In bài này
Mỹ nghi Nga phát triển vũ khí chống vệ tinh
Thứ Sáu, 27/01/2017 - 4:28 PM
Nga đang phát triển vũ khí chống vệ tinh trong vũ trụ, trong đó có vũ khí laser, Tướng John Hyten, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Vũ trụ thuộc Không quân Mỹ tuyên bố.
“Nga đang nghiên cứu những khả năng quân sự mạnh, trong đó có laser, để sử dụng trong vũ trụ và các phương pháp khác có thể đe dọa các vệ tinh của chúng ta”, Tướng Hyten nói và cho biết, việc sử dụng vũ khí đó có thể tạo ra một lượng lớn mảnh vỡ trên quỹ đạo, gây khó khăn cho việc tiếp cận các khí cụ bay vũ trụ.

Hyten cũng khẳng định, Trung Quốc đang tiếp tục thử các hệ thống vũ khí của mình trên các quỹ đạo rất khác nhau và đánh giá, “Trong tương lai gần, Nga và Trung Quốc sẽ có thể sử dụng những năng lực của mình để đe dọa bất kỳ khí cụ bay vũ trụ nào mà chúng ta có trong vũ trụ. Cách tốt nhất để ngăn chặn chiến tranh là phải sẵn sàng cho chiến tranh. Mỹ sẽ hành động như vậy, chúng tôi muốn sẽ đảm bảo để tất cả biết về sự sẵn sàng đối phó với mối đe dọa của chúng tôi”.

Ngày 9/5/2016, tờ The Washington Post đưa tin, Lầu Năm góc đang lo ngại về việc Nga và Trung Quốc phát triển các công nghệ có thể dùng để tấn công Mỹ trong vũ trụ. Moskva và Bắc Kinh đang chế tạo vũ khí để tiêu diệt các vệ tinh trên quỹ đạo.

Phía Nga tuyên bố, thông tin của tờ báo Mỹ là không có cơ sở thực tế mà chỉ nhằm biện minh cho việc tăng chi phí quân sự của Mỹ. “Tôi cho rằng, đây lại là chuyện lừa bịp mới từ phía Mỹ, - Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia về quốc phòng Vladimir Komoyedov nói và nhấn mạnh rằng, Mỹ đang có một “số lượng khí cụ bay khổng lồ trên vũ trụ”. Ông cho biết thêm, “Mỹ có 450 khí cụ bay trên các quỹ đạo khác nhau. Tất cả chúng cơ bản là lưỡng dụng và Mỹ đang giám sát toàn bộ trái đất”.

Trong mấy năm gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại về những di chuyển của các vệ tinh Nga trên quỹ đạo. Tháng 11/2015, giới quân sự Mỹ cho rằng, vệ tinh Luch của Nga đã tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm với 2 vệ tinh của công ty Intelsat, công ty đang hợp tác tích cực với Lầu Năm góc trong lĩnh vực vũ trụ.
VNH