In bài này
Máy bay chỉ huy-báo động sớm của Trung Quốc
Thứ Sáu, 14/09/2018 - 2:12 PM
Máy bay chỉ huy-báo động sớm (AEW&C) là một trong những phương tiện cơ động kiểm soát không trung hiệu quả nhất, thực hiện các nhiệm vụ phát hiện sớm, bám và nhận dạng các mục tiêu trên không và mặt nước, dẫn máy bay chiến thuật tới các mục tiêu này, thu thập và truyền dữ liệu về tình hình tới các sở chỉ huy trên mặt đất, trên không và trên hạm tàu.
Máy bay chỉ huy-báo động sớm (AEW&C) là một trong những phương tiện cơ động kiểm soát không trung hiệu quả nhất, thực hiện các nhiệm vụ phát hiện sớm, bám và nhận dạng các mục tiêu trên không và mặt nước, dẫn máy bay chiến thuật tới các mục tiêu này, thu thập và truyền dữ liệu về tình hình tới các sở chỉ huy trên mặt đất, trên không và trên hạm tàu. Hiệu quả sử dụng các máy bay lớp này ở vai trò đó đã nhiều lần được khẳng định trong các cuộc xung đột vũ trang cục bộ.

Máy bay AEW&C đầu tiên của Trung Quốc là KJ-1, được phát triển vào cuối thập niên 1960 trên cơ sở máy bay ném bom Тu-4 của Liên Xô. Hiện nay, trong biên chế chiến đấu của quân đội Trung Quốc có 4 loại máy bay chỉ huy-báo động sớm: Y-8J, KJ-200, KJ-2000 và KJ-500. Còn một loại nữa là ZDK-03 do Trung Quốc sản xuất với số lượng 4 chiếc được xuất khẩu sang Pakistan.

Ở các giai đoạn phát triển khác nhau còn có một số loại máy bay chỉ huy-báo động sớm tương lai. Các loại chủ yếu trong số đó là KJ-3000 được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20 và KJ-600 triển khai trên tàu sân bay.

Trung Quốc cần sử dụng các hệ thống radar báo động sớm lắp trên máy bay là vì các trạm radar mặt đất của phòng không Trung Quốc và kiểm soát tình hình mặt biển không bảo đảm thiết lập trường radar dày đặc phát hiện mục tiêu bay ở tất cả các mực độ cao và tầm hoạt động không đủ xa.

Những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đó là diện tích quá rộng của lãnh thổ lục địa của Trung Quốc (9,6 triệu km2) và diện tích các vùng biển tiếp giáp (3 triệu km2), đường biên giới trên bộ và trên biển với 13 quốc gia rất dài, bề mặt địa hình phức tạp, bao gồm các dãy núi, có các vùng lãnh thổ tranh chấp với các nước láng giềng, cũng như các vụ vi phạm biên giới quốc gia trên không.

Đối với Trung Quốc, các máy bay AEW&C thực tế là phương tiện trinh sát trên không duy nhất cho bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào trên khu vực eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoài ra, tính chất tác chiến hiện đại có sự gia tăng nhiều lần về tính phức tạp và thay đổi nhanh chóng tình hình trên không, đặt ra những yêu cầu cao hơn về tính vững chắc trong chỉ huy/điều khiển không quân.

Đồng thời, việc xây dựng lực lượng máy bay AEW&C của Trung Quốc trong thời gian dài bị chậm trễ, kìm hãm bởi sự thiếu vắng các máy bay mang nội địa và sự tụt hậu lớn của ngành vô tuyến điện tử Trung Quốc.

Chế tạo các máy bay báo động sớm nội địa được Trung Quốc xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên từ giữa thập niên 1970. Trung Quốc bắt đầu ráo riết nghiên cứu chế tạo các máy bay này từ giữa những năm 2000.

Hiện nay, máy bay AEW&C Y-8J lắp radar SkyMaster của Anh (máy bay có tên gọi khác là Y-8 AEW) là máy bay lạc hậu nhất trong tất cả các máy bay lớp này trong biên chế quân đội Trung Quốc.

Y-8J được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự nâng cấp Y-8C (tương tự An-12 của Liên Xô) với chụp rẽ dòng đặc trưng ở mũi để chứa hệ thống anten radar. Mẫu cơ sở Y-8C được phát triển với sự trợ giúp kỹ thuật của công ty Lockheed (Mỹ) vào cuối thập niên 1980. Y-8J thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1998 và được nhận vào trang bị vào đầu những năm 2000.

Nhiệm vụ chính của Y-8J là kiểm soát tình hình mặt biển và trên không trên các vùng biển ven bờ biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông để ngăn chặn buôn lậu ở các khu vực này.

Sau nhiều giai đoạn hiện đại hóa, biến thể Y-8J đã được trang bị các thùng nhiên liệu lớn hơn, các cửa nắp khẩn cấp bổ sung, các máy chụp không ảnh, các khí tài liên lạc, các phương tiện trinh sát vô tuyến điện và trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện tử và các vị trí công tác tự động hóa dành cho các trắc thủ với các màn hình tinh thể lỏng để hiển thị tình huống hiện tại.

Thành phần chính của hệ thống thiết bị vô tuyến điện tử trên khoang của máy bay này là radar SkyMaster. Radar này cho phép phát hiện các mục tiêu trên không (ở cự ly đến 400 km) và mặt nước (ở cự ly đến 110 km) khi máy bay mang bay ở độ cao đến 3.000 m, dẫn đường cho máy bay chiến thuật và cung cấp dữ liệu về các tàu mặt nước. Các radar này đã được trang bị cho các trực thăng báo động sớm Sea King AEW.2 của Anh từ cuối thập niên 1980.

Radar SkyMaster do công ty TORN-EMI, sau này là Racal Radar Defence Systems, nay nằm trong tập đoàn Thales của châu Âu phát triển. Anh bán radar SkyMaster cho Trung Quốc vào năm 1996 với số lượng 6-8 bộ, dưới cái tên dân sự để né tránh trừng phạt kinh tế.

Dự đoán, hải quân Trung Quốc hiện đang sử dụng từ 2-4 máy bay Y-8J, còn theo niên giám The Military Balance 2016 do Viện Nghiên cứu chiến lược ISS ở London xuất bản thì hiện sử dụng tất cả 8 chiếc máy bay đã sản xuất trước đó.

Tóm lại, Y-8J đã trở thành máy bay đầu tiên của Trung Quốc có khả năng thực hiện một cách tổng hợp các nhiệm vụ báo động sớm, dẫn đường cho tiêm kích chiến thuật và cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho các tàu chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc. Trong tương lai, các máy bay còn lại trong biên chế sẽ được sử dụng cho đến khi hết hạn sử dụng. Khi Y-8J bị loại khỏi biên chế chiến đấu, các nhiệm vụ của chúng sẽ được giao phó cho các máy bay hiện đại hơn là KJ-200.

Năm 2000, Trung Quốc đã bắt đầu công tác nghiên cứu chế tạo AEW&C KJ-200. Biến thể xuất khẩu của máy bay này có những cái tên khác: Y-8 Balance Beam, Y-8W AEW&C và ZDK-06. KJ-200 cũng như Y-8J ngay từ đầu được chế tạo dựa trên máy bay vận tải quân sự Y-8. Máy bay được chế tạo dựa trên biến thể chế thử Y-8F-200 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2001. KJ-200 được cung cấp ở các biến thể khác nhau cho không quân và hải quân Trung Quốc.
Mẫu chế thử thứ hai đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2005. Mẫu này được chế tạo dựa trên máy bay vận tải Y-8F-600 được phát triển với sự tham gia của các chuyên gia của Tổ hợp KHKT hàng không mang tên O.K. Antonov (Ukraine) và định hướng để xuất khẩu. Các máy bay tiếp sau được dự kiến trang bị các động cơ turbine cánh quạt PW-150B công suất hơn 5.000 mã lực của công ty Pratt&Whitney (Canada) với các bộ cánh quạt 6 lá cánh composite R408 của công ty Dowty (Anh), thiết bị avionics và động cơ phụ trợ tương ứng của các công ty Mỹ Rockwell Collins và Honeywell. Máy bay này đã bị rơi khi bay thử vào giữa năm 2006, khả năng là do mất lái vì đóng băng.

Vì chiếc KJ-200 thứ hai bị rơi nên việc chế tạo máy bay thứ ba đã bị tạm đình hoãn trong một năm. Kết quả là máy bay thứ ba và các máy bay tiếp đó đã được trang bị thêm hệ thống chống đóng băng, thiết bị cảnh báo tình huống khẩn cấp trên khoang, cũng như cấu trúc cánh được thay đổi và lắp thêm các cánh ổn định đứng ở phần cánh đuôi.

Việc lắp ráp thiết bị cho các máy bay KJ-200 được tiến hành tại cơ sở của Công ty Công nghiệp hàng không Hán Trung (Hanzhong Aviation Industry (Group) Company - HAIC), thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây,  công ty đã triển khai sản xuất loạt Y-8 và các biến thể của nó. Công ty nằm trong thành phần tổng công ty Công nghiệp hàng không số 1 Trung Quốc (China Aviation Industry Corporation I - AVIC I). Việc sửa chữa và bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ được tiến hành tại nhà máy sửa chữa máy bay ở thị xã Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc.

Hệ thống động lực của máy bay sử dụng các động cơ turbine quạt cải tiến WJ-6C với bộ cánh quạt 6 lá cánh JL-4 do Trung Quốc sản xuất. Các chuyên gia Trung Quốc khẳng định, tất cả các hệ thống và tổng thành, thiết bị avionics và thiết bị điện tử của máy bay hoàn toàn do Trung Quốc sản xuất.

Thiết bị điện tử trên khoang của KJ-200 gồm: radar anten mạng pha chủ động JY-06, hệ thống trinh sát vô tuyến điện và trinh sát vô tuyến điện tử, máy thu hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đầu, cũng như máy hỏi radar của hệ thống nhận dạng địchh-ta.

Thành phần chính của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang là radar xung-Doppler 3 tọa độ đa năng dải cm với anten mạng pha chủ động 2 chiều cố định. Radar được bố trí bên trên phần giữa thân trong vỏ trong suốt vô tuyến hình hộp bút có chiều dài gần 9,8 m (chiều dài của bản thân anten mạng pha chủ động là 8,7 m). Tổng số các module thu phát là gần 200. Bộ hút khí bố trí ở phần trước của hộp vỏ, giúp làm mát các module thu phát của anten mạng pha chủ động bằng dòng khí ngược chiều. Hãng phát triển chính anten là Viện nghiên cứu 38 của tổng công ty KHKT công nghiệp điện tử Trung Quốc СЕТС (China Electronics Technology Corporation), thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy.

Về kết cấu, anten gồm 2 panel anten hình chữ nhật giống nhau, mỗi panel bảo đảm quan sát một khoảng không gian trong sector từ 120-150° theo góc phương vị. Về hình dáng bên ngoài và các tính năng kỹ-chiến thuật chính, radar này tương đương radar PS-890 Erieye của Thụy Điển trên các máy bay AEW&C Saab 100D Argus (Không quân Thụy Điển) và Saab-2000.

Dự đoán radar của Trung Quốc, khác với radar PS-Erieye của công ty Ericsson (Thụy Điển) có thể bảo đảm phát hiện và bám mục tiêu bay ở chế độ tự động ở cự ly gần cho đến 400 km.

Năm 2016, Trung Quốc đã chế tạo biến thể hiện đại hóa trên cơ sở máy bay vận tải Y-9 và đặt tên là KJ-200A. Những khác biệt chính bên ngoài là chụp rẽ dòng ở mũi máy bay thay đổi về hình dáng (radar mới) và không có radar khí tượng ở bên dưới phần mũi máy bay. Radar mới được bố trí dưới chụp rẽ dòng ở mũi máy bay cỡ lớn hơn, dự đoán là để loại bỏ “vùng chết” trong phát hiện của anten mạng pha chủ động chính ở bán cầu trước.
Ngoài ra, nhờ kéo dài (hơn 3 m) thân máy bay và trọng tải lớn hơn (đến 25 tấn), trên biến thể KJ-200A, số vị trí công tác tự động hóa dành cho các trắc thủ đã được tăng lên đến 8, lắp thêm trạm liên lạc vệ tinh, các hệ thống trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử cải tiến, cũng như hệ thống phòng vệ máy bay sử dụng giao diện chuẩn ARINC 429.

Song song với việc nghiên cứu chế tạo biến thể hiện đại hóa KJ-200A, từ cuối năm 2016, Trung Quốc tiến hành cải tiến nâng cấp máy bay lên biến thể KJ-200B tại cơ sở của Trung tâm bay thử nghiệm quốc gia (CFTE - China Flight Test Establishment) ở Tây An-Diêm Lương, tỉnh Thiểm Tây.

Tổng cộng, không quân và hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận đến 13 chiếc KJ-200, trong đó có 5 chiếc cho không quân và 6 chiếc cho hải quân, cũng như 1 chiếc KJ-200A và 1 chiếc KJ-200B.

Dưới tên gọi ZDK-06, Trung Quốc đang chào bán biến thể xuất khẩu của KJ-200, trang bị radar anten mạng pha chủ động JY-06.

Nhìn chung, máy bay AEW&C KJ-200 là tương đối hiện đại và có đủ tính năng bay-kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ báo động sớm và chỉ huy máy bay. Sử dụng máy bay này cho phép nâng cao hiệu quả trinh sát mục tiêu trên không và mặt đất/mặt nước, cũng như khả năng của các phương tiện phòng không bảo vệ các mục tiêu quân sự và hành chính quan trọng.

Ngoài ra, Trung Quốc là quốc gia thứ tư sản xuất anten mạng pha chủ động cố định lắp trên máy bay sau Thụy Điển, Mỹ (radar MESA của công ty Northrop-Grumman trên máy bay Boeing-737-700 của Không quân Australia và Thổ Nhĩ Kỳ) và Ấn Độ (trạm radar LSTAR trên máy bay turbine phản lực EMB-145SM Embraer của Brazil). Dự kiến, kết quả nghiên cứu thu được khi phát triển hệ thống báo động sớm trang bị radar với anten mạng pha chủ động nội địa sẽ giúp Trung Quốc giành một trong những vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống radar phát hiện tầm xa lắp trên máy bay.

Đồng thời, Trung Quốc vẫn tiếp tục sao chép những cách tiếp cận chính của các cường quốc hàng đầu thế giới khi thiết kế các hệ thống vũ khí nội địa. Xét đến những khác biệt về kích thước máy bay (Saab của Thụy Điển, Embraer của Brazil và Boeing của Mỹ), giá thành anten mạng pha chủ động và chi phí khai thác và bảo dưỡng, máy bay KJ-200 và biến thể xuất khẩu của nó là ZDK-06 có hàng loạt ưu điểm và khả năng tiếp tục hiện đại hóa, nên có thể đánh giá máy bay này có tiềm năng xuất khẩu cao.

Máy bay AEW&C KJ-2000 được chế tạo dựa trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Il-76TD. So với biến thể cơ sở, máy bay đầu tiên do Nga chuyển giao cho Trung Quốc vào tháng 10/1999 khác ở chỗ có bộ càng được gia cường để cất/hạ cánh từ đường băng đất nện, có thêm 2 đuôi đứng lắp dưới thân ở phần đuôi để bảo đảm ổn định và có cần tiếp dầu trên không (chỉ ở chiếc đầu tiên).

Trung Quốc đã sản xuất tổng cộng 4 chiếc KJ-2000, 2 chiếc đầu tiên trong số đó được đưa vào trang bị của không quân trung Quốc vào năm 2005, còn 2 chiếc tiếp theo - vào năm 2008. Đơn giá 1 máy bay KJ-2000 là 250-270 triệu USD.
Việc lắp trang thiết bị và hiện đại hóa các máy bay KJ-2000 được tiến hành từ năm 2002 tại cơ sở của tổng công ty sản xuất máy bay Tây An. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào năm 2003 từ sân bay của Trung tâm bay thử quốc gia (CFTE - China Flight Test Establishment) ở Tây An-Diêm Lương, tỉnh Thiểm Tây.

Công tác sửa chữa và bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ KJ-2000 được tiến hành tại Nhà máy sửa chữa máy bay ở thị xã Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc.

Thành phần chính của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang là radar xung-Doppler 3 tọa độ đa năng dải cm với anten mạng pha chủ động cố định lắp trong vỏ rẽ dòng trong suốt vô tuyến, hình đĩa đường kính 14 m, làm mát bằng chất lỏng. Hãng phát triển chính anten mạng pha chủ động là Viện nghiên cứu 14 của tổng công ty NRIET (Nanjing Research Institute of Electronic Technology - Viện Nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh).

Ngay từ đầu, hệ thống radar A-50I được chế tạo trên cơ sở radar đa năng EL/M-2075 PHALCON (Phased Array, L-band, CONformal) cùng với các chuyên gia Israel. Công việc đã được tiến hành từ năm 1996, nhưng dưới áp lực của Washington, hợp đồng với Tel Aviv đã bị hủy bỏ vào năm 2000, anten radar và trang thiết bị đã bị tháo gỡ, còn máy bay được phía Israel trả cho Trung Quốc vào năm 2002.

Cuối năm 2002, đã bắt đầu lắp đặt lên máy bay radar do Viện 14 của NRIET phát triển (Viện 14 là cơ quan có kinh nghiệm chế tạo radar trên khoang cho các tiêm kích nội địa của Trung Quốc). Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc cũng đã kịp tìm hiểu hồ sơ, tài liệu thiết kế của radar Israel của công ty Elta vì nhiều bộ phận của kết cấu, thiết bị điện tử trên khoang và các giải pháp kỹ thuật đã được bắt chước của radar EL/M-2075.

Về cấu trúc, anten mạng pha chủ động gồm 3 bộ phận anten hình tam giác giống nhau, mỗi bộ phận quét một sector 120° về phương vị. Việc sử dụng chung 3 bộ phận anten bảo đảm radar quan sát vòng tròn. Ở chế độ quan sát, tần số bức xạ và chu kỳ lặp của các xung dò radar có thể do trắc thủ lựa chọn một cách độc lập cho mỗi một trong 3 panel anten mạng pha.

Ngoài ra, anten mạng pha chủ động có 2 chế độ quan sát chính: quan sát vòng tròn bằng cả 3 bộ phận anten trong sector 360°, quan sát theo sector khi việc quét không gian bằng các tia giản đồ hướng anten được thực hiện ở sector 0-240°. Điều đó bảo đảm phát hiện tin cậy các mục tiêu bay ở tất cả các mực độ cao ở dải tầm phát hiện tối đa 200-470 km đối với mục tiêu bay có bề mặt tán xạ hiệu dụng tương ứng là 1 và 5 m2.

Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, kích thước vỏ rẽ dòng (14 m) của radar trên máy bay KJ-2000 đến nay là lớn nhất về đường kính trong số các loại vỏ rẽ dòng radar tương tự. Đường kính của anten quay radar AN/APY-2 trên máy bay AEW&C Е-3С Sentry của Mỹ là gần 8 m, trên máy bay А-50 của Nga là 9 m, còn của radar Phalcon do Ấn Độ hợp tác với Israel chế tạo là 11m.

Giống như các máy bay báo động sớm khác của Trung Quốc, KJ-2000 được trang bị máy hỏi radar địch-ta, anten vệ tinh dải siêu cao tần (ở bên dưới chụp rẽ dòng, bên trên phần thân trước) và hệ thống phòng vệ của máy bay. Nhưng khác với KJ-200 và Y-8J, trên KJ-2000 dự đoán không có hệ thống trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử.

9 vị trí công tác tự động hóa của trắc thủ được trang bị các máy tính hiệu suất cao với màn hình tinh thể lỏng và được kết nối thành một mạng cục bộ thống nhất.

Các máy bay KJ-2000 từ năm 2006 thường xuyên được huy động tham gia các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc, trong đó tiến hành thao dượt các phương án chiến thuật sử dụng các máy bay này, trong đó có việc tuần tra chung với các máy bay KJ-200. Ngoài ra, năm 2013 đã tiến hành cuộc luyện tập với kế hoạch trù định việc tuần tra liên tục trong vòng một ngày đêm bằng 3 máy bay KJ-2000 không phận bên trên các khu vực Tây Bắc Trung Quốc, cũng như các vùng biển ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Năm 2006, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy bay AEW&C nội địa ZDK-03 Karakorum Eagle dành cho Không quân Pakistan mà Trung Quốc có mức độ hợp tác kỹ thuật quân sự cao. Đồng thời, đối với Trung Quốc, đây là thiết kế máy bay báo động sớm xuất khẩu đầu tiên.
Cái tên ZDK lặp lại tên gọi của công ty sản xuất là tổng công ty công nghệ điện tử СЕТС (trong tiếng Trung là Zhong Dian Ке). Mã số “03” có nghĩa là thiết kế máy bay AEW&C thứ ba do các bộ phận và viện nghiên cứu của CETC phát triển (hai thiết kế đầu là KJ-200 và KJ-2000).

Máy bay được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Y-8F-400 (mẫu máy bay cải tiến tương tự An-12 của Liên Xô) của Trung Quốc. Mẫu chế thử đầu tiên được đặt tên là Y-8P.

ZDK-03 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2010 trong khuôn khổ bay thử nghiệm trên lãnh thổ Trung Quốc. Chiếc đầu tiên được bàn giao cho Không quân Pakistan vào cuối năm 2010, sau đó bắt đầu bay thử với tổ lái Pakistan.

Theo hợp đồng trị giá gần 280 triệu USD, Trung Quốc có trách nhiệm nghiên cứu chế tạo và chuyển giao cho Không quân Pakistan 4 máy bay với radar quay lắp trong vỏ rẽ dòng hình đĩa. Hai chiếc đầu tiên đã được bàn giao cho Pakistan vào cuối năm - đầu năm 2012, chiếc thứ ba - vào năm 2013 và chiếc thứ tư - vào năm 2014.

Trong sản xuất máy bay và toàn bộ thiết bị vô tuyến điện tử, máy tính chỉ sử dụng linh kiện Trung Quốc, kể cả các bộ vi xử lý của máy tính trung tâm trên khoang và các vị trí công tác tự động hóa của trắc thủ.

Việc lắp ráp máy bay tiến hành ở cơ sở của tổng công ty sản xuất máy bay Tây An. Máy bay sử dụng các động cơ turbine cánh quạt WJ-6C với 6 lá cánh JL-4 sản xuất trong nước, cũng như bố trí 8 vị trí công tác tự động hóa cho trắc thủ.

Đối với Không quân Pakistan, đây là máy bay AEW&C thứ hai. Gần như song song, Không quân Pakistan còn mua loạt 4 máy bay Saab-2000. Không quân Pakistan dự kiến sử dụng ZDK-03 của Trung Quốc để chỉ huy hoạt động của các tiêm kích JF-17 Thunder (do Trung Quốc hợp tác với Pakistan chế tạo, tên Trung Quốc là FC-1 Kiêu long) và sử dụng Saab-2000 của Thụy Điển trang bị radar PS-890 Erieye để chỉ huy các tiêm kích F-16 của Mỹ và Mirage của Pháp trong biên chế của mình. Tầm phát hiện tối đa của radar Trung Quốc lớn hơn không đánh kể (20 km) so với radar Erieye của Thụy Điển.

Hãng phát triển chính radar anten mạng pha là Viện 38 của tổng công ty СЕТС. Theo chứng nhận kỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật của khách hàng, anten quay của radar trên khoang có tên dự đoán là KLC-7 có tầm phát hiện mục tiêu bay tối đa 470 km. Anten cho phép quan sát theo góc tà nhờ tia quét điện tử giản đồ hướng và nhìn vòng nhờ anten lắp trong vỏ rẽ dòng trong suốt quay cơ khí.

Đầu năm 2015, Trung Quốc đã nhận vào trang bị loại máy bay AEW&C nội địa thứ ba, tiếp theo là KJ-500. Giống như KJ-200, máy bay KJ-500 được trang bị cho cả không quân và hải quân Trung Quốc.
KJ-500 được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Trung Quốc Y-9 (tương tự An-12 của Liên Xô), dùng để sục sạo, phát hiện, nhận dạng và bám các mục tiêu trên không và mặt nước (mặt đất) ở tầm đến 500 km.

Việc lắp ráp các hệ thống anten và thiết bị điện tử của KJ-500, cũng giống như đa số các máy bay báo động sớm của Trung Quốc, đã được tiến hành vào năm 2010-2011 tại cơ sở của tổng công ty chế tạo máy bay Tây An. Máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2013, được giới thiệu tại triển lãm hàng không-vũ trụ Airshow China-2014 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào năm 2014.

Các sơ đồ cấu trúc của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang cảu máy bay được thiết kế có sử dụng kết quả nghiên cứu tích lũy được khi nghiên cứu chế tạo và khai thác các hệ thống AEW&C trước đó là KJ-200, KJ-2000 và ZDK-03. Ngoài ra, một phần các giải pháp kỹ thuật còn được sao chép từ radar EL/M-2075 Phalcon của Israel.

Thành phần then chốt của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang là radar xung-Doppler 3 tọa độ, đa năng dải cm với anten mạng pha chủ động cố định do Viện 38 thuộc tổng công ty СЕТС phát triển.

Hệ thống anten của radar được bố trí bên trên thân máy bay, trong vỏ rẽ dòng trong suốt vô tuyến, hình đĩa đường kính 6-7 m. Về kết cấu, anten gồm 3 panel anten hình tam giác giống nhau, mỗi panel bảo đảm quan sát về phương vị một sector rộng 120°.

Radar có các chế độ quan sát không gian nhìn vòng (360°) và quan sát sector (120-240°) khi sử dụng tương ứng 3, 2 hay 1 panel anten. Radar cho phép phát hiện tên lửa hành trình ở độ cao nhỏ và dẫn đường cho tới 10 máy bay chiến thuật đến các mục tiêu bay.

Hệ thống phòng vệ của máy bay cho phép cảnh báo phi hành đoàn khi đối phương phóng tên lửa có điều khiển, bám theo các tên lửa này, đánh giá mức độ nguy hiểm và tự động gây nhiễu tích cực. Các anten của hệ thống phòng vệ máy bay dự đoán được bố trí trong phần mũi máy bay và ở trên cánh ổn định đuôi đứng.

Khác biệt chủ yếu của KJ-500 so với biến thể xuất khẩu ZDK-03 vốn cũng được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Y-9 là sơ đồ kết cấu của vỏ rẽ dòng của anten mạng pha chủ động cố định, cũng như sự hiện diện của anten (dự đoán là anten liên lạc vệ tinh siêu cao tần) ở bên trên phần giữa vỏ rẽ dòng của anten mạng pha chủ động. Ngoài ra, để bảo đảm độ ổn định bay, máy bay được lắp thêm 2 cánh đứng đuôi ở dưới thân máy bay.

Ngoài radar, hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang của KJ-500 còn có: trạm trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử, thiết bị của hệ thống nhận dạng địch-ta, hệ thống phòng vệ máy bay, các phương tiện liên lạc sóng ngắn, sóng cực ngắn, liên lạc vệ tinh và truyền dữ liệu, các vị trí công tác tự động hóa của trắc thủ.

Các anten của trạm trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử được lắp trong các đầu mút cánh, trong phần mũi và đuôi máy bay, cũng như ở hai bên sườn trái và phải. Trạm này cho phép phát hiện và chặn thu các nguồn bức xạ vô tuyến điện dải sóng cực ngắn và siêu cao tần, cũng như trinh sát vô tuyến điện các tín hiệu của các phương tiện liên lạc mặt đất, trên không và trên biển, trước hết là của các phương tiện radar phòng không đối phương.

Nhìn chung, KJ-500 là máy bay AEW&C hiện đại với khả năng tiến hành trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử. So với các mẫu máy bay báo động sớm trước đó của Trung Quốc, KJ-500 có các điểm vượt trội chính sau: có anten mạng pha chủ động đa năng cố định, có các phương tiện liên lạc vệ tinh (khác với KJ-2000) và trạm trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử. Ngoài ra, hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang sử dụng các linh kiện điện tử sản xuất hoàn toàn ở Trung Quốc. KJ-500 có kích thước nhỏ hơn loại tiền nhiệm KJ-2000 và dự đoán vượt trội KJ-2000 về độ chính xác phát hiện và số lượng mục tiêu có thể bám đồng thời.

Tính đến năm 2018, trong biên chế quân đội Trung Quốc dự đoán  có 3 chiếc KJ-500 (1 trong không quân và 2 trong hải quân). Sắp tới, quân đội Trung Quốc dự định mua sắm thêm không dưới 3-4 chiếc KJ-500. Đơn giá một chiếc KJ-500 là từ 90-110 triệu USD.

Việc đưa vào trang bị các máy bay AEW&C mới KJ-500 đã nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc khi thực hiện nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa các mục tiêu quân sự và hành chính quan trọng. Việc sử dụng chung KJ-500 với các máy bay báo động sớm KJ-200, KJ-2000 và Y-8J sẽ cho phép nâng cao đáng kể hiệu quả kiểm soát đối với các vùng biển ven bờ của các biển tiếp giáp, đối với các vùng núi và các vùng tranh chấp lãnh thổ, kể cả quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Như vậy, tính đến năm 2018, trong trang bị của quân đội Trung Quốc có 4 loại máy bay AEW&C (Y-8J, KJ-200, KJ-500 và KJ-2000) với số lượng tổng cộng 21-24 chiếc. Tất cả các hệ thống này, ngoại trừ KJ-2000, đều đang sử dụng máy bay sản xuất trong nước làm phương tiện mang (Y-7, Y-8 và Y-9). Số lượng máy bay AEW&C kể trên sẽ cho phép khi cần mở rộng nhanh chóng khả năng của hệ thống phòng không Trung Quốc ở gần như bất kỳ khu vực nào của nước này, đồng thời tạo ra một vùng phát hiện tổng hợp mục tiêu bay với sự chồng lấn nhiều lần trên tất cả các mực độ cao trên các khu vực có các mục tiêu hành chính và quân sự quan trọng.

Đồng thời, để tạo dựng bức tranh chung về tình hình trên không hiện thời, cần có một nền tảng thông tin-tình báo chung cho tất cả các máy bay báo động sớm do Trung Quốc phát triển. Nền tảng này phải bảo đảm việc thu nhận từ các nguồn khác nhau (trên không, trên tàu và mặt đất), bao gồm các đài radar phòng không, dữ liệu về các mục tiêu bay phát hiện được, xử lý các dữ liệu đó và tạo dựng trường thông tin đồ họa tổng hợp hiển thị tình huống. Ngoài ra, hệ thống (nền tảng) thông tin-tình báo thống nhất phải được kết nối với tất cả các nguồn cung cấp dữ liệu kể trên và bảo đảm cung cấp dữ liệu chỉ thị mục tiêu qua các kênh truyền dữ liệu bảo mật (tương tự như kênh Link-16) ở chế độ gần với thời gian thực.

Tất cả các loại máy bay AEW&C, ngoại trừ KJ-2000, là các máy bay đa năng và được trang bị các hệ thống trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử, cho phép kiểm soát tình hình vô tuyến điện tử và phát hiện các nguồn bức xạ vô tuyến điện. Trong tương lai, dự kiến khả năng của các máy bay AEW&C tiếp tục được mở rộng nhờ lắp cho chúng các khí tài trinh sát quang-điện tử.

Gần như tất cả các máy bay đều được trang bị các hệ thống thông tin và truyền tin chuẩn hóa, trang thiết bị tiêu chuẩn, cũng như các tổ hợp và bộ phận do Trung Quốc phát triển, bao gồm thiết bị điện tử hàng không, máy tính và máy chủ, các hệ điều hành và hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang. Điều đó cho phép loại trừ sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật và nâng cao an toàn thông tin nói chung. Đồng thời, các chuyên gia Trung Quốc đang tiếp tục áp dụng rộng rãi việc sao chép các mẫu tương ứng của nước ngoài.

Các hệ thống AEW&C có thể tạm chia thành các hệ thống chiến lược (KJ-2000) và chiến dịch-chiến thuật (Y-8J, KJ-200 và KJ-500). Về các tính năng chính của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang, các máy bay báo động sớm của Trung Quốc không thua kém nhiều các loại tương tự của nước ngoài. Tất cả các máy bay dự đoán đều được trang bị máy thu tín hiệu hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc (độ chính xác đến 10 m), nên nâng cao đáng kể được hiệu quả của các hệ thống chỉ thị mục tiêu và chỉ huy máy bay chiến đấu. Ngoài ra, để nâng cao độ chính xác, các thiết bị thu đầu cuối bố trí trên các máy bay báo động sớm dự đoán cũng cho phép đồng thời thu và xử lý tín hiệu của hệ thống định vị vệ tinh NAVSTAR (GPS) của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu.

Trung Quốc đã phát triển tổng cộng 4 loại anten mạng pha chủ động, một loại trong số đó có chế độ quay anten kiểu cơ khí (dành cho máy bay xuất khẩu ZDK-03), ba loại còn lại là kiểu cố định, không quay, điều đó cho thấy sự đột phá mạnh của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo radar hàng không từ các hệ thống quét kiểu cơ khí đến các hệ thống trang bị anten mạng pha chủ động.

Tóm lại, công nghiệp Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về chất và số lượng trong lĩnh vực chế tạo máy bay AEW&C. Trong vòng 15 năm, quân đội Trung Quốc đã nhận vào trang bị đến 24 máy bay thuộc 3 loại sản xuất trong nước. Các kế hoạch tiếp theo dự tính chế tạo thêm 2 thiết kế máy bay AEW&C chính nữa là máy bay AEW&C chiến lược KJ-3000 (có tính năng gần với Е-ЗС Sentry của Mỹ) và máy bay AEW&C trên hạm KJ-600 (tương đương E-2D Advanced Hawkeye của Mỹ), cũng như một loại bổ trợ là KJ-900. Tổng số lượng các máy bay AEW&C của Trung Quốc đến năm 2035 có thể là 50-70 chiếc các loại và các biến thể, cho phép Trung Quốc giữ vị trí thứ hai sau Mỹ trên thế giới về số lượng và thứ nhất về số lượng chủng loại máy bay và nâng cao đáng kể tiềm năng xuất khẩu trên thị trường máy bay AEW&C.

Tính năng kỹ-chiến thuật chính của các máy bay chỉ huy-báo động sớm của Trung Quốc, Mỹ và Thụy Điển

Tên gọi/tính năngY-8JKJ-200Saab-2000 KJ-2000 KJ-3000 (tương lai, Y-20) ZDK-03 KJ-500E-7T Wedgetail E-3 Sentry (AWACS) E-2D Advanced HawkeyeKJ-600 (tương lai)
Quốc giaTrung Quốc Trung Quốc Thụy Điển Trung Quốc Trung Quốc Trung Quốc Trung Quốc Mỹ Mỹ Mỹ Mỹ 
Năm trang bị1998 2004 2015 2005 2020 2011 2015 2007 1979 2010 Sau 2025 
Phi hành đoàn (gồm cả đội vận hành), người 11(5) 9(6) 10(7) 15(10) 15(10) 11(5) 12(8) 12(10) 18(4) 5(3) 6(4) 
Trọng lượng: cất cánh tối đa/rỗng, tấn61 / 35 62 / 34 23 / - 195 / 74 220 / 100 61 / 36 62 /35 77 / 33 147 / 77 23 / 17 25-27 / 15 
Tốc độ bay tối da, km/h650 650 625 700-800 830 650 660 980 850 600 550 
Tốc độ tuần tra, km/h550 480 290 700 630 550 470 750 550 - 440 
Trần bay thực tế, m10.400 10.400 9.500 10.000 13.000 10.000 10.500 12.500 10.500 9.500 7.500 
Tầm bay chuyển sân, km5.500 5.600 3.500 4.900 7.800 4.800 5.600 6.000 8.000 2.800 Đến 2.500 
Kích thước: dài x sải cánh, m34 x 3834 x 3827 x 3546,6 x 50,547 x 4534 x 3834 x 3833 x 3446 x 4418 x 2524 x 29
Thời gian tuần tra không có tiếp dầu, giờ- 10 9,5 6-8 6-8 10 11 10 6 3-4 3,5-4 
Thời gian tuần tra có tiếp dầu, giờ
- - - 9-11 10-11 - 12-149 11 - - 

So sánh tính năng kỹ-chiến thuật chính của các máy bay AEW&C của Trung Quốc, Mỹ và Thụy Điển

Tên gọi máy bay/tính năngY-8JKJ-200Saab-340, Saab-2000KJ-2000ZDK-03 KJ-500E-7TE-3 AWACSE-2D Advanced Hawkeye
Tên radar SkyMaster JY-06 PS-890 Erieye Chưa rõ KLC-7 Chưa rõ MESA AN/APY-1, AN/APY-2 AN/APY-9 
Nước sản xuất Trung Quốc Trung Quốc Thụy Điển Trung Quốc Trung Quốc Trung Quốc Mỹ Mỹ Mỹ 
Tầm phát hiện mục tiêu bay tối đa 470 400 450 470 470 470 600 650 600 
Số lượng mục tiêu bay: phát hiện được/bám được đồng thời100 (32 mục tiêu mặt nước) / - - / 100 800-2.000 / 300 Đến 100 / 10 Đến 100 / 8-10 100 / - 2.500 / 300 1.500 / 300 Đến 2.000 / 50 
Vùng quan sát, độ: theo phương vị / theo góc tà - / - ±150 / 7-10 ±155 / ±10 360 / - 360 / - 360 / - ±120 / - 360 / ±30 360 / ±25 
Dải tần công tác, MHz 8.000-10.000 3.000-3.400 3.100-3.300 1.200-1.400 3.100-3.400 - 1.200-1.400 3.100-3.450 400-460 
Kích thước anten, m (rộng x cao) - 9,8x0,8 9,8x0,8 14 (vỏ rẽ dòng) 9 - 11x2 8 (vỏ rẽ dòng) 7,4x0,8 
Trọng lượng, kg 400-450 Đến 1.000 Đến 1.000 - - - 1.8001.000 560-980 
 
Nhân Vũ