In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Khúc dạo đầu - Suối nhỏ biến thành sông lớn (3)
Thứ Sáu, 10/10/2014 - 10:25 AM
Sau khi “Phòng đen” chấm dứt tồn tại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định củng cố và tăng cường hoạt động tình báo vô tuyến điện tử của mình.
Nhằm mục đích đó, vào năm 1930, quân đội Mỹ đã thành lập Cục Mã thám Lục quân của riêng mình, trong biên chế của nó, ngoài người đứng đầu còn có ba chuyên gia mã thám và hai thư ký.

Do căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Nhật, người ta đòi hỏi Cục Mã thám Lục quân thu thập từ các kênh thông tin liên lạc của Nhật ngày càng nhiều loại tin tình báo mà để bảo đảm an toàn và tiện trích dẫn, nguồn tin này đã được cục trưởng tình báo Hải quân Mỹ đặt mật danh là Magic ngay từ đầu thập kỷ.

Cần phải nói là người Nhật không hề coi nhẹ mật mã. Năm 1934, Hải quân Nhật đã mua một loạt máy mã thương mại của Đức. Cũng trong năm đó, họ bắt đầu sử dụng chúng cả ở Bộ Ngoại giao Nhật. Tại đây, dựa trên máy mã này, người ta đã xây dựng hệ mã bí mật nhất của Nhật. Ngoài hệ mã này, đất nước mặt trời mọc còn có nhiều hệ mã khác. Bộ Chiến tranh, Bộ Hải quân và Bộ Ngoại giao Nhật đã sử dụng mã lặp để liên lạc. Đồng thời, mỗi bộ lại có một bộ các mật mã của mình. Ví dụ, riêng Bộ Ngoại giao Nhật cũng có tới bốn hệ mã được sử dụng tuỳ thuộc độ mật của tin tức cần truyền đi. Ngoài các mã này, họ còn sử dụng các hệ mã bổ trợ nữa.

Dòng suối nhỏ Magic khởi nguồn vào đầu thập niên 1930, sau năm 1940 đã trở thành dòng sông lớn mà từ đó giới quân sự Mỹ khai thác được các tin tức quan trọng về các kế hoạch quân sự và chính trị của Nhật Bản. Công lao trong việc này không chỉ thuộc về người Nhật vì họ đã trang bị rộng rãi cho các nhà ngoại giao của mình các loại mã không tin cậy, mà còn thuộc về cả thiếu tướng Mỹ Joseph Morborne, người được bổ nhiệm làm tư lệnh binh chủng thông tin liên lạc của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng 10 năm 1937.

Morborne  từ lâu đã quan tâm đến mã thám. Năm 1914, khi còn là một trung uý nhất trẻ, ông đã giải phá được mật mã quân sự của Anh và viết cuốn sách dày 19 trang mô tả kỹ thuật giải mã mà ông đã áp dụng. Đó là ấn phẩm đầu tiên về mã thám mà chính phủ Mỹ cho phép xuất bản.

Trở thành tư lệnh thông tin liên lạc, Morborne lập tức hạ lệnh tăng cường công tác mã thám. Ông đã cải tổ Cục Mã thám Lục quân thành một cơ quan độc lập trực tiếp trực thuộc ông, mở rộng phạm vi hoạt động của nó, tăng ngân sách và biên chế, thành lập các chi nhánh, trở thành người khởi xướng các khoá học mã thám hàm thụ, hiện đại hoá và tăng cường các phương tiện chặn thu.

Morborne về hưu tháng 9 năm 1941. Đến lúc đó, Cục Mã thám Lục quân đã trở thành một tổ chức hiệu quả và hùng mạnh với gần 200 sĩ quan, binh sĩ và nhân viên dân sự ở Washington và 150 người hoạt động tại các trạm chặn thu. Cơ quan này có trường riêng để dạy mật mã học cho các sĩ quan và nhân viên dự bị. Trong biên chế của cơ quan này còn có đại đội tình báo vô tuyến điện tử phụ trách bảo dưỡng các trạm chặn thu và bốn phân đội ở thủ đô là hành chính, mã thám, mật mã và nguỵ trang tin tức (stenography) (Stenography là tập hợp các phương pháp che giấu tin tức, ví dụ như sử dụng mực mật - ND).
Chu Hà