In bài này
Tên lửa chống tăng: Javelin vs Kornet
Chủ Nhật, 11/12/2016 - 9:16 AM
So sánh hai loại tên lửa chống tăng hàng đầu Kornet của Nga và Javelin của Mỹ
Phóng tên lửa FGM-148 Javelin trong cuộc tập trận ở Estonia năm 2016 (Zuma/Tass)

Tư lệnh Bộ đội Tên lửa và pháo binh Nga, Trung tướng Mihkahil Matveyevsky tiết lộ về việc sắp phát triển hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ mới.

Đây sẽ là hệ thống tự hành, áp dụng nguyên lý bắn-quên, tức là nhiệm vụ dẫn tên lửa đến mục tiêu sẽ do khí tài tự động trên tên lửa đảm nhiệm chứ không phải kíp chiến đấu. “Sự phát triển các hệ thống tên lửa chống tăng đang đi theo hướng nâng cao hiệu suất chiến đấu, khả năng chống nhiễu cho tên lửa, tự động hóa quá trình chỉ huy các phân đội chống tăng và nâng cao uy lực cho phần chiến đấu”, Tướng Matveyevsky nói.

Lính Mỹ phóng tên lửa FGM-148 Javelin

Dường như, hiện trạng của loại vũ khí này ở Nga là đáng buồn. Trên thế giới hiện đã có các hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3 mà đặc tính chủ yếu của nó chính là áp dụng nguyên lý bắn-quên. Nghĩa là tên lửa của hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3 có lắp đầu tự dẫn làm việc ở dải sóng hồng ngoại. Hai mươi năm trước, hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin của Mỹ được nhận vào trang bị. Sau đó, đã xuất hiện họ hệ thống tên lửa chống tăng Spike của Israel có áp dụng các phương thức dẫn tên lửa đến mục tiêu khác nhau: qua dây dẫn, lệnh vô tuyến, tia laser và đầu tự dẫn hồng ngoại. Thuộc nhóm các hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3 còn có hệ thống Nag của Ấn Độ với tầm bắn xa gấp gần 2 lần tên lửa Javelin của Mỹ.

Phóng tên lửa FGM-148 Javelin trong tập trận

Nga hiện vẫn chưa có hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3. Hệ thống tên lửa chống tăng “tiên tiến” nhất Kornet do Viện thiết kế Chế tạo dụng cụ (KBP) ở Tula phát triển vẫn thuộc thế hệ 2+.

Tuy vậy, các hệ thống thế hệ 3 so với các thế hệ tên lửa chống tăng trước đó không chỉ có những ưu điểm, mà còn có những nhược điểm rất nghiêm trọng. Không phải ngẫu nhiên mà họ tên lửa chống tăng Spike của Israel ngoài đầu tự dẫn còn sử dụng hệ dẫn bằng dây cổ lỗ sĩ.

Ưu điểm chủ yếu của tên lửa chống tăng thế hệ 3 là ở chỗ sau khi phóng tên lửa, kíp chiến đấu có thể thay đổi vị trí mà không chờ đến lúc tên lửa hay đạn pháo bắn trả của đối phương bay đến chỗ mình. Người ta cũng cho rằng, các tên lửa này có độ chính xác bắn cao hơn. Tuy vậy, đây là vấn đề mang tính chủ quan, tất cả phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của xạ thủ hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 2. Nếu nói cụ thể về hệ thống Javelin của Mỹ thì nó có 2 chế độ lựa chọn đường bay cho tên lửa: bay thẳng và tấn công xe tăng từ bên trên vào phần giáp bảo vệ yếu nhất của xe tăng.

Lính Mỹ phóng tên lửa FGM-148 Javelin

Nhưng nhược điểm thì nhiều hơn. Xạ thủ phải chắc chắn rằng, đầu tự dẫn đã bắt được mục tiêu và chỉ sau đó mới thực hiện phóng đạn. Tuy vậy, tầm hoạt động của đầu tự dẫn hồng ngoại lại nhỏ hơn nhiều tầm hoạt động của các kênh phát hiện mục tiêu và dẫn tên lửa đến mục tiêu bằng truyền hình, ảnh nhiệt, quang học và radar đang sử dụng ở các hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 2. Ví dụ, tầm bắn tối đa của hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ là 2,5 km. Trong khi đó, tầm bắn tối đa của hệ thống Kornet là 5,5 km, còn ở biến thể tầm xa Kornet-D lên tới 10 km. Một sự khác biệt rất lớn.Sự khác biệt về giá cả còn lớn hơn nữa. Biến thể mang vác của Javelin, không tính phương tiện mang, có giá hơn 200.000 USD, còn Kornet thì rẻ hơn 10 lần.

Còn một nhược điểm nữa là các tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại không thể sử dụng chống các mục tiêu không có tương phản nhiệt, tức là chống các hỏa điểm kiên cố và các công trình phòng ngự khác. Các tên lửa của Kornet dẫn bằng tia laser nên có tính vạn năng hơn nhiều về mặt này.

Trước khi phóng tên lửa Javelin, cần phải làm lạnh đầu tự dẫn bằng khí hóa lỏng trong 20-30 s. Đây cũng là nhược điểm lớn.

Hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3 Spike của Israel

Xuất phát từ điều đó, một kết luận hoàn toàn rõ ràng được đưa ra: hệ thống tên lửa chống tăng tiên tiến mà Trung tướng Mikhail Matveyevsky đề cập đến việc nghiên cứu chế tạo phải kết hợp được trong mình các ưu điểm của các hệ thống cả thế hệ 3 lẫn thế hệ 2. Nghĩa là bệ phóng phải cho phép phóng các loại tên lửa khác nhau. Như vậy thì không thể nào từ chối những thành tựu của KBP mà cần phải phát huy chúng.

Từ lâu, gần như tất cả các tên lửa chống tăng có điều khiển hiện có trên thế giới đã có khả năng vượt qua giáp phản ứng nổ. Khi bay đến gần xe tăng ở khoảng cách mấy xăng-ti-mét, một trong các phần tử giáp phản ứng nổ bố trí bên ngoài vỏ giáp xe tăng kích hoạt (phát nổ) chặn đón tên lửa chống tăng. Vì thế mà tên lửa chống tăng có điều khiển được lắp phần chiến đấu xuyên lõm 2 lượng nổ (kiểu tandem, lắp trước-sau): lượng nổ đầu kích nổ phần tử giáp phản ứng nổ, lượng nổ chính xuyên phá vỏ giáp chính của xe tăng.

Hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 2+ Kornet được cả quân chính phủ và phiến quân sử dụng ồ ạt và hiệu quả ở Iraq và Syria

Tuy nhiên, khác với Javelin, hệ thống Kornet có khả năng vượt qua thêm cả hệ thống phòng vệ tích cực của xe tăng - đó là hệ thống tự động bắn đạn lựu hay phương tiện khác để bắn chặn đạn chống tăng đang bay đến. Để làm việc đó, hệ thống Kornet có khả năng bắn 2 tên lửa nhưng dẫn bằng một tia laser. Khi quả tên lửa đầu tiên công phá hệ thống phòng vệ tích cực của xe tăng và bị hy sinh” thì quả tên lửa thứ hai lao vút đến vỏ giáp xe tăng. Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin thậm chí xét về lý thuyết cũng không thể bắn như vậy vì quả tên lửa thứ hai không thể “nhìn thấy” xe tăng vì quả tên lửa thứ nhất.

Cuộc đấu tranh của tên lửa chống tăng với hệ thống phòng vệ tích cực của xe tăng diễn ra khá chậm vì hiện nay hệ thống phòng vệ tích cực chỉ có trên 2 loại xe tăng trên thế giới là Т-14 Armata của Nga và Merkava của Israel.
Kornet trở thành ác mộng đối với xe tăng-thiết giáp ở Iraq và Syria. Kornet bắn cháy siêu tăng M-1 Abrams như diêm

Các đối thủ của Kornet trên thị trường vũ khí chỉ trích Kornet khá dữ dội. Tuy nhiên, khách hàng muốn mua vũ khí chống tăng hiệu quả mà rẻ tiền lại đang lũ lượt xếp hàng mua sản phẩm của KBP.

Hầu như tất cả các hệ thống tên lửa chống tăng hiện có trên thế giới đều có nhiều loại phương tiện mang. Đơn giản nhất là người lính phóng tên lửa từ vai. Các hệ thống còn được lắp cho các xe bánh lốp, thậm chí đến tận các xe jeep, cho các xe xích, trực thăng, máy bay cường kích, xuồng tên lửa.

Thuộc về một lớp vũ khí chống tăng riêng là các hệ thống tên lửa chống tăng tự hành, nơi mà các bệ phóng tên lửa và khí tài bảo đảm tìm mục tiêu và bắn được thiết kế riêng cho các phương tiện mang cụ thể. Cả tên lửa lẫn các hệ thống bảo đảm cho cúng đều có thiết kế riêng, không được sử dụng ở đâu nữa.
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-D trên xe ô tô bọc thép

Hiện nay, Lục quân Nga đang sử dụng 2 hệ thống như vậy là Khrizantema và Shturm. Cả 2 hệ thống đều do Viện thiết kế Chế tạo máy (KBM) ở Kolomna nghiên cứu chế tạo dưới sự lãnh đạo của công trình sư huyền thoại Sergei Pavlovich Nepobedimy (1921-2014). Cả 2 hệ thống đều sử dụng phương tiện mang là các khung gầm bánh xích.

Việc bố trí các hệ thống tên lửa chống tăng lên khung gầm có trọng tải lớn đã cho phép các công trình sư không phải cân đo, đong đếm nhiều mà thả sức sáng tạo. Kết quả là cả 2 hệ thống tên lửa chống tăng cơ động của Nga đều được trang bị tên lửa siêu âm và các khí tài phát hiện mục tiêu hiệu quả.
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-D trên xe ô tô bọc thép

Ra đời trước tiên là Shturm, chính xác hơn là biến thể dành cho lục quân Shturm-S, vào năm 1979. Còn vào năm 2014, Lục quân Nga đã nhận vào trang bị hệ thống hiện đại hóa Shturm-SM. Cuối cùng thì nó cũng đã được trang bị máy ngắm ảnh nhiệt, cho phép sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng ban đêm và trong điều kiện thời tiết xấu. Tên lửa sử dụng là Ataka được dẫn bằng lệnh vô tuyến và có phần chiến đấu xuyên lõm 2 lượng nổ tandem để vượt qua giáp phản ứng nổ trên xe tăng đối phương. Hệ thống còn sử dụng loại tên lửa với phần chiến đấu phá-mảnh với ngòi nổ không tiếp xúc, cho phép sử dụng để chống sinh lực.

Shturm-SM có tầm bắn 6.000 m, tốc độ bay của tên lửa cỡ 130 mm là 550 m/s, cơ số đạn 12 tên lửa để trong ống phóng kín. Việc nạp đạn lại cho bệ phóng thực hiện tự động, tốc độ bắn 4 phát/phút, khả năng xuyên giáp bên dưới giáp phản ứng nổ là 800 mm.

Hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Shturm-SM

Hệ thống tên lửa chống tăng Khrizantema được nhận vào trang bị vào năm 2005. Sau đó, ra đời biến thể Khrizantema-S vốn không còn là một xe chiến đấu mà là một tập hợp các xe khác nhau, thực hiện các nhiệm vụ phối hợp của trung đội hệ thống tên lửa chống tăng với trinh sát, chỉ thị mục tiêu và bảo vệ phân đội trước sinh lực đối phương đột phá đến.

Khrizantema được trang bị 2 loại tên lửa: với phần chiến đấu xuyên lõm và với phần chiến đấu nổ phá. Tên lửa có thể tự dẫn đến mục tiêu theo tia laser (tầm bắn 5.000 m), lẫn theo kênh vô tuyến (tầm bắn 6.000 m). Xe chiến đấu có cơ số đạn 15 quả tên lửa chống tăng có điều khiển. Tên lửa có cỡ 152 mm, tốc độ 400 m/s, khả năng xuyên giáp bên dưới giáp phản ứng nổ là 1.250 mm.

Hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Khrizantema

Và cuối cùng, liệu ta có thể dự đoán xem hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3 của Nga là từ đâu đến? Một cách logic, có thể phỏng đoán rằng, nó sẽ được phát triển ở KBM. Hơn nữa, một số người lạc quan đã bắt đầu tung tin rằng, hệ thống đó đã tồn tại, đã qua thử nghiệm và đến lúc đưa nó vào trang bị. Đó là hệ thống tên lửa chống tăng Germes (Hermes). Hệ thống này được trang bị tên lửa tự dẫn có tầm bắn rất ghê gớm là 100 km.

Tuy vậy, với tầm bắn đó thì cần phải chế tạo các hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu khác với các hệ thống tên lửa chống tăng truyền thống, có khả năng hoạt động ngoài tầm nhìn thẳng của khí tài. Ở đó, thậm chỉ có thể phải cần đến máy bay chỉ huy/báo động sớm.

Yếu tố chính không cho phép coi Germes là hệ thống tên lửa chống tăng là tên lửa sử dụng phần chiến đấu phá-mảnh. Đối với xe tăng, phần chiến đấu đó chỉ là kiến đốt voi. Song điều đó không có nghĩa là trên cơ sở Germes, người ta không thể có được một hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ 3 hiệu quả.
Hệ thống tên lửa chống tăng tầm xa thế hệ 3 Hermes của Nga

Tên lửa chống tăng Hermes-K tầm bắn 30 km trang bị cho trực thăng tiến công trên hạm Ka-52 Katran đã được triển khai đến Syria

Tính năng kỹ-chiến thuật của hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-D và FGM-148 Javelin

Cỡ đạn tên lửa, mm: 152 - 127

Chiều dài tên lửa, cn: 120 - 110

Trọng lượng hệ thống, kg: 57 - 22,3

Trọng lượng tên lửa trong ống phóng kín, kg: 31 - 15,5

Tầm bắn tối đa, m: 10.000 - 2.500

Tầm bắn tối thiểu, m: 150 - 75

Phần chiến đấu: Xuyên lõm 2 lượng nổ tandem, nhiệt áp, nổ phá - xuyên lõm 2 lượng nổ tandem

Khả năng xuyên giáp bên dưới giáp phản ứng nổ, mm: 1.300-1.400 - 600-800(*)

Hệ dẫn: Bằng tia laser - Đầu tự dẫn hồng ngoại

Tốc độ bay tối đa, m/s: 300 - 190

Năm trang bị: 1998 - 1996

(*) Thông số này là đủ hiệu quả vì tên lửa tấn công xe tăng từ bên trên nóc xe vào phần được bảo vệ kém nhất của xe tăng.

Nhân Vũ