In bài này
Quân đội Trung Quốc cải cách đột phá
Thứ Ba, 04/04/2017 - 8:09 PM
Cải cách quân đội Trung Quốc mang tính cách mạng. Quân đội Trung Quốc trong tương lai gần sẽ thay đổi đến mức không thể nhận ra và trở thành lực lượng vũ trang hiện đại nhất thế giới về phương diện các yếu tố mới. Quân đội Việt Nam không nên chậm trễ...
Bắc Kinh chú ý trước hết đến việc hoàn thiện về chất lượng quân đội của mình (Reuters)
Cuối tháng 10/2016, phái đoàn Viện Hàn lâm khoa học quân sự quân đội Trung Quốc đến thăm Moskva. Trong thời gian chuyến thăm, đã diễn ra hội thảo Nga-Trung với chủ đề “Cải cách quân đội. Kinh nghiệm và bài học”. Các nhà khoa học hàng đầu của Viện Nghiên cứu Lịch sử quân sự, Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga đã thảo luận các vấn đề cải cách quân đội trong quá khứ và hiện tại ở Nga/Liên Xô và Trung Quốc. Dưới đây xem xét các xu hướng chính của chính sách quân sự đương đại và xây dựng quân đội Trung Quốc.

Tóm tắt các cuộc cải cách quân đội Trung Quốc

Cải cách trong quân đội Trung Quốc đã bắt đầu ngay từ khi thành lập. Tháng 11/1949, đã diễn ra cuộc cải tổ lớn đầu tiên quân đội Trung Quốc, không quân Trung Quốc được thành lập. Tháng 4/1950, thành lập hải quân Trung Quốc. Cũng trong năm 1950, đã thành lập các cơ cấu lãnh đạo phảo binh, bộ đội tăng-thiết giáp, bộ đội phòng không, lực lượng công an và dân binh công nông. Sau đó, đã thành lập bộ đội phòng hóa, bộ đội đường sắt, bộ đội thông tin, Lực lượng pháo binh 2 (lực lượng tên lửa hạt nhân)...

Trong thập niên 1950, với sự giúp đỡ của Liên Xô, quân đội Trung Quốc đã chuyển từ quân đội nông dân thành một quân đội hiện đại. Một phần của quá trình này là việc thành lập 13 quân khu vào năm 1955.

Kể từ chiến thắng trong nội chiến và thành lập CHND Trung Hoa, quân số quân đội Trung Quốc liên tục bị cắt giảm mặc dù vẫn là quân đội đông nhất thế giới. Số lượng quân khu cũng giảm đi: trong thập niên 1960, số lượng quân khu giảm xuống còn 11, trong thời gian cải cách năm 1985-1988 - giảm xuống còn 7. Đồng thời, trình độ huấn luyện bộ đội và trang bị kỹ thuật liên tục được nâng cao, tiềm lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc tăng lên.

Một trong “bốn hiện đại hóa” mà Đặng Tiểu Bình tuyên bố vào năm 1978 là hiện đại hóa quân đội. Trong quá trình này, quân đội đã bị cắt giảm, trang bị kỹ thuật hiện đại được cải thiện.

Kể từ thập niên 1980, quân đội Trung Quốc đã chuyển hóa đáng kể. Cho đến lúc đó, quân đội Trung Quốc cơ bản là lục quân bởi vì “mối đe dọa từ phía Bắc” (từ phía Liên Xô) được cho là mối đe dọa quân sự chủ yếu đối với Trung Quốc. Trong thập niên 1980, Đài Loan độc lập được Mỹ ủng hộ và xung đột trên Biển Đông về chủ quyền quần đảo Trường Sa là hướng trọng tâm. Diện mạo quân đội Trung Quốc thay đổi - diễn ra sự quá độ từng bước từ việc sử dụng đông đảo bộ binh đến các hành động của các binh đoàn không đông quân, trang bị tốt, cơ động cao phối hợp không quân và hải quân. Đặng Tiểu Bình đã nhấn mạnh rằng, quân đội Trung Quốc cần chú ý hơn đến chất lượng, chứ không phải số lượng. Năm 1985, quân đội Trung Quốc bị giảm đi 1 triệu quân, năm 1997 giảm tiếp nửa triệu, xuống còn 2,5 triệu người.

Trung Quốc chăm chú theo dõi các cuộc xung đột quân sự trên thế giới và tìm cách học hỏi những điểm mới. Họ cũng tích cực nghiên cứu cải cách quân đội ở Liên Xô/Nga, các nước châu Âu và Mỹ. Quân đội Trung Quốc đã không còn chuẩn bị cho các chiến dịch trên bộ quy mô lớn mà tự hoàn thiện để tham gia các cuộc xung đột cục bộ công nghệ cao, có thể xảy ra kể cả ở xa biên giới Trung Quốc. Họ ngày càng chú trọng tính cơ động, tình báo, chiến tranh thông tin và chiến tranh không gian mạng. Quân đội Trung Quốc nhận vào trang bị các loại vũ khí mua ở Nga - đó là các tàu khu trục, máy bay, hệ thống tên lửa phòng không tối tân, cũng nhiều loại vũ khí tự sản xuất như tiêm kích J-10, tàu ngầm lớp Tấn, tàu sân bay Liêu Ninh, xe tăng Type 99 và nhiều loại khác.

Cải cách quân đội và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đã đụng chạm đến cơ cấu chất lượng của quân đội, nhất là đội ngũ sĩ quan về mặt trẻ hóa, áp dụng các bậc quân hàm mới. Hệ thống đào tạo quân đội đã được cải cách. Thay vì 116 nhà trường quân sự, đã xuất hiện vài chục nhà trường kiểu mới - Đại học Quốc phòng, Đại học Chỉ huy lục quân, Đại học Sư phạm quân sự, Đại học Kinh tế quân sự, Đại học Quân sự về Quan hệ quốc tế và ... Ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã đặt ra giải quyết thành công nhiệm vụ đến năm 2000, tất cả sĩ quan phải có học vấn đại học.

Hiện nay, hệ thống quân dịch của Trung Quốc kết hợp chế độ nghĩa vụ và tự nguyện, phục vụ trong dân binh và phục vụ trong lực lượng dự bị. Thời gian nghĩa vụ quân sự trong tất cả cá quân chủng rút xuống còn 2 năm. Loại bỏ chế độ nghĩa vụ siêu hạn vốn kéo dài quá 8-12 năm trước đây và áp dụng chế độ hợp đồng có thời hạn dưới 3 năm và trên 30 năm.

Nhịp độ cải cách quân đội Trung Quốc tăng dần từ cuối những năm 2000. Đã thực hiện được cú đột phá mạnh mẽ về trang bị cho quân đội Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang có những bước đi chưa từng có trong lĩnh vực cải cách quân đội. Sự tăng trưởng tiềm lực kinh tế đang hậu thuẫn cho việc thực hiện các kế hoạch đã định. Cải cách và hiện đại hóa quân đội đang được ban lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc coi là phần không thể tách rời của phát triển kinh tế-xã hội. Nếu như chỉ mới đây, mục tiêu cải cách quân đội Trung Quốc được coi là giành ưu thế đối với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương để bảo đảm an ninh khu vực của Trung Quốc, thì nay, vai trò của sức mạnh quân sự trong bảo vệ lợi ích quốc gia đang được xem xét ở tầm mức toàn cầu. Binh sĩ quân đội Trung Quốc đang tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ và hoạt động nhân đạo quốc tế, hải quân Trung Quốc đã tham gia cuộc chiến chống cướp biển ở vịnh Aden của quốc tế.

Chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh quân sự trù tính một tổ hợp lớn các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự. Theo đường lối chính trị-quân sự mà Đảng cộng sản Trung Quốc đã lựa chọn, cải cách quân đội Trung Quốc phải đảm bảo an ninh và sự thống nhất của đất nước. Điều đó trước hết xác định việc bảo vệ không chỉ các đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không của Trung Quốc, mà còn bảo vệ an ninh của đất nước ở mọi cấp độ trên con đường phát triển chiến lược của Trung Quốc.

Từ năm 2006, Trung Quốc thực hiện chương trình “Hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang”. Hiện nay, có thể nói chắc chắn rằng, giai đoạn 1 của chương trình này, bao gồm việc kiến tạo những nền tảng và chuyển đổi nền cơ bản, đang tiến tới hoàn tất. Đến năm 2020, Đảng cộng sản Trung Quốc dự tính đạt được cái gọi là sự tiến bộ chung trên các hướng cơ bản hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Hội thảo khoa học Nga-Trung cho thấy điều gì?

Trong hội thảo khoa học Nga-Trung “Cải cách quân đội. Kinh nghiệm và bài học”, các nhà nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực lịch sử quân sự đã nói về những thay đổi trong công tác xây dựng quân đội Trung Quốc giai đoạn hiện nay. Hiện nay, quá trình cải cách bao trùm không chỉ quân đội Trung Quốc, mà cả nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như chính trị, kinh tế và văn hóa.

Trưởng phái đoàn Trung Quốc, chính ủy Viện hàn lâm khoa học quân sự quân đội Trung Quốc, trung tướng Gao Donglu trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh rằng, quân đội Trung Quốc hiện nay đang ở đợt phát triển cải cách mới. Ở giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ cải cách chủ yếu quân đội Trung Quốc là xây dựng hệ thống lãnh đạo-chỉ huy hợp lý và có cơ sở khoa học, hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp hiệu quả, cơ cấu tổ chức biên chế quân đội tương ứng, cũng như nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội bằng cách khắc phục những mâu thuẫn cơ cấu và các vấn đề mang tính chính trị. Tóm lại, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng một quân đội mạnh, “có khả năng chiến đấu và chiến thắng”.

Phía Trung Quốc đã giới thiệu báo cáo “Tiến bộ trong thực hiện các cải cách quân đội và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Kinh nghiệm và bài học” của Trưởng ban nghiên cứu quân đội châu Âu, Phòng nghiên cứu quân đội nước ngoài của Viện hàn lâm khoa học quân sự quân đội Trung Quốc, đại tá Li Shuin. Bà này nói rằng, Trung Quốc đang nghiên cứu những thay đổi đang diễn ra trên thế giới, thích nghi với những xu hướng cải cách chung quân đội trên thế giới. Đồng thời, giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, do sự ứng dụng ồ ạt công nghệ thông tin trong lĩnh vực quân sự, sắp tới có thể xuất hiện những hình thức hoạt động quân sự và tác chiến mới: “Chiến tranh đã bước vào kỷ nguyên mới “tiêu diệt tức thì”. Xuất phát từ những thực tế đó, các mục tiêu và nhiệm vụ cải cách quân sự ở Trung Quốc đang được vạch ra.

4 thành tố chính của nhiệm vụ cải cách quân đội Trung Quốc là:

- hoàn thiện hệ thống chỉ huy và lãnh đạo;

- tối ưu hóa quân số quân đội và cơ cấu tổ chức biên chế;

- xác định phương hướng chính trị cho quân đội;

- hòa nhập quân đội và xã hội.


Trong đó, hoàn thiện hệ thống chỉ huy và lãnh đạo là vấn đề quan trọng nhất, đòi hỏi đầu tư những lực lượng chính và là sự bảo đảm cho sự đột phá trên các hướng khác.

Báo cáo cũng bình luận về sự đổi mới hệ thống các cơ quan lãnh đạo quân sự trung ương trực thuộc Quân ủy trung ương Trung Quốc.

Bộ tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần, Tổng cục Trang bị đã bị cải tổ thành 15 cơ quan hành trình-quân sự trực thuộc Quân ủy trung ương do Tập Cận Bình đứng đầu. Đó là Bộ tham mưu liên hợp, Văn phòng Quân ủy, Cục công tác chính trị, Cục bảo đảm hậu cần, Cục phát triển trang bị, Cục quản lý và huấn luyện, Cục động viên quốc phòng, Ủy ban kiểm tra-kỷ luật, Ủy ban chính pháp, Ủy ban KHKT, Văn phòng quy hoạch chiến lược, Văn phòng cải cách và biên chế, Văn phòng hợp tác quân sự quốc tế, Cục kiểm toán và Tổng cục quản lý các cơ quan quân ủy.

Phía Trung Quốc cho rằng, những thay đổi đó sẽ giúp làm cho hoạt động của các cơ quan tham mưu, cơ quan hành pháp, cơ quan bảo đảm của Quân ủy trở nên hợp lý hơn, phân định rạch ròi hơn các thẩm quyền lãnh đạo, xây dựng, chỉ huy và kiểm soát, cũng như đơn giản hóa việc thực hiện 4 chức năng chính: quá trình ra quyết định, kế hoạch, thực hiện và đánh giá.

Báo cáo viên nhấn mạnh rằng, trong cải cách quân đội Trung Quốc, họ đặc biệt coi trọng những khuyến nghị của ngành khoa học quân sự.

Phía Trung Quốc cũng đã nêu những thay đổi về phân chia hành chính-quân sự lãnh thổ Trung Quốc.

Ngày 1/2/2015, 7 đại quân khu đã được cải tổ thành 5 chiến khu (Đông, Nam, Tây, Bắc và Trung tâm) nắm giữ tất cả các liên
binh đoàn, binh đoàn trong địa bàn trách nhiệm vào thời bình và thời chiến.

Như vậy, hệ thống lãnh đạo-chỉ huy mới xác định quân đội Trung Quốc chuyển sang hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp 3 cấp: Quân ủy trung ương - bộ tư lệnh chiến khu - binh đoàn và đơn vị. Tại các chiến khu, cũng tương ứng thành lập các bộ tư lệnh quân chủng với cơ cấu chỉ huy phù hợp: bộ tư lệnh lục quân, bộ tư lệnh hải quân, bộ tư lệnh không quân.

Ngày 31/12/2015, đã thành lập Bộ tư lệnh lục quân, đồng thời thành lập Lực lượng chi viện chiến lược. Các lực lượng hạt nhân chiến lược (Lực lượng pháo binh 2) được đổi tên thành Lực lượng tên lửa. Như vậy, quân đội Trung Quốc hiện có 5 quân chủng: Lục quân, hải quân, không quân, Lực lượng tên lửa và Lực lượng chi viện chiến lược. Đồng thời, đã thành lập hệ thống lãnh đạo và chỉ huy 3 cấp: Quân ủy trung ương - quân chủng - các binh đoàn và đơn vị.

Hệ thống bảo đảm hậu cần của quân đội Trung Quốc cũng được hoàn thiện. Ngày 13/9/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh thành lập Lực lượng bảo đả hậu cần liên hợp của Quân ủy trung ương.

Lực lượng bảo đảm hậu cần liên hợp làm công tác bảo đảm hậu cần và bảo đảm chi viện chiến lược và chiến dịch. Lực lượng này gồm căn cứ bảo đảm hậu cần liên hợp (ở thành phố Vũ Hán) và 5 trung tâm bảo đảm hậu cần liên hợp. Lực lượng bảo đảm hậu cần liên hợp là nòng cốt của lực lượng hậu cần và cấu thành hệ thống bảo đảm tổ hợp trong hệ thống lãnh đạo-chỉ huy chung nhằm bảo đảm toàn diện, có hệ thống, liên hợp và bảo đảm điểm cho quân đội.

Các vị khách Trung Quốc cho hay, trong tương lai, cải cách quân đội Trung Quốc sẽ nhằm giảm biên quân đội Trung Quốc.

Cụ thể, những cắt giảm chính sẽ liên quan đến các cơ quan chỉ huy quân đội và các bộ phận phi chiến đấu. Tại các cơ quan chỉ huy quân đội sẽ tiến hành cắt giảm nhân sự thừa ở tất cả các cấp, cũng như cắt giảm số lượng chức vụ chỉ huy. Trong quân đội chủ yếu là cắt giảm các đơn vị được biên chế vũ khí trang bị lạc hậu để sử dụng các cơ cấu được giải phóng nhằm tăng cường khả năng chiến đấu mới.

Phía Trung Quốc tỏ ra tin tưởng rằng, sau cải cách, khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, khả năng của quân đội bảo vệ kiên quyết chủ quyền, an ninh quốc gia và sự phát triển hòa bình của đất nước sẽ tăng mạnh. Đồng thời, quân đội Trung Quốc vẫn sẽ trung thành với chiến lược phòng thủ dưới hình thức học thuyết quân sự “phòng thủ tích cực” nhằm bảo vệ hòa bình trong khu vực và toàn thế giới.

Trong lời kết, trưởng phái đoàn Trung Quốc đặc biệt lưu ý rằng, cải cách quân đội Trung Quốc mang tính chất cách mạng. Quân đội Trung Quốc đang phát triển với trọng tâm đặt vào sự phối hợp liên quân chủng, tính cơ động, áp dụng các công nghệ mới có khả năng bảo đảm tính tinh gọn và khả năng sẵn sàng chiến đấu thường xuyên của quân đội.

Cải cách quân đội Trung Quốc, theo các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Trung Quốc, trù tính trong giai đoạn đến năm 2049. Mục tiêu chính của cải cách là xây dựng quân đội thông tin hóa, có khả năng hành động thắng lợi trong các cuộc xung đột quân sự có sử dụng công nghệ thông tin. Nội dung chính hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ở giai đoạn hiện này là thông tin hóa và máy tính hóa quân đội, tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội bằng cách nâng cao khả năng phối hợp của các quân chủng trong các chiến dịch liên hợp. Mục tiêu cuối cùng của cải cách quân đội, theo quan điểm của đảng cộng sản Trung Quốc, là xây dựng quân đội có khả năng thực hiện hiệu quả kiềm chế hạt nhân, tác chiến thắng lợi trong chiến tranh cục bộ, hiện đại, công nghệ cao, cũng như trong các chiến dịch chống khủng bố.

Khi tổng kết kết quả hội thảo, các nhà khoa học quân sự Nga và Trung Quốc đã đi đến kết luận rằng, lĩnh vực cải cách quân đội đòi hỏi sự nghiên cứu chi tiết và sâu sắc, đề xuất trong tương lai gần xuất bản một tuyển tập khoa học. Hai bên nhất trí khẳng định tầm quan trọng của hợp tác khoa học song phương trong lĩnh vực lịch sử quân sự.

Một số kết quả

Cần lưu ý rằng, các báo cáo do phía Trung Quốc trình bày có tính cởi mở tối đa. Phân tích các phát biểu của các nhà khoa học Trung Quốc, có thể kết luận rằng, cải cách quân đội Trung Quốc có tính quy mô bởi vì nó đi cùng với những quyết định cấp tiến của ban lãnh đạo chính trị-quân sự. Các cấu trúc kiểm soát chính trị đối với lực lượng vũ trang đang thay đổi. Trong số các cơ cấu quân sự của quân đội Trung Quốc chỉ còn tồn tại Quân ủy trung ương. Nhưng từ một cấu trúc thực thi quyền lãnh đạo chính trị chung đối với lĩnh vực quân sự, Quân ủy trở thành cơ quan chủ yếu, có 15 cấu trúc trực thuộc.

Hệ thống bảo đảm hậu cần của quân đội Trung Quốc cũng thay đổi triệt để.

Theo các chuyên gia, Bộ tham mưu liên hợp yếu hơn cơ quan tiền nhiệm: nó đã mất quyền kiểm soát đối với hệ thống đào tạo và huấn luyện cán bộ, động viên, quy hoạch chiến lược và các lĩnh vực khác. Ngoài ra, các đơn vị hoạt động trong không gian mạng và phụ trách tác chiên điện tử của Bộ tổng tham mưu đã bị giải thể nhiều khả năng được chuyển sang Lực lượng chi viện chiến lược.

Xét đến những biện pháp cải cách đang thực hiện, học thuyết quân sự Trung Quốc vẫn chủ yếu mang tính phòng thủ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn coi vi phạm chủ quyền Trung Quốc của các thế lực ly khai với khẩu hiệu “Đài Loan độc lập”, “Đông Turkestan độc lập” và “Tây Tạng độc lập” là những mối đe dọa chính đối với Trung Quốc. Ban lãnh đạo chính trị Trung Quốc cũng rất chú ý đến việc gia tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, quốc gia đang tiến hành chiến lược “tái cân bằng sức mạnh” và gây áp lực đối với Trung Quốc thông qua các hiệp ước song phương với các nước trong khu vực. Việc tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc phần nhiều liên quan đến các biện pháp phòng ngừa vốn cần thiết với tư cách yếu tố đối trọng với các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Trung Quốc tập trung lực lượng chủ lực của các quân chủng tiên tiến nhất là hải quân và không quân ở miền nam nước này để giải quyết các nhiệm vụ trên biển và đại dương cho tình huống đối kháng với Mỹ.

Trung Quốc cũng đánh giá cao tầm quan trọng của khả năng của quân đội Trung Quốc phản ứng nhanh với những nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia phát sinh bất ngờ. Thừa nhận ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới trong tương lai gần, cải cách quân đội Trung Quốc trước hết nhằm vào khả năng sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh cục bộ của quân đội Trung Quốc. Do đó, gần đây, trong quân đội Trung Quốc đang tích cực xây dựng các lực lượng cơ động để tác chiến trong các cuộc xung đột cục bộ dọc theo đường biên giới quốc gia, cũng như để chi viện cho vũ cảnh (cảnh sát nhân dân vũ trang). Các lực lượng này có thể chiếm đến 1/3 biên chế quân đội Trung Quốc.

Cũng cần lưu ý rằng, ban lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đang tham gia hợp tác quốc tế về các vấn đề an ninh toàn cầu. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã xây dựng và đang thực hiện “Khái niệm an ninh kiểu mới dựa trên niềm tin giữa các quốc gia”. Theo các nội dung của khái niệm, cần xây dựng an ninh lẫn nhau như nhau trên cơ sở niềm tin lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia thông qua đối thoại, dựa trên tương tác trong lĩnh vực an ninh - trong khi không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và không gây tổn hại cho các nước thứ ba. Khái niệm cũng đánh giá cao tầm quan trọng của việc thúc đẩy ý tưởng không cho phép đe dọa hay gây tổn hại cho an ninh và ổn định của các nước khác bằng sức mạnh quân sự.

Các bước đi đang được ban lãnh đạo Trung Quốc thực hiện gần đây theo các kênh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ASEAN và SNG nói lên rằng, Trung Quốc trong khi đang tìm cách giành vị thế dẫn đầu trong các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng đang tìm cách cho thấy sự sai trái của chiến dịch thông tin của phương Tây nhằm tạo dư luận thế giới về “mối đe dọa Trung Quốc”.

Dựa trên sức mạnh kinh tế đang gia tăng, Trung Quốc đang hoàn thiện các thông số chất lượng cảu tiềm lực quốc phòng trên cơ sở khoa học và công nghệ tiên tiến. Đồng thời, trọng tâm chú ý trong lĩnh vực này được đặt vào nỗ lực nâng cao tiềm lực răn đe hạt nhân, tạo lập các điều kiện, trong đó các khu vực miền Đông và duyên hải phát triển nhất về kinh tế sẽ được bảo vệ tối đa chống các cuộc tiến công từ trên không và hướng biển.

Quân đội Trung Quốc mà nhiều cấu trúc của nó đã trải qua những thay đổi lớn kể từ thời nội chiến trong những năm 1930 trong tương lai gần sẽ thay đổi đến mức không thể nhận ra. Theo các nhà khoa học từ Viện hàn lâm khoa học quân sự quân đội Trung Quốc, đây sẽ là lực lượng vũ trang hiện đại nhất thế giới về phương diện các yếu tố mới.
Nhân Vũ