In bài này
Xu hướng phát triển vũ khí tuần kích
Thứ Sáu, 11/11/2016 - 3:44 PM
Máy bay không người lái cảm tử ngày càng phổ biến trên thế giới.
Hệ thống Harpy NG - một trong những sản phẩm mới nhất của Israel - система Harpy NG (www.iai.co.il)
Đạn tuần kích (vũ khí tuần kích - loitering munition) mà ta quen gọi là máy bay không người lái (kamikaze UAV/drone) cảm tử là các UAV phóng từ mặt đất, cũng như từ các phương tiện mang trên không và trên biển, được trang bị (ngoài các khí tài trinh sát và quan sát) phần chiến đấu được tích hợp với bản thân máy bay đang ngày một phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Sự phát triển của đạn tuần kích được quy định bởi nhiều nguyên nhân.

Các hành động quân sự diễn biến nhanh chóng trong các cuộc xung đột hiện làm gia tăng mạnh vai trò của các hệ thống có khả năng làm rút ngắn chu trình “phát hiện – tiêu diệt”. Đạn tuần kích có cơ chế hoạt động chính là đáp ứng giải quyết nhiệm vụ này khi kết hợp được các chức năng trinh sát, quan sát và tiêu diệt. Ngoài ra, nhờ yếu tố này mà những giải pháp như vậy trở thành vũ khí chính xác hơn và có tính lựa chọn cao hơn so với các hệ thống pháo binh chẳng hạn, dẫn tới làm giảm các tổn thất phụ trong dân thường.

Ngoài ra, các UAV cảm tử, xét về các tham số độ chính xác, vượt trội so với bom không điều khiển, trong khi lại giải quyết được nhiệm vụ mà không gây rủi ro cho các tổ lái máy bay có người lái mang bom truyền thống.

Tóm lại, có thể nói rằng, đạn tuần kích ở mức độ nhất định là phương án thay thế cho các UAV trang bị vũ khí, song lại là các hệ thống đơn giản và rẻ hơn nhiều.

Chính vì vậy mà ý tưởng đạn tuần kích đã biết đến từ lâu, dựa trên làn sóng phát triển thành công các công nghệ vi điện tử, vô tuyến điện tử và quang-điện tử, đã có sự phát triển bùng nổ mới, đưa đến sự ra đời hàng loạt hệ thống mới với các tính năng kỹ thuật khác nhau ở các nước phát triển về công nghệ trên thế giới.

Israel

Hệ thống Harpy do tập đoàn Israel Aviation Industries (nay là Isarael Aerospace Industries - IAI) của Israel phát triển, dùng để tiêu diệt các hệ thống phòng không đối phương, có lẽ là một trong những hệ thống đạn tuần kích đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Harpy cất cánh lần đầu tiên vào năm 1989.

Harpy với cánh hình tam giác, sải cánh 2 m, có trọng lượng cất cánh 125 kg. Ban đầu, sử dụng động cơ rotor-piston Wankel UEL AR731, trong phần đầu UAV bố trí một phần chiến đấu phá-mảnh. Phóng từ ống phóng kín bằng các động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn. Thời gian bay tối đa 3 giờ.

Tháng 9/2009, Không quân Ấn Độ đã mua 10 hệ thống cải tiến có tên Harop (sẽ được giới thiệu bên dưới) với giá 100 triệu USD. Hệ thống này cũng được trang bị cho quân đội Israel, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Hàn Quốc. Biến thể Harpy cải tiến đã được chào bán cho Anh trong khuôn khổ chương trình IFPA.

Phát triển thiết kế Harpy trong những năm 2001-2005, IAI đã chế tạo được UAV Harop và lần đầu trưng bày công khai vào năm 2009 tại triển lãm hàng không Aero India. Về khái niệm, Harop giống với loại tiền bối Harpy, nhưng có thiết kế kiểu “vịt”, thân có hình dáng khác và cánh dạng phức tạp hơn có sải cánh 3 m. Ngoài đầu tự dẫn radar, nó còn được trang bị hệ thống quan sát quang-điện tử Tamam do IAI phát triển lắp trên giá quay. Harop phóng từ ống phóng kín bố trí trên các phương tiện mang khác nhau.

Harop có sải cánh gần 3 m, trọng lượng phóng 135 kg và cũng được trang bị động cơ rotor-piston để dẫn động quay cánh quạt đẩy. Có tin Harop có thể bay trong thời gian lên tới 6 giờ với tầm bay đến 1.000 km. Ngoài Israel, hệ thống này cũng đã được bán sang Ấn Độ và Azerbaijan. Nhiều khả năng, lần ứng dụng thực chiến đấu tiên của UAV này là trong đợt giao tranh từ ngày 1-4/4/2016 ở Nagorny Karabakh giữa các lực lượng của Azerbaijan và Armenia.

IAI cũng đang phát triển biến thể nhẹ hơn của Harop với kích thước nhỏ hơn 5 lần so với Harop. Phần chiến đấu nhẹ hơn sẽ có trọng lượng gần 3-4 kg. Thời gian bay sẽ là 2-3 giờ. Không loại trừ, nó sẽ mở ra một họ mới đạn tuần kích tiểu hình.

Một công ty khác chuyên chế tạo UAV cảm tử là UVision. Dòng hệ thống đạn tuần kích Hero do công ty chào bán có 6 mẫu.

Ba hệ thống nhẹ nhất là Hero 30, Hero 70 và Hero 120 thuộc loại hệ thống tầm ngắn và tầm gần. Cả ba đều có cánh hình chữ thập và cánh đuôi hình chữ thập, trang bị một động cơ điện. Tất cả các biến thể đều có độ bộc lộ âm thanh và nhiệt thấp.

Hệ thống chiến thuật mang vác Hero 30 nặng 3 kg có phần chiến đấu 0,5 kg. Thời gian bay tối đa 30 phút, bán kính hoạt động 5-40 km. Chức năng chính là diệt sinh lực địch. Hãng thiết kế dự định trong tương lai đưa ra biến thể đặc biệt của hệ thống này dành cho khách hàng Mỹ. Hero 70 có trọng lượng cất cánh 7 kg và phần chiến đấu 1,2 kg có thể hoạt động ở tầm đến 40 km, bay tuần tiễu trong 45 phút. Hero 70 có thể sử dụng để chống các phương tiện vận tải của đối phương. Mẫu thứ ba là Hero 120 nặng 12,5 kg mang phần chiến đấu 3,5 kg, nên có thể dùng nó chống các loại công trình, cũng như xe bọc thép nhẹ. Bán kính hoạt động là đến 40 km, thời gian bay có thể đạt tới 60 phút.

Ba trong 6 hệ thống UAV cảm tử còn lại của UVision có tính năng kỹ-chiến thuật cao hơn và có thể liệt vào lớp tầm trung. Khác với 3 hệ thống nhỏ hơn là Hero 30/70/120, 3 hệ thống này có thiết kế kiểu “cánh đặt cao”. Cánh đuôi cũng dạng chữ thập và đều sử dụng động cơ đốt trong chạy xăng.

UAV Hero 250 nặng 25 kg có thể bay trong thời gian lên đến 3 giờ với tải trọng chiến đấu mang theo 5 kg. Bán kính hoạt động là 150 km. UAV nặng hơn là Hero 400 có trọng lượng cất cánh 40 kg, bay liên tục được không dưới 4 giờ, với cùng bán kính hoạt động 150 km. Phần chiến đấu được tích hợp có trọng lượng 8 kg cho phép sử dụng hệ thống này để chống nhiều loại mục tiêu như xe tăng và các phương tiện vận tải bọc thép.

Cuối cùng là Hero 900. Hiện tại, đây là đạn tuần kích nặng nhất của UVision. Trọng lượng phóng là 97 kg, kể cả phần chiến đấu 20 kg. Theo Uvision, Hero 900 có thời gian bay 7 giờ, bán kính hoạt động 250 km, điều này xem ra là hơi lạc quan.

Aeronautics Defense Systems, một công ty nữa của Israel cũng nổi tiếng trong lĩnh vực phát triển các hệ thống UAV, đã bổ sung đạn tuần kích Orbiter 1K vào vào dòng UAV của mình. Orbiter 1K dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu khác nhau ở chiều sâu chiến thuật, bao gồm sinh lực địch, cũng như các mục tiêu động và cố định, trong đó có các mục tiêu bọc thép nhẹ.
Orbiter 1K có thiết kế dạng “cánh bay”được phát triển trên cơ sở Orbiter 2 và có mức độ chuẩn hóa cao với UAV này. Động cơ điện làm quay cánh quạt đẩy. bán kính hoạt động 50-100 km. Tải trọng trên khoang 2,5 kg gồm một camera quang-điện tử/hồng ngoại dòng Controp STAMP và phần chiến đấu phá-mảnh “chứa các viên bi volfram đặc biệt”. Hệ thống có chế độ dừng thực hiện nhiệm vụ và quay về nơi xuất phát.

Mỹ

Mỹ hiện nay cũng có một số dự án vũ khí tuần kích, chủ yếu là loại cỡ nhỏ. Ví dụ, AeroVironment, hãng nổi tiếng về phát triển các hệ thống UAV, đang chào bán UAV cảm tử Switchblade. UAV này lắp 2 cánh mở bung, một ở phía đầu, một ở phía đuôi, phóng từ ống phóng. Tổng trọng lượng của hệ thống chỉ là 2,5 kg. Switchblade có thể bay trong vòng 10 phút ở cự ly đến 10 km so với người điều khiển. Hệ thống này hiện đã được trang bị cho Lục quân Mỹ. Người ta cũng đã thực hiện các thí nghiệm nhằm đánh giá khả năng sử dụng các phương tiện mang khác nhau, cả trên không và trên biển, dành cho UAV này.

Công ty Lockheed Martin cũng đang có những nghiên cứu về vũ khí tuần kích. Phân hãng tên lửa của công ty đã phát triển hệ thống Terminator. Ban đầu, người ta định chế tạo UAV ở dạng máy bay cánh đặt giữa, 2 cánh quạt, với cánh thẳng. Tuy nhiên, vào năm 2015, công ty đã trưng bày một thiết kế được làm lại hoàn toàn của UAV này. Đó là một UAV một động cơ với cánh đặt thấp, cánh đứng đuôi dạng chữ V ngược. Có tin khi chế tạo Terminator, người ta đã dùng công nghệ in 3 chiều (3D) với vật liệu nylon. UAV được phóng đi từ thùng chứa (khái niệm Terminator-in-Tube - TNT). Ở phần đầu UAV có lắp hệ thống quan sát 2 kênh. Có tin, hệ thống có thể sử dụng các loại phần chiến đấu khác nhau, trong đó có các loại tạo mảnh và nhiệt áp.

Công ty Textron, cũng tham gia vào lĩnh vực UAV, đã phát triển đạn tuần kích BattleHawk với cánh hình parabol, sải cánh gần 0,7 m. Đây là UAV nhẹ, xách tay có tổng trọng lượng với cả cơ cấu phóng là chưa đến 4,5 kg, và là giải pháp kết hợp một quả đạn phá-mảnh 40 mm do Công ty Textron phát triển và một UAV mini Maveric của Công ty Prioria Robotics. Được trưng bày lần đầu tiên vào năm 2011. Trên khoang có lắp hệ thống quan sát độ phân giải cao, cho phép theo dõi các mục tiêu động, cũng như chỉ dẫn đến các mục tiêu này. Phóng từ ống phóng. Thời gian bay là gần 30 phút, tầm hoạt động 5 km.

Châu Âu

Ở các quốc gia Tây Âu, nổi bật nhất trong lĩnh vực UAV là Công ty MBDA, vốn là liên doanh của các hãng BAE Systems, Airbus Group và Finmeccanica. Tại đây, theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Anh, từ cuối thập niên 1990, đã tiến hành phát triển đạn tuần kích Fire Shadow. UAV có trọng lượng cất cánh gần 200 kg, cất cánh từ máy phóng hoặc thùng phóng trên phương tiện mặt đất. Cánh của UAV dạng gấp, các công-xon mở ra sang trạng thái bay khi cất cánh. Khi cần, Fire Shadow có thể tuần tra đến 6 giờ ở khu vực đã định.

Mùa xuân năm 2008, Fire Shadow đã thực hiện chuyến bay đầu và khẳng định những tính năng mà nhà thiết kế đặt ra. Kết quả là tháng 6/2008, Bộ Quốc phòng Anh đã ký hợp đồng với MBDA để tiếp tục phát triển hệ thống. Năm 2012, MBDA đã thông báo bắt đầu sản xuất loạt Fire Shadow. Cũng trong năm 2012, lô đầu tiên gồm 25 hệ thống đã được bàn giao, tuy nhiên, việc sử dụng tác chiến dự định tiến hành ở Afghanisttan, song theo thông tin có được thì điều đó đã không xảy ra.

Ngoài dự án kể trên với UAV khá nặng, MBDA còn chào hàng đạn tuần kích dựa trên UAV mini với cánh dạng bơm hơi và một động cơ điện. UAV TiGER (Tactical Grenade Extended Range) được trang bị 2 quả đạn 40 mm. Thời gian bay và tầm hoạt động cực nhỏ - tương ứng chỉ là vài phút và gần 3 km.

Các dự án tương tự cũng đang được tiến hành ở Đông Âu. Ví dụ, Công ty WB Electronics của Ba Lan đang chào hàng đạn tuần kích với tải trọng hữu ích module Warmate. Lần đầu tiên nó được trưng bày cho công chúng vào năm 2014. Đây là UAV cỡ nhỏ, nặng 4 kg với cánh gấp, phóng từ thùng chứa đặc biệt. Warmate có thể sử dụng để chống sinh lực đối phương, cũng như chống phương tiện vận tải bọc thép nhẹ. Trên UAV, ngoài hệ thống quan sát quang-điện tử do Ba Lan phát triển, còn có thể lắp phần chiến đấu nổ lõm hoặc phá-mảnh. Bán kính hoạt động là 10 km, thời gian bay tối đa có thể thực hiện ở các chế độ tự động, bán tự động hay bằng tay là 30 phút. Được biết, ngoài quân đội Ba Lan, WB Electronics cũng đã cung cấp các hệ thống này cho Ukraine. Theo thông tin hiện có, chúng đã được sử dụng trong quá trình giao tranh ở vùng Donbass. WB Electronics cũng có kế hoạch xúc tiến các hệ thống này vào không gian hậu Xô-viết.

Điều thú vị là Belarus cũng có một số kết quả ban đầu trong lĩnh vực phát triển đạn tuần kích. Tại triển lãm Army-2016, họ đã trưng bày mẫu chế thử một UAV như vậy do Trung tâm khoa học-sản xuất Các hệ thống và công nghệ máy bay không người lái (NPTs Bespilotnye aviatsionnye kompleksy a tekhnologyy) dự kiến lắp trên UAV Burevestnik (dưới mỗi công-xon cánh lắp 1 UAV tấn công). Trọng lượng của đạn tuần kích này là 26 kg, trong đó có phần chiến đấu 10 kg. Khi phóng từ phương tiện mang (UAV mang) ở độ cao 3,5 km, đạn tuần kích sẽ có tầm hoạt động không dưới 36 km.

Xu hướng chung

Vũ khí tuần kích hiện là một trong những hướng triển vọng trong phát triển các hệ thống UAV. Chúng rất phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi hành động nhanh trong tình huống chiến đấu thay đổi nhanh chóng. Trong khi chờ đợi tiến bộ tiếp theo trong lĩnh vực phát triển vũ khí tuần kích, các công ty ở nhiều nước công nghệ phát triển đang thực hiện các dự án nghiên cứu chế tạo các hệ thống này. Một phần trong số đó đang được tiến hành bằng kinh phí hỗ trợ của các bộ quốc phòng các nước quan tâm, một phần thì do tự bỏ tiến ra đầu tư phát triển.Tuy nhiên, hiện nay, có thể nói rằng, sự phát triển công nghệ đã cho phép đưa khả năng của chúng lên đến mức cho phép dự đoán rằng, hướng này sẽ có triển vọng tốt và thể hiện sự phát triển tiếp theo.
Nhân Vũ