In bài này
Đức thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng
Chủ Nhật, 09/04/2017 - 8:20 PM
Chỉ riêng trong quý I/2017, quân đội Đức (Bundeswehr) đã hứng chịu 284.000 cuộc tấn công mạng, Andreas Maisch viết trong bài báo “L’Allemagne met sur pied une cyberarmée pour contrer la Russie” đăng trên tờ báo Pháp La Tribune.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen và Tư lệnh (Thanh tra) KdoCIR Trung tướng không quân Ludwig Leinhos (đeo kính, đội mũ nồi đen) (Reuters)
Để đối phó với các cuộc tấn công mạng Đức đã chính thức thông báo về sự hiện diện trong quân đội nước này một đơn vị đặc trách đối phó các mối đe dọa không gian mạng - đó là Bộ chỉ huy Không quân mạng và không gian thông tin (Kommando Cyber-und Informationsraum - KdoCIR).

Ngày 26/4/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã công bố quyết định thành lập đơn vị này với trụ sở đặt tại Bonn.

KdoCIR chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/4/2017 với tư cách một quân chủng mới, quân chủng thứ 6 của Bundeswehr. Vào tháng 7/2017, quân số đơn vị này sẽ là 13.500 người. Trong khi Hải quân Đức chỉ có 16.000 quân, Không quân Đức có 28.000 người. Đức hy vọng dùng tấm gương của mình để khích lệ các nước châu Âu khác để họ cũng có thể đối phó được với các cuộc tấn công mạng.

Tại Đức đã chính thức xuất hiện lực lượng tác chiến không gian mạng - đó là các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ chống tấn công mạng trên Internet và các mạng máy tính khác. Nhân sự kiện này, ngày 5/4/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã đến Bonn, nơi đặt tổng hành dinh của quân đội Đức. Trong thông cáo chính thức nêu rõ, “đây sẽ là một dấu mốc nữa trên con đường tiến tới chỗ quân đội Đức cả trong tương lai sẽ đáp trả một cách sáng tạo các mối đe dọa hiện tại từ không gian mạng và không gian thông tin”.

Nay, việc bảo vệ các mạng máy tính quân sự và các hệ thống vũ khí liên quan đến Internet sẽ do các binh sĩ của lực lượng tác chiến mạng, một quân chủng mới có vị thế ngang bằng với các quân chủng khác như Hải quân, Không quân, Lục quân. Về lý thuyết, các tin tặc mặc áo lính này sẽ có khả năng thực hiện cả việc tấn công đáp trả, nhưng ưu tiên chủ yếu chính là phòng thủ.

Hơn nữa, bản thân quân đội Đức vẫn là một trong những mục tiêu chủ chốt cho tình báo nước ngoài và đám tin tặc đánh thuê vốn khó gán cho một quốc gia cụ thể nào. Chỉ trong 9 tuần đầu năm 2017, các mạng của quân đội Đức đã bị tấn công 284.000 lần, Tướng Ludwig Leinhos cho biết.

Tìm đâu ra chừng ấy hacker cho quân đội? Khó khăn về tuyển quân do mức lương khu vực tư nhân quá cao

Lực lượng tác chiến không gian mạng Đức đến năm 2021 sẽ có quân số 13.500 quân và thêm 1.500 nhân viên dân sự. Nhưng hiện nay, toàn lực lượng mới chỉ có 260 chuyên gia CNTT.

Quân đội Đức cũng sẽ vấp phải vấn đề tuyển quân mặc dù, trong năm 2017, sẽ nhận 1.000 tân binh và 800 chuyên gia CNTT. Vì thế, sự cạnh tranh với khu vực tư nhân, nơi có mức lương cao hơn, sẽ rất khốc liệt. Một chuyên gia về tấn công hacking và bảo vệ mạng thông tin làm việc ở bên dân sự có thể kiếm tiền nhiều gấp 10 lần so với trong quân đội.

Câu hỏi chủ yếu mà các nhà bình luận nêu ra là liệu quân đội Đức có thể thu hút được các hacker và chuyên gia an ninh mạng giỏi nhất về với mình không để bảo vệ hiệu quả hơn hạ tầng Internet của Đức?

Chủ tịch Hội đồng An toàn thông tin Đức Philipp Saldern đã thừa nhận là rất khó thuyết phục các chuyên gia giàu kinh nghiệm nhập ngũ. Ông cũng đề xuất phương án, theo đó quân đội sẽ tự đào tạo các chuyên CNTT của mình.

Một trong những áp phích quảng cáo của quân đội Đức với thông báo tìm nhân viên cho lực lượng tác chiến mạng là: “Tự do của nước Đức được bảo vệ cả trong không gian mạng. Hãy làm điều thực sự quan trọng”.

Nhiều người Đức chú ý tới các áp phích quảng cáo hướng tới giới trẻ: những slogan đơn giản, dễ hiểu, ví dụ: “Chúng tôi bảo vệ tự do của nước Đức. Bây giờ là cả trên Internet”. Không thể tìm thấy trong quảng cáo những câu từ quen thuộc liên quan đến quân đội. Trái lại, quân đội Đức được miêu tả như một ông chủ hấp dẫn, một quan điểm hơi lạ thường ở Đức.

Sự cạnh tranh giành giật các nhà lập trình gay gắt trên thị trường lao động Đức đe dọa việc đạt được cá mục tiêu của quân đội Đức. Những người giỏi nhất trong những người giỏi nhất bị mua chuộc không chỉ bởi các mạng xã hội lớn, các mạng tìm kiếm và các tập đoàn CNTT mà cả các công ty bình thường đang lo lắng về an toàn thông tin. Ở Đức, chờ đợi một chuyên gia giỏi là mức lương khởi điểm đến 120.000 euro. Trong quân đội Đức, may ra chỉ có sĩ quan cấp tướng nhận được mức lương chừng đó, tờ báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung viết.

Muộn, nhưng đúng đắn

Trong 4 năm tới, cần phải thuê 1.800 người, hơn nữa lại chính là những người không muốn gia nhập quân đội Đức. Để làm được việc đó, quân đội Đức đã sẵn sàng cho “những phương pháp phi quy ước” như được nói trong khái niệm tuyển cán bộ mới. Những người lính tác chiến không gian mạng sẽ được phép không phải sống trong doanh trại quân đội và không phải dậy lúc 6 giờ sáng, có lịch làm việc tự do và khi muốn có thể làm việc từ nhà. Số lượng những nhượng bộ mà các vị lãnh đạo quân đội sẵn sàng thực hiện chưa dừng lại ở đó: dự kiến còn mở đường nhận quân hàm sĩ quan kể cả cho những người đã bỏ học và nhiều thứ khác.

Ngoài ra, tại trường đại học của quân đội Đức ở Munich sẽ xuất hiện 11 bộ môn chuyên ngành, tất cả đều có liên hệ cách này hay cách khác với phòng thủ không gian mạng. Tại trường sẽ xuất hiện một trung tâm nghiên cứu lớn mà chỉ trong thời gian tới sẽ được cấp kinh phí 20 triệu euro. Từ năm 2021, trường sẽ cung cấp hàng năm 70 chuyên gia CNTT. Những người chỉ trích nói rằng, quân đội Đức đang có những bước đi đúng hướng, mặc dù đang bị tút hậu xa so với các quân đội tiên tiến như Israel hay Mỹ, nơi đang có sự phối hợp chặt chẽ giữa thị trường CNTT và quân đội.

Tin tặc không ngừng mưu toan xâm nhập vào hệ thống máy tính của quân đội Đức. Lực lượng tác chiến mạng cảnh báo về những hậu quả có thể của những cuộc tấn công đó, thậm chí gây ra mối đe dọa đối với tính mạng con người.

Mục tiêu chủ yếu - nước Nga

Các nhà lập pháp Đức nói rằng, đơn vị mới sẽ tập trung vào đấu tranh chống các tin tặc Nga. Đứng đầu sẽ là Trung tướng không quân Ludwig Leinhos, một sĩ quan cao cấp và đồng thời là một trong những chuyên gia chủ yếu về công nghệ thông tin ở Đức.

Các chuyên gia của Hội đồng An toàn thông tin Đức đã chào mừng những chuyển biến trong lĩnh vực này. Chủ tịch Hội đồng Philipp Saldern đã thông báo với báo chí Đức rằng, đơn vị mới sẽ “tuyệt đối cần thiết” và sẽ có thể là hình mẫu cho các chương trình khác của chính phủ.

Những trở ngại trên con đường lực lượng tác chiến không gian mạng châu Âu

Tuy nhiên, mặt khác, có ít cơ hội để ý tưởng thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng châu Âu sẽ được chấp nhận trong thời gian ngắn. Trên thực tế, hiện tại, nó có vẻ không tưởng do các nước châu Âu sử dụng hạ tầng và các công nghệ phần mềm khác nhau.

Điều tương tự cũng tồn tại thậm chí ngay ở nước Đức bởi vì các bang, thành phố và chính quyền liên bang đều đang gặp khó khăn về trao đổi thông tin. Câu chuyện ách tắc trong việc điều tra các vụ giết người do đảng quốc xã ngầm Nationalsozialistischer Untergrund vào đầu những năm 2000 minh họa rõ ràng cho tình huống này.

Được tấn công mạng, nhưng phải có sự cho phép của Quốc hội?

Mặc dù mục tiêu chính của đơn vị mới là bảo vệ nước Đức trước các cuộc tấn công mạng, binh sĩ của đơn vị này cũng sẽ được huấn luyện cả về tiến hành các hành động tích cực và các cuộc tấn công mạng. Khía cạnh này đã bị các nghị sĩ Đức chỉ trích.

Thành viên đảng Xanh Konstantin von Notz đã nhấn mạnh rằng, “để tiến hành các cuộc tấn công mạng, quân đội phải được sự cho phép của Quốc hội”. Đảng của ông lưu ý chính phủ đang làm việc này không đủ minh bạch. Nghị sĩ đảng Xã hội dân chủ Đức Hans-Peter Bartels cho rằng, quân đội Đức phải được sự cho phép đặc biệt của Quốc hội để làm việc này.

Đơn vị tấn công có quy mô nhỏ nhất

Về pháp lý, hiện chưa rõ hết là lực lượng tác chiến mạng Đức sẽ bảo vệ cụ thể như thế nào. Các chuyên gia nói rằng, một khi xảy ra cuộc tấn công ồ ạt vào các mục tiêu phi quân sự ở Đức, nếu đó không phải là tấn công về vật chất, thì làm nhiệm vụ bảo vệ không phải là quân đội Đức mà là Bộ Nội vụ. Một câu hỏi khác là nếu như có thể nhận dạng bên tấn công có liên quan đến một quốc gia cụ thể nào đó. Lúc đó, quân đội Đức có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả, nhưng điều đó sẽ khó có thể là một cuộc phản công truyền thống.

Theo ông Dirk Roland Haupt từ Bộ Ngoại giao Đức, một khi phát hiện ra chẳng hạn đó là các tin tặc Nga thì “đáp lại câu hỏi về cuộc tấn công đáp trả vào Điện Kremlin cần nói dứt khoát là: câu trả lời phủ định”.

Chính bởi vậy mà trong lực lượng tác chiến mạng thì nhỏ nhất sẽ là đơn vị phụ trách tấn công mạng - chỉ có 60 người. Để thực hiện các cuộc tấn công mạng, sẽ cần có sự cho phép của Quốc hội Đức. Nhưng tấn công chỉ được xem là phương tiện cùng bất đắc dĩ. Trước hết vào cuộc sẽ là các phương pháp khác, ví dụ như trục xuất các nhà ngoại giao. “Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ - chúng tôi vẫn chưa có cơ sở pháp lý cho các hành động đó -  chúng ta cần phải sẵn sàng đánh sập một máy chủ hay mấy máy chủ (tấn công)”, một chuyên gia về an ninh mạng Andreas Könen của Bộ Nội vụ Đức nói. Ông so sánh điều đó với các hành động của lính cứu hỏa: ban đầu họ dập lửa, còn sau đó là tìm thủ phạm gây hỏa hoạn.
RH