In bài này
Lục quân Trung Quốc: Mạnh mặt đất, yếu trên không
Thứ Năm, 23/03/2017 - 5:16 PM
Lục quân Trung quốc có thể lấn át bằng số đông và pháo binh, nhưng không quân thì yếu kém.
Lục quân Trung Quốc từ năm 2016 được chia thành 5 chiến khu thay cho 7 đại quân khu. Mỗi chiến khu bao gồm một số quân đoàn lục quân, cũng như các quân khu cấp tỉnh, các lực lượn đồn trú ở các thành phố lớn nhất, các đơn vị trực thuộc quân khu và lực lượng dự bị.
5 chiến khu của quân đội Trung Quốc

Chiến khu miền Bắc (sở chỉ huy lục quân đặt tại Tế Nam) có 4 quân đoàn thuộc đại quân khu Thẩm Dương và một phần đại quân khu Tế Nam trước đây.

Chiến khu Trung tâm là chiến khu mạnh nhất trong quân đội Trung Quốc là  (sở chỉ huy lục quân đặt tại Thạch Gia Trang). Đây là lực lượng dự bị cho các chiến khu khác và bao gồm 5 quân đoàn thuộc đại quân khu Bắc Kinh và phần lớn đại quân khu Tế Nam trước đây.

Quân đoàn 20 gồm: các lữ đoàn cơ giới hóa 58 và 60, lữ đoàn tăng 13, lữ đoàn pháo binh 2 và lữ đoàn phòng không.

Quân đoàn 27 gồm: lữ đoàn bộ binh nhẹ 188, lữ đoàn cơ giới hóa 235, các lữ đoàn bộ binh cơ giới 80 và 82, lữ đoàn tăng 7, lữ đoàn pháo binh 16 và lữ đoàn phòng không.

Quân đoàn 38 là liên binh đoàn lục quân mạnh nhất của quân đội Trung Quốc. Đây là đơn vị được trang bị trước nhất các mẫu vũ khí trang bị mới nhất và các phương thức tác chiến mới được huấn luyện, thao dượt ở đây. Biên chế quân đoàn 38 gồm: các sư đoàn cơ giới hóa 112 và 113 và sư đoàn tăng 6, lữ đoàn pháo binh 5, lữ đoàn phòng không 4, lữ đoàn đặc nhiệm, lữ đoàn không quân lục quân 8.

Quân đoàn 54, giống như quân đoàn 38, được coi là đặc biệt hùng mạnh và tiên tiến về mặt trang bị kỹ thuật, các binh đoàn và đơn vị của quân đoàn được tự động hóa, máy tính hóa tối đa. Biên chế gồm: các sư đoàn 127 (nhẹ) và cơ giới hóa 162, lữ đoàn cơ giới hóa 160, lữ đoàn tăng 11, lữ đoàn pháo binh, lữ đoàn phòng không, trung đoàn không quân lục quân 1.

Quân đoàn 65 gồm: các lữ đoàn bộ binh nhẹ 193, bộ binh nặng 194, cơ giới hóa 195, bộ binh cơ giới 70 và 196, lữ đoàn tăng 1, lữ đoàn pháo 14 và lữ đoàn phòng không.

Lực lượng đồn trú Bắc Kinh gồm các sư đoàn 1, 2 và 3.

Các đơn vị trực thuộc quân khu là 2 trung đoàn đặc nhiệm, 2 trung đoàn chống tăng và 2 trung đoàn cầu phao, trung đoàn pháo, trung đoàn phòng hóa 2, trung đoàn tác chiến điện tử, đơn vị bảo vệ cơ quan nhà nước (trực thuộc trực tiếp Quân ủy trung ương).

Quân khu cấp tỉnh Nội Mông được biên chế lữ đoàn bộ binh cơ giới 205 và trung đoàn biên phòng.

Ngoài ra, trên lãnh thổ quân khu Bắc Kinh có bố trí liên binh đoàn đổ bộ đường không duy nhất của quân đội Trung Quốc là quân đoàn đổ bộ đường không 15. Quân đoàn 15 gồm: các sư đoàn đổ bộ đường không 43, 44 và 45 (mỗi sư biên chế 3 trung đoàn dù), tiểu đoàn trinh sát, tiểu đoàn công binh và tiểu đoàn vận tải. Về mặt tác chiến, quân đoàn 15 trực thuộc không quân Trung Quốc.

Chiến khu miền Tây (sở chỉ huy lục quân đặt tại Lan Châu) bao gồm 3 quân đoàn và 2 quân khu cấp tỉnh thuộc đại quân khu Lan Châu và một phần đại quân khu Thành Đô trước đây.

Quân đoàn 13 gồm: các sư đoàn bộ binh cơ giới 37 và 149, lữ đoàn tăng 17, lữ đoàn pháo binh, lữ đoàn phòng không, lữ đoàn đặcnhiệm và lữ đoàn không quân lục quân 2.

Quân đoàn 21 gồm: sư đoàn bộ binh cơ giới sơn cước 61, lữ đoàn cơ giới hóa 62, lữ đoàn tăng 12, lữ đoàn pháo binh 19, lữ đoàn phòng không, lữ đoàn đặc nhiệm 184.

Quân đoàn 47 gồm: các lữ đoàn cơ giới hóa 139, bộ binh sơn cước 55, bộ binh cơ giới 56, lữ đoàn tăng 9, lữ đoàn pháo binh 15, lữ đoàn phòng không.

Quân khu cấp tỉnh Tân Cương có quy chế đặc biệt, mặc dù có các điều kiện địa lý khó khăn và ở xa các khu vực phát triển nhất của Trung Quốc, nhưng lại có tiềm lực rất lớn. Quân khu này được biên chế: sư đoàn cơ giới hóa nhẹ 8, sư đoàn bộ binh 4, sư đoàn bộ binh cơ giới sơn cước 6 và 11, lữ đoàn pháo binh 2, lữ đoàn phong không, lữ đoàn không quân lục quân 3, trung đoàn công binh.

Quân khu cấp tỉnh Tây Tạng có quy chế đặc biệt, gồm có: các lữ đoàn bộ binh sơn cước 52 và 53, lữ đoàn cơ giới hóa 54, lữ đoàn tên lửa phòng không 651, trung đoàn pháo binh 308, trung đoàn pháo phòng không.

Các đơn vị trực thuộc quân khu còn có 2 trung đoàn đặc nhiệm và 2 trung đoàn tác chiến điện tử.

Chiến khu miền Nam (sở chỉ huy lục quân đặt tại Nam Ninh), gồm 3 quân đoàn và một quân khu cấp tỉnh thuộc đại quân khu Quảng Châu và một phần đại quân khu Thành Đô trước đây.

Quân khu cấp tỉnh Hải Nam có lữ đoàn bộ binh cơ  giới 132.

Lực lượng đồn trú Hồng Công gồm 1 lữ đoàn bộ binh, 1 trung đoàn trực thăng, 1 đội đặc nhiệm hải quân.

Các đơn vị trực thuộc quân khu gồm đội đặc nhiệm “Kiếm sắc”, lữ đoàn công binh và lữ đoàn cầu phao, trung đoàn tác chiến điện tử và trung đoàn không quân lục quân 12.

Chiến khu miền Đông (sở chỉ huy lục quân đặt ở Phúc Châu) gồm 3 quân đoàn và 1 quân khu cấp tỉnh. Chiến khu này hoàn toàn lặp lại đại quân khu Nam Kinh.

Lực lượng đồn trú Thượng Hải gồm các lữ đoàn phòng thủ bờ biển 1, 2, 3.

Quân khu cấp tỉnh Phúc Kiến có trong biên chế 2 sư đoàn và 1 lữ đoàn phòng thủ bờ biển.

Các đơn vị trực thuộc quân khu gồm có các lữ đoàn đặc nhiệm và lữ đoàn phòng không 14, trung đoàn trực thăng, trung đoàn tác chiến điện tử và trung đoàn cầu phao 31.

Lực lượng tăng-thiết giáp

Trung Quốc là một trong ba nước có khả năng sản xuất tất cả các loại vũ khí trang bị. Tuy nhiên, họ áp dụng rất phổ biến thủ đoạn sao chép các mẫu vũ khí trang bị nước ngoài, của cả Liên Xô/Nga lẫn của phương Tây lọt vào tay họ một cách hợp pháp hay theo đường vòng. Song bất kỳ sản phẩm sao chép nào cũng được các kỹ sư Trung Quốc cải tiến, sửa đổi. Sau nhiều lần cải tiến, vũ khí trang bị nước ngoài gần như bị Trung Quốc hóa hoàn toàn. Kết quả là các mẫu gần đây được  đưa vào trang bị của quân Trung Quốc thường là sản phẩm Trung Quốc ngay từ đầu mặc dù cũng có những điểm sao chép du nhập của nước ngoài.

Lục quân Trung Quốc có tiềm lực tên lửa hạt nhân riêng gồm: không dưới 600 bệ phóng tên lửa đường đạn chiến thuật DF-11, không dưới 350 bệ phóng tên lửa DF-15 và 350-500 bệ phóng tên lửa hành trình mặt đất DH-10 (mỗi bệ lắp 3 tên lửa). Số lượng tên lửa không rõ, nhưng rõ ràng là phải nhiều hơn số lượng bệ phóng. Tất cả các tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân và thông thường.

Ngành chế tạo xe tăng ở Trung Quốc cũng đã phát triển theo đúng các xu thế nêu trên. Туре 59 sao chép Т-54 của Liên Xô. Sau đó, xuất hiện biến thể hiện đại hóa sâu là Туре 69-II. Ngoài ra, họ tăng này còn có thêm một nhánh nữa: Туре 59II lắp pháo L7 (105 mm) của Anh, sau đó là hàng loạt biến thể của nó là Туре 79 và Туре 88. Tất cả các xe tăng này đã quá lỗi thời, nhưng trong trang bị của quân đội Trung Quốc đến nay vẫn còn khoảng 900 Туре 88, 300-500 Туре 79, 3.000-4.000 Туре 59, tức là tổng cộng khoảng 4.000-5.500 chiếc.

Đầu thập kỷ 1980, Trung Quốc kiếm được từ Iraq và Rumani các mẫu tăng Т-72 và nó trở thành hình mẫu cho họ tăng mới của Trung Quốc. Đầu tiên là Туре 85-IIМ (còn gọi là Туре 90-II, hay Al Khalid). Tăng này không được nhận vào trang bị của quân đội Trung Quốc mà đang được sản xuất theo giấy phép ở Pakistan cho quân đội nước này. Tại Trung Quốc đã chế tạo trên cơ  sở sử dụng các công nghệ và thiết bị phương Tây (trước hết là của Đức) hàng loạt xe tăng thực sự hiện đại mà thực chất là sự kết hợp phức tạp giữa Т-72 và Leopard 2 có sử dụng các công nghệ thuần túy Trung Quốc.

Hiện nay, quân đội  Trung Quốc có trong trang bị ít nhất 3.500 xe tăng Туре 96/96А và 835 chiếc Туре 99. Các biến thể mới của Туре 99 cũng được chế tạo, trong đó có Туре 99KМ lắp pháo 155 mm và động cơ 2.100 mã lực. Туре 96А và Туре 99 đang tiếp tục được sản xuất mặc dù ngay hiện  giờ, lực lượng xe tăng Trung Quốc đã là lớn nhất thế giới (8.000-10.000 chiếc).

Trong trang bị quân đội Trung Quốc vẫn còn đến 2.000 xe tăng hạng nhẹ (1.200 Туре 62, 800 Туре 63), cộng với không dưới 350 chiếc ZTD-05 (Туре 05) lắp pháo 105 mm được chế tạo dựa trên xe chiến đấu bộ binh lội nước ZBD-05.

Xe chiến đấu bộ binh đầu tiên của Trung Quốc Туре 86 (chính là WZ-501) là xe làm nhái xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Liên Xô. Hiện nay, quân đội Trung Quốc có đến 2.450 WZ-501. Trong thập kỷ 1990, trên cơ sở BMP-3 của Liên Xô/Nga, Trung Quốc đã chế tạo một họ xe chiến đấu mới. Hiện trong biên chế có không dưới 1.239 xe chiến đấu bộ binh ZBD-04 (WZ-502, lội nước) và ZBD-08 (WZ-502G, không lội nước, với giáp tăng cường), cũng như ít nhất 600 ZBD-05 vốn là nòng cốt của lực lượng xe đổ bộ lội nước, trong đó có tăng hạng nhẹ ZTD-05 đã nêu ở trên. Ngoài ra, lực lượng đổ bộ đường không Trung Quốc cũng được trang bị đến 130 xe chiến đấu đổ bộ ZBD-03.

Trong biên chế quân đội Trung Quốc đến nay vẫn còn đến 5.000 xe bọc thép chở quân cũ, chủ yếu do Trung Quốc tự phát triển: khoảng 480 WZ-503 (BMP-1 không tháp), đến 2.500 Туре 63, 1.750 YW-534 (chính là Туре 89). Sau đó, trên cơ sở xe bọc thép chở quân Sibmas của Bỉ, Trung Quốc đã chế tạo xe bọc thép chở quân WZ-523 (đã sản xuất 50-100 xe) và loại tiên tiến hơn WZ-551 (chính là Туре 92, không dưới 1.850 xe), trên khung gầm xe này lại chế tạo cả một họ xe. Đang được nhận vào trang bị là các xe bọc thép chở quân bánh lốp mới nhất Туре 09 (còn gọi là ZBL-09) với số lượng không dưới 520 xe cộng với 200 xe bọc thép trinh sát sử dụng cùng khung gầm.

Pháo binh

Pháo binh Trung Quốc cực kỳ đa dạng. Trong thập niên 1950-1970, họ đã chế tạo sao chép nhiều loại pháo Liên Xô như: các loại pháo 122 mm Туре 54-1 (sao chép М-30), Туре 60 (D-74), Туре 85 (D-30), pháo 130 mm Туре 59/59-1 (М46), các pháo 152 mm Туре 54 (D-1 hay ML-20) và Туре 66 (D-20).

Trong thập niên 1980, họ đã sao chép pháo 155 mm GHN-45 của Áo và đặt tên là Туре 89 (còn gọi là WA021, PLL01). Hiện nay, trong biên chế có khoảng 300 khẩu Туре 89, đến 2.000 khẩu Туре 54 và Туре 66, đến 1.000 khẩu Туре 59/59-1, đến 6.000 khẩu Туре 54, Туре 60 và Туре 85.

Giống như tất cả các nước phát triển, Trung Quốc gần như đã chấm dứt phát  triển pháo kéo mà chỉ phát triển pháo tự hành.

Các loại pháo tự hành đầu tiên của Trung Quốc chính là các pháo kéo của Liên Xô lắp trên khung gầm xe bọc thép chở quân của Trung Quốc. Đó là pháo tự hành 122 mm Туре 89 (pháo D-30 trên xe bọc thép Туре 77), Туре 85 (D-30 trên xe bọc thép Туре 85/YW531Н), Туре 70 (М30 trên khung gầm xe bọc thép Туре 63В). Chỉ sau đó mới ra đời 2 pháo tự hành lắp trên cùng một loại khung gầm đặc biệt: đó là pháo tự hành 155 mm Туре 88 (còn gọi là PLZ45) và pháo tự hành 122 Туре 83. Hiện trong biên chế có khoảng 500 Туре 83, 200 Туре 70, 700 Туре 89. Trên cơ sở pháo tự hành Туре 88 đã phát triển pháo tự hành PLZ05 (chính là Туре 05) mà bây giờ có khoảng 300 khẩu và việc sản xuất đang tiếp tục. Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu nhận vào trang bị pháo tự hành 122 mm PLZ07 dùng khung gầm xe chiến đấu bộ binh ZBD04 (có đến 600 khẩu).

Ngoài ra, trong thập niên 1990, Trung Quốc đã mua của Nga 100 pháo tự hành bánh lốp 120 mm 2S23 Nona-SVK, mua từ Ukraine 3 pháo tự hành bánh xích 2S9 Nona-S. Dựa vào mẫu 2S23, họ đã chế tạo pháo tự hành bánh lốp 120 mm PLL05 dùng khung gầm xe bọc thép chở quân WZ-551 (không dưới 200 khẩu). Họ cũng đã chế tạo pháo tự hành 122 mm Туре 09 (PLL-09) dùng khung gầm xe bọc thép chở quân bánh lốp Туре 09, hiện có 450 khẩu.

Pháo phản lực được cho là phương diện mạnh nhất của lục quân Trung Quốc. Chính là lĩnh vực vũ khí này, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã chế tạo được nhiều nhất các mẫu độc đáo và cuối cùng đã đạt đến trình độ dẫn đầu thế giới.

Trong thập niên 1960-1980, Trung Quốc sản xuất 3 hệ thống rocket phóng loạt chính:

(1) Pháo phản lực xe kéo Туре 63 (12х107 mm) và biến thể tự hành của nó (lắp trên xe tải) Туре 81;

(2) Туре 63 (19х130 mm, lắp trên xe tải), Туре 70 (19х130 mm, lắp trên xe bọc thép chở quân YW-531С), Туре 82 (30х130 mm, lắp trên xe tải), Туре 85 (30х130 mm, lắp trên xe bọc thép chở quân YW-534).

(3) Các pháo phản lực chế tạo dựa trên pháo Grad chiếm được của Việt Nam. Đó là Туре 81 và Туре 90 (40х122 mm, lắp trên các loại xe tải), Туре 83 (24х122 mm, lắp trên xe tải) và Туре 89 (còn gọi là PHZ-89, 40х122 mm, lắp trên khung gầm xích).

Các hệ thống rocket phóng loạt Trung Quốc đã tiến lên vị trí hàng đầu thế giới trong 20 năm gần đây. Trên cơ sở pháo phản lực Smerch của Nga, họ đã chế tạo pháo sao chép hoàn toàn Туре 03 (còn gọi là PHL-03, 12х300 mm) và А-100 (10х300 mm).

Trung Quốc đã phát triển pháo phản lực Туре 83 (WM-40, 4х273 mm) và các pháo cải tiến WM-80 và WM-120 (8х273 mm), trong đó WM-120 đã đạt tầm bắn 120 km. Pháo phản lực WS-1 (8х302 mm) và Туре 96 (4х320 mm) có tầm bắn 180-200 km. Trở thành các pháo phản lực tốt nhất thế giới là họ WS-2 (6х400-425 mm). Biến thể cuối cùng WS-2D có tầm bắn đến 400 kmn, mỗi xe bệ phóng được biên chế máy bay không người lái để dẫn đạn phản lực.

Tổng số pháo phản lực trong quân đội Trung Quốc lên đến 4.000 khẩu, trong đó có 1.250 Туре 81, 375 Туре 89 (122 mm) và 175 Туре 03 (300 mm).

Pháo binh quân đội Trung Quốc hiện có đến 30.000 khẩu pháo, cối và pháo phản lực, không chỉ là pháo binh mạnh nhất thế giới mà còn vượt trội nhiều lần các đối thủ gần nhất. Đây là phương diện mạnh nhất của lục quân Trung Quốc trong trường hợp nổ ra chiến tranh quy mô lớn mà giới chỉ huy quân đội Trung Quốc đang hướng đến. Việc các mẫu lạc hậu chiếm tỷ lệ khá lớn trong các hệ thống pháo sẽ không có ý nghĩa khi sử dụng ồ ạt như vậy.

Vũ khí phòng không

Quân đội Trung Quốc có tổng cộng không dưới 15.000 hệ thống pháo-tên lửa phòng không, pháo phòng không tự hành và pháo phòng không xe kéo. Hiện đại nhất là các hệ thống pháo-tên lửa phòng không Туре 95 (PGZ-95) với 4 pháo 25 mm và 4 tên lửa phòng không mang vác QW-2 (khoảng 270 xe), pháo phòng không tự hành Туре 07 (35 mm, không dưới 100 khẩu) và pháo phòng không Туре 90 (35 mm, sao chép pháo GDF-001 của Oerlikon/Thụy Sĩ, khoảng 340 khẩu).

Mặc dù có số lượng lớn hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa phòng không mang vác, pháo-tên lửa phòng không, pháo phòng không tự hành và pháo phòng không xe kéo, phòng không lục quân hiện là một trong những điểm yếu nhất của quân đội Trung Quốc bởi vì đến 90% phương tiện hỏa lực đã quá lạc hậu và không thể tác chiến hiệu quả với các máy bay hiện đại. Ngoại lệ chỉ có các hệ thống tên lửa phòng không Tor-M1 và FM-90, và các hệ thống tên lửa phòng không mang vác QW-1/2 và FN-6/16. Khác với tăng-thiết giáp và pháo chiến trường, ở đây lượng không biến thành chất.

Không quân lục quân

Không quân của lục quân Trung Quốc chỉ được thành lập vào năm 1986. Khác với các binh chủng khác, vũ khí trang bị của không quân lục quân Trung Quốc được phát triển không chỉ dưới ảnh hưởng của Liên Xô/Nga, mà cả của châu Âu.

Lục quân Trung Quốc sử dụng làm trực thăng chiến đấu 8 chiếc SA-342 Gazelle, hơn 350 chiếc Z-9 (chế tạo trên cơ sở SA-365 Dauphin ở các biến thể khác nhau) và 100 trực thăng hạng nhẹ Z-11 (chế tạo trên cơ sở AS350 của Pháp). Tuy nhiên, tiềm lực chiến đấu thực sự của chúng rất hạn chế. Hiện nay, trong biên chế vẫn còn 1 chiếc SA342 (6-7 chiếc khác đang cất giữ), 305 Z-9 (12 chiếc trong số đó trang bị cho lực lượng đổ bộ đường không), đến 75 Z-11.

Chỉ trong những năm gần đây, Trung Quốc  mới bắt đầu đưa vào trang bị trực thăng chiến đấu thật sự Z-10 (còn gọi là WZ-10) được chế tạo trên cơ sở А-129 của Italia nhưng sử dụng các công nghệ của Nga và Trung Quốc. Hiện trong biên chế có đến 110 chiếc Z-10, việc sản xuất đang tiếp tục. Quân đội Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhận vào trang bị trực thăng chiến đấu Z-19 vốn là biến thể cải tiến sâu của Z-9. Hiện nay, không quân lục quân Trung Quốc có đến 94 Z-19.

Lục quân Trung Quốc sử dụng làm trực thăng đa nhiệm và vận tải 10 Mi-8 và 239 Mi-17, 4 trực thăng siêu nặng Mi-26 của Nga, đến 93 НС-120 của châu Âu, đến 23 S-70C của Mỹ, 95 Z-8 (sao chép SA-321 Super Frelon của Pháp, 12 chiếc trong số đó trang bị cho lực lượng đổ bộ đường không).

Không quân lục quân Trung Quốc đang phát triển nhanh, nhưng hiện vẫn lạc hậu so với các binh chủng khác và cũng là mặt yếu của quân đội Trung Quốc giống như phòng không lục quân.

Nhìn chung, lục quân Trung Quốc được coi là mạnh nhất thế giới, sức mạnh chiến đấu tiếp tục tăng nhanh. Vũ khí trang bị cũ đang được thay thế mới với cơ chế một đổi một. Giới chỉ huy quân đội Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng vào quân đội các nguyên tắc tiến hành chiến tranh công nghệ cao lấy mạng làm trung tâm. Sự kết hợp cơ giới hóa với thông tin hóa, tức là một số lượng lớn vũ khí trang bị hiện đại với các hệ thống chỉ huy/điều khiển, liên lạc và trinh sát tối tân, sẽ đem lại cho quân đội Trung Quốc một chất lượng hoàn toàn mới, bảo đảm chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh tương lai.
Nhân Vũ