In bài này
7 thế hệ tàu sân bay Mỹ
Thứ Hai, 17/04/2017 - 8:58 PM
Lần đầu tiên trong 40 năm, Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm loại tàu sân bay mới.
Ngày 8/4/2017, sau nhiều lần đình hoãn, tàu sân bay đầu tiên của lớp mới CVN-78 Gerald Ford của Mỹ đã ra khơi chạy thử. Lớp tàu sân bay Gerald Ford là lớp tàu sân bay xung kích thứ 7 của Hải quân Mỹ sau Thế chiến II. Hãy tìm hiểu các lớp tàu sân bay tiền bối của Ford, kể từ lớp Essex vốn là nền tảng sức mạnh tiến công của Hải quân MỸ trong nửa cuối Thế chiến II và trong 15-20 năm đầu sau chiến tranh cho đến những tàu sân bay bước vào hoạt động từ năm 1945 cho đến ngày nay.
“Đội hình sát thủ” (US Navy). 5 tàu sân bay lớp Essex - đại diện cho loạt tàu sân bay hạng nặng đông đảo nhất (đặt hàng 32 chiếc, đi vào hoạt động 24 chiếc) của Hải quân Mỹ, cấu thành nền tảng sức mạnh hạm đội Mỹ từ năm 1943 đến những năm 1960. Trên bức ảnh này với cái tên biết nói “Murderer’s row” chụp từ khoang máy bay của tàu sân bay Ticonderoga là hình ảnh 5 tàu sân bay của Hạm đội 3 đang đậu gần đảo san hô Ulithi ngày 8/12/1944, sau trận đánh giành Philippines, đánh tan các lực lượng chủ lực của hạm đội Nhật Bản. Từ gần ra xa là các tàu: CV-18 Wasp, CV-10 Yorktown, CV-12 Hornet, CV-19 Hancock và CV-14 Ticonderoga.

Hiện đại hóa sau chiến tranh (US Navy). Những năm 1950 là thời kỳ chuyển hóa của các tàu sân bay. Các tàu sân bay của hạm đội Mỹ đã trải qua một số chương trình hiện đại hóa, áp dụng một số cải tiến của Anh. Trên bức ảnh chụp năm 1957, ta thấy tàu sân bay CV-10 Yorktown sau hiện đại hóa theo thiết kế SCB-125. Những cải tiến chính là: boong bay vát, các máy phóng máy bay bằng hơi nước và mũi kín (hurricane bow) giúp cải thiện khả năng đi biển của tàu. Ở biến thể cải tiến này, tàu được đặt tên theo con tàu đã bị đánh chìm trong trận đánh gần đảo san hô Midway vào tháng 6/1942 và đã phục vụ đến năm 1970.

Tàu cuối cùng của lớp Essex (US Navy). Các tàu sân bay lớp Essex đã bắt đầu rút khỏi tuyến 1 của Hải quân Mỹ từ nửa cuối thập niên 1950 cùng với việc gia nhập hạm đội của các siêu tàu sân bay đầu tiên, và vào giữa thập niên 1970, quá trình này đã hoàn thành. Tuy vậy, tàu CV-16 Lexington vốn được bàn giao cho hạm đội vào tháng 2/1943 đã có thời gian hoạt động dài hơn. Được chuyển loại vào năm 1969 từ tàu sân bay xung kích thành tàu sân bay huấn luyện (CVT-16), Lexington còn hoạt động trong biên chế đến tháng 12/1991. Đóng ở Pensacola, bang Florida, tàu được đặt theo tên của một trong những tàu sân bay đầu tiên của Mỹ (CV-2 Lexington bị đánh đắm trong trận đánh ở biển Corral vào tháng 5/1942) và đã thực hiện các chuyến đi ở vịnh Mexico và biển Caribe với các học viên phi công trên hạm của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Trên bức ảnh năm 1991 này là tàu sân bay Lexington đang rời vịnh Guantanamo ở Cuba.

Boong bọc giáp (US Navy). Các tàu sân bay lớp Midway là sự phát triển của lớp Essex. 3 tàu sân bay hạng nặng của lớp này đã vào biên chế Hải quân Mỹ từ tháng 9/1945 đến tháng 10/1947. Đặc điểm chủ yếu của các tàu lớp Midway là boong bay bọc giáp cũng học hỏi từ các đồng nghiệp Anh. Trong những năm1950, các tàu Midway cũng đã được hiện đại hóa như có mũi kín, các máy phóng máy bay bằng hơi nước và boong vát. Trên ảnh chụp ngày 10/8/1991, CV-41 Midway được đặt tên để kỷ niệm chiến thắng lới đầu tiên của Hải quân Mỹ trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, đang rời xa mãi mãi căn cứ ở Yokosuka lên đường về nhà để giải nhiệm. Các thủy binh trên boong đứng xếp thành chữ Sayonara (tiếng Nhật さようなら, nghĩa là tạm biệt).

Quan sát liên tục (US Navy). Các tàu sân bay mà các máy bay tiến công của chúng từ đầu những năm 1950 đã trở thành thành tố không thể tách rời của hoạch định chiến lược đối kháng với Liên Xô đã là đối tượng chú ý sát sao của hạm đội Liên Xô. Trên bức ảnh chụp ngày 18/5/1979 là máy bay Il-38 của không quân Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đang bay ngang trên tàu sân bay Midway. Trên boong của tàu Midway có thể nhận ra các tiêm kích F-4 Phantom II, các cường kích А-6 Intruder và А-7 Corsair II, các máy bay mang radar Е-2 Hawkeye, máy bay vận tải trên hạm С-2 Greyhound và trực thăng SH-3 Sea King.


Tàu sân bay và siêu tàu sân bay (US Navy). Khả năng của tàu sân bay đã bắt đầu tăng đột biến vào nửa cuối thập niên 1950 với sự gia nhập của các siêu tàu sân bay lớp Forrestall có kích thước và lượng giãn nước lớn hơn nhiều. Bức ảnh năm 1991 này chụp tàu CV-41 Midway và tàu sân bay thay thế nó trên tuyến đầu ở Yokosuka là CV-62 Independence - tàu cuối cùng trong 4 tàu lớp Forrestall, gia nhập hạm đội vào năm 1959. Trên boong lớn hơn của Independence thấy có các tiêm kích đánh chặn F-14 Tomcat mà việc sử dụng chúng trên các tàu Midway được cho là không hợp lý do boong bay và boong đỗ chật hẹp.

Siêu tàu sân bay đầu tiên (US Navy). CV-59 Forrestall gia nhập hạm đội Mỹ vào năm 1955, là siêu tàu sân bay đầu tiên của Mỹ. Đặt theo tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên James Forrestall, tàu này đã thực hiện các thử nghiệm hạ và cất cánh cho máy bay vận tải 4 động cơ C-130. Năm 1967, xảy ra vụ hỏa hoạn trên tàu, trong đó vị thượng nghị sĩ tương lai John McCain suýt chết.

Cựu binh Địa Trung Hải (US Navy). Giống như tất cả các lớp tàu sân bay thời sau chiến tranh của Mỹ, từ Midway đến Nimitz, các tàu Forrestall đã tham gia chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Bức ảnh năm 1990 chụp tàu sân bay CV-60 Saratoga (tàu thứ hai của loạt tàu, đặt tên để kỷ niệm chiến thắng của người Mỹ trong chiến tranh giành độc lập) đã hoạt động nhiều năm trong biên chế Hạm đội 6 của Mỹ, đang tiến vào Biển Đỏ để tham gia chiến dịch Lá chắn sa mạc (Desert Shield).

Binh đoàn nguyên tử (US Navy). Những năm 1950-1960 là thời kỳ nơi nơi quan tâm đến động cơ nguyên tử. Trên ảnh là binh đoàn tàu sân bay nguyên tử “thuần túy” đầu tiên - Task Force one (TF-1): tàu sân bay nguyên tử đầu tiên trên thế giới CVN-65 Enterprise, tàu tuần dương tên lửa nguyên tử đầu tiên Long Beach và frigate nguyên tử đầu tiên Bainbridge. Các thủy binh trên boong tàu Enterprise đứng lập thành công thức nổi tiếng của Einstein. Ảnh chụp ngày 18/6/1964 ở Địa Trung Hải.

Cuộc hành trình cuối cùng (US Navy). Được bàn giao cho hạm đội Mỹ vào tháng 11/1961, tàu Enterprise đã phục vụ hơn 50 năm. Trên ảnh chụp cuối tháng 10/2012, Big “E” đang đi qua eo biển Gibraltar đang rời xa mãi mãi Địa Trung Hải. Ngày 4/12/2012, ở Norfolk, tàu này bị loại khỏi biên chế chiến đấu của hạm đội và bị loại hẳn vào tháng 3/2017. Cái tên huyền thoại được thừa kế từ tàu sân bay nhiều thành tích hơn của Mỹ thời Thế chiến II ( CV-6 Enterprise, phục vụ trong Hải quân Mỹ từ năm 1938-1947) sẽ được chuyển giao cho tàu thứ ba của lớp mới Gerald Ford.

Tạm biệt Kitty Hawk (US Navy). Do đắt đỏ và phức tạp, Enterprise là tàu duy nhất trong lớp của mình và thay vì đóng tiếp các tàu lớp Enterprise, Mỹ đã đóng 4 tàu sân bay turbine nồi hơi lớp Kitty Haw vốn là sự phát triển của lớp Forrestall. Gia nhập hạm đội vào tháng 4/1961, tàu đầu tiên của lớp này đã duy trì trong 5 thập kỷ cấu trúc và tổ chức hệ thống các phương tiện kỹ thuật hàng không trên các tàu sân bay Mỹ: bố trí các thang máy, máy phóng máy bay và các cáp hãm đà trên tất cả cac tàu sân bay sau đó, tận đến tàu George Bush đều tương tự. Trên bức ảnh chụp năm 2008, tàu sân bay CV-63 Kitty Hawk có tên đặt theo thành phố mà từ ngoại ô của nó chiếc máy bay của anh em nhà Wright đã cất cánh, đang rời Nhật Bản về Mỹ để giải nhiệm. Thủy thủ đoàn cũng đứng xếp thành chữ Sayonara đã quen thuộc.

Tàu sân bay John F. Kennedy (US Navy). Tàu sân bay thông thường cuối cùng của Mỹ gia nhập biên chế là CV-67 John F. Kennedy, đóng theo thiết kế Kitty Hawk cải tiến đôi chút. Được bàn giao cho hạm đội vào năm 1967, tàu đã phục vụ đến năm 2007, 16 năm gần đây, ngoài các các nhiệm vụ chiến đấu, còn làm nhiệm vụ của một tàu huấn luyện. Trên ảnh là tàu Kennedy đang đi qua The Great Bitter Lake đến Biển Đỏ để tham gia chiến dịch Lá chắn sa mạc (Desert Shield). Ngày 17/1/1991, các máy bay của Phi đoàn 3 (CVW-3) cất cánh từ tàu này đã thực hiện những đòn không kích đầu tiên vào các mục tiêu Iraq trong chiến dịch Bão táp sa mạc (Dersert Storm).

Tàu sân bay nguyên tử mới (US Navy). Mặc dù ngừng đóng hàng loạt các tàu lớp Enterprise, Hải quân Mỹ đã không từ bỏ ý tưởng tàu sân bay nguyên tử. Tháng 5/1972, hạ thủy CVN-68 Nimitz, tàu đầu tiên của lớp tàu sân bay mới vốn khác với tàu Enterprise ở lượng giãn nước lớn hơn một chút, động cơ hạt nhân hiện đại, đơn giản và tiết kiệm hơn và thành phần trang thiết bị vô tuyến điện tử khác. Được đặt tên theo tên vị tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương những năm 1941-45, tàu gia nhập hạm đội vào mùa xuân năm 1975, trở thành tàu đầu tiên trong loạt 10 tàu. Trên ảnh là tàu Nimitz đang chạy thử.

Nimitz và Con gấu (US Navy). Trong lần đầu tiên ra khơi trực chiến, Nimitz bị theo dõi sát bởi các máy bay trinh sát Liên Xô. Trên ảnh là máy bay trinh sát Tu-95RTs (NATO gọi là Bear-D) bị một máy bay Phantom từ tàu Nimitz bám theo. Ngày 15/7/1976, Địa Trung Hải.

Eo biển Magellan (US Navy). Kể từ lớp Forrestall, các tàu sân bay đã trở nên quá lớn để đi qua kênh đào Panama. Bởi vậy, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, chúng phải đi vòng quanh châu Mỹ, chủ yếu qua eo biển Magellan. Trên ảnh chụp năm 2004 là tàu sân bay thứ 9 và áp chót của lớp Nimitz vừa gia nhập biên chế là CVN-76 Ronald Reagan đang đến Thái Bình Dương.

Tẩy xạ (US Navy). Một trong những phương pháp tẩy sạch bụi phóng xạ khỏi tàu sân bay là tẩy xạ bằng nước. Trên ảnh là cảnh thử nghiệm hệ thống tẩy xạ trên tàu sân bay Ronald Reagan.

Thế hệ mới (US Navy). Sau khi đưa vào biên chế hạm đội tàu thứ 10 lớp Nimitz là CVN-77 George Bush vào năm 2009, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu thiết kế tàu sân bay thế hệ mới. Trên ảnh là tàu CVN-78 Gerald Ford, tàu đầu tiên của lớp tàu sân bay mới, không lâu trước khi hạ thủy vào năm 2013. Đầu tháng 4/2017, tàu sân bay này với sự khác biệt so với các tàu trước với động cơ hạt nhân mới, các máy phóng điện từ, cấu trúc cáp hãm đà mới, cấu trúc đài chỉ huy và thiết kế chung của boong bay cải tiến, đã lần đầu tiên ra khơi chạy thử.

Ra khơi lần đầu tiên Reuters). Tàu CVN-78 Gerald Ford đang lên đường đi chạy thử. Trên ảnh thấy rõ một số khác biệt so với các tàu sân bay trước đó, trong đó có hình dáng và vị trí của đảo thượng tầng và các thang máy.


Bảo Chương