In bài này
Phòng không lục quân Trung Quốc
Chủ Nhật, 04/06/2017 - 3:42 PM
Thực lực phòng không của lục quân Trung Quốc.
Hệ thống tên lửa phòng không cơ động HQ-7 - biến thể sản xuất theo giấy phép của hệ thống tên lửa phòng không Crotale của Pháp (www.81.cn)
Phòng không lục quân, theo các nguồn Trung Quốc, dùng để tác chiến bảo vệ các cụm quân và mục tiêu ở hậu phương trước các cuộc tiến công của các phương tiện tiến công đường không và có thể cả tiến công từ vũ trụ của đối phương. Phòng không lục quân được tổ chức khi tiến hành các chiến dịch ở quy mô và loại hình bất kỳ trong tất cả các hình thức tác chiến, khi lực lượng đang di chuyển hay triển khai ở nơi đóng quân.

Từ cảnh báo đến tiêu diệt

Phòng không lục quân bao gồm các lực lượng và phương tiện trinh sát địch trên không, cảnh báo khi địch tiếp cận cho các lực lượng cần bảo vệ, các binh đoàn và đơn vị pháo phòng không và pháo-tên lửa phòng không, các tác chiến điện tử. Các lực lượng và phương tiện phòng không lục quân tiêu diệt các máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật, máy bay không người lái và các phương tiện tiến công đường không khác. Các phương tiện hiện đại nhất của phòng không lục quân có thể giải quyết ở mức độ hạn chế các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa trên chiến trường.

Trong 10-15 năm gần đây, Trung Quốc đã đạt những thành tựu quan trọng trong mở rộng khả năng chiến đấu của phòng không, trong đó có phòng không lục quân. Họ đã phát triển và nhận vào trang bị các phương tiện tác chiến phòng không hiện đại, hiệu quả cao, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay cơ động bay ở độ cao trung bình, nhỏ và siêu nhỏ. Hiện nay, trong trang bị của lực lượng phòng không của lục quân Trung Quốc, ngoài pháo phòng không với hơn 7.376 hệ thống pháo và tên lửa phòng không mang vác, còn có các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn, trung và xa mà tổng số lên tới hơn 296 hệ thống.

Cuối thập kỷ 1990, phòng không lục quân Trung Quốc nhận vào trang bị các hệ thống tên lửa phòng không Hồng kỳ-7 (HQ-7), biến thể sản xuất theo giấy phép của hệ thống tên lửa phòng không Crotale của Pháp. Trong biên chế, hiện có 200 hệ thống này ở các biến thể khác nhau. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc đã mua từ Nga hệ thống tên lửa phòng không cơ động cấp tiểu đoàn 9K331 Tor-M1 và sau đó đã chế tạo một hệ thống tương tự với tên gọi Hồng kỳ-17 (HQ-17). Các hệ thống tên lửa phòng không họ Tor dành riêng để tác chiến với các phương tiện tiến công đường không hiện đại, bao gồm cả vũ khí chính xác cao như: tên lửa chống radar, bom liệng có điều khiển, các mục tiêu khí động cao tốc cơ động, có người lái và không người lái... Trong biên chế phòng không lục quân Trung Quốc hiện có 24 hệ thống này.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-17 gồm các xe chiến đấu sử dụng khung gầm xích đặc chủng, việt dã cao. Xe chiến đấu được trang bị 8 tên lửa phòng không có điều khiển bố trí trong 2 thùng phóng, mỗi thùng chứa 4 tên lửa, cũng như radar trinh sát và điều khiển cho phép phát hiện và nhận dạng mục tiêu bay của đối phương, cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu để chặn đánh và bám mục tiêu và truyền các tọa độ mục tiêu đến hệ thống chỉ huy chiến đấu của bệ phóng, cũng như các khí tài quang. Trạm radar này có thể tiến hành chiếu xạ mục tiêu và tên lửa bằng bức xạ liên tục. Radar trinh sát và điều khiển được tích hợp vào hệ thống cho poheps phát hiện máy bay ở cự ly đến 27 km, bay ở dải độ cao 30-6.000 m, các trực thăng ở cự ly đến 20 km, các máy bay không người lái, kể cả loại cỡ nhỏ ở cự ly đến 15 km. Xác suất diệt mục tiêu khí động ở cự ly đến 15 km trung bình là 0,8. Khả năng chiến đấu của HQ-17 cho phép bảo vệ hiệu quả các mục tiêu trải dài và mục tiêu điểm ở cách trận địa chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không 8-10 km.

Sao chép các hệ thống Shtil và S-300

Năm 2011, phòng không lục quân Trung Quốc nhận vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Hồng kỳ-16A (HQ-16A) và về thực chất, là biến thể lục quân của hệ thống tên lửa phòng không hạm tàu HHQ-16. Còn HHQ-16 lại là sự phát triển tiếp theo của hệ thống tên lửa phòng không hạm tàu Shtil của Liên Xô. Phòng không lục quân Trung Quốc hiện được trang bị 24 hệ thống HQ-16A.

Tên lửa của hệ thống НQ-16A được phóng thẳng đứng từ ống phóng. Hệ thống có thể tiêu diệt mục tiêu khí động bay ở cả độ cao lớn, lẫn độ cao nhỏ ở cự ly đến 40 km. Xét về khả năng chiến đấu, HQ-16A nằm giữa các hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-7 và tầm xa HQ-9. Một tiểu đoàn HQ-16A được biên chế một sở chỉ huy, radar phát hiện và 3 đại đội hỏa lực. Mỗi đại đội có 1 radar chiếu xạ và điều khiển, và 4 bệ phóng lắp trên khung gầm ô tô bánh lốp 6x6, mỗi bệ mang 6 tê lửa phòng không có điều khiển.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-16A có khả năng tiêu diệt máy bay ở tầm 3,5-40 km, tên lửa hành trình ở tầm 3,5-12 km. Độ cao tiêu diệt mục tiêu tối thiểu là 15 m, tối đa là 15.000 m. Xác suất diệt mục tiêu dạng máy bay là hơn 0,6. Theo các nguồn Trung Quốc, radar của hệ thống định kỳ chiếu xạ mục tiêu nên gây khó khăn cho máy bay địch sử dụng tên lửa chống radar. Radar có khả năng chống nhiễu cao và có khả năng dẫn tên lửa phòng không có điều khiển đồng thời đến 4 mục tiêu bằng cách sử dụng hệ dấn quán tính ở giai đoạn bay đầu và đầu tự dẫn radar bán chủ động ở giai đoạn bay cuối trong điều kiện đối phương sử dụng nhiều phương tiện tác chiến điện tử. Nhờ đó mà vùng sát thương đối với mục tiêu khí động đã tăng lên đáng kể.

Hiện đại nhất và hiệu quả nhất trong các hệ thống phòng không của lục quân Trung Quốc là các hệ thống tên lửa phòng không chiến trường cơ động mua từ Nga S-300V (9K81). Các hệ thống này và biến thể sao chép trái phép là Hồng kỳ-18 (HQ-18) có vai trò quan trọng trong phòng không lục quân. Khả năng chiến đấu của hệ thống này cho phép giải quyết hiệu quả không chỉ các nhiệm vụ bảo vệ các cụm quân (lực lượng), cũng như các mục tiêu quan trọng tại chiến trường và hậu phương, mà cả các trung tâm lãnh đạo nhà nước và chỉ huy quân đội, các cơ sở hành chính-công nghiệp cấp độ quốc gia, hỗ trợ và phối hợp với hệ thống tên lửa phòng không НQ-15 (S-300PMU1) vốn nằm trong biên chế lực lượng phòng không của không quân Trung Quốc mà thực chất là lực lượng phòng không/phòng thủ tên lửa quốc gia. Trung Quốc đã mua các hệ thống này của Nga, sau đó đã chế tạo các biến thể sao chép trái phép có nhiều tính năng thua kém nguyên bản. Hiện nay, lực lượng phòng không/phòng thủ tên lửa của thủ đô Bắc Kinh vẫn được biên chế các hệ thống do Nga sản xuất.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-15 bao gồm:

- 2 xe bệ phóng, mỗi bệ mang 4 tên lửa phòng không có điều khiển hạng nhẹ, các xe bệ phóng mang 2 tên lửa, các xe phóng-nạp đạn mang tên lửa phòng không có điều khiển hạng nặng;

- Radar nhìn vòng có thể phát hiện máy bay ở tầm đến 240 km, các tên lửa đường đạn Scud ở cự ly đến 150 km (tên lửa đường đạn Lance ở tầm đến 95 km) trong điều kiện có đối kháng điện tử;

- Radar quan sát có thể phát hiện mục tiêu khí động cao tốc khi có đối kháng điện tử ở tầm đến 175 km;

- Radar điều khiển đa kênh cho phép dẫn 12 tên lửa đến 6 mục tiêu, với tầm phát hiện máy bay đến 150 km và tên lửa đường đạn đến 60 km;

- Sở chỉ huy cơ động.

Một trung đoàn HQ-15 được biên chế 4 hệ thống tên lửa phòng không, mỗi hệ thống có 6 bệ phóng và 6 xe phóng-nạp đạn và một trạm radar điều khiển tên lửa.

Đối phó với mối đe dọa siêu vượt âm

Các chuyên gia Trung Quốc từ khá lâu đã tiến hành nghiên cứu chế tạo các phương tiện tác chiến chống các hệ thống tên lửa siêu vượt âm và đã đạt được tiến bộ lớn trên hướng này.

Một thành tựu quan trọng của các chuyên gia Trung Quốc là đưa vào đầu tự dẫn của các biến thể tên lửa phòng không mới nhất chế độ đặc biệt định vị nguồn gây nhiễu tích cực và tự dẫn đến nó. Việc bổ sung chế độ này làm tăng mạnh khả năng chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không, cho phép tiếp nhận thông tin chỉ thị mục tiêu bổ sung khi máy bay có người lái và không người lái của đối phương tiến hành tác chiến điện tử vì bản thân nhiễu cũng là nguồn thông tiun bổ sung để dẫn tên lửa phòng không chính xác hơn.

Các chuyên gia Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm và phát triển các hình thức và phương pháp mới sử duingj các phương tiện phòng không/phòng thủ tên lửa trong điều kiện chiến tranh lấy mạng làm trung tâm. Cụ thể, để nâng cao hiệu quả và khả năng sống còn của lực lượng phòng không/phòng thủ tên lửa, họ đang nghiên cứu khả năng lập các cụm lực lượng và phương tiện phòng không/phòng thủ tên lửa kiểu module, gồm các loại hệ thống và tổ hợp được hợp nhất vào một hệ thống thông tin chung với một trung tâm chỉ huy chiến đấu duy nhất. 

Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc sử dụng hệ thống module cho phép xây dựng hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nhiều lớp, nhiều thê đội, tin cậy, cho phép phát hiện và sử dụng ở thời gian tiếp cận tối đa thực chính những phương tiện dùng để đối phó với các mục tiêu khí động cụ thể ở độ cao và cự ly hiệu quả nhất để tiêu diệt chúng, phản ứng linh hoạt nhất với những thay đổi cả về tính chất mối đe dọa đường không-vũ trụ và tình huống chiến đấu cụ thể.



Long Xuyên