In bài này
Hải quân Trung Quốc: Ngang Nhật, đuổi Mỹ
Thứ Bẩy, 03/12/2016 - 3:39 PM
Bất ngờ vượt khỏi vùng biển ven bờ, Trung Quốc gần như ngang bằng về sức mạnh hải quân với Nhật Bản, tiếp theo là Mỹ.
Hải quân Trung Quốc là ví dụ điển hình phản ánh quá trình tái trang bị triệt để của quân đội Trung Quốc, bởi vì đây là quân chủng trang bị công nghệ phức tạp nhất, việc xây dựng quân chủng mấy nhiều thời gian hơn lục quân và không quân.

Từ giữa thập niên 1990, hải quân Trung Quốc bao gồm chủ yếu là các tàu xuồng cực kỳ cổ lỗ, hơn nữa chiếm thế áp đảo chính là các xuồng (tàu nhỏ) và hạm đội Trung Quốc về thực chất là hạm đội ven bờ. Các tàu ngầm đông đảo chỉ được trang bị vũ khí thô sơ và có mức ồn rất cao.

Những con cá mập của Thái Bình Dương

Trong thập niên gần đây, hạm đội Trung Quốc đã đi qua chặng đường mà Mỹ đã phải mất ít nhất 30 năm, trong thời hạn ngắn kỷ lục này, Trung Quốc thậm chí còn vượt còn Nga và châu Âu, hơn nữa là cả về chất lượng và số lượng.

Hải quân Trung Quốc về tổ chức được chia thành ba hạm đội - Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải với bộ tư lệnh tương ứng đặt tại Thanh Đảo, Ninh Bồ và Trạm Giang. Các cơ cấu theo địa lý xem ra hơi nhân tạo bởi vì khác với Mỹ và Nga, Trung Quốc có một bờ biển dày đặc. Tuy nhiên, vì bờ biển khá dài nên việc chia làm ba rõ ràng là giúp đơn giản hóa công tác chỉ huy hải quân. Đầu năm 2016, các hạm đội đã được gộp vào biên chế các bộ tư lệnh chiến khu Bắc, Đông và Nam mới được thành lập trong quá trình cải cách quân đội thay cho các đại quân khu trước đây.

Thành phần trên biển của lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc trong một thời gian dài chỉ gồm 1 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn khá thô sơ lớp Type 092 (lớp Hạ) với 12 tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm JL-1 (Du Lãng 1). Hiện nay, Trung Quốc đã đóng xong 4 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn hiện đại hơn nhiều lớp Type 094 (lớp Tấn), mỗi tàu mang 12 tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm JL-2 (Du Lãng 2) và các tên lửa chống hạm YJ-8Q. Đang được đóng hoàn thiện là 2 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn hiện đại hơn lớp Type 094B, mỗi tàu sẽ mang 16 tên lửa JL-2.

Các tàu ngầm hạt nhân tiến công lạc hậu lớp Type 091 (lớp Hán) (đã đóng 5 tàu, nhưng 2 tàu đã bị loại, số còn lại biên chế cho hạm đội Bắc Hải) đã bị thay thế bằng 6 tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Type 093 (lớp Thương) (trong đó có 2 tàu Type 093А, 2 tàu Type 093В). Hai tàu đầu tiên biên chế cho hạm đội Nam Hải, 2 tàu Type 093А và 2 tàu Type 093В biên chế cho hạm đội hạm đội Bắc Hải. Trung Quốc đang đóng các tàu ngầm lớp Type 095 có tính năng chiến-kỹ thuật tương đương với các tàu ngầm hạt nhân tiến công tiến tiến của Mỹ và Nga. Họ đã đưa vào biên chế 1-2 tàu lớp này.

Hạm đội tàu ngầm diesel của Trung Quốc là lớn nhất thế giới. Hiện đại hơn cả là 15 tàu ngầm lớp Type 041А (lớp Nguyên, chính là lớp Type 039А/В) với tên lửa chống hạm YJ-8Q và động cơ không cần không khí - ít nhất có 2 tàu trong hạm đội Bắc Hải, không dưới 10 tàu trong hạm đội Đông Hải. Đã khởi đóng các tàu ngầm hiện đại hơn Type 043.

Còn khá mới là 12 tàu ngầm diesel do Nga đóng gồm 2 tàu lớp Projekt 877, 2 tàu lớp Projekt 636, 8 tàu lớp Projekt 636EM với tên lửa chống hạm 3М54Е. Ngoài ra, vào đầu những năm 2000, hạm đội đã tiếp nhận 13 tàu ngầm diesel lớp Type 039 (lớp Tống) - 4 tàu biên chế cho hạm đội Bắc Hải, 4 tàu trong hạm đội Nam Hải, 5 tàu cho hạm đội Đông Hải. Ngoài ra, còn có các tàu ngầm cũ, nhưng vẫn còn khả năng chiến đấu lớp Type 035 (lớp Minh) với tổng số 18 chiếc: 12 chiếc trong hạm đội Bắc Hải, 3 chiếc trong hạm đội Đông Hải và 3 chiếc trong hạm đội Nam Hải. Có lẽ có đến 8 tàu ngầm diesel cũ lớp Type 033 vẫn còn trong biên chế.

Đi trước cả châu Âu

Tàu sân bay duy nhất hiện tại của Trung Quốc là tàu sân bay Liêu Ninh (thuộc biên chế hạm đội Bắc Hải) chính là tàu tuần dương chở máy bay Varyag của Liên Xô đóng dở mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine. Nó không phải là tàu sân bay thực sự do những đặc điểm thiết kế của mình. Trước hết là vì nó có cầu bật ở mũi tàu và không có máy phóng máy bay. Tàu này sẽ mãi mãi là tàu huấn luyện-thí nghiệm, chứ không phải tàu chiến đấu, Trung Quốc mua lại tàu này và hạ thủy chính là với tư cách này. Nhưng Trung Quốc đã bắt đầu đóng các tàu sân bay thực sự của họ.

Các tàu chiến uy lực nhất của hải quân Trung Quốc là các tàu khu trục. Cũ kỹ nhất là các tàu lớp Lữ Đại (Luda), đóng theo thiết kế thời thập kỷ 1950 của Liên Xô, đang dần bị loại bỏ. Trong biên chế hải quân Trung Quốc còn 3 tàu Type 051, hay Lữ Đại I (2 tàu trong hạm đội Bắc Hải, 1 tàu trong hạm đội Đông Hải, 2 tàu đang sử dụng làm tàu huấn luyện, 5 tàu dừng hoạt động), 1 tàu Type 051D (Lữ Đại II trong hạm đội Bắc Hải), 2 tàu Type 051G (Lữ Đại III trong hạm đội Nam Hải).

Cuối cùng, Trung Quốc đã bắt đầu đóng các tàu khu trục thực sự hiện đại (lớp Type 052С/D). Hiện nay, trong biên chế hải quân Trung Quốc có: 6 tàu khu trục Type 052С (4 tàu trong hạm đội Đông Hải, 2 tàu trong hạm đội Nam Hải), 4 tàu Type 052D (hạm đội Nam Hải), 4 tàu đang đóng (2 tàu đóng cho hạm đội Bắc Hải và 2 tàu cho hạm đội Đông Hải). Dự kiến, sẽ có không dưới 12 tàu lớp này.

Cần lưu ý rằng, Trung Quốc về công nghệ đã vượt Nga và tất cả các nước châu Âu trong phát triển tàu mặt nước cỡ lớn, đạt trình độ ba nước tiên tiến nhất trong lĩnh vực này là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự hiện diện của radar mạng pha chủ động và các bệ phóng thẳng đứng vạn năng kinh điển kiểu như Mk41 của Mỹ trên các tàu khu trục các lớp Type 052С và 052D là bằng chứng cho điều đó. Trên các tàu khu trục trước đó lớp Type 051 và Type 052 lắp bệ phóng thẳng đứng vạn năng kiểu trống của Nga, trong đó chỉ có 1 trong 8 tên lửa là sẵn sàng phóng, hơn nữa các bệ phóng thẳng đứng vạn năng này chỉ được thiết kế cho 1 loại tên lửa (tên lửa phòng không có điều khiển dùng cho hệ thống tên lửa phòng không S-300F).

Trên các tàu khu trục mới của Trung Quốc lắp các bệ phóng thẳng đứng vạn năng, trong đó tất cả các tên lửa đồng thời sẵn sàng phòng, còn trên các tàu khu trục Type 052D, các đạn tên lửa có thể thuộc các loại, lớp khác nhau. Trên các tàu này, các bệ phóng thẳng đứng vạn năng chứa 64 tên lửa. Rõ ràng là trong bệ phóng có thể bố trí các tên lửa phòng không HHQ-9, tên lửa hành trình DH-10 và có thể cả tên lửa chống hạm và tên lửa chống ngầm. Điều đó sẽ cho phép các tàu khu trục tấn công cả các mục tiêu trên biển lẫn trên bờ, cũng như bảo đảm phòng không cho các binh đoàn tàu.

Lớp tàu đông đảo nhất của hải quân Trung Quốc là các tàu frigate. Trong đó có 30 tàu lớp Type 053Н đóng theo 7 biến thể: 10 frigate Type 053Н3 (2 tàu ở hạm đội Bắc Hải, 4 tàu ở hạm đội Đông Hải và 4 tàu ở hạm đội Nam Hải), 4 tàu Type 053Н2G (hạm đội Đông Hải), 6 tàu Type 053Н1G (hạm đội Nam Hải), 1 tàu Type 053Н2 (hạm đội Bắc Hải), 6 tàu Type 053Н1 (hạm đội Nam Hải), 1 tàu Type 053Н (hạm đội Đông Hải, trang bị pháo phản lực phóng loạt, sử dụng làm tàu chi viện đổ bộ). Một tàu 053Н được chuyển giao cho lực lượng bảo vệ bờ biển, 2 tàu đang được dùng làm tàu huấn luyện, 4 tàu dừng hoạt động. Được dùng làm tàu huấn luyện còn có 1 frigate Type 053НТН.

Các tàu Type 053Н (ngoài biến thể hiện đại nhất Type 053Н3) đang dần dần bị loại khỏi biên chế hải quân, một số được bán cho các nước khác. Trung Quốc đã đóng thay thế cho các tàu này 2 frigate Type 054 (trong hạm đội Đông Hải) và 22 frigate Type 054А (6 tàu trong hạm đội Bắc Hải, 8 tàu trong hạm đội Đông Hải và 8 tàu trong hạm đội Nam Hải).

Cùng với các vũ khí tiến công quen thuộc đối với hải quân Trung Quốc (8 tên lửa chống hạm С-803 trong các bệ phóng kiểu container), các tàu Type 054А là những frigate đầu tiên của Trung Quốc có khả năng phòng không tương xứng với các tàu lớp này - bệ phóng thẳng đứng vạn năng chứa 32 tên lửa phòng không có điều khiển HHQ-16 được chế tạo dựa trên hệ thống tên lửa phòng không Shtil của Nga. Nhờ vậy, các frigate này sẽ là các tàu hộ vệ vạn năng, có thể dùng để bảo vệ các tàu sân bay ở gần bờ biển Trung Quốc và để tăng cường cho các tàu khu trục ở ngoài khơi xa.

Năm 2012, Trung Quốc đã bắt đầu đóng các tàu lớp Type 056, vốn được xếp loại là frigate cỡ nhỏ, hay như corvette. Hiện nay, đã đưa vào biên chế 26 tàu (7 tàu trong hạm đội Bắc Hải, 6 tàu trong hạm đội Đông Hải, 11 tàu trong hạm đội Nam Hải và thêm 2 tàu nữa biên chế cho lực lượng đồn trú Hồng Công, vốn thuộc địa bàn phụ trách của hạm đội Nam Hải). Tổng số các tàu lớp này sẽ không dưới 50 chiếc.

Đại hạm đội tàu ven bờ
 
Đang trở thành hạm đội đại dương, hải quân Trung Quốc vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về số lượng xuồng chiến đấu (tàu nhỏ). Cụ thể, đó là: đến 112 tàu tên lửa: 83-86 tàu Type 022, 6 tàu Type 037-II, 20 tàu Type 037-IG. Các tàu lớp Type 022 không chỉ là đông đảo nhất thế giới, mà còn là uy lực nhất và hiện đại nhất trong các tàu cùng lớp. Chúng được đóng dựa trên tàu cao tốc hai thân của hãng Austal (Australia), mỗi tàu mang 8 tên lửa chống hạm siêu âm YJ-83.

Đang ở trạng thái dừng hoạt động có đến 75 tàu tên lửa lạc hậu lớp Type 024.  Trong hải quân Trung Quốc có đến 250 tàu hộ vệ: đến 46 tàu Type 037-I, đến 95 tàu Type 037, 17 tàu Type 062-I, đến 98 tàu Type 062. Các tàu Type 062 đang bị loại biên nhanh chóng.

Lực lượng tàu tác chiến thủy lôi gồm có 1 tàu rải lôi Type 918, 2 tàu quét lôi mới nhất Type 082-II, 16 tàu Type 082, 4 tàu Type 081 và 6 tàu Type 082А. Số lượng này tất nhiên là ít. Lực lượng tác chiến thủy lôi là gót chân A-sin của hải quân Trung Quốc.

Lực lượng tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc gồm 4 tàu đốc đổ bộ lớp Type 071 (1 tàu trong hạm đội Đông Hải, 3 tàu trong hạm đội Nam Hải), 33 tàu đổ bộ lớp Type 072 thuộc 4 biến thể (11 tàu Type 072-III - 3 tàu ở hạm đội Bắc Hải, 7 tàu ở hạm đội Đông Hải, 1 tàu ở hạm đội Nam Hải, 15 Type 072А - 2 tàu ở hạm đội Bắc Hải, 7 tàu ở hạm đội Đông Hải, 6 tàu ở hạm đội Nam Hải, 4 tàu Type 072-II - 1 tàu ở hạm đội Đông Hải, 3 tàu ở hạm đội Nam Hải, 3 tàu Type 072 ở hạm đội Đông Hải), 13 tàu đổ bộ hạng trung Type 073 (10 tàu Type 073А, 1 tàu Type 073-III, 2 tàu Type 073-II) và gần 60 tàu đổ bộ nhỏ (8-10 tàu Type 074А, đến 20 tàu Type 074, đến 32 tàu Type 079-II - các tàu Type 079-II  chủ yếu dùng làm tàu chở hàng), cũng như 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Type 12322 đóng ở Ukraine.

Tóm lại, hải quân Trung Quốc đứng số 1 thế giới về số lượng tàu ngầm diesel, frigate, tàu tên lửa và tàu hộ vệ, tàu đổ bộ. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc thua kém Hải quân Mỹ  về tổng trọng tải và sức chở của các tàu đổ bộ. Xét về số lượng tàu ngầm nguyên tử và tàu khu trục, hải quân Trung Quốc đứng thứ ba thế giới (về tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn và tàu ngầm hạt nhân tiến công - sau Hải quân Mỹ và Hải quân Nga, về tàu khu trục - sau Hải quân Mỹ và Hải quân Nhật Bản).

Những chiếc xe tăng trên biển

Không quân hải quân Trung Quốc gồm 6 sư đoàn không quân:

- Hạm đội Bắc Hải: Sư đoàn 2 (các trung đoàn 4, 5, 6) và sư đoàn 5 (các trung đoàn 13, 14, 15);

- Hạm đội Đông Hải: Sư đoàn 4 (các trung đoàn 10, 11, 12) và sư đoàn 6 (các trung đoàn 16, 17, 18);

- Hạm đội Nam Hải: Sư đoàn 8 (các trung đoàn 22, 23, 24) và 9 (các trung đoàn 25, 26, 27).

Trong những năm gần đây, không quân hải quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa triệt để và về số lượng hiện đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.

Lực lượng máy bay ném bom của hải quân Trung Quốc gồm: 39-41 chiếc Н-6 (trong đó có 3-4 H-6D, 27-28 H-6G, và 3 Н-6А có thể được cất giữ) và 116-121 JH-7 (trong đó có 66-70 JH-7А). Н-6 được chế tạo dựa trên máy bay ném bom cực kỳ lạc hậu Tu-16 của Liên Xô, nhưng các biến thể hiện đại của Trung Quốc có khả năng mang tên lửa hành trình CJ-10, cũng như các loại tên lửa chống hạm nên có sức mạnh chiến đấu rất mạnh. JH-7 là máy bay ném bom chiến thuật hiện đại vẫn đang được tiếp tục sản xuất. Không quân hải quân Trung Quốc vẫn cất giữ đến 15 cường kích Q-5.

Lực lượng máy bay tiêm kích trước hết gồm các tiêm kích hạng nặng họ Su-27/30 và các biến thể do Trung Quốc làm nhái. Hiện nay, trong trang bị của không quân hải quân Trung Quốc có 23 chiếc Su-30MK2 do Nga sản xuất, đến 52 J-11В (đến 36 chiếc J-11ВН, đến 16 J-11BSН) là các biến thể sao chép trái phép Su-27, cũng như không dưới 20 tiêm kích trên hạm J-15 sao chép biến thể đầu tiên của Su-27K mua từ Ukraine. Ngoài ra, trong biên chế còn có 22 J-10 (15 J-10АН, 7 J-10SН) và đến 46 chiếc J-8 (ngoài ra, còn không dưới 13 chiếc đang cất giữ). J-11 và J-10 đang tiếp tục được sản xuất nên số lượng các loại máy bay này sẽ tăng lên. Đang được cất giữ có khoảng 70 tiêm kích J-7 (sao chép MiG-21) đã bị loại khỏi biên chế các đơn vị thường trực.

Không quân chống ngầm được trang bị 3 thủy phi cơ SH-5 và 49 trực thăng (14 Kа-28 của Nga, 35 Z-9 của Trung Quốc chế tạo dựa trên AS365 của Pháp). Còn có 6 máy bay chỉ huy-báo động sớm KJ-200 (chế tạo dựa trên máy bay vận tải Y-8), 4 máy bay tiếp dầu H-6DU (chế tạo dựa trên máy bay ném bom Н-6).

Trong biên chế không quân hải quân Trung Quốc có 32 máy bay đa nhiệm Y-8. Trong số đó, 8 chiếc dùng làm máy bay trinh sát điện tử, 4 chiếc làm máy bay chỉ huy-báo động sớm Y-8J, số còn lại dùng làm máy bay vận tải. Còn 3 chiếc Y-8 đang được cất giữ. Ngoài ra, còn có 9 máy bay vận tải Y-7 (còn đến 4 chiếc được cất giữ) và 8 chiếc biến thể huấn luyện HY-7.

Máy bay huấn luyện gồm đến 139 chiếc: Đến 60 JL-8, 35 JL-9, đến 38 CJ-6, 6 Y-5.

Không quân hải quân Trung Quốc còn được trang bị 9 trực thăng chỉ huy-báo động sớm Kа-31, 35 trực thăng vận tải (6 Mi-8, 29 Z-8 của Trung Quốc chế tạo dựa trên SA-321 của Pháp, 8 SA-321 bị đưa vào cất giữ), cũng như 3 trực thăng cứu nạn Kа-27PS.

Thủy quân lục chiến Trung Quốc gồm 2 lữ đoàn (1 và 164) nằm trong biên chế Hạm đội Nam Hải và có triển khai lực lượng chiếm đóng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Binh chủng này cũng đang được trang bị lại, chẳng hạn như được trang bị họ xe chiến đấu Туре 05 chế tạo dựa trên xe chiến đấu bộ binh ZBD-05, trong đó có tăng hạng nhẹ ZTD-05. Hiện tại, các lữ đoàn lính thủy đánh bộ đã được trang bị 124 xe ZTD-05 và 248 xe ZBD-05. Các loại xe tăng-thiết giáp cũ như tăng hạng nhẹ Туре 63А, xe chiến đấu bộ binh Туре 86 và xe bọc thép chở quân Туре 63С (mỗi loại có 62 xe) rõ ràng là đã bị loại bỏ. Lực lượng pháo tự hành gồm hơn 20 pháo tự hành tối tân Туре 07 và khoảng chừng đó pháo tự hành cũ Туре 89 (đều có cỡ nòng 122 mm). Ngoài ra, trong trang bị của thủy quân lục chiến Trung Quốc còn có các hệ thống rocket phóng loạt (pháo phản lực) Туре 63, các hệ thống tên lửa chống tăng HJ-73 và HJ-8, hệ thống tên lửa phòng không mang vác HN-5.

Hiện tại, hải quân Trung Quốc phối hợp với không quân Trung Quốc và các đơn vị đổ bộ của lục quân Trung Quốc đã có khả năng đánh chiếm thành công Đài Loan. Việc này chưa được thực hiện chỉ là vì các lý do chính trị. Trung Quốc đã gần như đạt thế cân bằng trên biển với Nhật Bản và ưu thế áp đảo về lực lượng mặt nước đối với Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ bắt đầu đóng các tàu sân bay với số lượng không dưới 4-5 chiếc, sau đó, hải quân Trung Quốc sẽ có thể cạnh tranh mạnh mẽ với Hải quân Mỹ ở Tây Bắc Thái Bình Dương và ở Ấn Độ Dương.
Nhân Vũ