In bài này
Mỹ phát triển UAV mang vũ khí laser chống tên lửa
Thứ Tư, 08/11/2017 - 2:34 PM
Công ty General Atomics (Mỹ) đã phát triển một máy bay không người lái (UAV) mang vũ khí laser dùng để chặn đánh tên lửa đường đạn ở giai đoạn tăng tốc.
Mẫu chế thử vũ khí laser phòng thủ tên lửa lắp trên máy bay ABL của Mỹ (U.S. Air Force)
Trong giai đoạn 1, công ty dự định phát triển và thử nghiệm công nghệ dẫn, duy trì và hội tụ tia laser.

Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) trong mấy năm qua tiến hành phát triển laser bơm bằng điện để trang bị cho UAV. Trước đó, họ đã từng thử nghiệm các hệ thống trên khoang đảm nhiệm dẫn chính xác tia laser đến mục tiêu và giữ nó trên mục tiêu. Việc kiểm tra các mẫu chế thử các hệ thống đã được thực hiện trên các UAV MQ-9 Reaper và Phantom Eye.

Theo hợp đồng mới ký với MDA, General Aromics sẽ phải đưa ra mẫu chế thử vũ khí laser dành cho UAV độ cao lớn sử dụng thiết bị phát công suất nhỏ. Hệ thống này sẽ được sử dụng trong các thử nghiệm trình diễn nhằm chứng minh khả năng dẫn chính xác tia laser từ một UAV đến một tên lửa đường đạn.

Dự kiến, các vụ thử đầu tiên hệ thống laser sẽ được thực hiện đến năm 2020, còn đến năm 2021, công ty sẽ thử nghiệm hệ dẫn, ổn định và hội tụ tia laser trên UAV. Chi phí nghiên cứu dự kiến là 8,8 triệu USD.

Việc MDA dự định phát triển UAV tầng cao trang bị laser chống tên lửa được biết đến vào tháng 8/2015. Theo đó, thiết bị laser trên UAV phải đủ mạnh để UAV không cần bay vào vùng sát thương của các hệ thống phòng không.

Quân đội Mỹ đã dự định đến năm 2018-2019 xem xét một số phương án lắp đặt các thiết bị laser lên UAV và lựa chọn loại phù hợp. Chuyến bay đầu tiên của UAV mang thiết bị phát laser công suất nhỏ dùng để khẳng định khái niệm chung đã được trù định tiến hành vào năm 2021.

UAV tương lai phải bay được ở độ cao gần 20.000 m. Ở độ cao này, không khí có lượng tạp chất tối thiểu vốn có thể làm suy giảm công suất của tia laser. Ngoài ra, từ độ cao này, UAV sẽ có thể với tới các mục tiêu ở cự ly xa hơn.

Trọng lượng của thiết bị laser tương lai sẽ tương đối nhỏ. Dự kiến sẽ đưa tham số trọng lượng xuống còn 3-5 kg/kW công suất, tức là thiết bị công suất MW sẽ có trọng lượng gần 3-5 tấn. Trong quá trình hiện đại hóa, dự định giảm tham số trọng lượng laser xuống còn 2 kg/kW công suất.

Năm 2010, ở Mỹ đã diễn ra việc thử nghiệm vũ khí laser hóa học chống tên lửa kg/kW công suất. Vũ khí laser này đã bắn hạ thành công các tên lửa đường đạn ở giai đoạn tăng tốc gồm 1 tên lửa nhiên liệu lỏng và 1 nhiên liệu rắn. Do chi phí cao và hiệu quả thấp, dự án này sau đó bị đóng lại. Giới quân sự Mỹ không chấp nhận việc phải dùng một máy bay to đến thế để lắp thiết bị laser mà lại phải ở khá gần tên lửa để có thể đánh chặn thành công.
Nam Xương