In bài này
Vì sao Trung Quốc tìm hiểu kinh nghiệm sử dụng tên lửa ở Yemen?
Chủ Nhật, 31/12/2017 - 1:48 PM
Việc Trung Quốc, quốc gia sở hữu kho tên lửa chiến dịch-chiến thuật tầm cỡ nhất thế giới theo dõi tình hình sử dụng tên lửa ở Yemen là điều rất đáng suy nghĩ đối với Đài Loan, Việt Nam.


VietnamDefence: Cuộc chiến tranh ở Yemen có lẽ là cuộc chiến đầu tiên có sử dụng rộng rãi tên lửa đất đối đất kể từ sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Những trường hợp phiến quân Houthi sử dụng tên lửa đất đối đất chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật, kể cả tên lửa phòng không S-75 (SA-2) chống mục tiêu mặt đất, cũng như tên lửa chống hạm là rất đáng lưu ý về mặt quân sự. Chưa từng có kinh nghiệm sử dụng tên lửa đất đối đất, chống hạm trong thực chiến, Trung Quốc đang chăm chú học hỏi kinh nghiệm ở Yemen vì họ có tiềm lực tên lửa đất đối đất, đối hạm vào hàng mạnh nhất thế giới và đang tính toán sử dụng chúng trong các tình huống xung đột lãnh thổ với các nước láng giềng.


Chiến dịch quân sự ở Yemen của liên minh Arab bị kéo dài vì sự tham gia khá mạnh của quân đội và cố vấn Iran, cũng như do bản thân quân đội Saudi Arabia không muốn tối ưu hóa bộ máy chỉ huy và ra quyết định. Khó khăn đầu tiên đối với quân đội Saudi Arabia được thể hiện ở những lần phóng tên lửa thường xuyên vào các mục tiêu trên lãnh thổ Saudi Arabia, còn khó khăn thứ hai là hiệu quả cực kỳ thấp của các thê đội phòng không của vương quốc giàu có nhất thế giới Arab này.

Phân tích các bài viết trên các nguồn tin công khai của Trung Quốc cho phép khẳng định rằng, các chuyên gia về thiết kế và sử dụng vũ khí tên lửa ở Trung Quốc đang theo dõi sát sao các trường hợp phiến quân Houthi sử dụng tên lửa đường đạn, tên lửa chiến dịch-chiến thuật và thậm chí cả tên lửa hành trình do Liên Xô và Iran sản xuất chống kẻ thù chính là Saudi Arabia. Theo các nguồn tin Trung Quốc, sau khi các kho tên lửa lọt vào tay phiến quân Houthi, họ cũng đã nắm được 6 bệ phóng 9P117 của hệ thống tên lửa chiến thuật 9K72 Elbrus và gần 10 xe bệ phóng của hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Tochka.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, trong các kho tàng của quân chính phủ đã có gần 120 tên lửa 9K79 và mấy chục tên lửa Tochka, và hoàn toàn có thể là do cường độ sử dụng vũ khí tên lửa ở mức thấp nên phiến quân Houthi vẫn còn một lượng lớn tên lửa. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, các hệ thống tên lửa phòng không Patriot thế hệ 2 và 3 hiện có trong trang bị các đơn vị phòng không Saudi Arabia không có khả năng chặn đánh cả bản thân tên lửa 9K79, lẫn phần chiến đấu của nó. Gần như tất cả các tên lửa loại này được phóng từ lãnh thổ Yemen đều đã đến được các mục tiêu của mình ở Saudi Arabia.

Cần nhớ rằng, ngay cả quân đội Mỹ trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1991) cũng gặp khó khăn trong việc đánh chặn các tên lửa cùng loại của Iraq vì phần chiến đấu của tên lửa phòng không có điều khiển do Mỹ sản xuất không có khả năng bám phần chiến đấu tốc độ cao của Elbrus và Tochka. Có thể rút ra kết luận tạm thời là các kỹ sự Mỹ đã không có những thay đổi trong hệ dẫn của tên lửa phòng không có điều khiển của các hệ thống nói trên. Điều duy nhất may mắn cho quân đội Saudi Arabia và quân đội Mỹ đó là hệ dẫn của tên lửa do Liên Xô chế tạo bị hỏng do không được bảo dưỡng và kiểm tra đúng cách trước khi phóng.

Khó khăn tiếp theo của các đơn vị phòng không Saudi Arabia là các tên lửa do Iran sản xuất mà Tehran thường xuyên cung cấp cho các đối tác của mình ở Yemen và qua đó, các công trình sư Iran nhận được thông tin về việc sử dụng các tên lửa của mình trong điều kiện thực chiến. Dĩ nhiên là giới quân sự Iran hiểu rằng, lực lượng đối phương cũng đang tiến hành thu thập thông tin nhằm ngăn chặn các vụ phóng tên lửa vào các mục tiêu cỡ lớn như căn cứ, sân bay,...

Tuy nhiên, cho đến nay, quân đội Saudi Arabia đã chỉ thu được những mảnh vỡ lẻ tẻ của vỏ tên lửa và các động cơ hết nhiên liệu, cũng chưa phát hiện được cả các khối dẫn, lẫn các nắp chụp mũi tên lửa nên ngay cả các chuyên gia Mỹ cũng không thể mô tả chi tiết các tên lửa này.

Ta biết rằng, chính các chuyên gia Mỹ với bộ sưu tập ảnh cực kỳ phong phú đã nhận dạng được quả tên lửa đường đạn tầm trung Qiam 1 do Iran sản xuất. Theo các nhà quan sát Trung Quốc, để bắn phá Sân bay Quốc vương Khalid nằm ngay sát thủ đô Riyadh, phiến quân Houthi đã sử dụng chính là tên lửa đường đạn tầm trung Qiam-1 bắn trúng vào đầu đường băng cất/hạ cánh.

Khi tìm cách đánh chặn tên lửa này, đại đội tên lửa phòng không Patriot thế hệ 3 (PAC3) đã phóng lên 5 quả tên lửa phòng không có điều khiển, nhưng tất cả đều bắn trượt mục tiêu.  

Cần lưu ý rằng, các chuyên gia Trung Quốc đã lập các mô hình 3 chiều quỹ đạo bay của tên lửa, có chỉ rõ các thời điểm tách phần chiến đấu, tách động cơ hành trình, cũng như tính toán các điểm rơi của tất cả các phần của tên lửa.

Được biết tên lửa Qiam 1 có chiều dài 11,5 m, đường kính thân 0,88 m, trọng lượng phóng tối đa 6.155 kg. Phần chiến đấu (phá-mảnh chứa nhiều phần tử sát thương) nặng 750 kg, bố trí bên dưới chụp rẽ dòng đường kính 0,66 m. Theo các chuyên gia Trung Quốc, tên lửa này có tầm bắn 700-800 km và chính các tên lửa này đã được các đơn vị Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sử dụng để tấn công các mục tiêu ở khu vực thành phố Deir ez-Zor ở Syria.

Ngoài Qiam 1, phiến quân Houthi còn sử dụng khá thường xuyên các tên lửa đường đạn Burkan 1 và  Burkan 2Н. Theo các nguồn tin Trung Quốc, Burkan 1 có chiều dài 12,5 m, đường kính thân 0,88 m, trọng lượng phóng 8.000 kg, trọng lượng phần chiến đấu 500 kg, tầm bắn tối đa không quá 400 km. Còn Burkan 2H có tầm bắn xa hơn, cho phép tấn công trung tâm Riyadh.

Mục tiêu khó khăn nhất đối với hệ thống phòng không Saudi Arabia là các tên lửa hành trình Soumar vốn là bản sao chép tên lửa hành trình Kh-55 của Liên Xô. Theo các nguồn tin Trung Quốc, các tên lửa hành trình này xuất hiện trong biên chế Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và sau đó là ở Yemen là nhờ sự giúp đỡ của quân đội và các chuyên gia Ukraine khi trong thập niên 1990, họ đã bán tống bán thảo các mẫu vũ khí và tài liệu kỹ thuật cho các nước mà Mỹ liệt vào các nước thuộc “trục cái ác”. 

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, tầm bắn 2.500 km mà Iran nêu ra là phóng đại và tầm bắn tối đa thực tế của tên lửa hành trình này không quá 1.500 km, song vẫn cho phép tiêu diệt các mục tiêu hạ tầng quân sự và dân sự trên phần lớn lãnh thổ Saudi Arabia.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, quân đội Saudi Arabia hiện chỉ có thể đánh chặn được các tên lửa Qaher-1 và Qaher-2 mà phiến quân Houthi chế tạo dựa trên tên lửa phòng không có điều khiển S-75 của Liên Xô và HQ-2 của Trung Quốc. Nếu biến thể đầu tiên của tên lửa đã cho phép bắn phá mục tiêu ở cự ly 250 km và với điều kiện phần chiến đấu nặng không quá 190 kg, thì biến thể thứ hai đã được thiết kế cho tầm bắn tối đa 400 km, còn trọng lượng chiến đấu lên tới 300 kg. Nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tên lửa, chiều dài tên lửa Qaher-2 đã được tăng lên đến 11 m, trọng lượng phóng tăng lên đến 2.300 kg. Để tăng lực đẩy cho động cơ tên lửa, các chuyên gia Iran đã thu hẹp loa phụt của động cơ tên lửa.

Các chuyên gia của Trung Quốc lưu ý đến sự đơn giản và rẻ tiền của việc cải hoán tên lửa phòng không S-75 hay HQ-2 thành tên lửa hành trình tấn công mặt đất.  Với sự trợ giúp nhỏ, nhưng thường xuyên của Iran, phiến quân Houthi đã có khả năng sản xuất hơn 10 tên lửa/tháng để có khả năng bắn phá gây bất an cho Saidu Arabia. Nhìn chung, việc người Houthi sử dụng các tên lửa đó là xác đáng vì để đánh chặn chúng, các đơn vị phòng không Saudi Arabia buộc phải tiêu hao 2-4 tên lửa phòng không Patriot rất đắt tiền.

Có thể nhất trí với các đánh giá của các nhà phân tích Trung Quốc ở chỗ gánh nặng chính trong việc đánh chặn các tên lửa đường đạn phóng từ Yemen nằm chính trên vai các đơn vị phòng không, trong khi các đơn vị không quân tiêm kích gần như không trợ giúp gì cho họ trong thực hiện nhiệm vụ này. Hoàn toàn có thể đó là do sự chậm chạp của hệ thống chỉ huy tác chiến của Không quân Saudi Arabia và không có sự điều phối cần thiết giữa Không quân và Phòng không Saudi Arabia.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, sau khi nhận được các tiêm kích-bom mới F-15SA, việc đánh chặn các mục tiêu như tên lửa đường đạn hay tên lửa hành trình sẽ không còn khó khăn đối với quân đội Saudi Arabia, nhưng việc đánh chặn sẽ cần thực hiện hoàn toàn trên lãnh thổ Saudi Arabia vì các đơn vị phòng không cơ động được tăng cường bởi binh sĩ và cố vấn Iran đang hoạt động rất ráo riết trên lãnh thổ Yemen.

Như vậy, có thể rút ra một số ý như sau. Giới quân sự và các công trình sư Iran sẽ tiếp tục hoàn thiện vũ khí tên lửa và chiến thuật sử dụng chúng. Liên minh Arab cũng sẽ hứng chịu những tổn thất cả về sinh lực lẫn trang bị kỹ thuật, cũng như những tổn thất nghiêm trọng hơn, trong đó có về uy tín một khi các tên lửa của phiến quân Houthi sẽ tiêu diệt các mục tiêu lướn cố định trên lãnh thổ Saudi Arabia.
Nam Xương