. Hà nội hiện nay gần như đã giảng hòa với Washington chính là trong bối cảnh phải đối kháng với Trung Quốc, nhưng chỉ có kẻ điên thực sự mới có ý nghĩ rằng, người Mỹ sẽ đổ máu vì Việt Nam. Và cuối cùng, “đại Đông Nam Á” sẽ trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới sẽ lọt vào vòng kiểm soát hoàn toàn của Bắc Kinh, hơn nữa là chắc chắn không cần cuộc chiến tranh nào.

Lập trường của Moskva

Do tình hình Đông Nam Á không trực tiếp đụng chạm các lợi ích kinh tế và chính trị của Nga, Moskva đến nay vẫn né tránh đứng về bên nào về vấn đề này. Không muốn cãi cọ với Trung Quốc trong điều kiện quan hệ rất căng thẳng với phương Tây, đồng thời cũng coi các nước ASEAN là những đối tác quan trọng về hợp tác kỹ thuật quân sự và như đối trọng địa-chính trị tiềm tàng với Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty Nga Rosneft và Gazprom đang tham gia thăm dò các mỏ dầu của Việt Nam trên thềm lục địa Biển Đông. Tháng 4/2012, Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ký hợp đồng thăm dò 2 mỏ khí đốt trên thềm lục địa ở khu vực quần đảo Trường Sa, đáp lại, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối với cớ hợp đồng này bao trùm các vùng biển ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Năm 2016, cuộc tập trận hải quân chung Nga-Trung ở Biển Đông đã bị thế giới (trong đó có Việt Nam) đánh giá như sự ủng hộ rõ ràng của Moskva đối với Bắc Kinh. Hồi đó, Moskva đã ủng hộ việc Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của PCA trong vụ kiện của Manila, điều này cũng bị đánh giá (kể cả bản thân Bắc Kinh) là sự ủng hộ hoàn toàn của Moskva đối với Bắc Kinh.

Trên thực tế, cuộc tập trận “Phối hợp trên biển” diễn ra hàng năm từ năm 2012. Vào những năm chẵn, cuộc tập trận được tiến hành trong khu vực trách nhiệm của hải quân Trung Quốc, vào những năm lẻ thì tổ chức ở địa bàn của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. Phía Nga về lý thuyết có thể tiến hành tập trận ở các khu vực của các phân hạm đội Primorie và Kamchatka thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương, nhưng trên thực tế chỉ tiến hành ở khu vực của phân hạm đội Primorie (ở khu vực Vladivostok, trên biển Nhật Bản). Phía Trung Quốc lần lượt tiến hành tập trận ở địa bàn trách nhiệm của từng hạm đội trong 3 hạm đội của họ: năm 2012 - Hạm đội Bắc Hải, năm 2014 - Hạm đội Đông Hải. Tương ứng, vào năm 2016 “đến lượt” Hạm đội Nam Hải với khu vực trách nhiệm chính là Biển Đông. Tập trận đơn giản là không thể diễn ra ở địa điểm nào khác. Việc Moskva từ chối tiến hành tập trận sẽ là thách thức trực tiếp đối với Bắc Kinh, điều mà phía Nga rõ ràng là không muốn, nhưng việc tập trận “lần lượt” không thể được diễn dịch như hành động ủng hộ lập trường của Trung Quốc của Moskva trong cuộc xung đột ở Biển Đông chính là vì các cuộc tập trận là lần lượt, chứ không phải là bất ngờ, còn địa điểm tập trận đã được biết từ lâu. Hơn nữa, quy mô tập trận đã được phía Nga cố tình rút ngắn, còn địa điểm tập trận cách xa tối đa các khu vực tranh chấp. Tập trận diễn ra gần bờ biển Quảng Đông, tức là gần lục địa Trung Quốc, nơi chẳng có ai tranh chấp. Như vậy, Moskva đã làm tất cả những gì có thể để lập trường của mình vẫn có vẻ là trung lập. Năm 2018, tập trận “Phối hợp trên biển” sẽ lại diễn ra tại khu vực Hạm đội Bắc Hải, nên trên thực tế chẳng có gì phải phàn nàn.

Liên quan đến sự ủng hộ của Nga đối với việc Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của PCA, thì trong trường hợp này, Moskva đã không ủng hộ Bắc Kinh mà chỉ một lần nữa cho thấy rằng, Nga về nguyên tắc không công nhận những phán quyết như vậy nói chung. Đó là vì các phán quyết tương tự có thể được đưa ra chống lại chính Nga (chẳng hạn như về vấn đề chủ quyền Crimea hay quần đảo Kuril), điều mà tất nhiên là Nga cũng không công nhận. Nghĩa là, trong trường hợp này, Moskva đã thể hiện tính nhất quán và nguyên tắc chung, chứ không phải là lập trường về một vụ việc cụ thể.

Nhìn chung, cho đến gần đây, Moskva đã cố gắng không đơn giản chỉ giữ quan điểm trung lập, mà còn hoàn toàn “không nhận thấy” vấn đề và tương ứng là không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào. Tuy vậy, hoàn toàn tự tách khỏi vấn đề này đối với Moskva dẫu sao cũng là không thể, nhất là bây giờ, khi mà ban lãnh đạo Nga thường xuyên nhấn mạnh vị thế toàn cầu của Nga và sự sẵn sàng tham gia giải quyết tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng nhất. Hơn nữa, mặc dù khu vực Đông Nam Á không trực tiếp giáp giới với Nga, nhưng cũng không nằm cách Nga quá xa.

Kết quả là, Moskva đã bắt đầu kêu gọi “giải quyết hòa bình vấn đề có tính đến lợi ích của tất cả các bên” và tốt nhất là trên cơ sở song phương (có nghĩa là riêng biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, Trung Quốc và Malaysia), đồng thời là không có sự can thiệp của các nước không có liên quan đến khu vực này, được hiểu là chỉ và hoàn toàn là Mỹ.

Moskva sẽ có thể giữ lập trường rõ ràng hơn về vấn đề phân giới Biển Đông trong trường hợp nếu xuất hiện những lợi ích nào đó rất lớn của Nga trong khu vực này. Những lợi ích đó sẽ có thể liên quan đến hoặc là viecj xây dựng các căn cứ quân sự Nga trong khu vực, hoặc là với sự tham gia của các công ty Nga vào việc thăm dò các mỏ dầu và khí lớn, hoặc là với sự gia tăng đột ngột mua sắm vũ khí Nga của một trong các nước trong khu vực. Tuy vậy, hiện thời, thậm chí cả Việt Nam cũng không cung cấp cho Nga những cơ hội như thế, còn đối với các nước còn lại trong khu vực thì những dự án như thế khó lòng được thảo luận, ngay cả ở mức lý thuyết.

Trung Quốc dĩ nhiên muốn có sự ủng hộ tập trung hơn từ phía Moskva đối với lập trường của họ về vấn đề chủ quyền vùng biển và các quần đảo ở Biển Đông, nhưng để làm thế, bản thân Trung Quốc phải ủng hộ tích cực hơn nhiều cho Moskva về các vấn đề cơ bản khác (Crimea, Ukraine, Syria...), điều hiện Nga chưa thấy. Ngoài ra, rõ ràng là Bắc Kinh đang dự đoán rằng, nếu như Moskva lựa chọn dứt khoát ủng hộ Trung Quốc thì điều đó sẽ đẩy các nước ASEAN về phía Mỹ ở mức độ mạnh hơn nhiều, điều đó chưa chắc có lợi cho Trung Quốc. Có nghĩa là đối với Trung Quốc, việc Việt Nam mua sắm vũ khí Nga “ít hại” hơn là nếu Việt Nam mua vũ khí của Mỹ.

Ngoài ra, nếu như Washington vẫn tiếp tục ráo riết thể hiện lập trường chống Trung Quốc liên quan đến xung đột ở Biển Đông, điều đó tự động sẽ đẩy Moskva về hướng ủng hộ Bắc Kinh. Nếu như Mỹ giảm bớt hoạt động của mình, lập trường của Nga ít nhiều sẽ vẫn là trung lập.
Nhân Vũ