In bài này
Mỹ phát triển tên lửa xuyên lục địa thế hệ mới
Chủ Nhật, 04/12/2016 - 10:58 AM
Mỹ chuẩn bị phát triển tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) mới thay cho 450 tên lửa LGM-30G Muniteman III đã gần 50 năm tuổi.
(Wikimedia commons)

Mùa hè năm 2016, trên báo chí xuất hiện tin Mỹ đang tìm kiếm loại ICBM  thay cho các tên lửa Minuteman III. Các tên lửa mới sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2027 thay cho Minuteman  III vốn đang trực chiến từ năm 1970. Từ mùa xuân năm 2016, Không quân Mỹ (USAF) đang xem xét các hồ sơ thầu của các hãng phát triển tên lửa.

Cựu binh thời chiến tranh lạnh
Hiện nay, nòng cốt của lực lượng hạt nhân chiến lược trên mặt đất của Mỹ là 450 tên lửa LGM-30G Minuteman III. Đây là biến thể cuối cùng của họ tên lửa Minuteman mà các mẫu đầu tiên là LGM-30A Minuteman I đã được đưa vào trực chiến vào năm 1962. Việc phát triển Minuteman III bắt đầu vào giữa thập niên 1960, sản xuất loạt vào năm 1968, các đơn vị đầu tiên trang bị LGM-30G đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào năm 1970. Việc sản xuất và triển khai biến thể thứ ba của Minuteman (tên được đặt để vinh danh những dân quân của các thuộc địa Bắc Mỹ đã tham gia các cuộc chiến tranh với người da đỏ và chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ) hoàn tất vào năm 1978.

Minuteman III có trọng lượng phóng 35 tấn, mang được tải trọng hữu ích 1.150 kg. Ban đầu, tên lửa được trang bị 3 đầu đạn, nhưng hiện nay, theo những hạn chế áp đặt bởi các hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, tên lửa chỉ mang 1 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 300 kT.

450 tên lửa LGM-30G được biên chế cho 3 phi đoàn tên lửa của USAF: Phi đoàn 341 tại căn cứ không quân Malmstrom, Phi đoàn 90 tại căn cứ không quân Warren và Phi đoàn 91 ở căn cứ không quân Minot. Do có tuổi tác đã cao, các tên lửa này thường xuyên được sửa chữa và hiện đại hóa tăng hạn sử dụng. Hiện nay, thời hạn sử dụng tên lửa được kéo dài đến những năm 2020. Nổi bật trong các chương trình nâng cấp Minuteman III là:

Guidance Replacement Program (GRP). Chương trình đầu tiên về thời gian nâng cấp Minuteman III, tiến hành liên tục theo chu trình cho đến nay. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật, tên lửa được trang bị các máy tính trên khoang mới và các hệ thống dẫn đường cải tiến.

Propulsion Replacement Program (PRP).
Chương trình đổi mới động cơ được khởi động vào năm 1998 và kết thúc vào năm 2009. Trong khuôn khổ PRP, đã tiến hành thay thế hoàn toàn nhiên liệu rắn ở tất cả các tầng tên lửa, cũng như đã hiện đại hóa một số hệ thống trên khoang.

ICBM Security Modernization Program. Cũng là một chương trình tiếp diễn cho đến ngày nay sau khi bắt đầu vào năm 2004. Trong khuôn khổ chương trình ICBM SMP, hệ thống bảo đảm an ninh cho các bệ phóng và tên lửa được tăng cường nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố và loại trừ tình huống phóng tình cờ (hoặc trái phép).

Rapid Execution and Combat Targeting (REACT). Chương trình hiện đại hóa các hệ thống dẫn đường kéo dài từ 1997-2006. Thời gian chuẩn bị tên lửa trước khi phóng và thời gian chuyển ngắm cho tên lửa sang các mục tiêu mới được rút ngắn.

Safety Enhanced Reentry Vehicle (SERV). Chương trình thay thế đầu đạn. Trong khuôn khổ cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, số lượng đầu đạn trên một tên lửa đã bị giảm từ 3 xuống còn 1 đầu đạn. Minuteman III được trang bị phần chiến đấu Mk.21 với đầu đạn W87 có đương lượng nổ 300 kT (có thể tăng lên đến 475 kT) mà trước đó từng được trang bị cho các tên lửa LGM-118 Peacekeeper bị thủ tiêu theo hiệp ước START-I thay cho các đầu đạn W62 170 kT.

Propulsion System Rocket Engine (PSRE). Đây là chương trình cải tiến động cơ phát động vào năm 2004 và cũng tiếp diễn đến nay, nhằm tăng hạn sử dụng cho Minuteman III đến cuối những năm 2020.

(Boeing)

Cho đến gần đây, nhiều chuyên gia của cả Mỹ và Nga đã cho rằng, với sự ra đi của LGM-30G, lịch sử của các ICBM triển khai trên mặt đất của Mỹ sẽ kết thúc. Nòng cốt của lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ sẽ là các ICBM UGM-133A Trident II trong biên chế hệ thống tên lửa D5 trên các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Ohio, cũng như trên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược tương lai dự kiến đóng. Các thông số cắt giảm tiếp theo dự kiến đối với vũ khí tiến công chiến lược đã làm cho kết cục đó rất có khả năng xảy ra.

Tuy vậy, thực tiễn quan hệ giữa Moskva và Washington, hai chủ sở hữu những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh khiến người ta rất ngờ vực khả năng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START-III hiện nay vốn hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga ở mức 1.550 đầu đạn sẽ được tiếp tục vào năm 2020 bằng một hiệp ước mới với những hạn chế mạnh hơn nữa. Ngoài ra, cũng hoàn toàn có khả năng xảy ra kịch bản cả hai nước sẽ gia tăng đôi chút tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình và lúc đó việc duy trì lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ trên mặt đất sẽ có ý nghĩa.

Tên lửa mặt đất để làm chủ biển cả

Với tất cả những ưu thế của tên lửa triển khai trên biển, các đối thủ trên đất liền của chúng cũng có một số con bài mạnh, có thể rất quan trọng, nhất là trong những hình thức xung đột quân sự có thể xảy ra trong tương lai. Hai con bài chủ yếu là thời gian chuẩn bị trước khi phóng ngắn hơn nhiều và độ chính xác cao hơn nhiều (dĩ nhiên là so với các tên lửa và đầu đạn cùng thế hệ). Trong điều kiện xung đột có sử dụng vũ khí hạt nhân thì cái mà người ta nói là “lạc hậu” lại trở thành bức thiết, việc rút ngắn thời gian chuẩn bị trước khi phóng đóng vai trò đặc biệt, còn các hình thức mới sử dụng ICBM đặt ra những yêu cầu đặc biệt về độ chính xác.

(US Navy)

Theo các chuyên gia quân sự được hỏi ý kiến, các yêu cầu về độ chính xác cao đặt ra là do khả năng sử dụng đầu đạn thông thường ở các tên lửa mới, ngoài các đầu đạn hạt nhân, kể cả đầu đạn chứa các đạn con tự dẫn. Trong những điều kiện đó, nơi mà trước đây đương lượng nổ 300 hay thậm chí 475 kT của đầu đạn hạt nhân đã cho phép sai số có thể là 100 m hay lớn hơn thì nay, vài chục hay vài mét sẽ có ý nghĩa, hơn nữa độ chính xác tương xứng sẽ được bảo đảm mà không sử dụng các hệ thống vệ tinh định vị vì hoạt động của chúng trong điều kiện chiến tranh giữa các đại cường không được bảo đảm.

Một thông số quan trọng nữa là khả năng sống còn cao của lực lượng tên lửa tại trận địa triển khai. Khả năng giấu mình của tàu ngầm tên lửa chiến lược chỉ quan trọng khi tàu ngầm đang ra khơi trực chiến, còn khi đang nằm ở căn cứ thì tàu ngầm rất dễ bị tổn thương, ít ra là dễ tổn thương hơn nhiều so với trận địa tên lửa mặt đất, cách xa bờ biển hàng trăm, hàng ngàn ki-lô-mét. Các trận địa tên lửa hiện đại, kiên cố chỉ có thể bị triệt hạ chắc chắn bằng vụ nổ hạt nhân, nên so sánh với chúng về thông số khả năng sống còn là rất khó.

Chi phí khủng khiếp

Căn cứ vào các thông tin đã công bố, Mỹ dự định triển khai không dưới 400 tên lửa mới triển khai trên mặt đất. Chi phí cho chương trình phát triển và sản xuất các tên lửa mới sẽ là hơn 62 tỷ USD theo thời giá hiện nay từ năm 2015-2044, trong đó gần 14 tỷ dự chi cho hiện đại hóa hệ thống chỉ huy-điều khiển lực lượng hạt nhân chiến lược, 48,5 tỷ USD để mua sắm tên lửa.

(US DoD)

Các khu vực có thể triển khai hệ thống tên lửa mới đang được xem xét là căn cứ đang sử dụng Minot ở North Dakota, Cheyenne ở bang Wyoming và Great Falls ở Montana. Dự kiến, các tên lửa mới sẽ trực chiến ít nhất đến năm 2075.

Không cần nghi ngờ tính khả thi của chương trình này đối với công nghiệp Mỹ, cũng như về khả năng bảo đảm kinh phí. Hiện chưa rõ diện mạo kỹ thuật của tên lửa mới, nhưng có khả năng đây sẽ là tên lửa nhẹ (tầm 45-45 tấn), nhiên liệu rắn (phổ biến đối với phần lớn tên lửa đường đạn hiện đại của Mỹ), có khả năng mang phần chiến đấu kiểu tách chứa nhiều đầu đạn dẫn độc lập và được trang bị hệ thống các phương tiện vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều cuối cùng và có lẽ là thú vị nhất là Mỹ sẽ khó lòng chia xẻ thông tin về khả năng và cơ cấu của hệ thống này.
Long Xuyên