In bài này
Số phận bấp bênh của máy bay không người lái tiến công Nga
Thứ Ba, 16/05/2017 - 10:02 PM
Chương trình vũ khí mới có thể quyết định số phận của các máy bay không người lái tiến công (UCAV) của Nga.
Mô hình đúng cỡ của UCAV Skat (phía sau) và các tên lửa có điều khiển Kh- 31 (phía trước) (RIA)
Quân đội Nga hiện được trang bị gần 2.000 UAV các loại, Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga Mikhail Popov cho hay. Binh sĩ của 36 đơn vị được thành lập đặc biệt hàng ngày đang khai thác và sử dụng tác chiến các UAV. Hướng này đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 5-6 năm gần đây.

Hiện nay, quân đội Nga đang sử dụng hơn 10 mẫu UAV chủ yếu dùng để trinh sát và chỉ thị mục tiêu. Các cơ quan sức mạnh khác như Vệ binh quốc gia Nga, Cơ quan Biên phòng liên bang của FSB và Bộ Tình trạng khẩn cấp cũng có các UAV của mình. Phương tiện kỹ thuật này đã thể hiện xuất sắc trong chiến tranh, cũng như trong đời sống hòa bình. Nhưng về nhiều hướng trong lĩnh vực UAV, Nga hiện vẫn tụt hậu so với phương Tây.

Hướng nghiên cứu bị lãng quên

Chương trình UAV quân sự triển vọng của Liên Xô bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng không có kinh phí của thập kỷ 1990. Liên Xô đã phát triển được những UAV mà đến nay cũng không đến nỗi kém cỏi so với các UAV hiện đại của phương Tây. Ví dụ, Tu-300 bay thử năm 1991 lẽ ra đã có thể trở thành UCAV cấp chiến thuật đầu tiên của Nga. Với tự trọng 4 tấn, nó có thể mang đến 1 tấn tải trọng hữu ích: thiết bị trinh sát, các hệ thống liên lạc, bom. Nhờ có động cơ turbine phản lực mạnh, nó có tốc độ đến 900 km/h ở độ cao đến 6.000 m và có khả năng hoạt động xa người điều khiển đến 300 km. Chương trình đầy triển vọng này đã bị đình chỉ do thiếu kinh phí và thành kiến của một số tướng lĩnh.
UAV Tu-300
“Đó là lỗi trực tiếp của ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng mà trong những năm đó đơn giản là không hiểu được tầm quan trọng của UAV và vai trò của chúng trong các cuộc xung đột hiện đại. Họ đã không thể đưa ra những kết luận đúng đắn từ các xu hướng phát triển tiến bộ kỹ thuật quân sự thế giới. Kết quả là hướng nghiên cứu này của chúng ta nhiều năm gần như không hề phát triển” Tổng biên tập tạp chí Oborona (Quốc phòng, Nga) Igor Korotchenko nói.

Tình hình đã chỉ bắt đầu thay đổi sau cuộc xung đột ở Nam Ossetia tháng 8/2008, trong đó, quân Nga đã buộc phải trinh sát phát hiện các trận địa đối phương bằng máy bay hạng nặng. Điều đó đã dẫn đến hàng loạt tính toán sai lầm nghiêm trọng: ngày 9/8/2008, một tên lửa phòng không đã bắn rơi một máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đang làm nhiệm vụ trinh sát trên bầu trời khu vực này. Rất may là ban lãnh đạo quân đội Nga đã có những kết luận đúng đắn và ngay vào tháng 4/2009, đã mua 2 UAV chiến thuật Searcher-II của Israel với giá 12 triệu USD. Còn ngày 13/10/2010, đã ký hợp đồng trị giá 300 triệu USD để lắp ráp Searcher-II bằng linh kiện do Israel cung cấp  tại Nhà máy trực thăng Kazan. Biến thể sản xuất theo giấy phép tại Nga được đặt tên là Forpost.

“Tại thời điểm đó, các UAV mà Israel bán cho Nga còn lâu mới là mới nhất. Nhưng chúng ta đã có được cơ hội nghiên cứu chúng kỹ càng. Trường phái UAV Nga nhận được xung lực thực sự vào năm 2013 khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thăm triển lãm UAV quy mô ở Alabino. Nhiều người biết ông Shoigu rất quan tâm đến các loại phương tiện kỹ thuật robot. Và chính lúc đó, ông đã giao nhiệm vụ cho công nghiệp quốc phòng phát triển cả một hojh UAV của Nga cho nhu cầu quân sự”, ông Korotchewnko nói.

UAV chiến thuật

Nga đã nhanh chóng triển khai sản xuất được UAV trong thời gian rất ngắn. Ngay năm 2013, UAV chiến thuật Orlan-10 với trọng lượng cất cánh có khả năng bay liên tục 16 giờ ở cự ly 120 km so với người điều khiển đã đi vào sản xuất loạt. UAV này không chỉ có thể chụp ảnh, quay video các mục tiêu mặt đất mà còn truyền thông tin chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, tham gia tác chiến điện tử, hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp. Các UAV Orlan-10 được tích hợp vào một hệ thống điều khiển thổng nhất cấp chiến thuật (ESU TZ) và có khả năng cung cấp hình ảnh từ các camera của mình ở thời gian thực cho tất cả các đơn vị quân nhà. Chính các UAV này cùng với các UAV Forpost đang được quân Nga sử dụng tích cực ở Syria để trinh sát địa hình và quay video kết quả không kích.

Trong mấy năm, quân đội Nga nhận vào trang bị hàng trăm UAV nhẹ hơn, có thể phóng từ tay. Trong số đó có Eleron-ZSV, Granat, Zastava, Takhion và các loại khác. Chúng có khả năng hoạt động ở cự ly tương đối ngắn so với nhân viên điều khiển, nhưng người ta cũng không đòi hỏi gì hơn từ các UAV này. Chúng thích hợp một cách lý tưởng để các toán trinh sát hoạt động trên lãnh thổ địch sử dụng. Các hệ thống như vậy cũng đang được binh lính của Lực lượng tác chiến đặc biệt Nga sử dụng ở Syria.
UAV tầm xa đầu tiên của Nga Dozor-600
“Trong lĩnh vực UAV chiến thuật và chiến dịch-chiến thuật, tình trạng của chúng ta nhìn chung là tốt. Tuy vậy, chúng ta lạc hậu nghiêm trọng so với nhiều nước về các hướng khác. Chúng ta không có các lớp UAV tiến công chiến lược và trinh sát chiến lược. Hơn nữa, vượt xa chúng ta không chỉ có các nước NATO mà cả Các tiểu vương quốc thống nhất chẳng hạn. Mới đây có tin chúng ta định mua UCAV của họ. Nhưng điều đó sẽ không có lợi cho công nghiệp quốc phòng của chúng ta. Cần phải đưa các sản phẩm của chúng ta đi đến cùng”, ông Igor Korotchenko nói. 

Số phận của các UCAV Nga

Một trong những dự án hứa hẹn nhất là UAV trinh sát tầm xa Altius-M của Viện thiết kế (OKB) mang tên M.P. Simonov. Việc nghiên cứu chế tạo UAV này bắt đầu từ năm 2011. Theo các tính năng kỹ-chiến thuật được công bố, UAV này sẽ có thể bay lên độ cao đến 12 km và bay với tốc độ trung bình 200 km/h và tầm bay 10.000 km trong vòng 2 ngày đêm. Nó sẽ có khả năng mang 1 tấn tải trọng hữu ích nên về lý thuyết sẽ cho phép phát triển biển thể tiến công trên cơ sở UAV này.

Tuy nhiên, hiện có ít thông tin về tương lai của dự án này. Đầu tháng 5/2017, các chuyên gia chế tạo máy bay ở Kazan đã đề xuất chế tạo biến thể dân sự Altair trên cơ sở Altius để giám sát các tuyến đường ống, đường dây điện, các vùng nước, các khu rừng... Không loại trừ OKB Simonov phải làm việc này do thiếu kinh phí dành cho chương trình UCAV đắt tiền và phức tạp hơn.

Còn một sản phẩm làm mãi chưa xong là UAV trinh sát-tiến công Skat, sản phẩm chung của OKB MiG và Công ty Klimov. Maket đúng kích cỡ của UAV này đã được trưng bày tại triển lãm MAKS vào năm 2007. Sau đó, có tin công việc của dự án này đã bị đình chỉ, nhưng vào tháng 12/2015, Tổng giám đốc RSK MiG, ông Sergei Korotkov đã nói với các phóng viên rằng, trên cơ sở Skat, họ dự định chế tạo một máy bay mới. Hiện còn sớm để nói về diện mạo và các tính năng kỹ-chiến thuật của nó, nhưng được biết, trọng lượng của nó có thể là gần 5 tấn.

Có thể dự thảo Chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2018-2025 mà Bộ Quốc phòng sẽ đưa ra cho Tổng thống Nga xem xét vào đầu tháng 7/2017 sẽ rọi ánh sáng vào tương lai của dự án UCAV của Nga. Cuối tháng 3/2017, một nguồn tin trong Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Nga nắm rõ nội dung văn kiện này đã nói với các phóng viên rằng, trọng tâm trong Chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2018-2025 sẽ là mua sắm hàng loạt “các hệ thống vũ khí trí năng”: các phương tiện liên lạc, robot, vũ khí chính xác cao và tất nhiên là các UAV hiện đại. Do đó, Dozor-600, Altius-M và UAV trên cơ sở Skat hoàn toàn có cơ hội tung cánh.
Nam Xương