In bài này
Mỹ chạy đua chiến tranh điện tử với Nga
Thứ Sáu, 27/01/2017 - 9:28 AM
Lầu Năm góc chuẩn bị công bố Chiến lược Chiến tranh điện tử (tác chiến điện tử) trong hai tháng tới.
Tài liệu này được soạn thảo dành cho các nhà thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ và các quan chức quân sự, nêu những khuyến nghị về khối lượng đầu tư vào các phương tiện tác chiến điện tử và xác định những nguyên tắc trang bị cho các đơn vị tương ứng, tạp chí The National Interest đưa tin.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm góc Roger Cabiness, điều quan trọng đối với Lầu Năm góc là trang bị cho quân đội các phương tiện tác chiến điện tử tiến công tiên tiến và tăng cường bảo vệ điện tử cho cái gọi là “quy trình tiêu diệt mục tiêu” (kill chain).

Thuật ngữ này do các chuyên gia an ninh mạng của công ty Lockheed Martin đưa ra được các chuyên gia quân sự Mỹ dễ dàng chấp nhận, mô tả trình tự phổ biến nhất xâm nhập các hệ thống thông tin. Kill-chain cũng có thể hiểu như một chiến thuật tiến công nhằm chặn trước cuộc tiến công của đối phương và tổ chức cuộc tấn công của bên mình. Trong Chiến lược Chiến tranh điện tử (Electronic Warfare strategy) của Lầu Năm góc, khả năng bảo vệ của “quy trình tiêu diệt mục tiêu” được hiểu chẳng hạn là bảo vệ một máy bay không người lái của Mỹ chống bẻ khóa xâm nhập hay gây nhiễu chế áp các phương tiện tác chiến điện tử của địch, Kris Osborn, nhà bình luận của The National Interest và nhà phân tích của cổng thông tin Scout Warrior nhận xét.


Quy trình tấn công mạng Cyber Kill Chain (Lockheed Martin)

Bộ Quốc phòng Mỹ xuất phát từ việc phát triển và ứng dụng các phương tiện điện tử xâm nhập và chặn thu sẽ rẻ hơn là phóng đi một tên lửa đánh chặn chẳng hạn. Ngoài ra, giới quân sự Mỹ còn tính toán rằng, chiến thuật này một mặt sẽ buộc đối phương phải chi tiền cho vũ khí mới, mặt khác sẽ cho phép Mỹ cắt giảm chi phí quân sự, Roger Cabiness nhấn mạnh.

Không quân Mỹ thì tiếp tục nâng cấp về năng lực tác chiến điện tử cho các tiêm kích F-15 để có thể bảo vệ tốt hơn trước hỏa lực địch và các cuộc tấn công điện tử. Hãng Boeing đã giành được hợp đồng 478 triệu USD để tiếp tục phát triển công nghệ mới với hệ thống EPAWSS (Eagle Passive Active Warning Survivability System). EPAWSS sẽ thay thế bộ khí tài tác chiến điện tử Tactical Electronic Warfare Suite được sử dụng từ những năm 1980, không lâu sau khi những chiếc F-15 đầu tiên được triển khai. Không quân Mỹ dự định sử dụng F-15 đến giữa thập niên 2040 nên việc nâng cấp hệ thống điện tử của máy bay này sẽ giúp duy trì ưu thế trên không của Mỹ.

Phương tiện tác chiến điện tử chủ yếu của hạm đội Mỹ là các hệ thống chế áp điện tử thế hệ mới NGJ (Next Generation Jammer). Ở cấu hình dành cho Hải quân Mỹ, dự kiến trang bị cho mỗi máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler 2 máy phát gây nhiễu tần số của đối phương. So với các hệ thống hiện có, NGJ có khả năng hoạt động đồng thời trên mấy tần số.

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, các hệ thống thế hệ mới sẽ cho phép các máy bay Mỹ ẩn tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa Nga, hay ít nhất cũng chế áp được các phương tiện phòng thủ tên lửa có khả năng phát hiện mục tiêu đối phương trên các dải tần khác nhau. Đồng thời, các chuyên gia Mỹ cũng đánh giá các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 nằm trong số những hệ thống tốt nhất thế giới.
PM