In bài này
Chiến khu Bắc quân đội Trung Quốc
Thứ Bẩy, 03/06/2017 - 3:59 PM
Việc nghiên cứu Chiến khu Bắc của quân đội Trung Quốc, tổ chức quân sự chịu trách nhiệm về địa bàn Đông Bắc Á giúp ta hiểu rõ hơn những lợi ích của Trung Quốc tại khu vực này và đặc biệt là đối với bán đảo Triều Tiên.
Bảo vệ cửa ngõ phía bắc

Mỗi chiến khu của Trung Quốc được xác định bởi vị trí địa lý của nó và các đường biên giới quốc tế mà nó bảo vệ. Chiến khu Đông phần lớn tập trung vào Đài Loan. Chiến khu Tây bảo vệ biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và bảo vệ sự ổn định nội địa và chống khủng bố xuất phát từ Trung Á. Chiến khu Nam phụ trách Biển Đông, còn Chiến khu Trung tâm bảo vệ Bắc Kinh và tăng cường cho các chiến khu khác

Vai trò của chiến khu Bắc cũng được quy định tương tự bởi địa lý và quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Chiến khu Bắc bao trùm 5 tỉnh: Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Sơn Đông. Nội Mông hình lưỡi liềm và cấu thành phần lớn biên giới phía bắc của Trung Quốc với Mông Cổ. Hắc Long Giang cấu thành phần lớn biên giới đông bắc với Nga và được đặt tên theo tên Trung Quốc của con sông Amur River  (黑龙江) chia cách hai nước. Tỉnh Cát Lâm gồm một phần giữa khu vực Đông Bắc và nửa phóa đôngh của đường biên giới với Bắc Triều Tiên. Tỉnh Liêu Ninh uốn cong ôm lấy vịnh Bột Hải và tiếp giáp cả tỉnh Hà Bắc (vốn bao quanh Bắc Kinh và Thiên Tân) và nửa phía tây của biên giới với Bắc Triều Tiên. Liêu Ninh cũng bao gồm khu vực địa lý chiến lược kết nối Bắc Kinh với phần còn lại của Đông Bắc. Địa bàn chiến lược này đã định hình các sự kiện lịch sử và thậm chí ngày nay vẫn quyết định việc triển khai một số đơn vị quân đội Trung Quốc.

Ở tỉnh Liêu Ninh, Cẩm Châu kiểm soát lối vào đầu đông bắc của Sơn Hải Quan, một phần của “Hành lang Liêu Tây” (辽西走廊) kết nối giao thông đường bộ giữa vùng Hoa Bắc và Đông Bắc Trung Quốc. Đầu kia được bảo vệ bởi Sơn Hải Quan (山海关), một cửa quan trên Vạn lý trường thành nằm giữa dãy Khingan (大兴安岭 – Đại Hưng An Lĩnh) về phía bắc và vịnh Bột Hải về phía nam. 

Thất bại của nhà Minh tại Sơn Hải Quan năm 1644 đã mở toang con đường vào Bắc Kinh và sau đó là vào Trung Quốc rộng lớn hơn, mở đường cho thắng của nhà Thanh. Các lực lượng Quốc dân đảng và Cộng sản đã giao tranh trên cùng một địa hình trong nội chiến Trung Hoa, đặc biệt là trong chiến dịch Bình Tân (平津 战役) kết thúc bằng việc quân cộng sản kiểm soát Bắc Kinh và lập ra nước CHND Trung Hoa vào năm 1949. Ngay cả ngày nay, các đơn vị quân đội Trung Quốc vẫn được triển khai để bảo vệ nút cổ chai chiến lược này.

Về phía đông nam là sông Áp Lục, tạo thành một nửa phía tây quan trọng của biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Nó đã trở thành yếu tố kích động sự tham gia của Trung Quốc vào chiến tranh Triều Tiên (còn gọi là “Kháng Mỹ, viện Triều”, 抗美援朝 战争). Sự can thiệp của Trung Quốc vào tháng 10 năm 1950 khi các lực lượng Liên Hiệp Quốc tiến sát sông Áp Lục đã làm thay đổi diện mạo chiến lược của Đông Bắc Á. Các lực lượng Trung Quốc cùng với sự yểm trợ không quân của Liên Xô đã đẩy lùi quân Liên Hợp Quốc và sau một loạt các cuộc tấn công và phản công đã kết thúc bằng sự đình chiến khi hai bên đều chiếm giữ một đường ranh giới tiếp giáp với vĩ tuyến 38. Theo Hiệp định đình chiến (không phải là kết thúc chiến tranh) và do mối đe dọa quân sự của Triều Tiên, Mỹ duy trì 28.500 quân (hoặc nhân viên) đóng tại Hàn Quốc. Đối với Trung Quốc, đường biên giới dài 1.300 km với Bắc Triều Tiên là một nguồn chính gây mất ổn định đối với Trung Quốc. (China Brief, 9/1/2015).

Xa hơn về phía bắc, sông Ussuri (乌苏里江) đã trở thành chủ đề căng thẳng trong những năm 1960. Quan hệ Trung-Xô đã xấu đi vào giữa thập niên 1950, cuối cùng lên đến đỉnh điểm trong cuộc xung đột ngắn ngủi trên đảo Trân Bảo (đảo Damansky, 珍宝岛) có tiềm năng leo thang thành cuộc xung đột rộng lớn hơn. Các đánh giá về mối đe dọa đã giải mật lại cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã giám sát chặt chẽ việc tăng cường lực lượng trong khu vực trước và ngay sau cuộc xung đột. Sự bố trí lực lượng Trung Quốc ở giai đoạn này tập trung vào việc phản công sau một cuộc tấn công của Liên Xô theo nhiều trục - từ phía Tây của CHXHCN Xô-viết Kazakhstan, một cuộc tiến công xuyên qua Mông Cổ hướng về Bắc Kinh và một cuộc tấn công nhiều hướng xuyên qua vùng đông bắc Trung Quốc. Hiểu rõ thực lực của mình và áp dụng các chiến lược “Lừa địch vào sâu” (诱敌 深入) và “Phòng thủ tích cực” của Trung Quốc, các lực lượng Trung Quốc được dồn về từ biên giới để tận dụng lợi thế về chiều sâu chiến lược của Trung Quốc [1]. Theo một Dự báo tình báo quốc gia (National Intelligence Estimate) năm 1973 của Mỹ được giải mật: Bắc Kinh lựa chọn không đối đầu với các lực lượng Liên Xô trực tiếp dọc theo biên giới mà thay vào đó, Trung Quốc đã xây dựng các khu vực kiên cố ở địa hình phòng thủ tốt ở khá xa biên giới để bù đắp một phần trước sức cơ động và hỏa lực mạnh hơn của lực lượng Liên Xô [2].

Trung Quốc đã không thay đổi Phương châm chiến lược (战略 方针) của mình cho phù hợp với sự cải thiện quan hệ với Liên Xô cho đến tận năm 1985. Điều thú vị là sự tập trung lực lượng về phía Nam, xa biên giới với Nga dường như không thay đổi đáng kể kể từ năm 1973. Khi nào Trung Quốc chuyển đổi các đại quân khu của mình thành chiến khu vào cuối năm 2015 cũng làm thay đổi trật tự lễ nghi, đưa Chiến khu Bắc từ vị trí quan trọng nhất của đại quân khu tiền nhiệm xuống vị trí thứ 4 sau các chiến khu Đông, Nam và Tây, cho thấy mối đe dọa từ Nga đã giảm đi, trong khi tầm quan trọng của Đài Loan, Biển Đông và biên giới Trung Quốc với Trung Á đã tăng lên. Tuy nhiên, tầm quan trọng kinh tế của khu vực vẫn không thay đổi.

Kinh tế

Một yếu tố bổ sung cho tầm quan trọng chiến lược của Đông Bắc Trung Quốc là các nguồn lực kinh tế phong phú. Khu vực này có tài nguyên khoáng sản rất lớn. Ngành than có sự hiện diện lớn ở đây và Đại Khánh ở tây bắc Cáp Nhĩ Tân là nơi có mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc. Việc khám phá ra mỏ dầu này vào cuối thập niên 1950 đã giúp nền kinh tế công nghiệp của Trung Quốc phát triển nhanh hơn (CNPC, [truy cập ngày 4/5/2017]). Vùng này cũng là vựa lương thực quan trọng (China Brief, 1/6/2016). Các trang trại Trung Quốc chạy sát tới biên giới với Nga và các nhà đầu tư Trung Quốc thậm chí đã mua những vùng đất trong nước Nga, khiến Nga lo ngại khả năng Trung Quốc chiếm đất (Moscow Times, 14/4/2017). Tuy nhiên, thương mại Trung Quốc với Nga đang tăng lên, trong năm 2016, thương mại song phương đạt 65 tỷ USD càng nhấn mạnh tầm quan trọng của các đầu mối đường sắt biên giới như Suifenhe (绥芬河, Tuy Phân Hà) (MOFCOM, 16/1/2017). Khu vực này cũng rất quan trọng đối với thương mại hàng hải của Trung Quốc và Chiến khu Bắc bao gồm hoặc bảo vệ 4 trong số 10 cảng lớn nhất của Trung Quốc gồm Thiên Tân, Đường Sơn, Thanh Đảo và Đại Liên (Global Times, 20/8/2015). 

Như có thể thấy trên bản đồ dưới đây, 140 triệu người Trung Quốc sống ở Đông Bắc Trung Quốc sống với mật độ khá cao nằm miền trung Đông Bắc và dọc theo bờ vịnh Bột Hải. Đáng chú ý là các khu vực đông dân nhất tập trung quanh Trường Xuân, Thẩm Dương và Đại Liên, đều ở gần Bắc Triều Tiên và sẽ bị ảnh hưởng khi bùng phát xung đột trên bán đảo Triều Tiên. 
  
Bờ biển phía tây bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là bến vượt sông Đan Đông là tuyến đường chính cho thương mại và sẽ là hướng tiến quân chủ yếu khi có khủng hoảng. Chiến khu Bắc có nhiệm vụ bảo vệ khu vực trọng yếu này và thành phần và cách thức triển khai của chiến khui này phản ánh nhiệm vụ đó.

Cơ cấu của Chiến khu Bắc

Trong khi các đơn vị của Chiến khu Bắc ở Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm đều là các đơn vị của đại quân khu Thẩm Dương trước đây, còn các đơn vị ở tỉnh Sơn Đông thì trước đây lại thuộc đại quân khu Tế Nam. Bị chia cắt về địa lý với từ các đơn vị khác trong Chiến khu Bắc bởi vịnh Bột Hải, việc đưa Sơn Đông vào Chiến khu Bắc có một ý nghĩa chiến lược. Đặc biệt là trong kịch bản liên quan đến bán đảo Triều Tiên, hoặc một kịch bản phòng thủ liên quan đến bảo vệ khu vực thủ đô, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Trong một số kịch bản khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, việc di chuyển quân từ Sơn Đông bằng tàu và máy bnay có thể cần thiết. Các đơn vị phòng không và không quân tạo ra một vùng đệm giữa Bắc Kinh và Hoàng Hải sẽ cần để phối hợp các đơn vị trên cả hai bên bán đảo.

Phản ánh sự cần thiết phải phối hợp chung, cấu trúc chỉ huy cao nhất Chiến khu Bắc bao gồm các thành viên của hai quân chủng. Tư lệnh Chiến khu Bắc, Tống Phổ Tuyển (宋 普选, Song Puxuan) là một sĩ quan Lục quân, trong khi Chính ủy Phạm Kiêu Tuấn (范 骁 骏, Fan Xiaojun) lại là sĩ quan Không quân (Pengpai, 17/4/2017). Trước khi đảm nhiệm vị trí hiện tại, Tống Phổ Tuyển đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng, trong đó có Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Trung Quốc và Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh. Sự nghiệp của tướng Phạm Kiêu Tuấn bao gồm một số vị trí nổi bật, trong đó có vị trí chính ủy Quân đoàn dù 15 và Cục trưởng Cục Chính trị và công tác chính trị Không quân Trung Quốc (Baidu Baike, truy cập 4/5/2017).

Mới đây, quân đội Trung Quốc đã công bố việc tiếp tục cải tổ nhằm giảm số quân đoàn từ 18 xuống còn 13 và áp dụng hệ thống phiên hiệu mới (mod.gov.cn, 27/4/2017. Trong số lực lượng bị giải thể có quân đoàn 40 ở Cẩm Châu. Chiến khu Bắc do đó chỉ còn quân đoàn 26 (nay là quân đoàn 79) tại Duy Phường (Weifang), quân đoàn 16  (quân đoàn 78) ở Trường Xuân (Changchun) và quân đoàn 39 (quân đoàn 80) ở Liêu Dương (Liaoyang). Trong khi việc tái cấu trúc có thể làm thay đổi hơn nữa các đơn vị trong Chiến khu Bắc, bài báo này và bản đồ đi kèm sẽ sử dụng các tên gọi cũ của các đơn vị này vì hiện có ít thông tin bổ sung về hệ thống mới. Động thái này, cũng như các khía cạnh khác của việc tái tổ chức thành các chiến khu là nhằm sắp xếp công tác chỉ huy và kiểm soát, giải thể các đơn vị lục quân trang bị các hệ thống cũ hơn và loại bỏ các cấp không cần thiết (China Brief, 4/2/2016).
CÁC ĐƠN VỊ THUỘC CHIẾN KHU BẮC
Lục quân
Quân đoàn 16, Trường Xuân, Cát Lâm:
1. Sư đoàn Hồng quân bộ binh mô tô hóa số 46, Trường Xuân, Cát Lâm;
2. Lữ đoàn mô tô hóa số 48, Thông Hóa, Cát Lâm;
3. Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 68, Tề Tề Cáp Nhĩ, Hắc Long Giang;
4. Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 69, Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang;
5. Lữ đoàn thiết giáp số 4, Mai Hà Khẩu (Meihekou), Thông Hóa, Cát Lâm;
6. Lữ đoàn pháo binh số 10, Diên Biên (Yanbian), Cát Lâm;
7. Lữ đoàn phòng không, Trường Xuân, Cát Lâm;
8. Lữ đoàn tác chiến đặc biệt số 67, Thẩm Dương, Liêu Ninh.
Quân đoàn 26, Duy Phường, Sơn Đông:
9. Lữ đoàn bộ binh mô tô hóa số 138, Lai Dương (Laiyang), Yên Đài (Yantai), Sơn Đông;
10. Lữ đoàn bộ binh mô tô hóa số 199, Truy Bác (Zibo), Sơn Đông;
11. Lữ đoàn bộ binh mô tô hóa số 77, Hải Dương (Haiyang), Yên Đài, Sơn Đông;
12. Lữ đoàn thiết giáp số 8, Xương Lạc (Changle), Duy Phường, Sơn Đông;
13. Lữ đoàn pháo binh số 8, Duy Phường, Sơn Đông;
14. Lữ đoàn phòng không, Tế Nam (Jinan);
15. Trung đoàn không quân lục quân số 7, Liêu Thành (Liaocheng), Sơn Đông.
Quân đoàn 39, Liêu Dương, Liêu Ninh:
16. Lữ đoàn bộ binh số 115, Ngõa Phòng Điếm (Wafangdian), Đại Liên, Liêu Ninh;
17. Sư đoàn bộ binh cơ giới số 116, An Sơn, Liêu Ninh;
18. Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 190, Bản Khê (Benxi), Liêu Ninh;
19. Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 202, Từ Bình (Siping), Cát Lâm;
20. Lữ đoàn bộ binh mô tô hóa số 203, Dinh Khẩu (Yingkou), Liêu Ninh;
21. Lữ đoàn thiết giáp số 3, Tứ Bình, Cát Lâm;
22. Lữ đoàn pháo binh số 7, Liêu Dương, Liêu Ninh;
23. Lữ đoàn không quân lục quân số 9, Liêu Dương, Liêu Ninh;
24. Lữ đoàn phòng không, Liêu Dương, Liêu Ninh;
25. Lữ đoàn tác chiến đặc biệt, Liêu Dương, Liêu Ninh.
Quân đoàn 40, Cẩm Châu, Liêu Ninh:
26. Lữ đoàn bộ binh cơ giới nhẹ số 118, Cẩm Châu, Liêu Ninh;
27. Lữ đoàn bộ binh mô tô hóa số 119, Xích Phong, Nội Mông;
28. Lữ đoàn bộ binh mô tô hóa số 191, Đan Đông, Liêu Ninh;
29. Lữ đoàn thiết giáp số 5, Phụ Tân (Fuxin), Liêu Ninh;
30. Lữ đoàn pháo binh số 11, Cẩm Châu, Liêu Ninh;
31. Lữ đoàn phòng không số 7, Cẩm Châu, Liêu Ninh.

Không quân 
32. Sở chỉ huy không quân Trường Xuân, Trường Xuân, Cát Lâm;
33. Sư đoàn không quân cường kích số 11, Tứ Bình, Cát Lâm;
34. Lữ đoàn không quân số 88, Đông Cảng (Donggang), Đan Đông, Liêu Ninh;
35. Lữ đoàn không quân số 90, Ngõa Phòng Điếm, Đại Liên, Liêu Ninh;
36. Lữ đoàn không quân số 91, Liễu Hà (Liuhe), Thông Hóa, Cát Lâm;
37. Sư đoàn không quân tiêm kích số 1, An Sơn, Liêu Ninh;
38. Sư đoàn không quân tiêm kích số 21, Đan Đông, Liêu Ninh;
39. Lữ đoàn tên lửa phòng không, Thẩm Dương, Liêu Ninh;
40. Lữ đoàn phòng không, An Sơn, Liêu Ninh;
41. Sư đoàn không quân tiêm kích số 12, Uy Hải (Weihai), Sơn Đông;
42. Sư đoàn không quân cường kích số 5, Duy Phường, Sơn Đông;
43. Lữ đoàn tên lửa phòng không, Thành Dương (Chengyang), Sơn Đông;
Hải quân
44. Sư đoàn không quân hải quân số 2, Đại Liên, Liêu Ninh;
45. Sư đoàn không quân hải quân số 5, Yên Đài, Sơn Đông;
46. Lữ đoàn phòng không, Thanh Đảo, Sơn Đông;
47. Căn cứ tàu ngầm số 1, Lao Sơn (Laoshan), Thanh Đảo, Sơn Đông;
48. Chi đội tàu ngầm số 2, Thanh Đảo, Sơn Đông;
49. Chi đội tàu khu trục số 1, Thanh Đảo, Sơn Đông;
50. Chi đội tàu khu trục số 10, Đại Liên, Liêu Ninh;
51. Chi đội tàu ngầm số 12, Lữ Thuận Khẩu (Lushunku), Đại Liên, Liêu Ninh;
52. Chi đội tàu bảo đảm chiến đấu số 1, Thanh Đảo, Sơn Đông;
53. Trung đoàn tên lửa chống hạm, Thanh Đảo, Sơn Đông;
Lực lượng tên lửa
54. Căn cứ 51, Thẩm Dương, Liêu Ninh;
55. Lữ đoàn bệ phóng số 810, Đại Liên, Liêu Ninh;
56. Lữ đoàn bệ phóng cơ động số 816, Thông Hóa, Cát Lâm;
57.  Lữ đoàn bệ phóng số 822, Lai Vu (Laiwu), Sơn Đông; 


Lục quân: Quân đoàn 16, Trường Xuân, Cát Lâm:

 


Lục quân

Quân đoàn 39 có sở chỉ huy tại Liêu Dương, Liêu Ninh, chủ quản một số đơn vị nâng cấp và tiên tiến. Ví dụ, Lữ đoàn không quân lục quân số 9 được biên chế các trực thăng tiến công mới Z-19 và Z-10. Một lữ đoàn thiết giáp được hậu thuẫn bởi ít nhất 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới, cũng như các lữ đoàn pháo binh và phòng không. Chiến khu Bắc cũng có 1-2 đơn vị tác chiến đặc biệt. Là nòng cốt của hệ thống quân đoàn được tái cấu trúc ở Đông Bắc Trung Quốc, quân đoàn lớn và hùng mạnh này có thể được mở rộng đáng kể và đã đơn giản hoá khả năng chỉ huy đối với khu vực biên giới rộng lớn với Bắc Triều Tiên và Nga.

Là một bộ phận của đại quân khu Tế Nam trước đây, quân đoàn 26 ở Duy Phường, giữa tỉnh Sơn Đông có số đơn vị trang bị tốt ít hơn so với các quân đoàn khác. Tuy nhiên, quân đoàn đã tiến hành nhiều cuộc tập trận liên hợp, kể cả đổ bộ đường biển lên bán đảo Liêu Ninh. Quân đoàn có 3 lữ đoàn mô tô hóa, mặc dù có một số lý do để tin rằng, các lữ đoàn này đang bị giảm bớt hoặc, trong một trường hợp, chuyển sang Hải quân để tạo thành nòng cốt cho một lữ đoàn lính thủy đánh bộ mới (China Defense, 15/2/2017). Đã có nhiều đồn đoán cho rằng, mỗi ham đội trong số 3 hạm đội của Trung Quốc sẽ có 1 lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Ít nhất 3 đơn vị phòng không cấp lữ đoàn thuộc Lục quân, Không quân và Hải quân được triển khai để bảo vệ không phận quan trọng bên trên Thanh Đảo và eo biển Bột Hải. Các khu vực trọng yếu hơn đã nhận được một số lượng lớn tên lửa phòng không chiến lược tiên tiến, nhưng một số, đáng chú ý là căn cứ không quân trên một hòn đảo nằm giữa eo biển Bohai vẫn sử dụng các tên lửa phòng không cổ lỗ HQ-2 (S-75/SA-2).

Quân đoàn 16 có sở chỉ huy tại Trường Xuân, nằm trên tuyến đường sắt quan trọng kết nối giữa hai nửa tây nam và đông bắc của vùng Đông Bắc Trung Quốc. Các lữ đoàn cơ giới hóa triển khai khá xa biên giới với Nga chiếm lĩnh vị trí tương tự ở Tề Tề Cáp Nhĩ (Qiqihar) và Cáp Nhĩ Tân ở phía bắc. Các nút mạng lưới đường sắt và đường cao tốc tỏa ra từ hai nơi này cho phép phản ứng nhanh chóng với các cuộc xâm nhập, trong khi tối đa hóa chiều sâu chiến lược tự nhiên của Trung Quốc ở khu vực này. Phía đông Cáp Nhĩ Tân có tuyến đường sắt mà Nhật Bản và Nga đã tranh giành đánh nhau hơn một thế kỷ trước tạo thành tuyến đường liên kết thương mại chính đến Nga, vượt qua biên giới tại Tuy Phân Hà (Suifenhe) và lượn xuống phía nam Nga để đến thành phố lớn nhất của Nga ở Viễn Đông là Vladivostok. Một lữ đoàn thiết giáp đóng ở gần biên giới Nga hoặc Bắc Triều Tiên để phản ứng với các tình huống khẩn cấp được trang bị loại xe tăng chủ lực Type 99 tiên tiến của Trung Quốc cũng như loại xe tăng tiêu chuẩn Type 96B.

Trước khi được cải tổ chức/giảm quân, quân đoàn 40 chủ yếu gồm các đơn vị trang bị nhẹ, với các lữ đoàn mô tô hóa ở Xích Phong (Chifeng), Nội Mông và Đan Đông, Liêu Ninh, nhưng chủ yếu tập trung tại thành phố chiến lược Cẩm Châu, một điểm cuối của tuyến đường chiến lược đến Bắc Kinh. Điều quan trọng là quân đoàn này không có một đơn vị không quân lục quân hay tác chiến đặc biệt nào, điều cho thấy nó là đơn vị ưu tiên thấp. Theo tổ chức mới, các đơn vị này nhiều khả năng sẽ bị giải thể, hoặc sáp nhập vào quân đoàn kế nhiệm quân đoàn 39. Các đơn vị mô tô hóa trong một thời gian đã là tâm điểm cắt giảm, chuyển sang Cảnh sát vũ trang nhân dân, hoặc nâng cấp thành các đơn vị cơ giới hoá. Với vị trí chiến lược, một số đơn vị như Lữ đoàn thiết giáp số 5 nhiều khả năng vẫn tồn tại.

Mặc dù địa lý và các nhiệm vụ chiến lược của Chiến khu Bắc đòi hỏi số lượng lớn lực lượng mặt đất, các đơn vị hải quân và không quân tập trung trong khu vực nhiều khả năng sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong những năm tới.

Hải quân

Hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc có sở chỉ huy tại Thanh Đảo, là nơi có nhiều hệ thống và các dự án thử nghiệm tiên tiến nhất của Trung Quốc. Từ giác độ hải quân, các cảng dọc theo hai bán đảo bảo vệ đường tiếp cận vịnh Bột Hải. Ở phía bắc của vịnh, Đại Liên là cảng chiến lược, không bị đóng băng. Cảng Arthur (旅顺) sát bờ biển là một mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904. Các tàu ngầm hạt nhân lớp Hán (tầm xa) được biên chế cho Chi đội tàu ngầm số 12 (zhidui; 支队) ở Đại Liên. Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc mới đấy đã được hạ thủy tại Đại Liên (navy.81.cn, 28/4/2017). Về phía tây nam, trên rìa phía nam bán đảo Sơn Đông là Thanh Đảo, một thương cảng và quân cảng quan trọng khác. Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có cảng nhà tại Qingdao. Một khu vực kiên cố bên ngoài Thanh Đảo được dùng để che giấu và bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Các chi đội tàu khu trục tại Đại Liên và Thanh Đảo bảo vệ phía ngoài và tạo ra sức mạnh chiến đấu mặt nước mạnh mẽ cho Hạm đội Bắc.

Không quân hải quân

Hầu hết các đơn vị không quân hải quân Trung Quốc được trang bị các máy bay tiến công và tiêm kích giành ưu thế trên không cũ hơn với hai ngoại lệ đáng chú ý: máy bay chuyên dụng và lực lượng không quân trên hạm non trẻ của Trung Quốc. Không quân hải quân của Chiến khu Bắc bao gồm một số máy bay chuyên dụng cao như máy bay cảnh báo sớm, tác chiến điện tử, thu thập tín hiệu và giám sát biển đóng ở căn cứ không quân Lai Dương (Laiyang) và Tuchengzi. Những máy bay này thường xuyên bay qua qua eo biển Miyako ở biển Hoa Đông cùng với máy bay ném bom H-6 và tiêm kích tầm xa (China Brief, 26/10/2016).

Có lẽ đơn vị không quân hải quân quan trọng nhất trong Chiến khu Bắc là căn cứ huấn luyện không quân hải quân ở bên ngoài thành phố Hưng Thành (Xingcheng), nơi Trung Quốc huấn luyện phi công tàu sân bay của họ. Căn cứ này có 3 đường băng với đầu vát lên như cầu bật để mô phỏng các tàu sân bay của Trung Quốc, và những gì có vẻ là cả máy phóng máy bay bằng hơi nước và máy phóng máy bay điện từ cho các biến thể tàu sân bay trong tương lai (East Pendulum, 17/2/2017). Mặc dù tàu sân bay hoạt động duy nhất của Trung Quốc và đơn vị không quân trên tàu sân bay hiện đang trực thuộc Quân ủy trung ương, nhưng đơn vị này sẽ tạo ra nòng cốt cho các phi đoàn không quân tàu sân bay của Trung Quốc và mở đường cho một lực lượng không quân hải quân tiên tiến hơn. Mặc dù không quân trên hạm của Trung Quốc tụt hậu so với các đối thủ Mỹ hàng mấy chục năm kinh nghiệm, nhưng họ đã có những tiến bộ đáng kể và đang tiến hành nhiều hơn các cuộc tập trận liên hợp và bắn đạn thật (China Brief, 21/12/2016).

Không quân

Vì cóng một vai trò then chốt trong bảo đảm phòng không khu vực thủ đô và các căn cứ quan trọng, một số đơn vị của Chiến khu Bắc được trang bị các máy bay tiêm kích tiên tiến. Ví sụ, Sư đoàn không quân tiêm kích số 1, đóng gần An Sơn (Anshan), gồm các trung đoàn J-10 và J-11. Đóng ở gần hơn biên giới với CHDCND Triều Tiên và Nga tương ứng là Sư đoàn không quân 21 ở Tề Tề Cáp Nhĩ (Qiqihar) và Lữ đoàn không quân 88 ở Đan Đông sử dụng hỗn hợp các tiêm kích cũ J-7 và J-8. Khi có thêm nhiều J-10 và máy bay thế hệ 4 khác, các đơn vị này có thể sẽ được nâng cấp sau khi các đơn vị không quân ở gần biên giới với Ấn Độ và biển Hoa Đông đã hoàn thành nâng cấp.

Lực lượng tên lửa

Kể từ thập niên 1960, Lực lượng pháo binh 2 của quân đội Trung Quốc - nay là (quân chủng) Lực lượng tên lửa - đã đóng vai trò răn đe quan trọng ở khu vực đông bắc Trung Quốc. Mặc dù Lực lượng tên lửa nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương, lực lượng nay vẫn phải phối hợp với các đơn vị của Chiến khu Bắc để nhận thông tin từ các phương tiện trinh sát. Lực lượng tên lửa thông thường nhiều khả năng sẽ nhận nhiệm vụ từ Tư lệnh Chiến khu Bắc. Các sĩ quan của Lực lượng tên lửa được triển khai tới từng chiến khu để hỗ trợ điều phối và lập kế hoạch. Căn cứ 51 của Lực lượng tên lửa nằm ở Thẩm Dương. Ít nhất ba lữ đoàn bệ phóng triển khai ở đây, mặc dù có khả năng ở đây có nhiều lực lượng hơn. Lữ đoàn bệ phóng 810 ở bên ngoài Đại Liên được trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 giống như Lữ đoàn 816 đóng gần Thông Hóa (Tonghua) [3]. Các đơn vị này có thể dễ dàng có khả năng bao quát toàn bộ biển Hoa Đông và tấn công các mục tiêu ở miền Tây Nhật Bản. Các lực lượng Mỹ tại căn cứ hải quân Yokosuka gần Tokyo sẽ nằm trong tầm tấn công của các tên lửa DF-21 của Lữ đoàn 816.

An ninh nội địa

Một mối quan ngại khác là xung đột nội bộ ở Bắc Triều Tiên hoặc lật đổ chế độ Kim Jong-un. Một bài xã luận trên tờ Nhân dân nhật báo do người có bút danh Zhong Sheng (钟声) (một từ đồng âm của “Tiếng nói Trung Quốc”) viết đã lập luận rằng, “tình hình trên bán đảo Triều Tiên... đang tiến gần sụp đổ”. Trong khi thận trọng không đổ lỗi cho Triều Tiên, Hàn Quốc hay Mỹ, bài xã luận nêu rõ rằng, Bắc Triều Tiên cần hành động để tránh làm sâu sắc thêm vấn đề nảy sinh từ chương trình hạt nhân của họ và nhân dân Trung Quốc “không bao giờ sợ hãi bất kỳ hình thức khiêu khích hay thử thách nào” (Nhân dân nhật báo, 30/4).

Trung Quốc có thể có một số kế hoạch tương tự như kế hoạch OPLAN 5029 của Mỹ dự phòng cho tình huống Bắc Triều Tiên sụp đổ (GlobalSecurity [truy cập 1/5/2017]). Trong khi các động thái bên trong ở CHDCND Triều Tiên không nằm trong phạm vi của bài báo này, việc sử dụng bạo lực chống lại các đồng minh chính trị thân thiết của Kim Jonhg-un và việc thay đổi các vị trí hàng đầu trong quân đội ít nhất cũng cho thấy các cuộc đấu đá quyền lực vẫn đang xảy ra. Một dòng người dân Triều Tiên đông đảo ồ ạt tháo chạy qua biên giới vào Trung Quốc là một lo ngại lớn, đặc biệt là khi lượng dân cư đông đúc sống tập trung không xa biên giới và tầm quan trọng kinh tế của đông bắc Trung Quốc. Trong khi khó có thể biết được chi tiết, Trung Quốc có một số trung đoàn công an biên phòng và các đơn vị Cảnh sát Vũ trang nhân dân có thể được sử dụng để kiểm soát tình hình. Bản đồ dưới đây cố gắng nêu ra một cách tương đối về số lượng, vị trí của các đơn vị này và các cửa khẩu biên giới lớn.

Kết luận

Mặc dù nền kinh tế của vùng đông bắc Trung Quốc đã suy giảm tầm quan trọng, đây vẫn là một khu vực chiến lược cốt lõi của Trung Quốc. Lịch sử đã liên tục gắn kết số phận của vùng đông bắc với số phận của Trung Quốc. Đặc biệt là khi căng thẳng ở Triều Tiên đang ở đỉnh điểm cao nhất trong thập kỷ qua, Chiến khu Bắc chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự chú ý và đầu tư, ngay cả khi Trung Quốc đang mở rộng tầm nhìn quân sự của mình về phía nam và phía Đông.

Tài liệu tham khảo:

1. The Science of Military Strategy [战略学], 3rd ed., Beijing: Military Science Press [军事科学出版社], 2013, pp. 45-46.

2. National Intelligence Estimate – The Sino-Soviet Relationship: The Military Aspects September 20, 1973. Declassified March 2, 2011. CREST reference code LOC-HAK-541-7-5-8 p. 30.

3. Ref: Sean O’Connor, Ausairpower, “PLA Second Artillery Corps,” December 2009. Verified via Google Earth image April 4, 2016. http://www.ausairpower.net/APA-PLA-Second-Artillery-Corps.html#mozTocId836202 ; Jeffrey Lewis, “Chillin with the Second Artillery,” 38North, January 21, 2015. http://38north.org/2015/01/jlewis012115/
4. Additional References: Andreas Rupprecht, Flashpoint China: Chinese Air Power and Regional Security, Harpia, 2016. (jamestown.org/program/strategic-assessment-chinas-northern-theater-command/)
Nhân Vũ