In bài này
Không quân Trung Quốc. Từ lá chắn đến thanh kiếm
Chủ Nhật, 30/04/2017 - 5:48 PM
Không quân Trung Quốc còn khá trẻ, nhưng lại thuộc vào hàng lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Trong hai thập niên qua, lực lượng này phát triển cực kỳ mạnh mẽ và nay đang tiến tới ranh giới quyết định mà với được nó có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai khả năng tung sức mạnh của Trung Quốc ra xa biên giới của mình.
Không quân Trung Quốc hiện đại khởi nguồn từ các đơn vị nhỏ của Hồng quân Trung Quốc trong những năm 1930-1940 [1]. Các lực lượng cộng sản sử dụng cực kỳ hạn chế không quân trong nội chiến và trong chiến tranh kháng Nhật bởi vì nhân lực có trình độ và cơ sở vật chất tập trung trong tay lực lượng chính phủ trung ương của Tưởng Giới Thạch. Viện trợ nước ngoài trong lĩnh vực này, kể cả của Liên Xô, cũng chủ yếu dành cho chính phủ Tưởng Giới Thạch. Nhưng sau khi Tưởng Giới Thạch thất bại trong nội chiến, một phần lớn đội ngũ cán bộ chạy ra Đài Loan nên người kế tục hợp pháp của lịch sử không quân Trung Quốc thời kỳ trước cộng sản là không quân Đài Loan hiện nay [2].

Nhiệm vụ trước hết của quân đội Trung Quốc là đưa không quân Trung Quốc lên trình độ thế giới đương đại, tương xứng với một siêu cường nhìn chung đã được giải quyết.
Các tiêm kích đầu tiên của không quân Trung Quốc P-51 Mustang (www.xjkunlun.cn)
Không quân nhân dân Trung Quốc chỉ chính thức được thành lập vào giữa năm 1949 [3]. Nòng cốt là các phi công Trung Quốc chạy sang phía đảng cộng sản. Các huấn luyện viên Liên Xô và thậm chí các “tình nguyện viên” trong số tù binh Nhật Bản đã giúp đỡ công tác đào tạo cán bộ. Máy bay được tập hợp từ mọi nguồn, chủ yếu là máy bay do quân Nhật để lại và chiến lợi phẩm thu được của quân quốc dân đảng. Do đó, không quân Trung Quốc có diện mạo khá kỳ dị. Ví dụ, trong cuộc duyệt binh hàng không đầu tiên vào ngày 1/10/1949 nhân thành lập CHND Trung Hoa, không quân của nước cộng hòa non trẻ đã được đại diện bởi các máy bay tiêm kích P-51 Mustang và máy bay vận tải C-46 Commando của Mỹ, tiêm kích Mosquito của Anh và một số máy bay huấn luyện hạng nhẹ do Mỹ sản xuất. Máy bay Liên Xô chỉ được cung cấp số lượng lớn từ cuối năm 1949.

Lịch sử sau đó của không quân Trung Quốc có thể chia thành 4 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 - Hình thành - kéo dài đến đầu những năm 1960. Trong thời gian này, không quân Trung Quốc [4] nhờ những nỗ lực của Liên Xô đã từ một đơn vị bán du kích biến thành một lực lượng lớn, được trang bị máy bay hiện dại và có khá nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Các phi công Trung Quốc đã tham gia các trận đánh với không quân liên quân đa quốc gia trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), kể các chiến đấu cùng các phi công Liên Xô trên các tiêm kích phản lực tối tân MiG-15. Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, lại tiếp đến các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, trong đó đã diễn ra các trận không chiến lớn giữa lực lượng không quân hai bờ. Cả hai phía đã huy động những vũ khí trang bị hiện đại nhất của các nhà bảo trợ là Liên Xô và Mỹ, ví dụ, lần đầu tiên đã sử dụng tên lửa không đối không có điều khiển trong chiến đấu [5].

Tiêm kích J-6 (sao chép MiG-19) trong những năm 1970 (www.airforceworld.com)
Liên Xô đã không chỉ cung cấp máy bay hoàn chỉnh mà cả giúp đỡ sản xuất tại chỗ. Tại Trung Quốc đã tổ chức sản xuất các tiêm kích MiG-17 và MiG-19, máy bay ném bom Il-28, máy bay vận tải An-2 và nhiều loại kỹ thuật hàng không khác.

Giai đoạn 2, kéo dài và khó khăn, bắt đầu cùng với việc cắt đứt quan hệ với Liên Xô. Do đối đầu Xô-Trung, Trung Quốc đã chỉ nhận được một phần các tài liệu và trang thiết bị cần thiết để triển khai sản xuất các máy bay tối tân như MiG-21, Tu-16 và An-12. Không có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô và trong bối cảnh cách mạng văn hóa, Trung Quốc đã phải mất nhiều thập kỷ để làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật này. Nòng cốt của không quân Trung Quốc đã vẫn là các bản sao của MiG-17 (J-5), MiG-19 (J-6) và Il-28 (H-5), đó là điều không thể chấp nhận đối với một cường quốc quân sự lớn ngay trong thập niên 1960, chứ không cần nói đến sau đó. Đến cuối thập niên 1970-1980, khi Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ sản xuất loạt thực sự lớn J-7 (sao chép MiG-21) và H-6 (sao chép Tu-16), thì các máy bay rất lạc hậu rồi.

Lớn về quân số, nhưng được trang bị vũ khí trang bị thời đầu chiến tranh lạnh, không quân Trung Quốc thời kỳ đó chỉ có thể đề kháng hạn chế với kert địch công nghệ cao hơn và hoàn toàn không thích hợp cho các chiến dịch tiến công. Do sợ chịu tổn thất lớn, không quân Trung Quốc đã không được huy động thực sự ngay cả trong chiến tranh với Việt Nam năm 1979.
Máy bay ném bom H-5 (sao chép Il-28) trong những năm 1970 (www.81.cn)
Trung Quốc bắt đầu vượt qua sự lạc hậu kỹ thuật về không quân cùng với sự ấm lên của quan hệ với phương Tây và Liên Xô/Nga. Sự hợp tác kỹ thuật quân sự tích cực với các nước phương Tây trong những năm 1980 không được dài và bị giảm mạnh sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Nhưng nhờ sự hợp tác đó, Trung Quốc đã có được nhiều ưu tiên, cụ thể là các mẫu thiết bị điện tử hàng không, động cơ khá hiện đại, sự giúp đỡ của các kỹ sư nước ngoài trong việc phát triển họ tiêm kích J-7 (sau này sẽ dẫn đến sự ra đời của tiêm kích hạng nhẹ hiện đại xuất khẩu JF-17) và tài liệu thiết kế của tiêm kích Mỹ-Israel Lavi [6].
 
Tuy nhiên, một giai đoạn thực sự mới trong phát triển không quân Trung Quốc có liên quan đến sự ấm lên trong quan hệ với Moskva. Ngay từ những năm cuối tồn tại của Liên Xô, Liên Xô đã chào bán cho Trung Quốc các tiêm kích tối tân thế hệ 4 MiG-29 và Su-27 mà sau khi tham quan, Trung Quốc đã chọn Su-27. Tiếp đó là các hợp đồng lớn, ban đầu là cung cấp các máy bay hoàn chỉnh (78 chiếc trong những năm 1990), còn sau đó là tổ chức lắp ráp theo giấy phép 105 chiếc với hợp đồng phụ lắp ráp thêm 95 chiếc. Nga cũng phát triển riêng cho Trung Quốc tiêm kích Su-30MKK thích hợp hơn cho tấn công mục tiêu mặt đất và mặt nước và tiếp tục phát triển mẫu máy bay này thành Su-30МK2 (trong nửa đầu những năm 2000, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 100 máy bay).

Tiêm kích J-7 (sao chép MiG-21) không quân Trung Quốc (www.top81.cn)
Họ J-7 cũng tiếp tục được phát triển: Biến thể “MiG-21” này đã được sản xuất cho không quân Trung Quốc đến giữa những năm 2000, còn hợp đồng xuất khẩu gần đây nhất là bán cho Bangladesh vào năm 2013. Để thay thế cho máy bay này, có lẽ là không phải không có sự giúp đỡ của chuyên gia Nga, Trung Quốc đã đưa vào sản xuất loạt tiêm kích hạng nhẹ mới J-10 vốn được chế tạo trên cơ sở thiết kế Lavi.

Ở  giai đoạn 3 - từ đầu thập niên 1990 đến giữa những năm 2000 - không quân Trung Quốc thực tế đã được thành lập mới với sự giúp đỡ của Nga, nhưng lần này là theo nguyên tắc thương mại thuần túy. Sự tiến bộ về kỹ thuật là cực kỳ nhanh chóng - các phi công đã chuyển từ các tiêm kích thế 2 sang thẳng thế hệ 4, tức là nhảy qua vài thập kỷ. Nhiệm vụ trước hết của quân đội Trung Quốc là đưa không quân Trung Quốc lên trình độ thế giới đương đại tương xứng với một siêu cường nhìn chung đã được giải quyết. Các phi đội tuyến 1 đã được trang bị các tiêm kích hạng nặng họ Su-27, bắt đầu tiếp nhận tiêm kích hạng nhẹ mới J-10, các máy bay lạc hậu vô hình được tập trung ở các đơn vị hậu phương và các trường bay.
J-11B (bản sao chép trái phép Su-27) của không quân Trung Quốc (www.fvjs.cn)

Thách thức và tham vọng

Theo đánh giá của Flightglobal, năm 2016, xét về tổng số máy bay quân sự, Trung Quốc đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga, nhưng riêng về số lượng máy bay chiến đấu họ đứng thứ hai với ưu thế nhỏ [7]. Cùng với các máy bay lạc hậu vô hình, một hạt nhân lớn gồm các máy bay hiện đại đã được hình thành. Đồng thời, lực lượng tiêm kích họ Su-27 và các mẫu sao chép chúng có lẽ là đông đảo nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, không quân Trung Quốc đã tiếp tục phát triển vũ bão và về nhiều dấu hiệu, đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Hiện nay, đặt ra trước không quân Trung Quốc có một số vấn đề nghiêm trọng:

- sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài, trước hết là Nga;

- thiếu vắng hàng loạt loại máy bay cần có đối với không quân hiện đại, ví dụ như máy bay tiếp dầu, máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải cỡ lớn;
- sự cần thiết phải tăng cường khả năng tung sức mạnh;

- yêu cầu phải theo kịp tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quân sự.

Ngành chế tạo động cơ máy bay tiếp tục là điểm nhức nhối của công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Tất cả các vấn đề có mối liên hệ tương hỗ chặt chẽ.
Su-30MKK (Nga phát triển dành riêng cho Trung Quốc ) đang được tiếp dầu từ máy bay tiếp dầu Il-78 (kj.81.cn)

Sự phụ thuộc vào Nga có lẽ là vấn đề nhức nhối nhất đối với Trung Quốc - điều đó phản ánh những ký ức về việc cắt đứt quan hệ với Liên Xô đã giáng cú đòn nặng như thế nào. Không có khả năng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí như Ấn Độ, Trung Quốc rơi vào thế phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Ví dụ, các tiêm kích Su-27 và Su-30 hoàn chỉnh bán cho Trung Quốc, cũng như các máy bay J-11 sản xuất theo giấy phép đầu tiên đã chỉ có thể sử dụng vũ khí có điều khiển của Nga. Mặc dù đã bán giấy phép sản xuất J-11 với tỷ lệ nội địa hóa khá cao, Nga vẫn giữ lại quyền cung cấp nhiều bộ phận, linh kiện, trước hết là động cơ AL-31F. Biến thể của động cơ này cũng đang được lắp cho tiêm kích J-10. Loại máy bay kế nhiệm J-7 là JF-17 với định hướng xuất khẩu cũng sử dụng biến thể của động cơ RD-33 của MiG-29.

Trên cơ sở kinh nghiệm thiết kế ngược (sao chép) các máy bay Liên Xô và thái độ khá đặc thù đối với quyền sở hữu trí tuệ thì giải pháp xem ra là rõ ràng [8]. Và rồi “sự phản trắc phương Đông” đã làm lu mờ sự hợp tác với Nga: người Trung Quốc đã từ chối hợp đồng phụ mua 95 Su-27 và bắt đầu tự sản xuất bản làm nhái trái phép J-11B vào năm 2007. Nhưng thời gian đã cho thấy là họ đã quá vội vã vì động cơ Trung Quốc WS-10 vẫn không sẵn sàng cho khai thác trong không quân thường trực do dự trữ làm việc trước sửa chữa quá ngắn, còn Nga lại từ chối cung cấp động cơ đủ số lượng để trang bị cho các tiêm kích “hàng giả”. Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc đã nâng cao được đôi chút chất lượng động cơ của mình và vượt qua tình huống xung đột với Nga (ít nhất là các máy bay làm nhái Su-27 hiện giờ được trang bị động cơ do Trung Quốc sản xuất). Biến thể J-10 lắp động cơ nội địa WS-10 đang được thử nghiệm, họ cũng dự định trang bị lại động cơ tương tự RD-33 cho cả JF-17.
J-10 (chế tạo dựa trên thiết kế tiêm kích Lavi của Israel) không quân Trung Quốc (kj.81.cn)

Tuy vậy, ngành chế tạo động cơ vẫn tiếp tục là điểm yếu chí tử của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Bằng chứng cho điều đó là việc các mẫu chế thử các loại máy bay mới mà Trung Quốc đang cố gắng tự chế tạo lại thường được trang bị động cơ Nga. Có lẽ họ vẫn chưa tin tưởng vào độ tin cậy của các động cơ nội địa.

Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo vẫn là lấp kín "những kẽ hở" trong không quân bằng tự lực, ngay cả theo nguyên tắc "hôm nay máy bay, động cơ ngày mai". Ví dụ, thay cho việc mua Il-76, Trung Quốc từ giữa những năm 2000 tiến hành phát triển máy bay vận tải nội địa Y-20 - mẫu chế thử đầu tiên trang bị các động cơ D-30KP-2 đã thực hiện chuyến bay đầu vào năm 2013. Động cơ WS-18 dành cho máy bay này và các máy bay cỡ lớn khác được phát triển trong một thời gian dài. Để đáp ứng nhu cầu về máy bay chỉ huy/báo động sớm, thay vì tiếp tục mua KJ-2000 dựa trên máy bay vận tải Il-76 của Nga, họ ráo riết mở rộng họ KJ-200 trên cơ sở máy bay nội địa Y-8.
Máy bay ném bom mang tên lửa H-6K (phát triển của biến thể Tu-16 sản xuất theo giấy phép) của không quân Trung Quốc (www.fvjs.cn)

Trung Quốc cũng bắt chước các mẫu máy bay không người lái (UAV) của Mỹ và Israel để tiến hành phát triển nhiều loại, trong đó có các loại UAV cỡ lớn. Có thể coi UAV tiến công CH-4B mà từ năm 2015 đã được trang bị cho Không quân Iraq và tham gia các chiến dịch chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (ISIL) là một trong những thành tựu nổi bật của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Họ đang tiến hành thử nghiệm cả mẫu trình diễn công nghệ của UAV tiến công tàng hình tương lai kiểu cánh bay, tức là tương tự các chương trình như X-47B và nEUROn của phương Tây [9]. Sự phát triển của ngành chế tạo UAV cho thấy không còn có thể buộc tội Trung Quốc sao chép mọi thứ một cách không suy nghĩ: họ đang thử nghiệm cả các UAV không có loại tương tự ở phương Tây như UAV 2 thân cỡ lớn với cánh khép kín.

Gia nhập nhóm đầu bảng
 
Hiện nay, những chương trình chế tạo máy bay quân sự lớn nhất thế giới là các chương trình phát triển tiêm kích có người lái thế hệ mới [10]. Tiêm kích thế hệ 5 thực sự duy nhất có trong biên chế hiện nay là F-22A Raptor của Mỹ. F-35 Lightning II cũng đang hoàn tất thử nghiệm và đang được sản xuất loạt, sẽ được trang bị cho hàng loạt quốc gia thân cận với Mỹ, trong đó có các nước láng giềng của Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản và có thể cả Singapore. Nga đang thử nghiệm Т-50 chế tạo theo chương trình Hệ thống máy bay chiến thuật tương lai PAK FA, trong tương lai nó cũng sẽ được trang bị cho Không quân Ấn Độ, một trong những đối thủ khu vực chủ yếu của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đều có các chương trình phát triển tiêm kích nội địa tương lai, nhưng do quy mô về tài chính và kỹ thuật mà chúng được thực hiện rất chậm chạp.
Máy bay chỉ huy/báo động sớm KJ-200 (chế tạo trên cơ sở Y-8, biến thể sản xuất theo giấy phép của An-12) của không quân Trung Quốc (igor113.livejournal.com)

Trong tình huống đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc ráo riết tiến hành các dự án trong lĩnh vực chế tạo máy bay. Điều khác thường và hiếm có là người Trung Quốc là duy nhất trên thế giới đồng thời nghiên cứu chế tạo và tiến hành bay thử cùng lúc 2 tiêm kích thế hệ 5 - J-20 và J-31 thực hiện các chuyến bay đầu tiên tương ứng vào năm 2011 và 2012. Nếu như J-31 còn tương đối phù hợp với hình dung cố hữu về công nghiệp hàng không Trung Quốc (rõ ràng là Trung Quốc lấy cảm hứng từ F-22 và F-35), còn J-20 là máy bay rất độc đáo. Chương trình tiêm kích MFI ở thời kỳ cuối của Liên Xô có ảnh hưởng nhất định, nhưng do việc bay thử mẫu chế thử duy nhất Izdelyie 1.44 hầu như không được tiến hành và chương trình đã bị đóng băng ngay ở giai đoạn đầu nên kể khi Trung Quốc có mua lại một số kết quả nghiên cứu của chương trình này thì người Trung Quốc vẫn đã phải tự thực hiện phần lớn công việc.
Mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 J-20 (www.fyjs.cn )

Theo ý kiến thống nhất trong giới chuyên gia, J-20 có lẽ sẽ được không quân Trung Quốc nhận vào trang bị với tư cách máy bay tiến công/đánh chặn hagj nặng, còn J-31 có định hướng xuất khẩu như một đối thủ cạnh tranh với F-35. Một câu hỏi còn để ngỏ là liệu Trung Quốc có mua J-31 cho nhu cầu trong nước không. Những khẳng định nói rằng, J-31 là mẫu chế thử của tiêm kích trên hạm có vẻ đáng ngờ.

Thật khó đánh giá về sự tiến bộ thật sự trong việc phát triển các tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc, nhưng ít nhất thì J-20 đang được thử nghiệm ráo riết. Tại thời điểm cuối năm 2015, tham gia thử nghiệm có 9 mẫu bay thử, trong đó có thể có cả 1 máy bay tiền sản xuất loạt đầu tiên [11]. J-20 có thể sẽ bắt đầu được sản xuất loạt trước cuối thập kỷ này. Số phận của J-31 phụ thuộc vào tì kiếm các khách hàng-nhà đầu tư nước ngoài. Với ý đồ tìm hiểu kinh nghiệm của Nga trong lĩnh vực này, tháng 11/2015, Trung Quốc sau những cuộc mặc cả kéo dài đã ký hợp đồng mua 24 tiêm kích thế hệ 4++ Su-35, là tiêm kích Nga hiện đại nhất được xuất khẩu. Tuy nhiên, Moskva đã bảo vệ được các điều kiện gần với các hợp đồng mua bán Su-30MKK/МK2: tất cả các máy bay sẽ được lắp ráp ở Nga và chuyển giao hoàn chỉnh, không có chuyện tích hợp thiết bị avionics và vũ khí của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đòi mua số lượng máy bay ít hơn nhiều và chuyển giao công nghệ. Sự kiên trì và thái độ nhân nhượng nhất định của Trung Quốc cho thấy họ rất quan tâm đến Su-35S, trước hết là động cơ của nó. Họ chưa chắc sẽ sao chép chính xác động cơ này mà nhiều khả năng là sử dụng nó làm “nguồn cổ vũ” để phát triển họ J-11. Cũng phải nói rằng, ngay cả Su-30MKK/МK2 cũng không bị sao chép trực tiếp mà là nguồn cổ vũ cho J-16, biến thể tiến công 2 chỗ ngồi (có lẽ trước hết là dùng cho hải quân) của J-11 [12].

Mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 J-31 (www.fyjs.cn)

Một trong những thách thức chủ yếu là sự cần thiết phải chuyển từ một không quân định hướng phòng thủ quốc gia sang không quân có khả năng thực hiện các cuộc không kích ở tầm chiến lược và tiến hành các chiến dịch viễn chinh. Hạm đội Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cho những hành động đó nên đang cần có sự yểm trợ đường không. Ngoài ra, không quân còn tham gia vào các cuộc tình huống xung đột xung quanh các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và thời gian tuần tra trong khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Việc xây dựng các đảo nhân tạo với các đường băng cất/hạ cánh rất tốn kém và không giải quyết tận gốc vấn đề.

Hiện nay, cách làm chung để tăng tầm hoạt động của máy bay và thời gian tuần tra là tiếp dầu trên không. Ví dụ, để bảo đảm hoạt động của không quân liên quân Mỹ trong chiến dịch “Sự cương quyết không lay chuyển” hiện nay thực hiện hơn 1.000 phi vụ tiếp dầu mỗi tháng [13], tuy nhiên chiến dịch này có cường độ không phải là rất cao. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cực kỳ khó khăn chính là với các máy bay tiếp dầu. Nếu như về đa số các chỉ số số lượng, không quân Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2-3 thế giới, thì về số lượng máy bay tiếp dầu, ngay cả top 10 họ cũng không lọt vào. Để bảo đảm cho nhiều trăm tiêm kích và máy bay ném bom, họ chỉ có vài chiếc Il-78 mua từ Nga và một số máy bay tiếp dầu được cải hoán từ máy bay ném bom cỗ lỗ sĩ H-6. Các máy bay chiến thuật hiện đại được trang bị gần như 100% được trang bị các hệ thống tiếp dầu trên không, nhưng số lượng máy bay tiếp dầu quá ít như vậy không cho phép đào tạo được số lượng lớn phi công. Trên các máy bay ném bom tầm xa H-6 vốn cần tiếp dầu trên không nhất lại không có hệ thống tiếp dầu trên không, kể cả trên các biến thể mới nhất. Điều đó hạn chế hơn nữa khả năng của biến thể hiện đại hóa sâu Это của loại máy bay thời những năm 1950. Các phi công Trung Quốc không thấy tự tin khi ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất, vốn được xem là tuyến phòng ngự xa nhất đối với họ. Các phi vụ huấn luyện của máy bay Trung Quốc bên ngoài phạm vi ranh giới này đến nay vẫn là sự kiện, trong khi các tuyến đường biển cần được bảo vệ.
Mẫu chế thử UAV Lợi kiếm (Kiếm sắc)

Hiển nhiên là hải quân Trung Quốc đang có một chương trình tàu sân bay tương xứng, nhưng một là, tàu sân bay trước hết là phương tiện tiến công để tiến hành các chiến dịch viễn chinh. Hai là, các cụm tàu sân bay xung kích có khả năng chiến đấu là một việc của tương lai khá xa đối với Trung Quốc. Ba là, không quân trên bờ vẫn phải làm nhiệm vụ bảo vệ hạm đội ở trên các vùng biển “nhà”.

Dự kiến, không quân Trung Quốc trong những năm tới sẽ tiếp tục đi theo những hướng kể trên. Các hệ thống mới hoàn toàn nội địa sẽ được đưa vào sản xuất loạt. Nga sẽ bị coi không phải là “người xây dựng không quân Trung Quốc” mà là đối tác bắt buộc trong những vấn đề mà Trung Quốc vẫn chưa có đủ kinh nghiệm. Một trong những thách thức khó khăn nhất sẽ là rút ngắn sự tụt hậu so với hải quân đang tiến nhanh ra vũ đài thế giới. Tuy nhiên, trong tương lai gần, mặc dù Trung Quốc triển khai các trạm bảo đảm ở châu Phi, hoạt động của hải quân lẫn không quân Trung Quốc sẽ vẫn tập trung ở Biển Đông. Những yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo ở đây cần được hậu thuẫn bằng sự hiện diện trông thấy trên biển và trên không, chứ không phải bằng quân số của lục quân trên lục địa.

[1] Từ đây về sau về các vấn đề lịch sử, xem: Demin А. Không quân của láng giềng lớn. Quyển 2. Không quân của Trung Quốc cũ và Trung Quốc mới. М.: Quỹ hỗ trợ không quân “Russkyie Vityazi”, 2012.

[2] Chính thức là Không quân Cộng hòa Trung Hoa. Đài Loan đã duy trì logo từ cuối những năm 1920.

[3] Người ta thường nói 11/11, ngày thành lập Bộ tư lệnh không quân Trung Quốc, là ngày thành lập quân chủng, nhưng ủy ban trung ương đảng cộng sản Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập không quân từ tháng 7. “Phi đội nhân dân số 1” bước vào trực chiến bảo đảm phòng không cho Bắc Kinh từ ngày 5/9.

[4] Hải quân Trung Quốc cũng có lực lượng không quân đông đảo mà cho đến gần đây hoàn toàn đóng trên đất liền. Không quân hải quân bao gồm không chỉ các máy bay tuần tra chống ngầm chuyên dụng, mà cả các tiêm kích thông thường và máy bay ném bom như Su-30. Để cho đơn giản, ta không đề cập riêng không quân hải quân mà ở đây không quân Trung Quốc được hiểu là các lực lượng không quân của Trung Quốc nói chung.

[5] Chính nhờ một trong các cuộc đụng độ này, một trong các tên lửa không đối không tối tân AIM-9B Sidewinder đã lọt vào tay các chuyên gia Liên Xô và đã có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các loại tên lửa tương tự của Liên Xô và là cơ sở để chế tạo họ tên lửa R-3.

[6] Sau khi đóng dự án, Israel đã bán bất hợp pháp các kết quả nghiên cứu cho Trung Quốc, điều khiến cho Mỹ đến nay vẫn rất tức tối.

[7] Đối với những đánh giá này, cần có thái độ hoài nghi nhất định và đừng coi chúng là chính xác đến từng đơn vị, nhất là đối với một đất nước khá đóng kín như Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu lực lượng máy bay cũ khá lớn. Tuy vậy, việc quân số không quân Trung Quốc ít nhất cũng gần với Không quân Nga là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Về nhiều lớp máy bay, chẳng hạn như tiêm kích thì ưu thế về số lượng của Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể.

[8] Trung Quốc sẵn lòng sao chép kỹ thuật cả trong các lĩnh vực khác như chế tạo ô tô. Chẳng hạn, bản sao chép ô tô Hummer của Mỹ mà quân đội Trung Quốc cũng mua được đặt tên trắng trơn là Humnee.

[9] Điều mỉa mai là cả máy bay này xem ra cũng được trang bị động cơ RD-33 của Nga.

[10] Cần lưu ý là Trung Quốc xác định thế hệ tiêm kích phản lực theo cách của mình, ít hơn một con số, nghĩa là Su-27 hay J-10 là tiêm kích thế hệ 3 đối với người Trung Quốc, còn F-22A Raptor hay PAK FA là thế hệ 4.

[11] Trong khi theo chương trình PAK FA ở cùng thời điểm chỉ có 6 máy bay.

[12] Bằng chứng cho điều đó là so với mẫu cơ sở, J-16 không có những thay đổi ở khung thân như xảy ra ở Su-30MKK/МK2, cụ thể là các cánh đuôi đứng cao với mép trên thẳng.

[13] Trong năm 2015, đã thực hiện 14.737 phi vụ.
Nhân Vũ