In bài này
Thay thế nhập khẩu: công nghiệp quốc phòng Nga tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa
Thứ Bẩy, 22/09/2018 - 12:16 PM
Trông cậy vào Trung Quốc để thay thế cho Ukraine và phương Tây, công nghiệp quốc phòng Nga có thể gặp vạ to.

Vũ khí trang bị Nga từng được lắp: thiết bị điện tử Ukraine, động cơ trực thăng và động cơ máy bay của hãng Motor-Sich, cũng như các động cơ turbine khí của Zaria-Mashprojekt. 

Ngoài ra, công nghiệp quốc phòng Nga còn phụ thuộc chẳng hạn vào Pháp về thiết bị ảnh nhiệt dành cho xe tăng Nga, Pháp đã chấm dứt hợp tác do chính sách trừng phạt của phương Tây.

Các biện pháp trừng phạt đã làm khốn đốn công nghiệp quốc phòng Nga, ví dụ, việc đóng loạt tàu chiến cho Hạm đội Biển Đen ở hãng đóng tàu Yantar ở Kaliningrad đã bị tạm dừng. Các tàu chiến đóng dở không có động cơ của Ukraine đã được Nga quyết định bán cho Ấn Độ. New Delhi sẽ tự mình mua động cơ của Kiev để lắp cho các frigate mua từ Nga. 

Nga đã làm được rất nhiều việc để xóa bỏ sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp Ukraine và châu Âu. Các đơn đặt hàng với NPO Saturn, tập đoàn Shvabe, ODK-Klimov, NPO Orion đã cho phép khắc phục được những khó khăn chính.

Nhìn chung, việc thay thế hàng nhập khẩu của công nghiệp quốc phòng Nga đang diễn ra tốt. Nhưng vẫn còn những điểm rất tranh cãi. Các đại diện công nghiệp quốc phòng nói rằng, họ không định thay thế tất cả các linh kiện vì lý do kinh tế. Và Phó Thủ tướng - thủ lĩnh của công nghiệp quốc phòng Nga Yuri Borisov Куда mới đây đã hé lộ hướng giải quyết là ở đâu. Ông nói: “Có rất nhiều đề xuất hay của các nước khu vực Đông Nam Á, trước hết là Trung Quốc, Malaysia và Đài Loan, nơi hiện nay đang tập trung những cơ sở sản xuất công nghệ cao chính”.

Dường như, nay Nga đã quyết định trông cậy vào Trung Quốc. Chuyên gia Sergei Denisentsev phán rằng, thà phụ thuộc vào Trung Quốc còn hơn vào châu Âu vốn bất kỳ lúc nào cũng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga mới. Mà thay thế toàn bộ các chủng loại linh kiện và động cơ thì quá khó và tốn kém. Chẳng hạn, thay vì bộ phận động lực của Đức dành cho các tàu nhỏ, các quan chức công nghiệp quốc phòng Nga thấy đơn giản hơn là mua động cơ Trung Quốc hơn là tự chế tạo. Vì thế mà nay một phần các động cơ trên vũ khí trang bị của Nga sẽ là động cơ nội địa, còn lại là dùng động cơ Trung Quốc.

Chuyên gia quân sự Aleksandr Khramchikhin nêu ý kiến của mình về cách “thay thế nhập khẩu đó”: “Chúng ta đã thay sự lệ thuộc này bằng sự lệ thuộc khác. Bởi vậy, đây là sự thay thế rất ước lệ. Sự thay thế thật sự đó là khi tất cả hoàn toàn là của mình”.

Các quan chức công nghiệp quốc phòng Nga cho rằng, trong tình thế hiện nay, phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn “có lợi hơn”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sau một thời gian nữa, quan hệ Nga-Trung lại trở nên lạnh lẽo?

PM