In bài này
Cuộc chiến 6 ngày: Bãi thử vũ khí tiên tiến của Liên Xô
Chủ Nhật, 11/06/2017 - 8:43 PM
Đúng 50 năm trước, ngày 10/6/1967, cuộc chiến tranh 6 ngày kết thúc - cuộc xung đột vũ trang ngắn nhất trong nửa cuối thế kỷ ХХ.

Israel phải chiến đấu chống lại cùng lúc 5 nước Arab là Ai Cập, Syria, Jorrdanie, Iraq và Algeria. Ngay vào đầu cuộc xung đột, nhà nước Do Thái non trẻ đã phá hủy được phần lớn các máy bay của không quân các nước kẻ thù và chính điều đó đã quyết định trước kết cục cuộc chiến. Israel đã giành thắng lợi thuyết phục, đánh chiếm được bán đảo Sinai, dải Gaza, Bờ Tây sông Jordan, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đối với khoa học quân sự không chỉ là chiến lược và chiến thuật của các bên xung đột, mà cả vũ khí mà họ sử dụng trong cuộc đối đầu này. Trong cuộc chiến 6 ngày, đã ra mắt các xe tăng và máy bay mới do Liên Xô và các nước NATO sản xuất mà sau này đã được sử dụng trong hàng chục cuộc xung đột khác trên thế giới. Thực chất, tại Cận Đông, công nghiệp quốc phòng Liên Xô và phương Tây đã không tiếc đạn dược để làm rõ trường phái thiết kế nào tốt hơn, hiện đại hơn và hiệu quả hơn. Nửa thế kỷ trước, cũng như ngày nay, người ta đã không thể trả lời dứt khoát cho câu hỏi này.

Т-55 chống lại Super Sherman

Các trận đánh tăng trong cuộc chiến 6 ngày đã đi vào lịch sử như những trận đánh quy mô nhất kể từ sau Thế chiến II. Hai bên đã tung vào trận hơn 2.500 xe tăng hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng. Đa số trong số đó vào năm 1967 đã bị coi là lạc hậu rõ ràng. Nhưng cũng có không ít xe tăng hiện đại.

Đầu những năm 1960, Liên Xô đã cung cấp cho Ai Cập và Syria mấy trăm xe tăng hạng trung tối tân vào thời gian đó là Т-55. Đây là xe tăng tiên tiến nhất: Т-55 là xe tăng sản xuất loạt đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống phòng chống nguyên tử tự động và xe tăng đầu tiên của Liên Xô được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực Drozd. Pháo nòng rãnh D-10T2S của T-55 có thế tiêu diệt hiệu quả khi bắn thẳng vào đầu xe đa số xe thiết giáp phương Tây, còn dáng thấp của xe đã cho phép xe tăng ẩn mình tốt trên các nếp gấp địa hình. Từ năm 1958-1979, Liên Xô đã sản xuất tổng cộng hơn 23.000 xe tăng Т-55 thuộc các biến thể.

Lực lượng xe tăng Israel nhìn chung cũng chẳng có gì đặc biệt mới. Nòng cốt của lực lượng này là các xe tăng Anh, Mỹ và Pháp thời Thế chiến II. Con bài chủ yếu của Israel khi bùng nổ xung đột là 177 xe tăng М-51 Super Sherman, một biến thể do Israel nâng cấp của tăng Mỹ M4. So với M4, M-51 được trang bị pháo mới 105 mm mạnh hơn, động cơ diesel Cummins VT8-460, bộ truyền lực tự động và xích xe rộng 23 inch. Ở khí hậu đặc thù Cận Đông, Super Sherman tỏ ra là xe tăng tin cậy và bền bỉ.

Mặc dù có các xe tăng Liên Xô T-55 và T-54 uy lực và hiện đại hơn, quân Ai Cập và Syria đã không thể sử dụng chúng đủ hiệu quả do thiếu các kíp xe được huấn luyện tốt và tinh thần chiến đấu thấp của họ. Trong vòng 6 ngày, quân Israel đã chiếm được tận những 82 chiếc T-55 hoàn toàn nguyên vẹn, mà sau khi cải tạo nhỏ đã được nhận vào trang bị của quân đội Israel với tên gọi Tiran. Tuy nhiên, lính xe tăng Ai Cập và Syria cũng đã gây cho đối phương tổn thất lớn.

Trận đánh tăng nổi tiếng nhất trong cuộc chiến 6 ngày diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8/6/1967. Tiểu đoàn tăng 19 của Israel trang bị xe tăng Pháp AMX-13 trên đường đi Ismailia đã đụng phải 2 tiểu đoàn Т-54 và Т-55 của Ai Cập. Nổ ra trận đánh gần. Bằng phát đạn đầu tiên, một chiếc Т-55 đã tiêu diệt một cối tự hành. Cơ số đạn phát nổ đã loại khỏi vòng chiến 7 xe bọc thép chở quân và 1 tăng АМХ-13. Các phát đạn tiếp theo đã tiêu diệt thêm 2 xe tăng Israel. Hỏa lực bắn trả đã không đem lại kết quả: vỏ giáp của xe tăng Liên Xô chống chịu tốt đạn xuyên giáp của АМХ-13. Một phân đội Supe Sherman đã đến cứu viện và bằng các phát đạn xuyên lõm đã tiêu diệt 10 chiếc Т-54 và Т-55. Chiến thắng thuộc về quân Israel.

Trên mặt trận Syria, quân Israel chịu tổn thất nặng hơn. Trong các trận đánh với xe tăng Liên Xô để giành giật Golan, quân Israel bị tổn thất 160 xe tăng Super Sherman và Centurion của Anh. Syria mất 73 xe tăng, trong đó có 10 Т-54 và Т-55. Một nửa trong số đó bị vứt bỏ ở trạng thái nguyên vẹn.

Nhìn chung, kinh nghiệm cuộc chiến 6 ngày đã một lần nữa chứng tỏ rằng, ngay cả những xe tăng hiện đại nhất nhưng với các kíp xe huấn luyện tồi thì vẫn thua trong các trận đấu tăng với các xe tăng lạc hậu hơn nhưng có kíp xe dày dạn kinh nghiệm. Ngoài ra, lực lượng tăng-thiết giáp của liên quân Arab lại thường xuyên bị máy bay cường kích và ném bom của Israel hành hạ. Ngay từ lúc này, người ta đã hoàn toàn nhận thức được rằng, trong các cuộc xung đột vũ trang tương lai, chiến thắng sẽ thuộc về kẻ có thể giành và duy trì ưu thế trên không.

MiG-21 chống lại Mirage

Trong cuộc chiến 6 ngày, Ai Cập đã lần đầu tiên sử dụng các máy bay tiêm kích thế hệ 3 MiG-21 của Liên Xô mà tại thời điểm đó là một trong những tiêm kích tiên tiến nhất thế giới. Mặc dù đại đa số các tiêm kích này đã bị các máy bay ném bom Israel tiêu diệt trên các sân bay ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến, một số phi đội đã sống sót và cất cánh chiến đấu. Đối thủ chính của các tiêm kích Arab là Mirage III của Israel do hãng Dassault của Pháp sản xuất, vốn cũng lần đầu xuất trận.

Cả 2 tiêm kích này đã thể hiện khả năng cơ động và tính năng tốc độ tốt. Nhưng trong trong các trận không chiến, MiG-21 đã tỏ ra hiệu quả hơn nhờ các tên lửa không đối không tầm ngắn chính xác R-13. Trong ngày đầu chiến tranh, phi công Ai Cập A. Musri đã bị 2 chiếc Mirage của Israel công kích. Musri đã quyết định giao chiến và bay tiếp cận đối phương. Musri đã phóng 2 tên lửa vào các máy bay địch ở cự ly cực gần và đã tiêu diệt được cả 2 máy bay Mirage. Tuy nhiên, ông đã không kịp ăn mừng chiến thắng vì khi hạ cánh xuống sân bay, chiếc MiG của ông đã để một càng thụt xuống hố bom và bị nổ. Musri không kịp phóng ghế nhảy dù thoát hiểm. Cũng vì lý do đó, 2 chiếc MiG-21 đã nổ tung khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Hurghada một ngày sau đó, nhưng các phi công đã kịp thời rời khỏi máy bay.

Trong cuộc chiến tranh 6 ngày, Ai Cập, Syria và Iraq đã tổn thất trong các trận không chiến tổng cộng 19 tiêm kích MiG-21. Một trong số đó bị tên lửa S-75 (SAM-2) của Ai Cập bắn nhầm ngay sau khi giành chiến thắng trước một máy bay Israel. Trong các trận giao tranh với tiêm kích Liên Xô, Israel đã mất khoảng 8-10 chiếc Mirage. Nếu xét đến ưu thế áp đảo hoàn toàn về số lượng của Không quân Israel, thì các phi công Arab đã thể hiện rất xuất sắc.

Tuy nhiên, các trận không chiến trong cuộc chiến 6 ngày đã làm phát lộ một xu hướng giống như trên mặt đất: các phi công của liên quân Arab, mặc dù có ưu thế về công nghệ, đã được huấn luyện kém hơn nhiều đối phương và đã không thể phối hợp hiệu quả với lực lượng phòng không bên mình và với nhau. Phi công không chiến bậc thầy nổi tiếng Eitan Carmi của Israel trong một cuộc phỏng vấn sau chiến tranh đã công khai thừa nhận: nếu như sau tay lái của những chiếc MiG là các phi công Liên Xô thì cuộc chiến tranh đã có thể kết thúc hoàn toàn khác.
Bảo Chương