In bài này
Thuyết âm mưu: Vi mạch Trung Quốc hạ gục 2 siêu chiến hạm Mỹ, Anh
Chủ Nhật, 11/12/2016 - 4:40 PM
2 chiến hạm đắt tiền nhất từng đóng ở phương Tây bị “chết trôi” sau khi các hệ thống động lực của chúng bị chết lịm do tác động của các vi mạch (microchip) do Trung Quốc sản xuất.
Hàng Trung Quốc lại bị đổ tội
Đó là thông tin do whatdoesitmean.com, trang mạng chuyên đăng tin giật gân theo thuyết âm mưu dẫn nguồn một bản tin của "Bộ Quốc phòng lưu hành ở Kremlin" đưa tin.

Các chuyên gia quân sự đang hoang mang không biết giải thích tại sao Mỹ và Anh lại để các linh kiện điện tử “phá hoại” được sử dụng trên các hạm tàu hải quân của họ.

Theo bản tin này, tàu khu trục tên lửa tàng hình USS Zumwalt của Hải quân Mỹ trị giá 4,4 tỷ USD khi đi qua kênh Panama đã bị thất tốc đột ngột vào ngày 21/11/2016, chỉ hai ngày sau, ngày 23/11, tàu khu trục công nghệ cao HMS Duncan trị giá 1,2 tỷ USD của Hải quân Hoàng gia Anh cũng bị thất tốc bất ngờ trong cuộc diễn tập của NATO.

USS Zumwalt - chiến hạm đắt nhất từng đóng của Mỹ

Điểm chung trong hai sự cố này trên những chiến hạm đắt tiền nhất từng đóng của Mỹ và Anh được các chuyên gia nêu thẳng ra là “các con chip phá hoại” nguồn gốc Trung Quốc mà không lâu sau khi ông Obama nhậm chức tổng thống, Hải quân Mỹ đã buộc phải mua hàng chục ngàn con.

Mặc dù chính quyền Obama đã được cung cấp bằng chứng cho thấy “các con chip phá hoại” của Trung Quốc này nguy hiểm đến mức nào, nhưng Lầu Năm góc vẫn tiếp tục mua và sử dụng chúng ngay cả khi chúng đã gây ra những trục trặc trong các mạng quân sự của Mỹ.

Điều không kém kinh ngạc là Hải quân Mỹ đã không chỉ sử dụng “các con chip phá hoại” của Trung Quốc này trong các chiến hạm, hệ thống tên lửa và truyền tin của mình mà còn mua và sử dụng các ụ tàu khô tại xưởng đóng tàu Bath Iron Works, nơi đã đóng tàu khu trục USS Zumwalt và chỉ hai tháng trước (tháng 9), các chuyên gia của xưởng đóng tàu này đã thăm Trung Quốc nhằm mua thêm các ụ tàu.

HMS Duncan - chiến hạm đắt nhất từng đóng của Anh

Bất chấp việc “các con chip phá hoại” này đã ngập tràn trong tất cả những gì Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ đã chế tạo trong thập niên gần đây, hiệp định hợp tác ký vào năm 2014 giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Anh còn giúp cho những linh kiện nguy hiểm này tiếp cận rộng rãi hơn nữa đến tàu chiến, vũ khí và các hệ thống thông tin liên lạc của Anh.

Đáng kinh ngạc nhất là ở phần kết luận của bản tin có thảo luận về việc cần nhìn nhận các chiến hạm phương Tây này vốn bị “các con chip phá hoại” Trung Quốc làm chết lịm trong các tình huống xung đột/chiến tranh như thế nào.

Một số chuyên gia khẳng định rằng, cần coi chúng như những con tàu gặp tai nạn và không được bắn vào chúng. Những người khác thì khẳng định rằng, dù cho những tàu quân sự này có bất động chăng nữa thì các hệ thống vũ khí của chúng vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng nên chúng phải bị đánh chìm.
PM