In bài này
Ấn Độ từ chối Spike
Thứ Năm, 23/11/2017 - 2:03 PM
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối ký hợp đồng nhiều triệu đô la mua các hệ thống tên lửa chống tăng Spike của Israel, The Jerusalem Post dẫn nguồn báo chí Ấn Độ đưa tin.
Thay vào đó, chính phủ Ấn Độ đã giao cho Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ phát triển cho Lục quân Ấn Độ trong 3-4 năm hệ thống tên lửa chống tăng mang vác nội địa MPATGM (Man-Portable Anti-Tank Guided Missile).

Theo chính phủ và ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ấn Độ vốn đang thực thi sáng kiến “Make in India”, DRDO có kinh nghiệm và các công nghệ cần thiết để phát triển hệ thống tên lửa chống tăng. Dự kiến, hệ thống tên lửa chống tăng MPATGM sẽ có tầm bắn 2,5-4 km.

Công ty Rafael Advanced Defense Systems của Israel cho biết hiện chưa nhận được thông báo chính thức về việc hủy hợp đồng. Còn các đại diện Lục quân Ấn Độ thì nói rằng, việc từ chối mua Spike sẽ có ảnh hướng tiêu cực đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Năm 2009, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn dự án mua sắm trực tiếp từ nhà sản xuất và giấy phép sản xuất tại Ấn Độ 1.914 bệ phóng tên lửa chống tăng, 37.860 tên lửa, bao gồm cả đạn huấn luyện và 107 thiết bị huấn luyện để trang bị cho 359 tiểu đoàn bộ binh. Lý do mua Spike được nêu ra là DRDO không có khả năng cung cấp hệ thống tên lửa chống tăng nội địa.

Hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3 Spike đã vượt qua thành công các thử nghiệm sơ bộ ở Ấn Độ vào năm 2010-2011, trong đó đã thực hiện hơn 50 lần phóng tên lửa. Đối thủ cạnh tranh cảu hãng Rafael là các công ty Mỹ với hệ thống tên lửa chống tăng Javelin vốn chưa được thử nghiệm ở Ấn Độ. Cuối cùng, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối mua Javelin do giá cao và do Mỹ từ chối chuyển giao công nghệ sản xuất. Trong khi đó, số vụ truy tố các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty Israel vì tội tham nhũng khi mua bán hàng quân sự gia tăng đã buộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ kể từ năm 2014 “tạm dừng” quy trình mua sắm hệ thống tên lửa chống tăng từ một hãng dự thầu duy nhất. Dưới áp lực của Bộ Tư lệnh Lục quân Ấn Độ vốn có sẵn trong trang bị các hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 2 sản xuất theo giấy phép là 9M113 Konkurs và Milan/Milan 2T, vào giữa năm 2016, họ vẫn bắt đầu đàm phán với Rafael các điều kiện ký kết hợp đồng.

Theo Jane’s Defence Weekly, những thỏa thuận đạt được với Rafael Advanced Defense Systems trù định cung cấp 275 bệ phóng và 5.500 tên lửa Spike. Hợp đồng cũng bao gồm việc chuyển giao công nghệ cho công ty quốc doanh Bharat Dynamics Limited (BDL) để sản xuất 1500 bệ phóng và 30.000 tên lửa ở Ấn Độ.

Người ta đã dự kiến ký hợp đồng ngay trước hay trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, việc chuyển giao sẽ được Rafael thực hiện trong vòng 48-60 tháng sau khi ký hợp đồng. Việc sản xuất theo giấy phép tại nhà máy của BDL đã được trù tính cho 20-25 năm tiếp theo.

Tháng 8/2017, liên doanh của công ty Ấn Độ Kalyani Strategic Systems Ltd (KSSL) và Rafael Advanced Defense Systems đã khánh thành nhà máy mới sản xuất hàng quân sự, trong đó có các linh kiện tên lửa ở Hyderabad.

Theo The Jerusalem Post, việc hủy hợp đồng sẽ là cú đòn giáng vào hợp tác quốc phòng Israel-Ấn Độ.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất mua vũ khí Israel với giá trị hợp đồng ký kết hàng năm là hơn 1 tỷ USD. Tháng 5/2017, Israel Aerospace Industries (IAI) đã thông báo về việc ký kết với Bộ Quốc phòng Ấn Độ hợp đồng bổ sung trị giá 630 triệu USD để cungh cấp các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa LR-SAM cho 4 chiến hạm của Hải quân Ấn Độ. Trước đó, vào tháng 4/2017, hãng IAI đã thông báo ký kết với Bộ Quốc phòng Ấn Độ các hợp đồng có tổng trị giá 2 tỷ USD để cung cấp các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa cho Lục quân và Hải quân Ấn Độ.

Chuyến thăm Ấn Độ dài 3 ngày của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ bắt đầu vào ngày 14/1/2018. Hiện chưa có thông tin liệu ông Netranyahu có thảo luận vấn đề hủy hợp đồng mua bán Spike với giới New Delhi hay không.
PM