In bài này
Trung Quốc cắt giảm 5 quân đoàn chủ lực
Thứ Tư, 03/05/2017 - 9:35 PM
18 quân đoàn Trung Quốc được cải tổ thành 13 quân đoàn.
Ngày 24/4/2017, Lương Quốc Lương, nhà phân tích quân sự quân sự ở Hong Kong cho biết, 18 quân đoàn của quân đội Trung Quốc đã được cải tổ thành 13 quân đoàn. 13 quân đoàn mới sẽ sử dụng hệ thống phiên hiệu mới, bắt đầu từ 71. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các quân đoàn bị đổi phiên hiệu. Số phiên hiệu của 13 quân đoàn sẽ bắt đầu từ 71 và kết thúc ở 83. Các quân đoàn bị đổi tên gồm cả quân đoàn 1, vốn là một bộ phận của Dã chiến quân số 1 mà Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, từng là chính ủy trong thời nội chiến.

Ngày 27/4/2017, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thông báo, Quân uỷ trung ương Trung Quốc đã quyết định thành lập 13 quân đoàn trên cơ sở 18 quân đoàn hiện có; 13 quân đoàn mới có phiên hiệu 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83. 
Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả các nhà lãnh đạo tiền nhiệm quyền lực như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình cũng không tìm cách đổi tên các quân đoàn, còn Tập lại quyết làm nhằm kiềm chế chủ nghĩa bè phái ăn sâu bám rễ trong quân đội và bài trừ ảnh hưởng độc hại còn sót lại của hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Chen Daoyin, phó giáo sư tại Đại học Khoa học chính trị và luật Thượng Hải nói rằng, Tập đang muồn làm cái gì đó đổi mới và siêu việt hơn Mao và Đặng.

Một sĩ quan về hưu nói rằng, 13 quân đoàn bị đổi tên nằm trong số 84 đơn vị cấp quân đoàn mới được tái cơ cấu mà Tập Cận Bình thông báo hôm 18/4/2017 khi gặp các chỉ huy của các đơn vị tại tổng hành dinh quân đội ở Bắc Kinh. Các đơn vị cấp quân đoàn khác bao gồm các quân khu cấp tỉnh, học viện và đại học quân sự trực thuộc Bộ quốc phòng và các bộ tư lệnh của các quân chủng hải, lục, không quân và Lực lượng tên lửa.

Số lượng quân đoàn của Trung Quốc đã liên tục giảm trong ít nhất 10 lần giải ngũ lớn sau năm 1949. Năm 2006, quân đội Trung Quốc còn 18 quân đoàn và đều là các đơn vị tinh nhuệ, dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Trong đó có các quân đoàn nổi tiếng như 38, 42, 27 và 39 từng tham gia kháng Mỹ viện Triều. Chuyên gia quân sự ở Macao, ông Antony Wong Dong nói ông lo ngại việc đổi tên các quân đoàn sẽ xóa đi một phần thành tích vinh quang của lục quân Trung Quốc trong lịch sử.
Các quân đoàn bị xóa sổ và tồn tại (SCMP, 18/3/2017)

Ông Chen Daoyin cho rằng, kế hoạch đổi tên các quân đoàn không nhằm vào lịch sử vinh quang của họ mà là biện pháp kỹ thuật cần thiết để đơn giản hóa hệ thống chỉ huy lục quân để thuận lợi trong tác chiến liên hợp hiện đại, chỉ là quyết định kỹ thuật sáng tạo nhằm giúp các quân đoàn hội nhập với hải quân không quân, Lực lượng tên lửa và các lực lượng khác nhằm nâng cao toàn bộ sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc.

Chuyên gia Lương Quốc Lương cho rằng, Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc trong lịch sử từng có 70 quân đoàn (vào năm 1949, khi giành chiến thắng trong nội chiến), nên hệ thống phiên hiệu mới chỉ đơn giản là sự tiếp nối truyền thống đó.

Theo ông Lương, các quân đoàn mới 71, 72 và 73 sẽ đặt dưới quyền chỉ huy của Chiến khu Đông; các quân đoàn 74 và 75 - Chiến khu Nam; và các quân đoàn 76 và 77 - Chiến khu Tây. Các quân đoàn còn lại (6) được chia đều cho Chiến khu Bắc và Chiến khu Trung tâm. Theo sơ đồ của SCMP, 24/4/2017 thì các quân đoàn 78, 79, 80 thuộc Chiến khu Bắc; 81, 82, 83 thuộc Chiến khu Trung tâm.

Theo các nguồn tin, quân đoàn đổ bộ đường không 15 nhiều khả năng sẽ được nâng cấp thành quân đoàn đổ bộ đường không mới số 84, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách cải thiện lực lượng đổ bộ đường không của mình, ông Lương nói.

Ông Lương dự báo quân đoàn 84 cũng sẽ có một binh đoàn đổ bộ đường không đột kích tương tự như Sư đoàn không vận 101 của Lục quân Mỹ.

Trang web quân sự của tờ Global Times ngày 24/4/2017 cũng đưa tin, tân phó tư lệnh quân đoàn 76 đã dự lễ kỷ niệm Hồng quân Trung Quốc ở tỉnh Cam Túc mấy ngày trước. Đây là lần đầu tiên cái tên quân đoàn 76 được nhắc đến lần đầu tiên.

Các quân đoàn cũ (SCMP, 24/4/2017)

Trước đó, tờ South China Morning Post, ngày 18/3/2017 dẫn các nguồn quân sự loan tin, Trung Quốc sẽ giải thể 5 trong 18 quân đoàn như một bộ phận của cuộc cải cách quy mô do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động vào cuối năm 2015 nhằm biến quân đội lớn nhất thế giới thành một lực lượng chiến đấu linh hoạt và hiện đại hơn. Sự cắt giảm này có thể ảnh hưởng đến 200.000 quân, nhưng một số quân nhân có thể được điều động đến các đơn vị khác như Lực lượng tên lửa mới hình thành trên cơ sở Lực lượng pháo binh 2 (Nhị pháo), hải quân hoặc không quân.

Các đơn vị bị cắt giảm gồm các quân đoàn 20 và 27 thuộc Chiến khu Trung tâm, quân đoàn 14 (Chiến khu Nam), quân đoàn 16 (Chiến khu Bắc) và quân đoàn 47 (Chiến khu Tây).

Các quân đoàn 16 và 47 từng là thành trì sức mạnh của hai cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương thất sủng là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Tập Cận Bình xóa sổ 2 quân đoàn này để thanh toán nốt tàn dư ảnh hưởng của Quách và Từ, mở đường cho Tập bổ nhiệm tay chân của mình trong quá trình cải tổ nhân sự lãnh đạo đang diễn ra trước đại hội đảng vào mùa thu năm 2017. Tuy nhiên, có tin nói quân đoàn 16 có thể sống sót dưới một hình thức nào đó trong bối cảnh Bắc Kinh lo ngại việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đến Hàn Quốc nên cần nhiều quân hơn trên hướng này. Ngoài ra, còn có khả năng sáp nhập các quân đoàn 16 và 40. Cũng có khả năng một số quân đoàn sẽ chuyển thành lính thủy đánh bộ hoặc lính dù.

Hai năm trước, Tập đã loan báo cuộc cải cách quân sự quy mô lớn nhất trong hai thập kỷ, cải tổ 7 đại quân khu thành 5 chiến khu, giải thể 4 tổng cục để thành lập 15 cơ quan chuyên trách trực thuộc quân ủy, thành lập mới Lực lượng chi viện chiến lược; thành lập quân chủng Lực lượng tên lửa trên cơ sở đổi tên Lực lượng pháo binh 2 và cắt giảm 300.000 quân từ tổng quân số 2,3 triệu quân vào thời điểm cuối năm 2016. Việc cắt giảm 5 quân đoàn cũng là một phần của quá trình giảm biên đã công bố. Quân đội Trung Quốc sẽ thanh toán trợ cấp một lần cho số quân bị cắt giảm. Nhưng do ngân sách quốc phòng chỉ tăng 7% năm 2017, mức tăng thấp nhất trong thế kỷ này nên việc giảm biên sẽ phải kéo dài trong 5 năm tới.

Có tin nói rằng, nhân sự tiếp tục dư thừa trong quân đội Trung Quốc liên quan đến hơn 170.000 quan chức quân sự cao cấp trong các lực lượng phi chiến đấu đang đối mặt với sự phản đối mạnh trong nội bộ quân đội.

Sau khi tái cơ cấu các quân đoàn, Chiến khu Tây (lớn nhất trong 5 chiến khu mới thành lập) sẽ chỉ có 2 quân đoàn. Đó sẽ là các quân đoàn 13 và 21 đóng ở Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây và Trùng Khánh, được xem là các đơn vị được trang bị tốt, khả năng chiến đấu cao. Chiến khu này còn bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và Thanh Hải, các khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng và Ninh Hạ. Một nguồn tin cho rằng, bố trí 2 quân đoàn ở Chiến khu Tây là đủ vì các đơn vị mạnh nhất của Lực lượng tên lửa đều đóng ở đây. Lực lượng tên lửa có quân số ước khoảng 100.000 quân và 6 lữ đoàn tên lửa đường đạn, được trang bị loại tên lửa tầm xa nhất thế giới DF-41 và các loại vũ khí hạt nhân khác.

Các quân đoàn mới của lục quân Trung Quốc và sơ đồ bồ trí (SCMP, 24/4/2017).
Chiến khu Đông: Các quân đoàn 71 (Hồ Châu, Triết Giang), 72 (Từ Châu, Giang Tô), 73 (Hạ Môn, Phúc Kiến).
Chiến khu Nam: Các quân đoàn 74 (LIễu Châu, Quảng Tây), 75 (Huệ Châu, Quảng Đông).
Chiến khu Tây: Các quân đoàn 76 (Trùng Khánh), 77 (Bảo Kê, Thiểm Tây).
Chiến khu Bắc: Các quân đoàn 78 (Trường Xuân, Cát Lâm), 79 (Duy Phường, Sơn Đông), 80 (Liêu Dương, Liêu Ninh).
Chiến khu Trung tâm: Các quân đoàn 81 (Bảo Định, Hà Bắc), 82 (Tân Hương, Hà Nam), 83 (Trương Gia Khẩu, Hà Bắc)

Nhân Vũ