In bài này
Một số vũ khí mới của Trung Quốc tại triển lãm Chu Hải 2018
Thứ Tư, 14/11/2018 - 10:52 AM
Tại triển lãm hàng không-vũ trụ Airshow China-2018 vừa kết thúc ở Chu Hải, Trung Quốc đã giới thiệu nhiều loại vũ khí trang bị mới của không quân, hải quân và lục quân.
Một số loại vũ khí trang bị mới đáng chú ý được giới thiệu là tiêm kích J-10 trang bị động cơ điều khiển vector lực đẩy, tiêm kích tàng hình J-20, máy bay không người lái tàng hình CH-7

Tham gia bay trình diễn năm nay là các đội bay trình diễn của quân đội Trung Quốc, trong đó có đội bay Bát Nhất, nhưng diễn viên chính lại là các máy bay do Trung Quốc sản xuất là tiêm kích thế hệ 4 J-10 và tiêm kích thế hệ 5 J-20; các tiêm kích J-11, J-16 làm nhái họ Su-27 của Nga không bay trình diễn.
 

J-10 thực hiện động tác bay cao cấp “Hổ mang Pugachev” (REUTERS)

J-10 và J-20

Gây ấn tượng mạnh là bài bay của một chiếc J-10 lắp động cơ điều khiển vector lực đẩy WS-10 do Trung Quốc sản xuất. Chiếc J-10 này đã thực hiện các động tác bay cao cấp quen thuộc đối với các máy bay Sukhoi hai động cơ hạng nặng hơn của Nga như “Rắn hổ mang Pugachev”, rơi xoắn ốc có điều khiển. Các máy bay sao chép Su-27 đã hoàn toàn chuyển sang dùng động cơ nội địa WS-10 (các biến thể tương lai có thể được trang bị động cơ điều khiển vector lực đẩy nội địa), còn tiêm kích một động cơ của Trung Quốc do đòi hỏi cao hơn về độ tin cậy thì chỉ mới đây mới bắt đầu được trang bị động cơ này. Như vậy, trong thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ được giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào các động cơ Nga.

Bài bay của J-20 không gây ấn tượng lớn như J-10 mặc dù cũng thể hiện được tính năng khí động và góc tấn không kém. Giống như Su-57 của Nga, tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc đang chờ sự hoàn thiện của động cơ “giai đoạn 2” (tức động cơ biên chế chính thức) để đạt được các tính năng đặt ra. Tuy nhiên, khác với Nga, Trung Quốc hiện đã tiến hành sản xuất loạt nhỏ J-20 và đưa vào biên chế cho không quân, họ đã sản xuất không dưới 30 chiếc để phi công và nhân viên mặt đất làm quen, khai thác thử nghiệm.

CH-7

Nếu như tương lai của không quân tiêm kích liên quan đến J-20, thì tương lai của không quân ném bom Trung Quốc liên quan đến máy bay ném bom tương lai H-20. Trong một thời gian dài, máy bay này tồn tại ở dạng bán truyền thuyết và chỉ mới đây ký hiệu của nó mới được xác nhận chính thức.

Dự kiến, H-20 sẽ được giới thiệu dưới hình thức nào đó vào năm 2019 vào dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, cũng là 70 năm thành lập không quân Trung Quốc. Nhưng mô hình một máy bay dạng “cánh bay” bí ẩn tại gian trưng bày của Tổng công ty Khoa học kỹ thuật hàng không-vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã làm dấy lên hy vọng là họ sẽ công khai ít ra là mô hình thực sự của H-20. Song khi lớp bạt che được gỡ ra thì đó lại là một máy bay không người lái tàng hình nữa có tên CH-7.
 

CH-7 (TASS/Zuma)

Tuy nhiên, đây là máy bay không hề tầm thường. Xét về hình dáng, tính năng và định vị thị trường, CH-7 có nhiều nét tương đồng với chương trình chế tạo UAV trinh sát-tiến công tàng hình UCLASS với mục tiêu phát triển cho Hải quân Mỹ loại UAV tiên tiến nhất.

Chương trình UCLASS khiến người ta liên tưởng ngay đến mẫu trình diễn công nghệ X-47B của hãng Northrop Grumman đã thử nghiệm trên tàu sân bay, nhưng ở mô hình CH-7 thì ngoài X-47B còn có bóng dáng của Sea Ghost vẫn nằm ở dạng bản vẽ của Lockheed Martin. Đầu năm 2016, Mỹ đã thay đổi gẳn các điều kiện của cuộc đấu thầu và thực tế đã đơn giản hóa nhiều các điều kiện này khi xác định nhiệm vụ chủ yếu của UAV tương lai là tiếp dầu trên không cho các máy bay tiêm kích. Dường như Trung Quốc định thực hiện dự án CH-7 theo ý tưởng ban đầu của UCLASS và trong tương lai là cả ở dạng UAV trên hạm.

CH-7 còn lâu mới được đưa vào trang bị, nhưng tính khả thi của dự án thì không phải nghi ngờ vì các thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực UAV liên tiếp gây kinh ngạc. Chỉ cần nói rằng, các UAV tiến công của họ là các UAV tiến công thứ hai đã tham gia thực chiến (trong biên chế Không quân Iraq khi tác chiến chống IS). Hơn nữa, các mẫu chế thử UAV dạng “cánh bay” đã được các kỹ sư Trung Quốc nghiên cứu từ lâu.

JY-300

Một UAV mới được trưng bày tại triển lãm là loại UAV đang bay thử JY-300. Báo chí chuyên ngành gọi nó là UAV báo động sớm đầu tiên trên thế giới. Điều đó là hơi phóng đại vì UAV Reaper của Mỹ hiện cũng đã được trang bị các radar đặt trong thùng treo và cũng khó có thể gọi nó là UAV báo động sớm vì hạn chế về trọng lượng và nguồn điện không cho phép lắp radar công suất mạnh. Nhưng một UAV có khả năng quan sát bằng radar biên chế trong thời gian dài (một ngày đêm không phải là giới hạn đối với UAV này) trên một khu vực nhất định tất nhiên là rất lợi hại.
 

JY-300 (TASS/Zuma)

Nhìn chung, tại triển lãm Chu Hải 2018, Trung Quốc trưng bày cực nhiều phương tiện không người lái: vô số UAV nhiều cánh quạt, trong đó có cả các loại vũ trang, các trực thăng UAV mini lắp tên lửa chống tăng có điều khiển hoặc tuần tra, các UAV cánh quạt lật, xe vận tải nhỏ không người lái và thậm chí cả các máy bay hạng nhẹ cải hoán thành UAV vận tải. 

QN-506

Thu hút nhiều sự chú ý là xe chiến đấu chi viện hỏa lực QN-506 mà người ta đã ngay lập tức gọi là xe chiến đấu yểm trợ tăng của Trung Quốc giống như BMPT của Nga. QN-506 được chế tạo trên cơ sở xe tăng Type 59. Tuy được tung hô là “tân vương của chiến tranh mặt đất, QN-506 chẳng qua chỉ là một xe tăng lỗi thời trang bị module chiến đấu lấy từ xe chiến đấu bộ binh.
 

QN-506 (sina.com)

QN-506 được trang bị quá nhiều vũ khí: 1 pháo 30 mm, 1 súng máy 7,62 mm, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển QN-502, 20 tên lửa có điều khiển 70 mm, 4 UAV cảm tử S570 ở phía sau tháp pháo, các bệ phóng đạn sát thương định hướng lắp trên hai băng xích với tầm sát thương hiệu quả gần 5 m và 1 UAV nhiều cánh quạt để trinh sát. Hơn nữa, trọng lượng xe được công bố là gần 30 tấn, tức là nhẹ hơn xe tăng 5-6 tấn nguyên bản, có nghĩa là ngay từ đầu đã xác định độ dự trữ để tăng cường vỏ giáp.

Mặc dù triển vọng của xe chiến đấu QN-506 là chưa rõ ràng, nhưng sức tưởng tượng kỹ thuật của người Trung Quốc thật đáng nể và ở đây không thể chê trách họ về chuyện sao chép mù quáng. Có chăng chỉ có thể nói đến sự bất hợp lý khi chất cả đống vũ khí chính xác cao hiện đại lên một chiếc xe tăng già cỗi, nhưng cũng loại trừ việc lựa chọn khung gầm Type 59 là bởi vì hãng thiết kế QN-506 có chuyên ngành là sản xuất khí tài ảnh nhiệt nên họ chỉ tìm cách sử dụng khung gầm tăng rẻ tiền để trình diễn ý tưởng của mình mà thôi.

WS-600L

Một vũ khí khác thường khác tại triển lãm là hệ thống tên lửa chống hạm WS-600L. Bề ngoài, nó rất giống một biến thể mới của xe bệ phóng tên lửa phòng không HQ-9 vốn sao chép S-300 của Nga, nhưng thực ra bên trong các ống phóng không phải là các tên lửa phòng không mà là các tên lửa chiến dịch-chiến thuật và có lẽ là được trang bị đầu tự dẫn radar cho phép tiêu diệt các mục tiêu trên biển.
 

WS-600L (Mikhail Zherdev)

CM-401

Tên lửa CM-401 trước hết dùng để tiêu diệt mục tiêu trên biển và rõ ràng là được trang bị đầu tự dẫn radar. Xe bệ phóng mang 2 tên lửa có tầm bắn công bố 290 km cho phù hợp với chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa, nhưng thực tế tầm bắn có thể lớn hơn một chút.
 

CM-401 (Mikhail Zherdev)

Một tên lửa đường đạn giống như Iskander-M của Nga như CM-401 sẽ là mục tiêu khó nhằn đối với các vũ khí phòng không hạm tàu hiện đại và nếu như Trung Quốc hoàn thiện được tên lửa này, trước hết về mặt khả năng chống nhiễu của đầu tự dẫn thì họ sẽ có một loại tên lửa bờ biển đáng sợ. Nhìn chung, căn cứ vào bối cảnh chính trị thì vấn đề phòng thủ bờ biển là rất bức thiết đối với Trung Quốc, khi mà họ đang đồng thời triển khai các hệ thống tên lửa bờ trang bị tên lửa chống hạm siêu âm hạng nặng YJ-12 với tầm bắn gần 500 km.

JRVG-1

Một hệ thống vũ khí thu hút nhiều sự chú ý từ trước khi khai mạc triển lãm là pháo tự động tự hành 76 mm JRVG-1. Điều dễ dàng nhận ra - đây là một ụ pháo tàu lắp trên khung gầm 5 trục.
 

JRVG-1 (Mikhail Zherdev)

Có lẽ trước hết đây là một pháo phòng không, nhưng giống như các pháo tàu nguyên bản, nó có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu. Xét tổng thể, đây cũng là một sản phẩm tự đầu tư phát triển nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, nhưng từ lâu, Trung Quốc đã thí nghiệm với các pháo tự hành cỡ nòng lớn nên có lẽ là họ rất quan tâm đến loại vũ khí này.
PM