In bài này
Nga phát triển máy bay vận tải quân sự mới
Chủ Nhật, 12/11/2017 - 3:14 AM
Công ty “Tổ hợp hàng không mang tên Ilyushin” vào tháng 12/2017 sẽ bắt tay vào thiết kế phác thảo máy bay vận tải quân sự mới với tên tạm thời là Il-276, Giám đốc dự án Igor Bevzyuk.
Trong tương lai, máy bay mới sẽ thay thế các máy bay vận tải lạc hậu An-12.

Thiế kế phác thảo là giai đoạn đầu trong chương trình chế tạo bất cứ vũ khí trang bị nào. Ở giai đoạn này, người ta xác định hình dáng bên ngoài của vũ khí trang bị, các chức năng chính mà nó phải thực hiện, vũ khí và các kịch bản sử dụng. Ngoài ra, còn đưa ra sơ bộ các tính năng kỹ thuật chính.

Dự kiến, máy bay vận tải quân sự mới sẽ có thiết kế một thân, cánh đặt cao với cánh đuôi hình chữ Т. Đây là sơ đồ truyền thống đối với máy bay vận tải. Ban đầu, máy bay sẽ được lắp 2 động cơ phản lực turbine quạt PS-90А-76 đang sử dụng trên máy bay vận tải Il-76, còn sau đó là lắp 2 động cơ mới PD-14 đang được phát triển.

Il-276 sẽ có cửa dốc ở phần đuôi để tạo thuận lợi cho việc bốc xếp hàng trên mặt đất, còn trên không sẽ cho phép mấy lính dù nhảy dù cùng lúc. Thân máy bay sẽ rộng như Il-76, nhưng khoang hàng sẽ ngắn hơn. Khoang hàng của Il-76 có chiều dài 24,5 m, chiều cao 3,4 m và chiều rộng 3,5 m.

Máy bay vận tải tương lai sẽ có thể bay với tốc độ gần 800 km/h ở tầm bay gần 2.000 km. Dự kiến, chuyến bay đầu tiên của Il-276 sẽ diễn ra vào đầu năm 2023, còn việc phát triển máy bay mới sẽ hoàn thành vào năm 2025. Năm 2026, các máy bay sản xuất loạt đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Không quân-vũ trụ Nga.

Ban đầu, Nga định hợp tác với Ấn Độ thực hiện dự án máy bay vận tải quân sự hạng trung. Biên bản về việc bắt đầu công việc chung hai bên đã ký vào năm 2001. Dự án chung được Ấn Độ đặt tên là MTA (Medium Transport Aircraft), còn Nga gọi là MTS (máy bay vận tải đa nhiệm).

Dự án chưa hề thực sự bắt đầu. Vào cuối năm 2015, Ấn Độ rút khỏi dự án, còn mùa xuân năm 2017, Bộ Công thương Nga tuyên bố chấm dứt hẳn dự án. Nguyên nhân chấm dứt dự án là hai bên đã không thể thỏa thuận được khối lượng đầu tư, tỷ lệ tham gia vào dự án và phân chia công nghệ.

Dự kiến, với chiều dài 39,7 m và sải cánh 39,4 m, MTA sẽ trọng lượng cất cánh tối đa 68 tấn. Theo dự án, máy bay sẽ có tốc độ đến 870 km/h và bay với tải trọng tối đa đi xa 2.000 km.

Máy bay vận tải cánh quạt An-12 được đưa vào trang bị của quân đội Liên Xô vào năm 1959, được sản xuất loạt từ năm 1957-1973. Hiện nay, trong quân đội Nga còn 106 chiếc. An-12 có chiều dài 33,1 m, chiều cao 10,5 m và sải cánh 38 m, trọng lượng cất cánh tối đa 61 tấn, chở được đến 21 tấn hàng. Máy bay có thể bay với tốc độ đến 570 km/h và có tầm bay đến 2.000 km.
PM