In bài này
Tình báo điện tử: Kết luận - Tiếp theo là cái gì? (2)
Thứ Hai, 31/10/2016 - 9:46 AM
Tương lai tình báo vô tuyến điện tử sẽ ra sao thì thời gian sẽ có câu trả lời. Lịch sử các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử đã chứng minh hùng hồn rằng, những chi phí để duy trì và phát triển các cơ quan đó hoàn toàn không phải vô ích mà là được đền bù xứng đáng dù cho có những thất bại và thiếu sót.
Thắng cuộc trước hết là các cường quốc đã phối hợp nỗ lực xây dựng được một hệ thống tình báo vô tuyến điện tử phát triển hơn. Đến đầu thập niên 1990, với sự sụp đổ của Liên Xô, một trong những nước từng nhiều năm đi đầu trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử, thế giới đã rơi vào một “cái lồng do thám điện tử” của người Anh và Mỹ, mặc dù nhân loại chưa nhận thức được ngay những hậu quả tồi tệ của tương quan lực lượng mới.

Vấn đề là ở chỗ con người không bao giờ biết cách học hỏi kinh nghiệm từ những bất hạnh trong quá khứ của mình. Nhân loại nhất định trông chờ bạo lực sẽ xuất hiện ở dạng mà nó đã đến với sân khấu lịch sử trong lần gần đây nhất. Những vở kịch có tính biểu tượng của thập niên 1950 luôn gộp những kẻ đê tiện da đen và đi ủng cao vào số các nhân vật của thế lực cái ác.  Nhưng trong khi nghệ thuật đang làm việc nhai lại kinh nghiệm của những thảm hoạ quá khứ thì bạo lực mới đã lẳng lặng xâm nhập, tồn tại dễ dàng và vô hình trong đời sống của chúng ta.

Việc tình báo vô tuyến điện tử Mỹ tiến hành nghe lén trên toàn cầu từ hơn bốn ngàn căn cứ do thám nằm rải rác khắp địa cầu lại không hề làm cho ai trên trái đất lo âu. Rõ ràng là một phần lớn trong số 200 ngàn nhân viên NSA là các nhà toán học và kỹ sư chứ không phải kẻ đê tiện ranh ma mặc đồng phục. Đó là sức ỳ của tư duy khi mà công luận thế giới dễ dàng phẫn nộ vì các hành động bạo lực phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, nhưng lại thờ ơ với NSA.

Có thể dự báo ngắn gọn như sau về tương lai phát triển của tình báo vô tuyến điện tử thế giới trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ. Một là quy mô hoạt động của các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử các nước và việc tài trợ cho chúng chí ít là không giảm.

Hai là người ta sẽ chú ý nhiều đến việc thu thập tin kinh tế cụ thể (các hàng hoá, công nghệ, các giao dịch thương mại và ngân hàng). Và ba là hoạt động tình báo vô tuyến điện tử khai thác tin từ các kênh liên lạc thương mại, dữ liệu máy tính và ngân hàng sẽ mạnh và rộng hơn.

Tình báo vô tuyến điện tử là một nét không thể tách rời của mọi thiết chế nhà nước phát triển trong thế kỷ XX, đã trải qua cả đế chế phát xít, cả đế quốc Anh và phe xã hội chủ nghĩa. Tình báo vô tuyến điện tử cũng sẽ giữ được vai trò của nó cả trong thế kỷ XXI.

Chu Hà