In bài này
Vũ khí vũ trụ Mỹ có thể ngăn chặn tên lửa Nga?
Thứ Bẩy, 23/12/2017 - 1:42 PM
Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ chỉ trích ý tưởng xây dựng mạng lưới các vũ khí đánh chặn vũ trụ chống tên lửa Nga.

Trong khi ở Mỹ lại vang lên những đề xuất triển khai các vũ khí đánh chặn tên lửa trong vũ trụ thì các nhà phân tích lại nói dự án này ngay từ đầu đã có khiếm khuyết. Và vấn đề thậm chí không phải ở chỗ sự xuất hiện “công khai” của vũ khí trong không gian vũ trụ mà là sự không hiệu quả và dễ tổn thương của hệ thống này.

Theo trang defense360.csis.org, vũ khí đánh chặn sẽ có thể vô hiệu hóa thành công tên lửa chỉ ở giai đoạn tăng tốc vốn kéo dài khoảng 120-170 s tùy thuộc vào loại tên lửa. Nhưng trong vũ trụ, các vệ tinh quỹ đạo thấp ở trạng thái di chuyển so với bề mặt trái đất, còn các vệ tinh được đưa lên quỹ đạo địa tỉnh và bay treo bất động trên một khu vực lại ở quá xa đế vũ khí đánh chặn kịp tác động vào tên lửa đối phương đang ở giai đoạn tăng tốc.

Tức là để chống lại một cuộc tấn công tên lửa, cần cả một chùm các vũ khí vệ tinh đánh chặn được bố trí đúng đắn và bao quát tối đa không gian của trái đất tương tự như các vệ tinh GPS. Tuy nhiên, kể cả một chùm vệ tinh như thế cũng sẽ khó mà bao quát được toàn bộ lãnh thổ Nga.

Để bảo vệ trước mấy quả tên lửa sẽ cần hàng trăm và hàng ngàn vũ khí đánh chặn trên quỹ đạo. “Một nghiên cứu do Hội Vật lý Mỹ tiến hành vào năm 2004 đã cho thấy rằng, để bao quát hiệu quả trái đất sẽ cần 1.664 vệ tinh. Kinh phí mua sắm một hệ thống như vậy, chưa tính chi phí phát triển, thử nghiệm, khai thác và bảo dưỡng kỹ thuật ước là 67-109 tỷ USD”, các chuyên gia lưu ý.

Về lý thuyết, có thể giảm số lượng vũ khí đánh chặn bằng cách tăng hiệu quả của chúng, nhưng có nghĩa là phải tăng lượng nhiên liệu, trọng lượng và chi phí cuối cùng của mỗi vệ tinh trong số đó, cuối cùng thì khó mà nói đến chuyện tiết kiệm gì cả. Ngoài ra, việc sử dụng dù là chỉ một vũ khí đánh chặn cũng có thể làm tổn hại đến hiệu quả của cả hệ thống còn lại do xuất hiện “lỗ thủng”. Trong khi chẳng có gì cản trở đối phương ban đầu phóng 1 tên lửa, còn sau đó lại phóng thêm 1 tên lửa thứ hai vào kẽ hở tạo ra sau khi tên lửa thứ nhất bị đánh chặn.

Để khắc phục những kẽ hở như thế, cần các vệ tinh đánh chặn dự bị trên quỹ đạo, có nghĩa là sẽ cần nhiều đầu tư hơn là để xây dựng một cụm vệ tinh tối thiểu. Ngoài ra, sẽ cần một thời gian nào đó để khôi phục lưới bao quát vừa bị thủng. Các nhà nghiên cứu gọi hệ thống đó là phi thực tế để bảo vệ Mỹ và đồng minh.
Nam Xương