In bài này
Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh trên biển
Thứ Bẩy, 01/04/2017 - 10:43 AM
Bắc Kinh tăng mạnh quân số hải quân và lính thủy đánh bộ trong quá trình cải cách quân đội.
Trong quá trình cải cách quân đội, Trung Quốc có thể cắt giảm hơn 1/4 quân số lục quân, tức là gần 200.000 quân, The South China Morning Post (SCMP) dẫn các nguồn tin trong giới quân sự cho hay.

Theo đó, 5 trong 18 quân đoàn lục quân Trung Quốc sẽ bị giải thể, gồm các quân đoàn 20, 27, 14, 16 và 47. Binh sĩ của các quân đoàn này sẽ được chuyển sang lực lượng dự bị hoặc điều chuyển sang các quân chủng khác, cụ thể là không quân, hải quân hoặc Lực lượng tên lửa thành lập (trên cơ sở Lực lượng pháo binh 2) sau đợt cải cách mới đây.


Một nguồn tin cho biết, các quân đoàn 16 và 47 sẽ được giải thể vì từng là “chỗ dựa” của các thượng tướng, phó chủ tịch quân ủy trung ương thất thế Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Quách vào tháng 7/2016 đã bị tòa án binh kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, Từ thì đã qua đời trong tù vì ung thư. Theo một nguồn tin khác, trong bối cảnh Bắc Kinh lo ngại đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc, các quân đoàn 16 và 40 có thể bị sáp nhập thành một binh đoàn thống nhất. “Có thể, một số quân đoàn sẽ được chuyển thành các đơn vị lính thủy đánh bộ hay lính dù”, nguồn tin cho biết thêm.

Những binh sĩ bị chuyển sang lực lượng dự bị sẽ nhận được trợ cấp một lần, nhưng các nguồn tin cho hay, trong năm nay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng chỉ 7%, điều đó có thể cho thấy, việc chi trả trợ cấp đó có thể trải dài trong 5 năm tới. Bởi vậy, theo SCMP, chính quyền Trung Quốc đang lo ngại có sự phản đối trong nội bộ quân đội bởi vì các biện pháp trước đây nhằm tinh giản quân đội đã đụng chạm đến 170.000 sĩ quan trong các đơn vị phi chiến đấu của quân đội Trung Quốc và đã gây bất mãn lớn trong quân đội.

Tháng 11/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo về những cải cách quân đội quy mô lớn sắp diễn ra và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đến năm 2018, quân số quân đội phải giảm xuống còn 2 triệu quân.

Cải cách quân đội Trung Quốc có ý nghĩa gì và có liên quan gì đến sự gia tăng sức mạnh kinh tế của nước này?

Chuyên viên cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga Vasily Kashin cho rằng, những tin tức về cải cách sắp tới đăng trên SCMP thường là việc cố ý tung tin và có thể có những chi tiết thông tin bị bóp méo.

- Được biết gần như mọi cắt giảm trong quân đội Trung Quốc sẽ đều đụng chạm đến lục quân và chúng phải hoàn tất trước cuối năm nay. Nhiều nguồn tin cho rằng, một số quân đoàn (có nhiều nguồn tin cũng nói đến con số 5) sẽ bị giải thể, 2 trong số các quân đoàn đó sẽ được chuyển sang binh chủng lính thủy đánh bộ. Lính thủy đánh bộ được khôi phục ở Trung Quốc với tư cách một quân chủng cách đây không lâu lắm, trong những năm 1980, bởi vậy, trong biên chế của nó hiện chỉ có 2-3 lữ đoàn (Các hạm đội Đông Hải và Nam Hải).

Ngoài ra, điều chẳng có gì bí mật là một trong những hướng huấn luyện ưu tiên của quân đội Trung Quốc là tiến hành chiến dịch đổ bộ chống Đài Loan. Để chuẩn bị cho chiến dịch đó, ở đại quân khu Nam Kinh nay đã giải thể (nay là một phần của chiến khu miền Đông), từng có các cụm lực lượng lục quân mà trong thành phần cũng có cái gọi là các binh đoàn đổ bộ. Đó không phải là lính thủy đánh bộ mà chính là các binh đoàn lục quân có quay chế lực lượng đổ bộ và được trang bị xe tăng-thiết giáp đặc chủng có khả năng bơi biển tốt hơn để tham gia chiến dịch đổ bộ đường biển.

Hoàn toàn có thể là chính các đơn vi này sẽ được điều chuyển sang binh chủng lính thủy đánh bộ. Đây là bước đi hoàn toàn có lý bởi vì Trung Quốc hiện không có đối thủ mạnh trên bộ, trong khi xây dựng hải quân lại là ưu tiên tuyệt đối đối với họ. Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển nên nó quyết định đường lối xây dựng quân đội của họ. Bởi vậy, họ cần có lực lượng lính thủy đánh bộ tương xứng với vai trò mới của Trung Quốc trên vũ đài thế giới.

Như vậy, một bộ phận các lực lượng bị cắt giảm chắc chắn sẽ chuyển sang lính thủy đánh bộ khiến cho lực lượng này tăng quân số lên mấy lần, còn bộ phận sẽ bị cắt giảm hoàn toàn bởi vì không có các nhiệm vụ lớn cho các binh đoàn lục quân trong điều kiện mới.

SP: SCMP cũng cho hay, một bộ phận binh sĩ có thể chuyển sang Lực lượng tên lửa…

- Quân số Lực lượng tên lửa quả thực có thể tăng lên đôi chút. Chương trình cắt giảm và cải tổ quân đội xác định sẽ cắt giảm mạnh lục quân, quân số không quân vẫn sẽ không thay đổi, Lực lượng tên lửa tăng lên đôi chút và hải quân sẽ tăng mạnh quân số. Cộng với những cắt giảm tới đây trong hệ thống nhà trường quân sự và các cơ quan lãnh đạo trung ương. Có nghĩa là sẽ gia tăng quân số đôi chút của Lực lượng tên lửa đã được trông đợi ngay từ đầu, vấn đề là ở chỗ việc gia tăng quân số đó có thể đạt được bao nhiêu bằng quân số cắt giảm của lục quân. Rõ ràng là có những chuyên ngành quân sự vẫn có thể được dùng đến trong Lực lượng tên lửa, nhưng sẽ không thể có việc cho tất cả.

Cải cách quân đội Trung Quốc, ngoài việc thay đổi quân số của các quân chủng, sẽ đụng chạm lớn đến các cơ cấu tổ chức biên chế. Dự đoán, hệ thống quân hàm cũng sẽ bị thay đổi (bổ sung những bậc quân hàm mới và loại bỏ vài bậc quân hàm cũ). Ngoài ra, chế độ binh nghiệp cũng sẽ thay đổi: hiện tại, quân hàm là tiêu chí khá thứ yếu đối với một sĩ quan Trung Quốc so với chức vụ và vị trí mà anh ta đang giữ (ví dụ, cấp sư đoàn hay cấp quân đoàn). Tóm lại, trong năm 2017 sẽ diễn ra những thay đổi trong quân đội Trung Quốc.

SP: Những thay đổi đó được người Trung Quốc biện minh là do các quá trình nội bộ hoặc là họ tiến hành những cải cách quy mô lớn như vậy là do các yếu tố bên ngoài?

- Trung Quốc đã nhiều năm chuẩn bị cho các cải cách này để đáp ứng với những nhu cầu đã chín muồi. Cơ cấu chỉ huy quân đội tồn tại trong những năm 2014-2015 đã khá cổ lỗ và rất trì trệ. Chẳng hạn, Tổng cục chính trị đã tồn tại từ lâu trước khi thành lập CHND Trung Hoa, có nghĩa là được thành lập từ giai đoạn đầu nội chiến. Các cơ cấu đó đã rất khó giành “thắng lợi” bởi vậy người Trung Quốc ở cấp cao đã nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và các xu hướng phát triển quân sự.

Các cuộc cải cách quân đội Nga bắt đầu vào năm 2008-2009 đã gây ảnh hưởng lớn đối với người Trung Quốc. Họ đã thấy Nga đã có thể tiến hành nhanh đến mức nào những thay đổi và chúng đã dẫn đến kết quả nào. Cụ thể, điều đó có thể thấy ở ví dụ Crimea, Donbas, Syrai, các cuộc tập trận đã được tiến hành. Phần nhiều cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cải cách triệt để quân đội chính là dựa trên cơ sở suy xét kinh nghiệm của Nga.

- Việc giảm quân số lục quân Trung Quốc tiến hành không phải lần đầu tiên, - Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự Aleksandr Khramchikhin. - Điều đó được giải thích bởi việc thoát ly từng bước và hoàn toàn khái niệm “chiến tranh nhân dân” của Mao Trạch Đông và hướng đến tàn sát đối phương thây phơi đầy nội trong bất kỳ loại hình chiến tranh nào. Mặc dù đâu đó khái niệm này vẫn sẽ tồn tại nhờ xây dựng lực lượng dự bị có quân số có thể lên tới 400 triệu người cầm súng trường tiến công trong trường hợp nổ ra chiến tranh lớn. Tuy nhiên, người Trung Quốc đang rời xa khái niệm cũ và quân đội của họ đang trở thành quân đội ở nghĩa thông thường của nó. Bởi vậy, hiện nay họ đang cắt giảm số người không được trang bị phương tiện kỹ thuật. Theo như tôi hiểu, các sư đoàn cơ giới hóa (các sư đoàn bộ binh cũ) vốn được biên chế các phương tiện kỹ thuật cực kỳ cũ kỹ, chủ yếu là xe tải, cuối cùng cũng sẽ bị loại bỏ. Còn các binh đoàn còn lại sẽ khá hiện đại.

Liên quan đến lính thủy đánh bộ thì vai trò của lực lượng này trong điều kiện hiện nay đang tăng lên không chỉ vì chiến dịch chống Đài Loan có thể xảy ra mà còn vì để thực hiện cái gọi là khái niệm “chuỗi ngọc trai”. Người Trung Quốc đang ráo riết kiến lập một chuỗi các căn cứ chạy từ đảo Hải Nam của họ và nay đến bờ biển phía Đông châu Phi và sau đó đến bờ biển phía Tây, tức là đến Đại Tây Dương. Căn cứ ở Djibouti là căn cứ quân sự chính thức đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, nhưng về thực chất, hải cảng Gwadar ở Pakistan, một số cảng ở Bangladesh, Tanzania, Kenia, Oman, Madagascar - tất cả nay đã là các điểm trú đóng của hải quân Trung Quốc chỉ có điều là không triển khai các đội quân đồn trú thường xuyên và các công trình lớn. Các hạm tàu Trung Quốc đang ra vào các điểm trú đóng này và chúng đang được xem xét trong khuôn khổ chuỗi căn cứ, nơi mà các đội quân Trung Quốc sẽ được triển khai thường xuyên. Tất cả những việc này đang được thực hiện trong khuôn khổ một chiến lược được suy tính kỹ lưỡng vốn mang tính kinh tế, nhưng dĩ nhiên là phải được bảo đảm bằng các phương tiện quân sự.

Chính vì vậy, hôm nay có thể quan sát thấy sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc. Người Trung Quốc đang xây dựng chính là một hạm đội viễn dương hiện bao quát được Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nhưng trong tương lai là cả Đại Tây Dương. Ngoài ra, họ cũng đang chú mục vào Bắc Cực, song hiện thời rõ ràng là còn chưa biết là đi qua nước nào để tiến vào khu vực này.
Nhân Vũ