In bài này
Nga thử nghiệm vũ khí tạo giả GPS
Thứ Tư, 16/08/2017 - 10:30 AM
Tín hiệu GPS của 20 tàu biển ở Biển Đen đã bị tấn công tạo giả để hiển thị chúng nằm sâu trong đất liền 32 km.
Các báo cáo về các vấn đề định vị vệ tinh ở Biển Đen cho thấy, Nga có thể đang thử nghiệm một hệ thống tạo giả tín hiệu GPS mới. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của một hình thức tác chiến điện tử mới sẵn có cho tất cả, từ một quốc gia cứng đầu đến các tội phạm nhỏ.

Ngày 22/6/2017, Cục Quản lý giao thông hàng hải, Bộ Giao thông Mỹ đã đệ trình một báo cáo sự cố. Chủ một chiếc tàu ở ngoài khơi cảng Novorossiysk của Nga đã phát hiện ra thiết bị GPS trên tàu hiển thị sai vị trí của tàu nằm sâu hơn 32 km trong đất liền, gần sân bay Gelendzhik của Nga.

Kiểm tra thiết bị định vị cho thấy thiết bị đang hoạt động bình thường, thuyền trưởng đã liên lạc với các tàu gần đó. Các tín hiệu từ hệ thống nhận dạng tự động AIS của các tàu này đều hiển thị vị trí ở cùng sân bay trên. Ít nhất 20 tàu đã gặp vấn đề như vậy.

Mặc dù sự cố chưa được xác nhận, các chuyên gia cho rằng, đây là cuộc tấn công giả mạo tín hiệu GPS lần đầu tiên vốn đã được cảnh báo từ lâu, nhưng chưa bao giờ gặp trên thực tế.

Cho đến nay, lo lắng lớn nhất đối với GPS là bị gây nhiễu tín hiệu vệ tinh GPS. Mặc dù điều này có thể gây ra sự hỗn loạn, nhưng lại dễ phát hiện. Thiết bị thu GPS thường phát âm thanh báo động khi mất tín hiệu do gây nhiễu. Còn tín hiệu giả mạo phát từ một trạm mặt đất sẽ đánh lừa thiết bị thu GPS. 

Chuyên gia tư vấn David Last, cựu Chủ tịch Viện Dẫn đường Hoàng gia Anh cho biết: “Việc gây nhiễu chỉ làm thiết bị thu tê liệt, còn giả mạo khiến thiết bị thu nói dối”.

Ông Todd Humphreys thuộc Đại học Texas ở Austin (Mỹ) trong nhiều năm đã cảnh báo về nguy cơ sắp tới của GPS giả mạo. Năm 2013, ông đã cho thấy cách làm lạc đường một siêu du thuyền với hệ thống dẫn đường hiện đại bằng tín hiệu GPS giả mạo. Ông Humphreys nói: “Hành vi của thiết bị thu trong sự cố Biển Đen giống như trong các cuộc tấn công có kiểm soát mà nhóm của chúng tôi đã tiến hành”.

Humphreys cho rằng đây là vụ thử nghiệm hình thức chiến tranh điện tử mới của Nga. Trong năm 2016, tín hiệu GPS giả mạo đã gây ra sự hỗn loạn làm cho các thiết bị thu trên các ứng dụng điện thoại ở trung tâm Moskva để hoạt động sai. Vấn đề đã trở nên rõ ràng cho đến khi người ta bắt đầu chơi Pokemon Go. Tín hiệu giả mạo tập trung ở khu vực Điện Kremlin khiến bất cứ ai ở gần đó đều thấy hiển thị vị trí GPS ở sân bay Vnukovo, cách đó 32 km. Đây có lẽ là biện pháp của Nga phòng chống bom, tên lửa và máy bay NATO sử dụng định vị GPS.

Nhưng lần này việc gây nhiễu vị trí địa lý được sử dụng ở cách xa Kremlin. Một số người lo ngại điều này có nghĩa là giả mạo GPS đang trở nên dễ dàng hơn. Trước đây, việc giả mạo GPS đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Ông Humphreys đã phải chế tạo từ đầu thiết bị tạo giả GPS đầu tiên của mình vào năm 2008, nhưng lưu ý là bây giờ có thể chế tạo thiết bị này bằng phần cứng thương mại và phần mềm tải xuống từ Internet.

Thiết bị này cũng không đòi hỏi công suất lớn. Tín hiệu vệ tinh rất yếu, chỉ khoảng 20 W từ khoảng cách 20.000 dặm nên một thiết bị phát 1 W bố trí trên đỉnh đồi, máy bay hoặc UAV là đủ để đánh lừa tất cả ở khoảng cách rất xa.

Nếu phần cứng và phần mềm đang trở nên dễ tiếp cận hơn, các quốc gia sẽ không phải là những đối tượng duy nhất nhanh chóng sử dụng kỹ thuật này mà sẽ nằm trong tầm tay của bất kỳ hacker có trình độ nào. Hiện chưa có bất kỳ thông tin xác thực nào về việc tội phạm giả mạo tín hiệu GPS, nhưng tội phạm sẽ dễ dàng sử dụng kỹ thuật này để chuyển hướng một chiếc xe không người lái, hàng vận chuyển bằng UAV hoặc đánh cắp một chiếc tàu tự hoạt. Việc giả mạo sẽ cung cấp cùng một địa điểm cho tất cả những người bị ảnh hưởng, nên kẻ xấu chỉ cần có một hệ thống tầm ngắn để tác động đến một chiếc xe. Song ông Humphreys cho rằng giả mạo do các lực lượng của nhà nước mới là nguy cơ nghiêm trọng hơn. Ông Humphreys nói: “Nó đe dọa đến các hoạt động bảo vệ an toàn tính mạng con người trên biển cả. Trong vùng biển giao thông đông đúc có thời tiết xấu như eo biển Măng-sơ, nó có thể gây ra sự nhầm lẫn lớn và những va chạm”.

Humphreys cho rằng, sự cố Biển Đen cho thấy, một thiết bị mới có khả năng gây ra sự gián đoạn diện rộng nếu được sử dụng trong tranh chấp đang diễn ra với Ukraine. "Tôi cảm giác đây là một vụ thử nghiệm một hệ thống mà sẽ được sử dụng khi căng thẳng vào lúc nào đó”.
Long Xuyên