In bài này
Trung Quốc ráo riết chạy đua vũ khí siêu vượt âm
Thứ Ba, 28/08/2018 - 11:33 AM
Trung Quốc thử nghiệm từ lâu và thành công các phần chiến đấu siêu vượt âm dành cho tên lửa đường đạn.

Tên lửa đường đạn tầm trung DF-26

Lần thử nghiệm thành công đầu tiên vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc đã trở thành tin giật gân trên báo chí thế giới. Trên thực tế, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã tiến hành hướng nghiên cứu này khá lâu giống như các nhà khoa học Mỹ, Liên Xô và Nga.

Trung Quốc có chương trình chế tạo đầu đạn cơ động siêu vượt âm dành cho các tên lửa đường đạn tầm trung như DF-25, DF-26, DF-27. Các tên lửa này có tầm bắn khác nhau và việc sử dụng phần chiến đấu mới có tốc độ hơn 6М, giúp tăng tầm bắn tính toán ban đầu của chúng thêm 1.000 km.

Trung Quốc thử vũ khí siêu vượt âm

Việc thử nghiệm đã bắt đầu từ năm 2014, vụ thử này là lần thứ 9. Chỉ có một vụ thử là thất bại rõ ràng, mẫu thử bị rơi ở khu vực Nội Mông. Các kết quả chính là: phần chiến đấu chịu được tốc độ 5-9M, độ cao cơ động 20-50 km, lớp vỏ chịu nhiệt chịu được nhiệt độ đến 3.000 độ C. Mẫu vũ khí được thử nghiệm dưới tên gọi DF-ZF, tên khác là WU-14. Phần chiến đấu này dùng để vượt qua hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa truyền thống như THAAD và Aegis của Mỹ - các mục tiêu có tốc độ hơn 5М gần như không thể đánh chặn đối với các tên lửa chống tên lửa vì các hệ thống máy tính của radar đơn giản là không có khả năng tính toán quỹ đạo bay của chúng.
“Đối với quân đội Trung Quốc, nhiệm vụ ưu tiên là chế tạo tên lửa siêu vượt âm mang đầu đạn thông thường”

Để tiến hành các vụ thử mặt đất các vũ khí siêu vượt âm, Trung Quốc đã xây dựng một ống thổi khí động. Nó có chiều dài 265 m, đường kính đầu hẹp là 2,5 m cho phép thổi các mẫu có kích thước như thật bằng dòng không khí tương đương tốc độ khoảng 5М. Nhưng họ đang nghiên cứu chế tạo giá thử cho phép đảm bảo tốc độ 10М và cao hơn.

Các vụ thử thực tế được tiến hành nhờ 2 giá thử là các khẩu pháo nòng siêu dài tại một trường thử ở Khu tự trị Nội Mông. Trường thử mục tiêu nằm ở Khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ. Các pháo giá thử này cho phép ghi lại tất cả các thông số của các phần chiến đấu thử nghiệm mà không phải sử dụng tên lửa. Khoảng cách giữa hai trường thử là khoảng 2.000 km nên tầm bắn của phần chiến đấu cũng được kiểm tra trên thực tế.

Trung Quốc thử vũ khí siêu vượt âm
WU-14 có thể mang lượng nổ hạt nhân. Nhưng đối với quân đội Trung Quốc thì nhiệm vụ ưu tiên là chế tạo đầu đạn siêu vượt âm thông thường, thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa triển khai trên mặt đất ví dụ như ở Nhật Bản, cũng như để vô hiệu hóa các hệ thống tương tự trên các hạm tàu có thể đe dọa Trung Quốc từ Thái Bình Dương.

Những thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực siêu vượt âm không có gì đáng ngạc nhiên vì các nhà khoa học nước này từng gây kinh ngạc không ít lần. Được biết, hải quân Trung Quốc đã bắt tay vào thử nghiệm các thành phần của pháo ray điện từ tương lai. Trung Quốc cũng đã lắp ráp mẫu thử nghiệm pháo này trên tàu đổ bộ chở tăng cải hoán (lớp Type 072). Hơn nữa, khi thử nghiệm pháo này, họ không che giấu ý đồ đồng thời thu thập thông tin để phát triển máy phóng điện tử hoàn toàn mới để trang bị cho 4 tàu sân bay đang đóng.

Tất cả những dự án nghiên cứu và phát triển mới nhất phục vụ quân đội Trung Quốc là nhằm bảo vệ hoàn toàn Trung Quốc khỏi mọi sự tấn công từ bên ngoài. Nếu Trung Quốc hiện thực hóa được những gì họ suy tính thì đơn giản làm hạm đội Mỹ sẽ không thể đến gần lãnh thổ Trung Quốc ở khoảng cách cho phép phát động xâm lược.
PM