In bài này
Cuộc chạy đua siêu bom
Chủ Nhật, 07/05/2017 - 9:39 PM
Nga và Mỹ chạy đua chế tạo các loại siêu bom như thế nào?
GBU-43/B (US Air Force / Alamy / Diomedia)

Ngày 13/4/2017, Không quân Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng trong thực chiến siêu bom GBU-43/B, loại vũ khí phi hạt nhân uy lực khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Lầu Năm góc và được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom”. Đối thủ Nga của nó là “Cha của Kuzkin”, có trọng lượng nhỏ hơn một chút, nhưng có đương lượng nổ tính bằng TNT mạnh hơn.

Bình minh của siêu bom

Trọng lượng của bom hàng không đã bắt đầu tăng ngay khi con người phát minh ra phương tiện hủy diệt mới này. Mùa thu năm 1915, một máy bay ném bom hạng nặng Ilya Muromets của Nga đã thả xuống một quả bom 410 kg. Sau Thế chiến I, sự phát triển của bom hàng không vốn có liên hệ logic với sự phát triển của máy bay đã tiếp tục, đồng thời giới quân sự đã xem xét những cấu trúc ngày càng phức tạp - vào đầu Thế chiến II, các lực lượng không quân hàng đầu thế giới đã sở hữu một kho bom đa dạng về chủng loại, mà nặng nhất trong số đó có trọng lượng 1.000-2.000 kg.

Khối lượng bom chủ yếu được sử dụng, nhất là ở mặt trận Xô-Đức, nơi mà không quân chiến thuật đóng vai trò chính ở cả hai bên, lại không giữ kỷ lục về trọng lượng. Ở Liên Xô, loại bom chủ yếu trong cả cuộc chiến tranh vẫn là FAB-100, loại bom phá nặng 100 kg, chiếm tỷ lệ 70% tổng lượng bom sản xuất ra.

Đồng thời, người ta cũng đặt rất nhiều hy vọng vào các loại bom lớn dành cho máy bay ném bom hạng nặng. Ngày 28/4/1943, Không quân Hồng quân Công nông (Liên Xô) đã lần đầu tiên sử dụng một quả bom nặng 5 tấn là bom FAB-5000NG (Ký hiệu NG là lấy theo tên của công trình sư, giáo sư Nison Galperin) tấn công các công trình phòng thủ bờ biển của Koenigsberg (nay là Kalinigrad). Mùa hè cùng năm, các quả bom loại này đã được sử dụng trong các trận đánh ở Vòng cung Kursk và khi giải phóng thành phố Oryol. Chúng đã gây ra hiệu ứng kinh hoàng: một quả bom 5 tấn chứa 3.200 kg thuốc nổ vào làn đường sắt đã gây ra những tổn hại cực kỳ nặng nề, làm tê liệt các đầu mối đường sắt lớn trong nhiều tuần.

Các đồng minh của Liên Xô cũng đã phát triển các siêu bom của mình. Có lẽ chỉ có người Đức đứng ngoài cuộc chạy đua này - việc Luftwaffe (Không quân Đức) không có máy bay ném bom chiến lược làm cho việc phát triển bom nặng hơn 2,5 tấn trở nên vô nghĩa. Việc phát triển các loại bom hạng nặng cho không quân liên minh phương Tây gắn liền với tên tuổi nhà phát minh và công trình sư hàng không Barnes Wallis, người đã chế tạo một số loại bom huyền thoại.

Một trong những loại nổi tiếng nhất là “bom nhảy” dùng để phá hủy đập nước. Về cấu tạo, nó là một hình trụ ngắn với chiều dài 152 cm và đường kính 127 cm, trọng lượng gần 4.200 kg. Bom được treo dưới các máy bay ném bom hạng nặng cải hoán Lancaster. Nhờ một motor thiết kế đặc biệt, bom quay trước khi thả, nhờ đó mà nó nhảy trên mặt nước, bằng cách đó để tránh né các lưới chống ngư lôi bảo vệ đập. Cự ly thả bom được tính toán sao cho bom chìm ngay trước đập nên bom nổ ngầm dưới nước gây hư hại nặng nề cho thân đập. Đêm 16, rạng sáng 17/5/1943, Phi đội 617 Không quân Hoàng gia Anh đã tấn công các con đập trên các con sông Möhne, Eder và Sorpe. Hai đập trên sông Möhne và Eder bị phá hủy, gây lụt nghiêm trọng ở vùng thung lũng Ruhr, một trong những khu vực công nghiệp chủ yếu của Đệ tam đế chế. Phi đội đã được đặt tên không chính thức là Dambusters - “Những kẻ phá đập”.
Mô hình “bom nhảy” (Wikimedia)
Thành công của Phi đội Dambusters đã giúp Wallis hiện thực hóa được ý tưởng tiếp theo của mình là “bom địa chấn”. Bản thất là chế tạo ra một loại bom mạnh có dáng thuôn và vỏ vững chắc. Bom này khi thả từ độ cao lớn lao xuống đất với tốc độ lớn và xuyên xuống đất khá sâu trước khi phát nổ nên cho phép tạo ra động đất cục bộ, có khả năng phá hủy các cấu trúc kiên cố mà bom phá thông thường không làm được. Mùa hè năm 1944, Không quân Hoàng gia Anh đã sử dụng các quả bom Tallboy nặng 5.443 kg. Để mang được một quả bom như vậy, các máy bay ném bom Lancaster đã buộc phải làm nhẹ đi bằng cách loại bỏ vỏ giáp bảo vệ và gần như toàn bộ vũ khí, ngoại trừ ụ súng máy hai nòng ở đuôi. Để nâng cao độ chính xác ném bom, người ta đã phát triển một loại máy ngắm ổn định đặc biệt.

Bom Tallboy đã được sử dụng lần đầu tiên vào đêm 8, rạng sáng 9/6/1944 khi các máy bay Lancaster đã phá hủy đường hầm đường sắt  ở gần thành phố Saumur, Pháp nhằm ngăn cản quân Đức đưa quân tăng viện đến Normandie. Một quả bom Tallboy đã nổ ngay trong đường hầm sau khi xuyên qua 18 m đá. Các quả bom loại này đã được sử dụng để loại khỏi vòng chiến các tổ hợp phóng kiên cố của tên lửa V-2 (Faw-2), các căn cứ tàu ngầm với các hầm bê tông cốt thép, các nhà máy ngầm dưới lòng đất và các mục tiêu quan trọng khác. Ngày 12/11/1944, chủ lực hạm Tirpitz của phát xít Đức đã bị tiêu diệt bằng 2 quả bom Tallboy.

Mùa thu năm 1944, người Anh đã bắt tay vào thử nghiệm loại bom còn mạnh hơn nữa là bom Grand Slam nặng gần 10 tấn. Dự định mang nó vẫn là các máy bay ném bom Lancaster, nhưng với các động cơ mạnh hơn. Khi thả từ độ cao 8 km, bom Grand Slam có thể xuyên sâu vào lòng đất đến 40 m và phá hủy các công trình cực kỳ kiên cố. Mỹ đã sản xuất biến thể theo giấy phép của loại bom Anh này với tên gọi Т-14, sau đó vào năm 1948, lúc này đã vào kỷ nguyên hạt nhân, Mỹ đã nhận vào trang bị bom Т-12 Cloudmaker. Loại bom chống boong-ke 20 tấn này dùng để trang bị cho máy bay ném bom B-36. Bom T-12 được phát triển là vì bom hạt nhận hồi đó không đủ gọn và vững chắc. Các loại bom nguyên tử thế hệ đầu không phù hợp để bố trí trong vỏ bom có khả năng xuyên qua lớp đất dày nhiều mét hay bê tông cốt thép mà vỏ không bị phá hủy.

Những con quỷ phi hạt nhân trong kỷ nguyên hạt nhân

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sự tiến bộ của các thiết bị nổ hạt nhân đã làm cho các loại bom đó trở nên không cần thiết. Đến giữa thập kỷ 1950, hai đấu thủ chính trong cuộc chạy đua hạt nhân đã có được những vũ khí hạt nhân “chống boong-ke” khá nhỏ gọn. Song việc phát triển các loại bom siêu nặng trang bị thuốc nổ thông thường vẫn tiếp tục. Đầu thập niên 1950, Liên Xô nhận vào trang bị bom FAB-9000 dùng để phá hủy các công trình công nghiệp lớn và các công trình và đầu mối đường sắt. Trong thập niên 1980, bom này đã được sử dụng ở Afghanistan để cắt đứt các con đường núi mà phiến quân sử dụng. Bom này nổ dẫn đến những đợt sụt lở mạnh làm cho không thể đi lại qua các khe núi.
FAB-9000 (airwar.ru)
Trong những năm 1960, Mỹ đã phát triển loại bom 6.800 kg BLU-82/B (có tên không chính thức là Daisy Cutter). Bom này nổ ở độ cao nhỏ và dùng để phát quang địa hình trước khi trực thăng đổ bộ trong rừng rậm ở Việt Nam hơn là để tiêu diệt sinh lực hay lô cốt, công sự của đối phương. Ở Việt Nam, nơi mà  nếu sử dụng phương pháp thông thường, mấy chục người sẽ phải mất nhiều giờ dùng rìu, dao rừng và cưa máy, thì bãi đáp trực thăng được hình thành sau vài lượt bay qua của máy bay vận tải MC-130 được trang bị đặc biệt để thả bom này. Vỏ bom này khá mỏng và trọng lượng thuốc nổ là hơn 5.700 kg, tức là nhiều hơn 1,5 tấn so với ở bom nặng hơn là FAB-9000 của Liên Xô. BLU-82/B cũng đã được sử dụng trong chiến tranh Vùng Vịnh và chiến dịch ở Afghanistan để tấn công phức hợp hang động ở Tora Bora.

Song các loại bom thế hệ mới cũng đã nhanh chóng xuất hiện. Các loại bom nhiên liệu-không khí (FAE), khi đám mây dạng khí tạo ra khi phun chất cháy dạng xon khí được kích nổ, cũng rất hiệu quả khi khai quang cho cả các chiến dịch đổ bộ trong rừng rậm và phá hủy lô cốt, hầm hào: hỗn hợp khí chui luồn vào các khe và lỗ châu mai bị kích nổ sẽ có sức sát thương binh sĩ trong hầm hào mạnh hơn so với sóng xung kích tạo ra bởi bom phá thông thường nổ ở bên ngoài. Các loại bom FAE có trọng lượng và thiết kế khác nhau đã được cả Mỹ và Liên Xô ráo riết phát triển và sử dụng trong các cuộc xung đột cục bộ. Ví dụ, Không quân Liên Xô và Nga đã sử dụng bom nhiệt áp ở Afghanistan và cả cuộc chiến tranh ở Chechnya. Ở Afghanistan, Không quân Mỹ cũng sử dụng các bom này trong những năm 2000.

Những loại bom của thời đại mới

Các loại bom FAE mà đôi khi trên báo chí và những người yêu thích kỹ thuật quân sự nghiệp dư gọi nhầm là “bom chân không” là một trường hợp đặc biệt của vũ khí nhiệt áp với đặc điểm then chốt là việc sử dụng oxy có trong không khí cho quá trình nổ. Điều đó cho phép nâng cao đột biến hiệu quả của bom: nếu ở thuốc nổ thông thường, chiếm một phần đáng kể của khối thể tích là oxy bảo đảm cho sự cháy thì ở bom đạn nhiệt áp thì thuốc nổ có thể chiếm toàn bộ thể tích. Nhược điểm của thiết kế bom kiểu này là không thể dùng bom dưới mặt nước hay ở độ cao lớn. Ngoài ra, bom FAE vốn cần tạo đám mây thuốc nổ dạng khí sẽ bị giảm mạnh hiệu quả trong thời tiết xấu. Nhưng trong các điều kiện thích hợp, bom đạn nhiệt áp có uy lực sánh ngang vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Quả bom “Mẹ của tất cả các loại bom” GBU-43/B MOAB mà Mỹ thả xuống Afghanistan ngày 13/4/2017 chính là thuộc loại bom nhiệt áp. Đây cũng là lần đầu tiên sử dụng trong thực chiến bom MOAB. Cái tên Mother of All Bombs (Mẹ của tất cả các loại bom) được sinh ra từ tên viết tắt chính thức của bom này là MOAB (Massive Ordnance Air Blast). MOAB đã được sử dụng nhằm vào một mục tiêu ở tỉnh Nangarhar của Afghanistan. Theo tuyên bố của bộ chỉ huy Mỹ, bằng bom GBU-43/B, giới quân sự Mỹ đã hy vọng phá hủy được hệ thống địa đạo và hang động mà phiến quân Hồi giáo sử dụng. Chiến dịch đã được chuẩn bị trong mấy tháng và kết quả là giết được, theo các nguồn khác nhau, là 82-94 tay súng Hồi giáo.

MOAB dẫn bằng vệ tinh, do kỹ sư Albert L. Weimorts Jr. (mất năm 2005 ở tuổi 67) phát triển MOAB chỉ trong vòng 9 tuần để sử dụng trong chiến tranh Iraq năm 2003, được thử nghiệm thành công lần đầu tiên ngày 11/3/2003, chỉ 1 tuần trước khi Mỹ xâm lược Iraq, nhưng MOAB đã không được sử dụng trong cuộc chiến.cho cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. 

Ngoài ra, Albert L. Weimorts Jr. còn chế tạo ra bom GBU-28 Bunker Buster nặng 2,268 tấn, dùng để tiêu diệt các boong-ke ngầm. GBU-28 được thiết kế trong thời gian ngắn kỷ lục (28 ngày) để sử dụng trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Quả bom thông minh này cũng là một trong những loại đạn dược phi hạt nhân mạnh nhất thế giới. GBU-28 có thể phá hủy boong-ke bê tông cốt thép có tường dày đến 6 m, nằm sâu dưới đất 30 m.

Nguyên lý hoạt động của các loại bom như GBU-43 và các loại tương tự hơi khác bom FAE. Bom nhiệt áp gồm lượng nổ giữa dùng thuốc nổ thường với tốc độ phát nổ nhanh, xung quanh là hỗn hợp nhiệt áp vốn là thuốc nổ ngưng kết với hàm lượng cao chất cháy kim loại.

Vụ nổ của bom nhiệt áp diễn ra thành 3 giai đoạn:

1. Kích nổ lượng nổ giữa, kích phát quá trình nổ (dài vài micro giây).

2. Sau khi kích nổ lượng nổ giữa bắt đầu sự phát nổ kỵ khí của hỗn hợp nhiệt áp diễn ra với tốc độ chậm hơn (dài hàng trăm micro giây).

3. Sự phát nổ này dẫn đến lan rộng các sản phẩm nổ và làm chúng cháy nhờ oxy trong không khí, đồng thời sóng xung kích làm tạo điều kiện dịch chuyển và đốt cháy các sản phẩm nổ nhờ không khí xung quanh (giai đoạn kỵ khí dài vài mili giây).

Cần phải hiểu rằng, GBU-43/B là loại bom khá đặc biệt. Đây là quả bom vỏ mỏng có tổng trọng lượng 9.800 kg, trong đó vỏ bom nặng 1.300 kg. Bom chứa 8,5 tấn thuốc nổ H-6. Thành phần của H-6 là 44% hexogen (tức RDX), 29,5% TNT, 21% bột nhôm, 5% phụ gia giảm độ nhạy nổ (phlegmatized) là parafin, và 0,5% clorua canxi. Đương lượng nổ tính bằng TNT của hỗn hợp này là 1,35, tức là 8,5 tấn H-6 tương đương 11,5 tấn TNT, ngoài ra đặc điểm phát nổ của bom nhiệt áp, trong đó có thời gian nổ hiểu khí dài làm tăng thêm hiệu quả của MOAB.

Do tính chất lan truyền sóng xung kích của mình, MOAB có thể sử dụng chẳng hạn để chống lô cốt, công trình phòng ngự kiên cố (dạng như các phức hợp hang động), tuy nhiên đây không phải là vũ khí chống boong-ke. 

Được Mỹ sử dụng làm vũ khí chống boong-ke từ cuối những năm 2000 là loại bom khác - bom có điều khiển GBU-57A/B Massive Ordnance Penetrator (MOP) nặng 14 tấn, “chỉ” chứa 5.300 bảng (2.404 kg) thuốc nổ, ít hơn gần 4 lần so với MOAB (phần trọng lượng còn lại thuộc về vỏ bom rất nặng). MOP nặng hơn nhiều MOAB vì nó được thiết kế để xuyên sâu vào mục tiêu, phát nổ ở sâu dưới lòng đất hoặc bên trong mục tiêu, còn MOAB phát nổ ngay trên mặt đất. MOP được phát triển và thử nghiệm trong gần 16 tháng.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 thả mô hình bom MOP (Wikimedia)

Sự trở lại với các ý tưởng của Tallboy, Grand Slam và T-12 Т-12 ở trình độ kỹ thuật mới có liên quan đến ý tưởng chủ đạo ở Mỹ trong những năm 2000 là dần từ bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật để chuyển sang các phương tiện hủy diệt phi hạt nhân chính xác cao, có khả năng giải quyết cả các nhiệm vụ chiến lược. Ví dụ, về nguyên tắc, MOP có thể tiêu diệt các mục tiêu kiên cố dạng như các boong-ke chỉ huy, đầu mối thông tin liên lạc và các mục tiêu tương tự dĩ nhiên là nếu như máy bay mang bom (ví dụ, máy bay ném bom tàng hình B-2) mang bom đến cự ly cần thiết để thả. 

Hiện chưa có thông tin gì về chuyện trong trang bị của quân đội Nga có loại bom tương tự MOP, song người ta lại biết Nga có kho vũ khí hạt nhân chống boong-ke lớn và đa dạng, kể cả các phần chiến đấu hạt nhân siêu nhỏ (đương lượng nổ hàng trăm tấn TNT) chính xác cao dành cho các loại tên lửa. Nga có một loại bom phi hạt nhân tương tự MOAB, mặc dù không được công bố chính thức là loại bom có biệt danh không chính xác là “bom chân không sức công phá mạnh” (AVBPM) và giống như MOAB đã được mệnh danh là “Cha của tất cả các loại bom” hay đơn giản hơn là “Cha của Kuzkin” (một biệt danh có liên quan đến biệt danh nổi tiếng của quả bom hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử của Liên Xô).

“Cha của Kuzkin” được thử nghiệm vào năm 2007. Theo thông tin hiện có, bom này là bom FAE thông thường nặng 7.100 kg. Nhờ hỗn hợp chất cháy kiểu mới, hiệu quả của bom này cũng gần tương tự sử dụng bom có đương lượng nổ gần 45 tấn TNT. Các trường hợp sử dụng bom này chưa được ghi nhận.
Bảo Chương