In bài này
Vũ khí Nga ra mắt ở Syria (1)
Thứ Bẩy, 30/12/2017 - 2:22 PM
Những vũ khí Nga lần đầu tiên thử lửa ở Syria.

Tu-160

>> Quân đội thế kỷ XXI: Vũ khí mới gây kinh ngạc ở Syria (2)

Trong chiến dịch quân sự ở Syria, quân đội Nga đã thử nghiệm trong chiến đấu nhiều loại vũ khí trang bị mới nhất của Nga. Họ cũng đã lần đầu tiên sử dụng trong thực hiến các binh khí kỹ thuật từng có mặt trong biên chế hàng chục năm.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Thiên nga trắng với tên lửa hành trình Kh-101

Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160 Thiên nga trắng mà phương Tây gọi là Blackjack bắt đầu được sử dụng từ năm 1987, nhưng chỉ tham chiến lần đầu chính là ở Syria vào năm 2015.
Nga hiện có 16 máy bay này, nhưng sắp tới sẽ đưa vào trang bị đến 50 Tu-160 nâng cấp - Tu-160M2.

Loại máy bay khủng khiếp nổi danh là phương tiện răn đe chiến lược này đã tiêu diệt khủng bố ở Syria bằng bom đạn thông thường là bom KAB-500 và tên lửa hành trình Kh-101.

Cần nói riêng về Kh-101 vì nó cũng lần đầu tiên được sử dụng ở Syria. Đây là tên lửa hành trình thế hệ mới, có tầm bắn khó tin 5.500 km, lớn hơn mấy lần các loại tương tự của châu Âu và Mỹ. Trong không gian, tên lửa tự định hướng nhờ hệ dẫn kết hợp: quán tính + GLONASS. Kh-101 bay ở dải độ cao từ 30 m đến 10.000 m, tàng hình trước radar và rất chính xác - sai số lệch mục tiêu tối đa không quá 5 m. Khác với các tên lửa trước đó, Kh-101 có thể tiêu diệt cả mục tiêu động. Tên lửa mang phần chiến đấu phá-mảnh 400 kg, còn biến thể hạt nhân là Kh-102 mang 1 đầu đạn hạt nhân 250 kT.
Tên lửa hành trình không đối đất trên Tu-160
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nga đã thử nghiệm một chiến lược mới tạo ra cuộc cách mạng trong quân sự khi sử dụng không quân chiến lược ở Syria.

Tàu tên lửa nhỏ lớp Projekt 21631 Buyan-М

Tàu tên lửa nhỏ lớp Projekt 21631 Buyan-М là tàu chiến đa dụng pha sông-biển. Trong biên chế vũ khí của tàu có 1 ụ pháo А-190, các ụ súng máy 14,5 mm và 7,62 mm, 1 hệ thống pháo phòng không Duet và các tên lửa hành trình chống hạm Kalibr-NK và Oniks. Thời gian hoạt động độc lập trên biển của tàu có thể lên tới 10 ngày đêm.

Phóng tên lửa hành trình Kalibr từ Địa Trung Hải vào các mục tiêu của Jabhat al-Nusra ở Syria
Trong chiến tranh ở Syria, các tên lửa hành trình Kalibr đã không chỉ có màn thử lửa thành công, mà còn trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Hình ảnh các tên lửa này lao vào các mục tiêu mà máy bay không người lái quay được, cũng như các đoạn video quay cảnh phóng Kalibr trở thành những tin nóng tiêu biểu về Hải quân Nga.
Khác với các đối thủ nước ngoài, Kalibr có thể bay dải tốc độ rộng, từ dưới âm chjo đến hơn 3M. Việc dẫn tên lửa ở giai đoạn bay cuối được thực hiện nhờ sự trợ giúp của các đầu tự dẫn radar chủ động có khả năng chống nhiều.

Các tên lửa có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Tên lửa bay ở độ cao từ 50-150 m, còn khi tiếp cận mục tiêu thì hạ xuống đến 20 m và tấn công mà đối phương không thể nào ngăn chặn. Tên lửa bay theo đường bay phức tạp, liên tục thay đổi độ cao và hướng bay. Điều đó cho phép tên lửa tiếp cận mục tiêu từ bất kỳ hướng bất ngờ nào đối với đối phương.
Liên quan đến độ chính xác bắn thì thuật ngữ “bắn trúng hồng tâm” rất phù hợp. Ví dụ, biến thể xuất khẩu của Kalibr có tầm bắn 300 km và tiêu diệt mục tiêu có đường kính 1-2 m. Rõ ràng là các tên lửa trang bị cho Hải quân Nga có độ chính xác còn cao hơn.

Trong chiến tranh Syria, Kalibr được phóng từ các tàu tên lửa nhỏ Uglich, Grad Sviyazhsk, Veliky Ustyug, Zelenny Dol và Serpukhov (cũng như các loại tàu nổi và tàu ngầm khác).

Các tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã trở thành sự đau đầu đối với Mỹ vì ở biến thể đối hạm, Kalibr hiệu quả hơn Tomahawk của Mỹ, còn việc bố trí Kalibr trên các tàu nhỏ gây ra nhiều khó khăn cho các địch thủ tiềm tàng.
Các tàu tên lửa nhỏ Serpukhov….

 và Zelleny Dol đến Sevasstopol

Đạn pháo có điều khiển Krasnopol

Lần đầu tiên, quân đội Nga đã sử dụng ở Syria đạn pháo có điều khiển Krasnopol để tiêu diệt bọn khủng bố. Các biến thể hiện đại của đạn pháo này có tầm bắn 30 km. Đạn Krasnopol chứa 6,5-11 kg chất nổ.

Mục tiêu được chiếu xạ bằng máy đo xa-chỉ thị mục tiêu laser được biên chế cùng với đạn. Ở giai đoạn bay cuối, đầu tự dẫn của Krasnopol định hướng bay vào đốm laser và điều khiển các cánh lái khí động thò ra, nhờ vậy mà xác suất tiêu diệt mục tiêu đạt 90%, cho phép tiêu diệt mục tiêu chính xác ngay cả trong điều kiện đô thị nhiều nhà cửa.

Trực thăng tiến công Mi-28N

Mi-28N là trực thăng tiến công của Liên Xô và Nga. Mi-28 bay lần đầu từ năm 1982, từ đó đã ra đời một số biến thể của trực thăng này. Và chỉ vào năm 2015, Nga mới bắt đầu sử dụng “Thợ săn đêm” trong thực chiến chống khủng bố.

Trực thăng chiến đấu Mi-28N
Một trong những đặc điểm chính của trực thăng là sức cơ động cao, ngoài ra nó còn có thể thực hiện nhiệm vụ bất kể ngày đêm.

Cabin bọc giáp của Mi-28 bảo vệ tổ lái chống được đạn 20 mm và đầu đạn con xuyên giáp. Các hệ thống quan trọng nhất của trực thăng cũng được bọc giáp bảo vệ. Mi-28N được trang bị radar lắp trện đỉnh trục rotor chính. Hệ thống này cũng cho phép truy tìm, phát hiện, nhận dạng và tiêu diệt hiệu quả mục tiêu mặt đất và trên không. 
Trực thăng được tranhg bị 1 pháo tự động 30 mm và cũng có thể mang các tên lửa không đối đất có điều khiển (chống tăng) và không điều khiển (chống bộ binh và xe hạng nhẹ). Nga cũng trù tính lắp tên lửa không đối không để cho phép Mi-28UB tiêu diệt không chỉ máy bay và trực thăng mà cả máy bay không người lái cỡ nhỏ và kể cả tên lửa hành trình. Mi-28UB có 4 điểm treo và có thể sử dụng để rải mìn.
Cuối năm 2017, Không quân-vũ trụ Nga đã nhận được lô đầu tiên trực thăng huấn luyện-chiến đấu Mi-28UB vốn được phát triển dựa trên những kinh nghiệm sử dụng trực thăng ở Syria.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

Tuần dương hạm chở máy bay hạng nặng Đô đốc Kuznetsov với các trực thăng Ka-52

Ai đó có thể ngạc nhiên là tàu sân bay duy nhất của Nga Đô đốc Kuznetsov chính đưa vào biên chế Hải quân Liên Xô/Nga từ ngày 20/1/1991 cũng đã lần đầu tiên được huy động tham gia thực chiến ở Syria.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov có thể tiếp nhận đến 50 máy bay và trực thăng. Trước khi được hiện đại hóa, phi đoàn trên tàu gồm các tiêm kích hạm MiG-29 và Su-33, biến thể huấn luyện của cường kích Su-25UTG, các trực thăng Kа-27. Năm 2016, tàu đã được biên chế trung đoàn không quân hỗn hợp với trang bị đổi mới với nòng cốt là MiG-29K, biến thể trên hạm mới nhất của MiG-29 và các trực thăng tiếp công Kа-52K. Tàu còn được trang bị 12 bệ phóng tên lửa hành trình chống hạm Granit, các hệ thống tên lửa/pháo phòng không Kortik và Kinzhal, các hệ thống rocket chống ngầm. Đô đốc Kuznetsov có tốc độ tối đa 29 hải lý/h, cự ly hành trình 8.417 hải lý, thủy thủ đoàn 1.980 người.
Su-33 cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov
Hoạt động của không quân trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nhiều lần xuất hiện trên video ở Syria. Đặc biệt đáng chú ý là lần đầu sử dụng thực chiến các trực thăng tối tân Kа-52K Katran.

Hai trực thăng này đã có mặt trên boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong cuộc hành binh Syria. Ở đó, Kа-52K đã cất cánh lên không và thực hiện các lần phóng thử tên lửa.
Trực thăng Kа-52K tại triển lãm hải quân ở St. Petersburg
Kа-52K Katran là biến thể trên hạm của trực thăng tiến công Kа-52 Alligator và dùng để tuần tra, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ khi đổ bộ lên bờ biển, thực hiện nhiệm vụ chống đổ bộ trên tiền duyên và trong chiều sâu chiến thuật bất kể ngày đêm.

So với biến thể cơ sở, Ka-52K có cánh gấp ngắn, được cải tiến để lắp vũ khí hạng nặng, và cơ cấu gấp cánh quạt để cho phép để gọn trực thăng trong hầm tàu. Tuy có kích thước “bé nhỏ”, Kа-52K có vũ khí rất khủng khiếp gồm ngư lôi, bom chìm và tên lửa hành trình chống hạm.
Trực thăng Kа-52K là trực thăng tiến công trên hạm mạnh nhất thế giới hiện nay
Trên trực thăng có lắp hệ thống dẫn vũ khí bằng tia laser và hệ thống xử lý hình ảnh video Okhotnik. Hệ thống quang-điện tử Vitebsk bảo vệ Katran truwowdcs tên lửa phòng không dùng đầu tự dẫn hồng ngoại.

Xe tăng Т-90

Tuy nhiên, Tu-160, Mi-28N và Đô đốc Kuznetsov không phải là những “người già” nổi tiếng lần đầu tiên tham chiến ở Syria. Xe tăng chủ lực Т-90 đã được quân đội Syria sử dụng ở tỉnh Aleppo vào năm 2016.

Т-90 có dáng thấp nhất trong các loại xe tăng hiện đại, được trang bị vỏ giáp chống đạn nhiều lớp. Vỏ giáp nhiều lớp ở phía trước thân xe và tháp tương đương với hơn 500 mm giáp đồng nhất. Khả năng chống đạn xuyên giáp tương đương 850 mm giáp thép, có nghĩa là gần 1 m. Ngoài vỏ giáp truyền thống và giáp phản ứng nổ, xe tăng còn được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực gồm một hệ thống chế áp quang-điện tử hiện đại Shtora.
Vũ khí chính của Т-90 là pháo nòng trơn 125 mm. Khi bắn đạn xuyên giáp và đạn dưới cỡ, tầm bắn ngắm tối đa là 4.000 m, khi bắn đạn tên lửa có điều khiển – là 5.000 m, khi bắn đạn phá-mảnh theo quỹ đạo đường đạn là đến 10.000 m. Ở tất cả các đối thủ nước ngoài, tầm bắn của đạn pháo tăng đều không quá 3.000 m.

Nếu như ở Vòng cung Kursk, các xe tăng Con hổ của Đức tiêu diệt tăng Т-34 của Liên Xô ở cự ly 2.000 m thì hiện nay xe tăng Con báo (Leopard 2) của Đức sẽ không thể đến gần Т-90 ở cự ly 5.000 m.

Báo chí Cận Đông đưa tin rằng, chính Т-90 đã đóng vai trò lớn trong các chiến dịch thắng lợi của quân đội Syria. Chúng đã bảo đảm cho các đội đột kích tiến quân nhờ đó đã giải phóng được các điểm dân cư quan trọng chiến lược, cũng  hư cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của phiến quân. Một phần các xe tăng T-90 đã được triển khai trong các thành phố do quân chính phủ Syria kiểm soát.
Ngoài ra, Т-90 đã tỏ ra là xe tăng cực kỳ vững chắc - nó không chỉ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực và phương tiện kỹ thuật mà còn chống chịu được tên lửa chống tăng. Mấy chiếc T-90 đã lọt lên video, một trong số đó gần như gần như không tổn hại gì lớn sau khi hứng chịu 3 quả tên lửa chống tăng.

Ngoài ra, ở Syria cũng đã lần đầu tiên thử nghiệm vũ khí bí mật của Т-90 - đó là hệ thống chế áp quang-điện tử Shtorra-1 dùng để bảo vệ xe tăng trước tên lửa chống tăng có điều khiển.

Lính xe tăng Syria đánh giá rất cao khả năng của Т-90. Nhược điểm duy nhất của nó là không có máy điều hòa nhiệt độ nên gây khó khăn cho tác chiến trong điều kiện sa mạc.
Mới đây được biết, T-90 đã được hiện đại hóa căn cứ vào kinh nghiệm tác chiến ở Syria.

Xe ô tô bọc thép Taifun

Xe ô tô vận tải bọc thép mới Taifun của Nga cũng đã lần đầu tiên được bthwr nghiệm ở Syria. Đầu năm 2017, Taifun-K đã được phát hiện có mặt ở Syria.
Taifun-K
K63968 Taifun-K là xe ô tô tải đa năng, không capô, kiểu moduyle. Biến thể chở quân có thể chở đến 16 người. Binh sĩ trên xe có thể rời xe bằng cửa dốc, cũng như qua cửa hông. Cabin xe được bọc giáp tăng cường. Xe cũng được dự định lắp giáp lên kính chắn gió.

Xe ô tô vận tải bọc thép mới không ngán ngại ngay cả một số loại súng phóng lựu chống tăng RPG nhờ có một số thiết bị treo đặc biệt để bảo vệ tin cậy kíp xe chống các luồng lửa của đạn xuyên lõm. Các bánh xe của Taifun có khả năng chống đạn và được trang bị thêm các cơ cấu chống nổ.
Taifun có trọng lượng đầy đủ có tải là 24 tấn, chiều dài thân 8.990 mm, chiều rộng 2.550 mm, động cơ 450 mã lực cho phép xe chạy với tốc độ 110 km/h.

Xe có công thức bánh 6х6, cho phép dễ dàng chạy trên địa hình không đường sá, tuyết và vượt các loại vật cản khác. Ở Syria, các xe Taifun được sử dụng không chỉ để vận chuyển binh sĩ,mà còn để chở hàng trợ giúp nhân đạo chẳng hạn.


>> Quân đội thế kỷ XXI: Vũ khí mới gây kinh ngạc ở Syria (2)