In bài này
Sự trả thù tuyệt đối
Thứ Tư, 22/11/2017 - 1:42 PM
Nga, Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho Thế chiến III. Các loại vũ khí chủ yếu của Thế chiến III.
(Kamaile Casillas / Pacific Air Forces / Reuters)
Chi phí quân sự của các nước lớn, trước hết là Mỹ, Trung Quốc và Nga tiếp tục tăng. Không ít tiền ngân sách được chi cho phát triển các loại vũ khí tối tân. Mới đây, Mỹ công khai tuyên bố rằng, họ coi vũ trụ là một không gian để tiến hành chiến tranh. Các quốc gia đang đầu tư vào phương tiện không người lái và công nghệ siêu vượt âm. Chính những vũ khí đó có thể trở thành vũ khí chủ yếu trong Thế chiến III một khi nó khai diễn. 

Trên mặt đất và trong vũ trụ

Việc bố trí vũ khí trong vũ trụ đem lại khả năng gần như vô tận để tiêu diệt kẻ địch. Mặc dù xây dựng các căn cứ tên lửa trên mặt trăng hay đưa một tiểu hành tinh đến quỹ đạo gần trái đất và thả nó xuống mục tiêu ngày nay xem ra là điều viễn tưởng, nhưng nay đã có những công nghệ cho phép sử dụng vũ trụ để tiến hành chiến tranh.
 
Tàu vũ trụ không người lái X-37 của Boeing (Wikipedia)

Cực kỳ có triển vọng là đưa lên quỹ đạo gần trái đất một con tàu mang vũ khí điện từ. Xung điện từ có khả năng làm tê liệt các mạng điện và các hệ thống điều khiển, kiểm soát, liên lạc, thu thập và xử lý thông tin bằng máy tính, quan sát và trinh sát C4ISR (Command, Control, Communications, Computers, Intelligence, Surveillance and Reconnaissance) của đối phương.

Chặn đánh một tên lửa mang vũ khí xung điện tử phóng từ quỹ đạo gần trái đất sẽ khó hơn nhiều. Ngày nay, có khả năng đưa loại vũ khí đó vào vũ trụ là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước EU. Vũ khí xung điện từ có thể đặc biệt hiệu quả khi sử dụng chống các quốc gia bướng bỉnh (Iran và CHDCND Triều Tiên) mà họ thì thực tế không có gì để đáp trả.

Không kém triển vọng là bố trí vũ khí năng lượng định hướng (vũ khí laser) trên các vệ tinh để đánh chặn tên lửa đường đận gần như ngay sau khi xuất phát. Hiện nay, các khí cụ cơ động mà Mỹ, Trung Quốc và Nga đang thử nghiệm, cũng như vô số các vệ tinh quan sát thực tế có thể coi là vũ khí vũ trụ duy nhất.

Tên lửa hành trình siêu vượt âm

Đặc điểm của tên lửa hành trình là khả năng cơ động. Điều đó cho phép tên lửa tránh né tên lửa chống tên lửa của đối phương và tiêu diệt mục tiêu cực kỳ chính xác. Ưu thế chủ yếu của tên lửa siêu vượt âm là tốc độ của chúng cao hơn 5M (hơn 6.000 km/h). Chặn đánh các tên lửa đó là cực kỳ khó. Các tên lửa hành trình siêu vượt âm đang mở ra những khả năng to lớn cho  quân đội các nước. Tên lửa đó có khả năng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất trong vòng 1 giờ.

Điều đó đã trở thành nền tảng cho khái niệm đòn tiến công nhanh toàn cầu PGS (Prompt Global Strike) mà Mỹ phát triển từ năm 2001. Quân đội Mỹ đã tập trung vào phương tiện bay siêu vượt âm X-51A Waverider với tốc độ 7-8M, tầm bay gần 2.000 km và độ cao bay đến 30 km. Họ dự định phóng tên lửa từ máy bay ném bom chiến lược, các mẫu vũ khí chế thử sẽ được sản xuất trong những năm 2020.

Nga cũng đang phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm. Ngày 17/3/2016, Nga thông báo về vụ thử đầu tiên của tên lửa siêu vượt âm Zircon. Ngoài ra, các dự án trong lĩnh vực này cũng đang được thực hiện ở Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Mẫu chế thử máy bay siêu vượt âm SR-72 (Lockheed Martin)

Máy bay không người lái thông minh

Sự kiện quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng trong thập niên qua là sự xuất hiện của máy bay không người lái (UAV). Cùng với sự hoàn thiện công nghệ, UAV đang đón nhận những chức năng ngày một nhiều. Không loại trừ, các UAV sẽ thay thế hoàn toàn các máy bay có người lái trong đa số các nhiệm vụ chiến đấu.

Hiện tại, tuyệt đại đa số UAV vẫn cần đến con người - đó trước hết là nói về điều khiển và kiểm soát từ xa đối với UAV. Hơn nữa, những quyết định then chốt liên quan đến tiêu diệt mục tiêu hiện nay nói chung vẫn do con người đưa ra.
 
RQ-4 Global Hawk (Wikipedia)

Ví dụ, việc săn lùng mục tiêu và phóng tên lửa không đối đất dẫn bằng laser hay radar AGM-114 Hellfire của Mỹ lắp trên UAV MQ-1 Predator từ năm 2007 đòi hỏi sự tham gia của con người. Tuy nhiên, sắp tới đây, UAV sẽ trở nên tự hoạt hoàn toàn.

Điều đó liên quan đến sự tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Các hệ thống đó sẽ có thể độc lập đưa ra quyết định, kể cả liên quan đến sự sống và cái chết. Đó chính là điều mà nhà khoa học Stephen Hawking và doanh nhân Ilon Mask muốn nói đến khi thường xuyên nhắc nhở về sự nguy hiểm của việc phát triển không kiểm soát AI.

Các UAV tự hoạt được trang bị AI hoàn thiện nhất sẽ có thể hoạt động trong thời gian dài, còn khi cần thì có thể đưa ra quyết định tức thì. Bên xung đột sở hữu vũ khí đó sẽ có ưu thế then chốt đối với các bên tham chiến còn lại. Mỹ, Trung Quốc, EU và Nga hiểu rõ điều đó.

“AI - đó là tương lai không chỉ của Nga, đó là tương lai của cả nhân loại. Ở đây là những khả năng to lớn và những mối đe dọa khó lường hiện nay”, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hôm 1/9/2017 tại Diễn đàn Proektoria. Theo ông Putin, “Ai dẫn đầu trong lĩnh vực này, kẻ đó sẽ thống trị thế giới”.

Những lý lẽ cuối cùng

Có thể liệt vào loại vũ khí mới có triển vọng các máy bay tàng hình sử dụng công nghệ tàng hình, pháo ray (pháo điện từ) dùng để tăng tốc quả đạn bằng điện từ trường, và vũ khí động năng hoạt động từ vũ trụ. Vũ khí hạt nhân cũng không mất đi tính thời sự mà vẫn là lý lẽ cuối cùng trong chiến tranh tương lai, còn những tàu ngầm quân sự lớn và đắt tiền chắc chắn sẽ mất đi vai trò đặc biệt của mình. Chúng ngày càng dễ bị phát hiện nhờ các tốp phương tiện không người lái nhỏ và rẻ tiền.
 
Thử nghiệm pháo điện từ (navy.mil)

Khả năng phát triển các vũ khí tối tân nói lên nhiều điều về một quốc gia. Tháng 10/2017, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga Aleksandr Sergeyev thực tế đã thừa nhận rằng, khoa học hiện đại của nước Nga chẳng có gì để mời chào cho quân đội. “Chúng ta sẽ không có một nền khoa học cơ bản, đó sẽ là điều bất hạnh lớn vì trên nhiều hướng – quân sự và các hướng khác – vốn liếng KHKT đã cạn kiệt. Nó chỉ có thể được phục hồi bằng khoa học cơ bản”, nhà khoa học nhấn mạnh trong cuộc gặp với các thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga).

Vị viện sĩ đã nói lên một chân lý đã biết từ lâu: không có sự hỗ trợ của khoa học cơ bản, tiềm năng của các nghiên cứu ứng dụng sẽ bị hạn chế về thời gian và cuối cùng sẽ bị cạn kiệt, kết quả là đất nước sẽ rơi vào vòng phụ thuộc công nghệ vào các nước khác. “Nếu như chúng ta sẽ không có những kết quả của khoa học cơ bản thì nền sản xuất và khoa học ứng dụng của chúng ta sẽ buộc phải mua kết quả của các nghiên cứu cơ bản ở nước ngoài. Mà ở đó, xin lỗi, người ta sẽ bán những thức hoàn toàn không còn là hiện đại. Những thứ hiện đại chính họ đang cần. Họ sẽ bán cái mà họ không còn cần nữa”, ông Sergeyev nhận định.
Nhân Vũ