In bài này
Hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc: Thực trạng và triển vọng
Thứ Ba, 20/03/2018 - 10:18 AM
Theo các chuyên gia Mỹ, hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc hiện nay không có khả năng bảo đảm an ninh không phận nước này.

Trung Quốc cần các công nghệ quốc phòng ở nhiều lĩnh vực, nhưng cần nhất là trong lĩnh vực phát triển các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Để nâng cao hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, Trung Quốc tiếp tục dựa chủ yếu vào các công nghệ của Nga.

Trung Quốc phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa do những mối đe dọa sau đây: 

- Mối đe dọa chính là do Bắc Triều Tiên tiếp tục các vụ thử hạt nhân khiến Mỹ đẩy nhanh xây dựng trên lãnh thổ các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương các tuyến phòng thủ tên lửa theo vòng cung: Australia, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Alaska, cũng như trong phạm vi các cơ sở quân sự Mỹ ở quần đảo Hawaii. 

Việc hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tiến gần biên giới Trung Quốc làm suy yếu sự cân bằng Mỹ-Trung trong một cuộc xung đột hạt nhân.

Để khắc phục sự mất cân bằng, Bắc Kinh sẽ buộc phải tăng cường mạnh mẽ lực lượng tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM), trang bị cho các tên lửa các phần chiến đấu manh nhiều đầu đạn và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của mình.

- Hàn Quốc hiện có khả năng kỹ thuật để trên cơ sở tên lửa đẩy Naro-1 chế tạo tên lửa đường đạn một tầng, cơ động có tầm bắn không dưới 800 km. Lúc đó, các tỉnh của Trung Quốc giáp giới Bắc Triều Tiên sẽ lọt vào tầm bắn của tên lửa này.

- Nhật Bản và Hàn Quốc có đủ năng lực kỹ thuật để chế tạo vũ khí hạt nhân trong vòng 5 năm. Khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, không loại trừ khả năng các nước này quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân và phương tiện mang phóng chúng.

- Ấn Độ đang tiến hành phát triển ICBM Surya tầm bắn đến 12.000 km.

Về hiện trạng các nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, các chuyên gia Nga cho rằng, Trung Quốc đang phát triển tất cả các thành tố chính của hệ thống phòng thủ tên lửa:

- Các tên lửa chống tên lửa bố trí trên mặt đất, có khả năng chặn đánh ICBM ở giai đoạn bay giữa (ở độ cao mấy trăm ki-lô-mét, bên ngoài các tầng khí quyển dày đặc);

- Hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công gồm chùm vệ tinh có khả năng phát hiện việc phóng ICBM, hướng bay và các trạm radar mặt đất phát hiện sớm.

Về việc phát triển tên lửa chống tên lửa, Bắc Kinh đang phát triển hệ thống DongNing-2 và đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa chống tên lửa trong khuôn khổ chương trình này vào năm 2007. Tháng 1/2013, họ đã tiến hành thử nghiệm 1 tên lửa chống tên lửa KТ-2 (phương Tây gọi là SC-19) và nó đã đánh chặn thành công một tên lửa tầm trung ở giai đoạn bay giữa (các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, KТ-2 có khả năng tiêu diệt vệ tinh ở độ cao đến 22.000 km).

Theo các chuyên gia Mỹ, hệ thống DongNing-2 tương đương hệ thống AegisAshore trang bị tên lửa chống tên lửa SM-3 mà Mỹ triển khai ở Romania vào năm 2016.

Khó khăn chủ yếu khi xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Trung Quốc là việc hầu như thiếu vắng hệ thống cảnh báo kịp thời tên lửa tấn công.

Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa tấn công của Nga bao gồm các radar cảnh báo sớm mặt đất (như Daryal, Volga, Don-2, Voronezh) và chùm vệ tinh ở quỹ đạo elip cao và quỹ đạo địa tĩnh.

Theo các thông tin hiện có, Bắc Kinh không có các phương tiện phòng vệ có khả năng phát hiện việc phóng ICBM và xác định hướng bay của ICBM. Về phần radar cảnh báo sớm thì hiện chưa có thông tin tin cậy về việc chúng có mặt trong trang bị. Dự đoán, Trung Quốc có một số radar có khả năng phát hiện mục tiêu đường đạn bay ở cự ly đến 3.000 km, nhưng không có trường radar dày đặc.

Theo các chuyên gia Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Để hoàn tất các dự án nghiên cứu phát triển, chế tạo các mẫu vũ khí trang bị hoạt động, việc nhận vào trang bị tất cả các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa và triển khai chúng (đưa các vệ tinh vào vũ trụ, xây dựng các trạm radar và các trận địa phóng tên lửa chống tên lửa) sẽ không xảy ra trước năm 2025.

Có tin lĩnh vực sử dụng chính của tên lửa chống tên lửa KТ-2 trong giai đoạn hiện nay là tiêu diệt các khí vụ bay vũ trụ của đối phương, chứ không phải là phòng thủ tên lửa.

Việc Trung Quốc sở hữu tên lửa chống tên lửa KТ-2 khiến Mỹ rất lo ngại vì ưu thế quân sự của họ được quyết định bởi lực lượng vệ tinh cho phép trao đổi thông tin, tiến hành trinh sát và cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu qua các phương tiện GPS.

Hiện nay, để thoát khỏi tình thế hiện tại, các nhiệm vụ hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc được giao phó cho các lực lượng và phương tiện phòng không-không quân trong biên chế không quân Trung Quốc, chỉ có khả năng tiêu diệt mục tiêu đường đạn ở giai đoạn bay cuối.

Với mục đích đó, bộ tư lệnh không quân Trung Quốc đã thiết lập các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa khu vực để bảo vệ các mục tiêu chiến lược. Trên thực tế, không quân Trung Quốc cần giải quyết hai vấn đề chính: cảnh báo sớm tên lửa tấn công và tiêu diệt mục tiêu bằng hỏa lực.

Trong hoàn cảnh thiếu vắng hệ thống cảnh báo sớm tên lửa tấn công quốc gia, để phát hiện mục tiêu, Trung Quốc dựa vào việc phát triển máy bay báo động sớm, cho phép đẩy xa tuyến phát hiện mục tiêu bay và phản ứng kịp thời với mục tiêu tiếp cận của máy bay và tên lửa phòng không.

Trung Quốc tiến hành nghiên cứu chế tạo máy bay cảnh báo sớm từ giữa thập niên 1990. Theo báo chí Mỹ, hiện nay, trong biên chế quân đội Trung Quốc có gần 15 máy bay cảnh báo sớm thuộc 3 loại. Hàng năm, họ sản xuất 2-3 máy bay cảnh báo sớm.
 KJ-2000KJ-200KJ-500
Năm nhận vào trang bị 2007 2005 2014
Máy bay mangIl-76MY-8F-200Y-8F-400
Tầm phát hiện mục tiêu, kmĐến 470Đến 450Đến 400
Tầm bay tối đa, km5.0005.6205.620
Thời gian bay7 giờ 40 phút10 giờ 30 phút10 giờ 30 phút
Số lượng máy bay trong biên chế, chiếc5Không dưới 63
Đơn vị được trang bị  Trung đoàn 76, Sư đoàn không quân đặc dụng 26Trung đoàn 76, Sư đoàn không quân đặc dụng 261 chiếc - Trung đoàn 76, Sư đoàn không quân đặc dụng 26, 2 chiếc - không quân hải quân

Nhiệm vụ sát thương hỏa lực được giao cho các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung (HQ-9A, S-300P, S-300PMU-1, S-300PMU-2). 

Tính năng tiêu diệt tên lửa đường đạn của các hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc 

 S-300PS-300PMU-1S-300PMU-2S-400HQ-9
Tầm phát hiện, km200300300600120 
Tầm tiêu diệt ICBM, km3540406025  
Số lượng mục tiêu có thể bắn đồng thờiĐến 6Đến 36Đến 36 Đến 80Đến 6
  
Tiềm lực của hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa của Trung Quốc có thể được tăng cường bằng cách mua sắm tiêm kích Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga. Các hệ thống tên lửa phòng không còn lại trong biên chế bộ đội tên lửa phòng không và phòng không lục quân Trung Quốc không thể sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu đường đạn.

(Trung Quốc đã ký với Nga hợp đồng mua 24 chiếc Su-35SK trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2015. Tính đến đầu năm 2018, Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc 14 chiếc (4 máy bay đầu tiên được chuyển giao vào tháng 12/2016, 10 chiếc trong năm 2017), 10 chiếc còn lại sẽ bàn giao trong năm 2018. Hợp đồng mua 6 tiểu đoàn (3 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn) S-400 Triumf (Phương Tây gọi là SA-21 Growler) được ký vào mùa xuân năm 2015.,trị giá gần 3 tỷ USD. Mùa xuân năm 2017, Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga đã xác nhận bắt đầu chuyển giao S-400 cho Trung Quốc). 

Xuất phát từ nội dung nêu ở trên, có thể rút ra các kết luận sau đây:

- Hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc hiện tại không có khả năng bảo đảm an ninh không phận nước này.

- Căn cứ vào tiềm lực hiện có và hoạt động nghiên cứu-thiết kế đang tiến hành trên hướng này, dự báo Trung Quốc chỉ có thể có hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả sớm nhất vào năm 2025.

- Trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng hệ thống phòng không/ phòng thủ tên lửa tại các khu vực chính trị-hành chính và công nghiệp, cũng như ở các khu vực bố trí ICBM để bảo vệ tiềm lực đánh trả hạt nhân trong trường hợp bị xâm lược.
Nhân Vũ