In bài này
Nga lộ thiết kế trực thăng chiến đấu cao tốc tương lai
Thứ Hai, 29/10/2018 - 3:09 PM
Trực thăng chiến đấu cao tốc tương lai của Nga có thể sẽ có thiết kế cánh tam giác cố định với các cánh quạt nâng đồng trục và 2 động cơ turbine phản lực tạo lực đẩy để bay bằng và đồng thời dẫn động các lá cánh quay.

Defence Blog

Thiết kế của trực thăng bị tiết lộ thông qua các hình ảnh do trang Defence Blog tìm thấy từ một mạng xã hội và đăng tải. Trên các bức ảnh thấy rõ hình ảnh của trực thăng và Tổng công trình sư của hãng Kamov Sergei Mikheyev trong một buổi thuyết trình.

Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng phát triển một loại trực thăng chiến đấu có khả năng đạt tốc độ hơn 500 km/h vào cuối năm 2017. Trực thăng mới sẽ được chế tạo theo 1 trong 3 sơ đồ thiết kế: truyền thống (rotor nâng và rotor lái), kết hợp (trực thăng với rotor nâng, cánh và 2 cánh quạt đẩy) và đồng trục (2 rotor nâng quay đồng trục, ngược chiều nhau và một cánh quạt đẩy ở đuôi). Trực thăng mới sẽ được trang bị đầy đủ các loại vũ khí biên chế cho trực thăng như: 1 pháo hàng không, các loại tên lửa có điều khiển và rocket, bom.

Có thể mẫu trực thăng có hình ảnh bị tiết lộ của Kamov đang được phát triển theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, cũng có thể đây là một dự án riêng của Kamov. Theo các bức ảnh, trực thăng tương lai sẽ có cánh hình tam giác, cánh ngang phía trước và cánh ổn định ngang ở đuôi với các cánh đứng lắp các cánh lái hướng ở các đầu mút cánh. Dưới cánh dự định bố trí các giá treo vạn năng để lắp tên lửa và bom.
Defence Blog

Theo Defence Blog, dự án của Nga trù tính phát triển trực thăng cao tốc có thể bay với tốc độ hơn 700 km/h. Tổ lái sẽ gồm 2 người ngồi kề vai nhau trong buồng lái. Các thông số kích thước trên các bức ảnh không thể đọc được, nhưng có thể phỏng đoán rằng, trực thăng có chiều dài gần 15 m, chiều cao gần 6 m, sải cánh khoảng 11 m. Các chi tiết khác của thiết kế không được tiết lộ, chẳng hạn như liệu thiết kế này có được áp dụng để chế tạo trực thăng trong thực tế hay không.
 
Hãng Kamov từng thiết kế trực thăng cao tốc với các động cơ turbine phản lực có thể dùng để dẫn động rotor nâng và tạo lực đẩy bay bằng. Dự án đã đề xuất chế tạo trực thăng Ка-90 có khả năng bay với tốc độ đến 700-800 km/h. Thiết kế này đã được đệ trình lần đầu tiên vào năm 2008. Theo thiết kế này, trong khi bay, rotor nâng sẽ dừng không quay khi trực thăng bay bằng, các lá cánh rotor nâng sẽ gấp lại về phía sau vào trong một thùng chứa đặc biệt.

Hiện nay, một số nước như Pháp, Đức và Mỹ cũng đang phát triển trực thăng cao tốc với mục tiêu chế tạo các phương tiện bay có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng theo kiểu trực thăng và bay bằng với tốc độ cao mà trực thăng thông thường không thể đạt được. Các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng không thích hợp cho vai trò của các phương tiện bay này. Lý do trước hết là mức tiêu thụ nhiên liệu rất cao khi cất và hạ cánh thẳng đứng.
Defence Blog

Ngoài ra, các máy bay đó không thể cất cánh thẳng đứng khi mang tải trọng lớn mà cần chạy đà ngắn trước khi cất cánh. Trong khi đó, trực thăng cao tốc sẽ có thể cất và hạ cánh thẳng đứng, đạt tốc độ bay cao hơn nhiều tốc độ của các trực thăng hiện đại thông thường vốn thường không vượt quá 300 km/h. Ngoài ra, trực thăng cao tốc sẽ cho phép rút ngắn rất nhiều thời gian cần để thực hiện không kích các mục tiêu đối phương.

Từ tháng 12/2015, hãng “Trực thăng Nga” (Rosvertol) tiến hành thử nghiệm mẫu trình diễn công nghệ trực thăng cao tốc được chế tạo dựa trên trực thăng vận tải-chiến đấu Mi-24. Tháng 12/2017, Rosvertol đã tiến hành bay thử mẫu này ở tốc độ tối đa 405 km/h. Đây là kỷ lục tốc độ không chính thức của trực thăng nói chung.

Mẫu này được lắp rotor nâng với các lá cánh có đầu mút hình giọt nước giúp chống rung và triệt tiêu hiệu ứng “khóa”. Dự kiến, mẫu trình diễn công nghệ này sẽ là cơ sở cho một số thiết kế trực thăng cao tốc có thể bay với tốc độ hơn 400 km/h. Ví dụ, người ta dự định phát triển trực thăng vận tải có trọng tải đến 12 tấn, tốc độ hành tình gần 360 km/h và tốc độ tối đa hơn 400 km/h một chút.
PM